Dựa vào khải thị của Thần đi tìm Cứu Thế Chủ, những bí mật nào được cất giấu trong Tự viện Labrang ở Tây Tạng? Vị Cứu Thế Chủ trong truyền thuyết cổ lão Đông – Tây kỳ thực là ai?! Thời nào mới có thể có được sự cứu chuộc của Ngài?
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Bí mật của Tự viện Labrang
Câu chuyện của chúng ta hôm nay bắt đầu với một ngôi tự viện không tầm thường trên một cao nguyên đầy tuyết. Đây là địa điểm quay bộ phim ăn khách năm 2004 “Thiên hạ vô tặc“, Tự viện Labrang ở huyện Hạ Hà, tỉnh Cam Túc. Trong phim, một cặp phu thê “đạo chích” được Phật Pháp cảm hóa sau khi đến thăm Tự viện Labrang, quyết tâm tu sửa, làm lại cuộc đời. Sau đó, để bảo vệ một nông dân ngây thơ và lương thiện, mà hai vợ chồng họ thiên nhân vĩnh cách. Đương thời, câu chuyện đã khiến rất nhiều người cảm động, và Tự viện Labrang từ một nơi tịch lặng vô danh đã trở thành một điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng.
Tuy nhiên, ở Tây Tạng, Tự viện Labrang, được xây dựng từ những năm Khang Hy, có lịch sử hơn 300 năm, kỳ thực đã có thanh danh hiển hách. Đây là một trong sáu đại tự viên của phái Cách Lỗ của Phật giáo Tạng truyền, có kho lưu trữ phong phú và đầy đủ nhất về điển tịch văn hóa Tạng tộc, được xưng tán là “Học phủ Phật giáo Tạng truyền lớn nhất thế giới”. Người Tây Tạng đều coi việc con cái của họ có thể được nhận vào Tự viện Labrang để học Phật Pháp là vinh dự.
Có thể là để hoằng dương Phật Pháp, tự viện Labrang không chỉ thu hút nhiều đệ tử, mà đối với du khách thập phương cũng thập phần thân thiện, có những hướng dẫn viên du lịch và những vị lạt ma chuyên môn dẫn mọi người đi thăm quan các điện thờ và thao thao giảng giải về những câu chuyện đằng sau những bức Phật tượng. Đối với du khách thập phương, điều mà họ cảm thán nhất chính là bức tượng Phật Di Lặc được cung phụng trong tự viện.
Nhắc đến Phật Di Lặc, điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là tám chữ “Tiếu khẩu thường khai, đại đỗ năng dung”, (miệng cười rất tươi, bụng lớn năng dung). Trên thực tế, hình tượng Phật Di Lặc mập mạp mà chúng ta thường thấy với cái bụng lớn là hòa thượng Bố Đại, sống vào thời Ngũ Đại Hậu Lương, quanh năm mang túi vải đi khất thực, luôn vui vẻ và chẳng quan tâm bất cứ điều gì. Trước khi mất, ông đã lưu lại câu thơ thế này: “Di Lặc, Di Lặc, chân Di Lặc, hóa thân thiên bách ức, thời thời thị thời nhân, thời nhân tự bất thức”. Vì trong bài thơ có nhắc đến Di Lặc, người ta liền cho rằng ông là Phật Di Lặc chuyển thế, do đó sau này liền lấy hình tượng của ông tố thành Phật Di Lặc, dùng hình tượng cởi mở, bụng to để khuyến dụ mọi người hãy đãi nhân khoan dung, hành thiện tích đức.
Tuy nhiên, tượng Phật Di Lặc được cung phụng trong Tự viện Labrang là một hình tượng hoàn toàn khác. Trong tự viện có một điện thờ Phật Di Lặc chuyên biệt, tượng Phật Di Lặc được cung phụng trong điện bằng đồng dát vàng, thập phần cao lớn, ước cao khoảng 8 mét, thần thái túc mặc, bảo tướng trang nghiêm.
Trong một ghi chú du lịch được viết bởi một cư dân mạng vào năm 2010, vị lạt ma hướng dẫn du khách giảng giải: “Đức Phật Di Lặc còn được gọi là ‘Đức Phật tương lai’, tượng Phật là do những thợ thủ công người Nepal được trụ trì đời thứ hai của chùa yêu cầu chế tác đặc biệt. Bức tượng Phật Di Lặc này trên tay cầm Pháp Luân, biểu thị tương lai Đức Phật sẽ mang Pháp Luân và Bát Đại Kim Cương hạ thế độ nhân.”
Lúc này, một du khách hỏi, thế tay trông có vẻ rất đặc biệt này có ý nghĩa gì? Vị lạt ma nói, “Đó là hướng đến thế gian con người mà chuyển động Pháp Luân.”
Sau đó, vị lạt ma chỉ vào bức tượng Phật nhỏ đặt trước tượng Phật Di Lặc lớn và nói: “Đây là Phật Thích Ca Mâu Ni, còn được gọi là ‘Phật hiện tại’. Ngài và ‘Phật tương lai’ nhất tiền nhất hậu hạ thế cứu độ thương sinh.” Điều này có điểm hơi kỳ lạ. Ngay cả trong Phật giáo Tạng truyền, Thích Ca Mâu Ni luôn rất được kính trọng, chưa từng thấy tự viện nào dám đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni thấp hơn tượng Phật khác một cái đầu.
Việc này được giải thích như thế nào? Chỉ thấy vị lạt ma từ tốn nói: “Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chỉ có thể độ các đệ tử của ngài. Khi ngài viên tịch, ngài nói với các đệ tử rằng nhân loại trong tương lai sẽ do Đức Phật Di Lặc hạ thế cứu độ. Đức Phật Di Lặc là Đức Phật quảng đại Thần thông tối cao trong vũ trụ, là vị cứu tinh duy nhất của tất cả chúng sinh trong vũ trụ.”
Tự viện Labrang đối với Đức Phật Di Lặc thập phần kính mộ. Tại sảnh đường lớn nhất trong chùa, trong hậu điện phía Tây của Học viện Văn Tư, cũng có một bức tượng Phật Di Lặc lớn bằng đồng dát vàng. Vị lạt ma hướng dẫn cho biết, “Bức tượng Phật này giống với tượng Phật Di Lặc ở Đại Kim Ngõa Điện, điểm khác biệt là bức tượng này ở tư thế nửa ngồi nửa đứng, biểu thị tương lai Đức Phật sẽ khởi thân đến nhân gian phổ độ chúng sinh.”
Nghe đến đây, không ít du khách lẩm bẩm trong lòng. Bởi điều này rất khác so với hình tượng Đức Phật Di Lặc trong tâm trí mọi người. Tuy nhiên, với địa vị của Tự viện Labrang trong Phật giáo Tạng truyền, có vẻ như họ căn bản không cần phải làm một số điều giật gân để thu hút khách du lịch. Đức Phật Di Lặc có thực sự là Phật Chủ của vũ trụ, nắm tương lai trong tay?
Phật Di Lặc tương lai
Cần nói thêm, kỳ thực trong Phật giáo Đại thừa, từ trước đến nay đều có thuyết pháp “Tam thế Phật”, tức là Phật Nhiên Đăng ở quá khứ, Phật Thích Ca ở hiện tại, và Phật Di Lặc ở tương lai. Phật Nhiên Đăng là một vị Phật cổ trước thời Phật Thích Ca, từng tiên tri về Thích Ca Mâu Ni trong quá khứ, và dự ngôn rằng Thích Ca tương lai sẽ thành Phật. Khi Thích Ca Mâu Ni tại thế, ngài cũng từng chỉ ra, rằng khi Pháp của ngài không độ nhân được nữa thì Phật Di Lặc sẽ lại hạ thế độ nhân, còn đặc biệt dặn dò đệ tử lớn nhất là Maha Ca Diếp hãy đợi Đức Di Lặc ở núi Kê Túc, lấy tăng y của mình giao lại cho Phật Di Lặc, hoàn thành nghi thức chuyển giao. Chúng tôi đã giới thiệu chi tiết về câu chuyện này trong video về Đại đức Ca Diếp trước đó, bạn quan tâm có thể đến xem.
Vậy khi nào thì Phật Di Lặc hạ thế độ nhân? Trong kinh Phật có nói rằng, điều này phải đợi Đức Chuyển Luân Thánh Vương tiếp quản nhân gian.
Ví dụ, trong “Phật Thuyết Trường A Hàm Kinh Tập 6” có đề cập rằng, tương lai “hữu Phật xuất thế, danh vi Di Lặc Như Lai…. bỉ chúng đệ tử hữu vô số thiên vạn, như ngã kim nhật đệ tử số bách.… Bỉ thời, hữu Vương danh viết Nhương Cà, sát lợi thủy kiêu đầu chủng Chuyển Luân Thánh Vương.”
Qua đoạn Kinh này có thể thấy, Thích Ca Mâu Ni tin rằng bản thân mình mang theo đệ tử xuất gia tu hành, chỉ có thể độ được vài trăm người, nhưng chúng đệ tử của Đức Phật Di Lặc thì có tới “vô số ngàn vạn”. Điều đó được thực hiện như thế nào? Chiểu theo thuyết pháp trong kinh điển Phật giáo “Kinh Di Lặc hạ sinh”, chính là hiện thực “nhân gian tịnh thổ”. Một số người đã giải thích nó rằng, đó hẳn là có thể tu luyện tại nhân gian không cần xuất gia. Trong tu luyện cũng đồng thời khiến đạo đức nhân gian hồi thăng, cuối cùng thành một phương tịnh thổ. Mà lúc đó, nhân gian sẽ do ai quản? “Đức Chuyển Luân Thánh Vương”.
Đức “Chuyển Luân Thánh Vương” trong thần thoại Ấn Độ là vị quân vương thống nhất thế giới. Khi đó, thiên thượng sẽ xuất hiện một kim luân (bánh xe vàng) xoay chuyển như một con dấu. Người sở hữu kim luân xoay chuyển này sẽ là người thống trị thế giới và toàn vũ trụ, và Ngài sẽ dùng sự từ bi và trí huệ của mình để trị lý thế giới. Năm đó khi Thích Ca Mâu Ni xuất sinh, có một người xem tướng nói rằng, thái tử tương lai nếu không xuất gia, sẽ trở thành “Kim Luân Vương”. Sau này, khi Thích Ca Mâu Ni giảng Pháp, ngài cũng đã nhiều lần nhắc đến Chuyển Luân Thánh Vương, và thường cùng đề cập đến Đức Phật Di Lặc tương lai.
Chính vì vậy, trong các kiến giải của hậu thế, đặc biệt ở Đông thổ, người ta tin rằng khi Phật Di Lặc hạ thế độ nhân, Ngài và Chuyển Luân Thánh Vương sẽ hợp hai làm một, giống như lưỡng thân của một cá nhân, Phật sẽ dùng thân phận Vương tại nhân gian để quảng truyền Phật Pháp, cứu độ thế nhân. Tự viện Labrang dường như cũng đã chọn thuyết pháp này, nên dùng hình tượng Phật Di Lặc tay cầm Pháp Luân và hướng về nhân gian chuyển động.
Phật hoa Ưu Đàm khai nở
Vậy khi nào Đức Chuyển Luân Thánh Vương sẽ thống trị nhân gian? Trong kinh Phật có nói rằng hoa Ưu Đàm Bà La, loài hoa của điềm lành, vào thời điểm đó sẽ khai nở.
“Ưu Đàm Bà La” (Udumbara) là một từ tiếng Phạn, có nghĩa là linh thụy. Hoa Ưu Đàm là thánh hoa Phật quốc, loài hoa “thanh bạch vô tục diễm”, “Pháp hoa văn cú” nói: “Ưu Đàm hoa giả, thử ngôn linh thụy. Tam thiên niên y hiện, hiện tắc Kim Luân Vương xuất.”, ý tứ là loài hoa Ưu Đàm là mang điềm lành, ba ngàn năm mới xuất hiện, khi xuất hiện ắt Kim Luân Vương xuất thế. Ba ngàn năm mới xuất hiện một lần, đường kính của hoa chỉ 1mm, đóa hoa hình chuông, sắc trắng nhạt, cuống mỏng như sợi chỉ vàng, nở về đêm, có mùi thơm, mang đến điềm lành.
Trong quyển thứ tám của “Huệ Lâm Âm Nghĩa”, nói: “Ưu Đàm hoa, … thiên hoa. Thế gian không có loài hoa như thế. Chỉ khi Như Lai hạ sinh, Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện tại thế gian, nhờ đại phước, hoa này mới xuất hiện.” Nghĩa là, chỉ khi Phật cứu độ thế nhân và Kim Luân Vương đồng thời xuất hiện, thì Ưu Đàm hoa mới có thể xuất hiện trong nhân gian.
Năm 1997, trụ trì một ngôi chùa ở Gyeonggi-do, Hàn Quốc đã tìm thấy 24 đóa hoa trắng nhỏ trên ngực trước của một bức tượng Phật bằng đồng mạ vàng. Sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, sư trụ trì cho rằng đây chính là hoa Ưu Đàm được ghi chép trong kinh Phật. Sau khi tin tức xuất hiện trên các báo đã gây chấn động dư luận, ngay sau đó đã thu hút một lượng lớn người đến xem. Sau đó, các báo cáo về việc phát hiện ra hoa Ưu Đàm xuất hiện thường xuyên, không chỉ ở các quốc gia tin theo Phật giáo, mà còn xuất hiện ở Trung Quốc đại lục.
Điều thú vị là, như để chứng minh nguồn gốc phi thường của mình, hầu hết những bông hoa Ưu Đàm này đều nở trên các bức tượng Phật, trên ống thép, thủy tinh… ở những nơi mà các loại cây thông thường không thể mọc lên. Không cần bất kỳ sự chăm sóc nào, thời gian hoa nở vô cùng lâu bền khiến người ta không thể lý giải. Có nhiều bông chưa héo trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Vì vậy, khi ai đó bác bỏ rằng đó chỉ là những quả trứng côn trùng bị rách, lập luận này không thể đứng vững. Thứ nhất, loài rệp, thức ăn chủ yếu của bọ xít, phát triển trên nhiều loại thực vật, dù chỉ số thông minh của con bọ nhỏ này có thấp đến đâu, nó cũng sẽ không sinh con ở nơi không có thức ăn. Thứ hai, mặc dù những quả trứng có thân mảnh mai và trông giống như những bông hoa, nhưng chúng có màu xanh nhạt và không có mùi thơm. Hơn nữa, trúng nở trong vòng 4-6 ngày, và khi những con bọ nhỏ bò ra ngoài, nó nhanh chóng chuyển sang màu xám, vì vậy thực sự rất dễ phân biệt.
Nói nhiều như vậy, một số bạn có thể nói, vị Chuyển Luân Thánh Vương cứu thế giới hay Đức Phật Di Lặc, Ngài sẽ hạ thế ở đâu? Sẽ ở phương Đông hay phương Tây, hay vẫn sẽ ở Ấn Độ?
Chúng ta hãy xem dự ngôn nói gì.
Cứu Thế Chủ Messiah
Thực tế, không chỉ Phật giáo mà nhiều tín ngưỡng trên thế giới đều có những lời tiên tri về Đấng Cứu Thế được lưu truyền. Trong đức tin Cơ đốc, tên của Đấng Cứu Thế là Đấng Messiah. Theo nghiên cứu của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Quý Diên Lâm và đệ tử của ông là Tiền Văn Trung từ Đại học Phúc Đán, Đấng Messiah và Phật Di Lặc rất có thể là cùng một người.
Di Lặc theo tiếng Phạn là Maitreya, có nghĩa là từ bi. Quý Diên Lâm tin rằng cái tên Maitreya đã bị phiên dịch sai. Sư Huyền Trang khi đi về phía Tây để tìm Phật Pháp cũng phát hiện ra điểm này và sửa lại là “Mai Đán Lợi Gia”. Tuy nhiên, mọi người đã quen sử dụng tên “Di Lặc” và không thể thay đổi.
Vị Cứu Thế Chủ của phương Tây, đấng “Messiah”, đến từ tiếng Do Thái המשיח, (Mashiach). Maitreya và Mashiach rất giống nhau về cách phát âm.
Giáo sư Tiền Văn Trọng khảo chứng rằng, khoảng thiên niên kỷ đầu tiên trước Công nguyên, tức là 500 năm trước khi Thích Ca Mâu Ni ra đời, niềm tin vào một vị Cứu Thế Chủ trong tương lai đã phổ biến ở một khu vực rộng lớn bao gồm Tây Á, Bắc Phi, Tiểu Á, Lưỡng Hà và Ai Cập., Đấng Messiah trong Cơ đốc giáo, và tín ngưỡng Di-Lặc ở Ấn Độ đều thoát thai từ điều này.
Do đó, theo khảo chứng hai văn bản, Phật Di Lặc tương lai ở phương Đông và Đấng Messiah, vị Cứu Thế Chủ ở phương Tây, có khả năng ám chỉ cùng một người. Và Ngài là người có năng lực giải cứu toàn thế giới. Vậy Ngài sẽ đến từ đâu?
Nhà tiên tri người Pháp Nostradamus, nổi tiếng với bộ sưu tập những lời tiên tri “Các thế kỷ”, đã dự ngôn như sau:
Một vị phương Đông rời khỏi gia hương của mình,
Vượt qua dãy núi Apennine đến nước Pháp,
Ngài sẽ băng qua thiên không, hải dương và băng giá,
Mỗi người đều sẽ được Thần trượng của Ngài đả động.
Không biết có phải trùng hợp không mà lễ Phục sinh, một trong những lễ hội quan trọng nhất ở phương Tây, lại có tên tiếng Anh là Easter. Nó dường như không liên quan gì đến sự phục sinh. Nhưng hãy xem kỹ lại, nó chẳng phải liên quan rất nhiều đến “phương Đông” (East) phải không?
Vậy bạn cảm thấy vị Phật tương lai mà đại đệ tử Ca Diếp của Thích Ca Mâu Ni đang chờ đợi ở núi Kê Túc sẽ đến từ đâu?
Câu chuyện về Phật Di Lặc hôm nay xin tạm dừng ở đây. Đôi khi, “Chúng lý tầm tha thiên bách độ, na nhân khước tại đăng hỏa lan san xứ” (ý tứ là, chúng nhân tìm kiếm Ngài khắp nơi, Ngài thì đứng ngay nơi ánh đèn mờ tỏ). Trong những câu thơ của Hòa thượng Bố Đại, Đức Phật Di Lặc vẫn đang “thời thời thị thời nhân, thời nhân bách bất thức” (ý tứ là Ngài thời thời khắc khắc triển thị cho thế nhân, mà thế nhân bao người vẫn không biết, không tỉnh ngộ). Có lẽ Đức Phật Di Lặc cứu thế giới đã đến, Ngài đang ở ngay giữa chúng ta, cũng có thể Ngài trông giống như một người bình thường, chỉ là chúng ta có thể không nghĩ rằng đó lại là Ngài.
- Xem trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch