Bà Phương sợ rằng nếu kén lầm rể sẽ khiến con gái bà sống khổ cả một đời, thế nên suy đi nghĩ lại, cuối cùng bà cũng tìm ra một biện pháp…
Xưa có một gia đình họ Phương làm nghề buôn bán vải bông. Ông chủ Phương khi còn sống tích cóp được một món tiền. Sau này khi ông qua đời, trong nhà chỉ còn lại bà Phương và cô con gái, hai mẹ con nương tựa vào nhau mà sống.
Mấy năm sau khi cô con gái đến tuổi cập kê, rất nhiều người đến mai mối. Bà Phương sợ rằng nếu kén lầm rể sẽ khiến con gái bà sống khổ cả một đời, thế nên suy đi nghĩ lại, cuối cùng bà cũng tìm ra một biện pháp…
Ở cửa hàng, mỗi ngày đều có người đến mua và bán vải bông. Mỗi lần mua vải bông, bà luôn cố ý trả thừa cho người bán 5, 6 xu. Ai ngờ mấy ngày trôi qua mà vẫn không có ai trả lại tiền thừa, có lẽ họ đều cho rằng mấy xu lẻ chẳng đáng giá là bao nhưng thêm đồng nào hay đồng ấy, thế nên ai nấy đều tươi cười rạng rỡ mà hỉ hả ra về.
Một hôm có cậu thanh niên ôm một cuộn vải đến bán. Bà Phương vẫn theo cách cũ trả dư cho anh ta vài xu. Nào ngờ anh ta đếm đi đếm lại, cuối cùng ngẩng đầu nói: “Bác ơi, bác tính nhầm rồi” và trả lại số tiền thừa cho bà Phương.
Mấy hôm sau, cậu thanh niên lại đến bán vải. Bà Phương liền trả anh ta một lạng bạc, còn cố ý dư một đồng cân (10 đồng cân là một lạng bạc). Cậu thanh niên mượn chiếc cân tiểu ly để cân số bạc, rồi lại cân lại một lần nữa, xong nói với bà rằng: “Bác ơi, bác cân sai rồi” và đem số bạc dư trả lại cho bà.
Bà Phương cười nói: “Cậu còn trẻ tuổi mà lại có lòng tốt như thế, thật là hiếm có, hiếm có. Nào, mời cậu uống ly rượu rồi hãy về”. Người thanh niên vội vàng cảm ơn và nói rằng mình không biết uống rượu.
Bà Phương lại nói: “Vậy thì uống chén trà, ăn chút hoa quả rồi hãy về”.
Người thanh niên vẫn xin mạn phép, vẻ mặt sốt sắng muốn ra về. Bà Phương cũng chẳng quản anh ta có đồng ý hay không, mà chỉ cố ý để một gói bạc vụn lớn trên quầy rồi vào trong phòng lấy trà và đồ điểm tâm. Một lúc lâu sau bà Phương mới đem trà và đồ điểm tâm ra, nhưng thấy cậu thanh niên kia vẫn đang đứng đó, gói bạc vụn vẫn còn nằm ngay ngắn ở một góc trên quầy.
Cậu thanh niên nói: “Trà và điểm tâm cháu cũng xin mạn phép, chỉ e có người lấy gói bạc đi nên cháu mới ở lại đây. Xin bác đếm lại, giờ cháu phải về đây”.
Bà Phương nhìn cậu, quả là một chàng trai thật thà chất phác, rồi bà hỏi anh ta họ tên gì, nhà ở đâu.
Cậu thanh niên nói: “Cháu họ Thiệu, nhà ở Lê Hoa Trang”.
Lại hỏi chuyện thêm, biết được kẻ hậu sinh tốt nết này vẫn chưa thành thân. Bà Phương càng vui mừng, liền nhờ một cụ hàng xóm làm mai mối để gả con gái cho anh.
Cậu thanh niên nói: “Việc này sao được? Nhà cháu nghèo lắm, không đủ sức tổ chức hôn lễ. Hơn nữa mẹ già còn cần cháu chăm sóc, cuộc sống khốn khó như thế, cháu đâu dám đũa mốc mà chòi mâm son?”.
Bà Phương nói: “Con nghèo mà rất có chí khí, hơn nữa lại là người có tín có nghĩa, điều này càng đáng quý, ta lại càng không thể để lỡ mất việc hôn nhân này được”.
Bà Phương bèn ngỏ ý đón hai mẹ con họ Thiệu đến nhà mình, rồi bà lại đứng ra lo việc thành thân cho hai con, sau đó đem toàn bộ tiền của tích lũy được phó thác cho con rể, để anh làm chủ gia đình. Hai nhà hợp lại thành một, tương thân tương ái, cuộc sống đầm ấm sum vầy. Bà Phương sống vui vẻ như vậy đến năm 95 tuổi mới ngậm cười ra đi.
(Nguồn: “Tây Thần tùng thoại” của Hoàng Giao Khởi đời Thanh)
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Kiến Thiện biên dịch