Thiên thê (Thang trời) có nghĩa là cầu thang dẫn con người từ mặt đất lên trên Trời và từ Trời lại trở về mặt đất. Người xưa lên Thiên quốc bằng những con đường ấy, vậy hỏi con người chúng ta hôm nay có còn cơ hội như vậy không?
Theo truyền thuyết, trước thời Chuyên Húc – tức Huyền Đế, một trong Ngũ Đế của Trung Hoa cổ đại – thì Trời và đất cách nhau không xa. Hơn nữa, còn có con đường thông từ mặt đất đến Thiên đình và đi từ Thiên đình xuống mặt đất. Con đường này chính là “Thang trời” ở vào lúc sơ khai nhất.
Trong tác phẩm “Định am tục tập. Quý nhâm chi tế thai quan” của tác giả Cung Tự Trân sống vào đời nhà Thanh có viết: “Nhân chi sơ, thiên hạ thông, nhân thượng thông, đán thượng thiên, tịch hạ địa, thiên dữ nhân, đán hữu ngữ, tịch hữu ngữ.” Ý tứ rằng, vào thời sơ khai của loài người, Trời và đất là thông với nhau, người và Trời cũng thông với nhau. Thời ấy, con người có thể sáng lên Trời, tối xuống đất. Có thể thấy rõ rằng, lúc ấy, người và Thần từng có thời kỳ đồng thời tồn tại. Thần đã lưu cấp cho con người một con đường để lên Trời.
Nhưng, người nào trong thế gian mới có thể được đi trên con đường kết nối giữa Trời và đất ấy? Ngoài những người đã tu thành tiên ra thì những người có đại đức, hay những người chân chính tu hành như Hiên Viên Hoàng Đế – một trong ngũ đế, người được xưng là thủy tổ của người Hán cũng được lên.
Tranh vẽ Hiên Viên Hoàng Đế (Ảnh: Sưu tầm)
Truyền thuyết kể rằng, sau khi Hiên Viên Hoàng Đế tu thành, bầu trời bỗng nhiên mở ra và một con rồng vàng bay đến nghênh đón ông. Lúc đó, Hoàng Đế cùng với hơn bảy mươi quân thần cưỡi trên lưng Rồng Vàng bay lên Trời giữa ban ngày. Để tỏ lòng biết ơn sâu sắc, người dân đã chôn cất long bào của Hoàng Đế ở Núi Cầu, nay là tượng đài Hoàng Đế tại huyện Hoàng Lăng, tỉnh Thiểm Tây.
Nhưng từ sau thời Hiên Viên Hoàng Đế lại có truyền thuyết “Tuyệt thiên địa thông” tức là cắt đứt đường thông giữa Trời và đất, đoạn tuyệt mối liên hệ trực tiếp giữa Thần và người, từ đó người dần dần rời xa Thần. Truyền thuyết kể rằng, vào đời Chuyên Húc Đế, ông đã phái hai vị hạ thần của mình chặn con đường thông giữa Trời và đất này. Vì thế mà con người từ nay lên Trời khó khăn hơn rất nhiều.
Cũng theo truyền thuyết cổ đại, “Thang trời” có một loại là núi và một loại khác là cây đại thụ đặc biệt. Đứng đầu trong các truyền thuyết là núi Côn Lôn, một trong những ngọn núi được xưng là đường lên Trời. Trong cuốn sách thuộc Đạo giáo “Hoài nam tử” có miêu tả vô cùng chi tiết về hành trình lên Thiên đình từ núi Côn Lôn.
Tiếp theo trong tư liệu cổ “Sơn Hải Kinh”, một trong “tam đại kỳ thư” của Trung Quốc, phần “Đất hoang kinh tuyến Tây ” có ghi chép về một ngọn núi thông với Trời đó là Triệu Sơn. Cũng trong tác phẩm “Sơn Hải Kinh” phần “Hải ngoại kinh tuyến Tây” viết về con đường lên Trời khác là núi Đăng Bảo Sơn. Trong đó viết: “Quần vu sở tòng thượng hạ dã”, ý nói những thầy pháp đều từ đây lên xuống Thiên đình, nhằm truyền đạt ý chỉ của Thần đến con người thế gian.
Ngoài những ngọn núi là Thang trời kể trên thì còn có cây cũng làm đường thông, dẫn con người lên Trời. Trong tư liệu cổ “Sơn Hải Kinh” có ghi chép rõ ràng về một loại cây có tên là Kiến Mộc.
Kiến Mộc sinh trưởng ở vùng đất hoang dã, nơi được cho là trung tâm của Trời và đất. Đến buổi trưa, khi mặt trời chiếu rọi thẳng đứng lên ngọn cây thì con người không còn nhìn thấy nó nữa. Khi ấy, đứng ở chỗ này, hét lên một tiếng, thanh âm này ngay lập tức biến mất trong không trung.
Trong sách cổ miêu tả thì hình dạng của cây Kiến Mộc này cũng rất kỳ quái. Thân cây dài và mảnh, thẳng tắp lên tận mây xanh, hai bên không có cành, nhánh. Chỉ ở trên đỉnh của cây, sinh trưởng ra một số nhánh cây quanh co khúc khuỷu, uốn lượn quanh cây như hình chiếc ô. Trên thân cây, vỏ cây không ngừng rơi rụng xuống, giống như những dải tua rua, hay những con rắn màu vàng.
Ở các vùng dân tộc thiểu số thuộc phía nam của Trung Quốc cũng lưu truyền nhiều truyền thuyết và thần thoại khác nhau về Thang trời. Tại dân tộc Choang, người xưa kể rằng: Xưa kia, con người có thể lên Trời, xuống đất nhưng sau này Thần đã dâng Trời cao lên, chỉ lưu lại cây Nhật Nguyệt trên núi Ba Xích Sơn làm thang lên trời. Dân tộc Bố Y cũng có truyền thuyết kể rằng, thời cổ, con người nối liền cây trúc lại để làm thang lên Trời. Dân tộc Thủy cũng có truyền thuyết kể rằng, ở vào thời cổ, thủy tổ của dân tộc này thường lên Trời và trở về bằng ngọn núi Nguyệt Lượng Sơn (núi Ánh Trăng).
“Thang trời” về sau này tất nhiên đã biến mất, vậy hỏi con người chúng ta hôm nay làm cách nào để lên được Trời, trở về với Thiên quốc đây? Cõ lẽ, Thiên Thượng đã sớm an bài cho con người một chiếc thang mới, chỉ là chúng ta có nguyện ý đi tìm và trèo lên hay không mà thôi!
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm: