Căn cứ theo ghi chép lịch sử, Khương Tử Nha đã sống đến 139 tuổi. Vì sao ông có thể sống lâu đến vậy, ngoài ra còn có trí huệ cao siêu đến thế?
Khương Tử Nha vốn họ Khương tên Thượng, tự Tử Nha. Tổ tiên ông từng thụ phong ở đất Lã, do đó ông còn có tên là Lã Thượng. Ông là công thần khai quốc, người sửa trị văn hóa, cũng là một nhà thao lược, quân sự, nhà chính trị vĩ đại của thời Tây Chu. Các gia phái như Nho gia, Đạo gia, Pháp gia, Binh gia và Tung Hoành gia đều coi ông là nhân vật của gia phái mình, do đó ông được tôn xưng là ‘Bách gia Tông sư’ (Ông tổ của Bách gia).
Cùng khốn lao đao lại gặp người vợ khinh bỉ nên đã đến Tây Kỳ
Trước khi phò tá Chu Văn Vương, cuộc sống của Khương Tử Nha rất lao đao, gập ghềnh trắc trở. Khi ông 32 tuổi, vì triều Thương chiến tranh không dứt, để tránh họa chiến tranh nên ông đã chạy lên núi để tu Đạo. Kinh qua 40 năm khổ tu, đến khi 72 tuổi ông mới xuất sơn.
Sau khi xuất sơn, do tuổi vừa cao vừa không có kỹ năng sở trường, nên Khương Tử Nha tạm thời trú tại nhà của một người bằng hữu. Để mưu sinh, ông từng đan giỏ tre hoặc lấy gạo nghiền thành bột rồi đem ra chợ để bán. Ông cũng từng mở quán ăn nhỏ, bán bò ngựa lợn dê, bói mệnh cho người, v.v. Nhưng mỗi lần đều không duy trì được lâu nên thất bại. Do đó, ông thường phải chịu sự khinh bỉ, giễu cợt và cười nhạo từ người vợ của mình.
Về sau Khương Tử Nha đảm nhiệm chức vụ ‘đại phu’ dưới trướng của Trụ Vương. Nhưng Trụ Vương vốn hoang dâm tửu sắc, bạo ngược vô đạo. Khương Tử Nha được giao nhiệm vụ giám sát ‘Lộc Đài’. Ông đã nhìn bản thiết kế rồi phát hiện rằng ‘Lộc Đài’ không chỉ cao 4 trượng 9 thước, lầu quỳnh nhà ngọc, cung điện và gác đều là mái đôi, mà còn lấy mã não để xếp lan can, đá quý thì ốp lên cả rường và cột. Khương Tử Nha thấy Trụ Vương bắt bách tính lao dịch thư thế, hoang đường vô độ, ngày tàn chắc không còn xa.
Do đó ông nói với thê tử rằng: “Tôi không nhẫn tâm nhìn những người dân gặp tai ương. Thê tử à! Nàng cùng ta đi đến Tây Kỳ trước, sau tất có ngày mở mày mở mặt…”. Nhưng người vợ nghi ngờ ông không có năng lực, đến một chức quan nhỏ cũng không làm tốt, nên không nguyện ý đi theo. Khương Tử Nha bất đắc dĩ một mình đi đến Tây Kỳ (Tây Kỳ chính là Chu quốc sau này).
Ở sông Vị câu cá, chỉ mong cá cắn câu nào ngờ được binh thư
Khương Tử Nha cuối cùng cũng đến được Chung Nam Sơn ở Thiểm Tây, và thường đến sông Vị để câu cá. Vì lưỡi câu của ông thẳng nên trong vòng ba năm ngay cả một con cá cũng không câu được. Nhưng điều kỳ lạ là: sau này ông không những câu được một con cá lớn, mà còn phát hiện trong bụng của nó có một cuốn binh thư.
Có một lần, Chu Văn Vương đến vùng sông Vị để săn bắn, gặp được Khương Tử Nha đã hơn tám mươi mấy tuổi đang ngồi ở bờ sông Vị câu cá. Sau khi đàm luận qua, phát hiện rằng ông chính là người tài mà Thái Công Đản Phụ trông ngóng, người mà võ có thể an bang, văn có thể trị quốc. Do đó Chu Văn Vương cao hứng nói: “Thái Công của ta đã chờ ngài lâu lắm rồi!”.
Cũng vì thế Khương Tử Nha còn có tên khác là Thái Công Vọng (người mà Thái Công trông vọng), ông cũng thường được người khác gọi là Khương Thái Công. Sau này Ông phò tá Chu Võ Vương diệt Thương, lập được kỳ công, thụ phong ở đất Tề.
Phụ tá nhà Chu kiến lập nên hệ thống chính trị hoàn chỉnh
Chu Công là em trai của Chu Võ Vương. Khương Tử Nha sau khi nhận phong ở đất Tề, 5 tháng sau quay lại báo cáo tình hình của đất Tề với Chu Công. Chu Công hỏi ông: “Ngài làm thế nào báo cáo nhanh như vậy?”. Ông đáp rằng: “Tôi đã giản hoá lễ tiết quân thần, hết thảy thuận theo phong tục ở đó mà làm, nên Tề quốc rất nhanh đi vào quỹ đạo”.
Con trai của Chu Công là Bá Cầm được phong ở đất Lỗ. Ba năm sau, Bá Cầm quay lại báo cáo tình hình cho Chu Công. Chu Công hỏi rằng: “Vì sao báo cáo lại chậm như thế?”. Bá Cầm mới thưa rằng: “Cải biến tập tục, đổi mới lễ pháp ở nơi đó tối thiểu cần ba năm mới có thể thấy được hiệu quả. Cho nên trở về muộn như vậy”. Chu Công sau khi nghe mới than thở rằng: “Chính trị chỉ có thể bình hoà và dễ thực hành thì bách tính mới có thể an cư lạc nghiệp, quốc gia mới có nền chính trị lâu dài và an ổn”.
Trong tác phẩm ‘Lục Thao’, Khương Tử Nha có nói rằng: “Thiên hạ không phải là thiên hạ của một người, mà là thiên hạ của mọi người”. Ông chủ trương rằng: vua phải hành nhân tu đức, không thể vì cá nhân mà hại đến dân chúng. Như thế nhân dân mới có thể cùng với vua ở trên một chiếc thuyền mà vượt sóng gió, quốc gia mới có thể càng ngày càng cường thịnh.
Khương Tử Nha Không chỉ vì nhà Chu kiến lập nên hệ thống chính trị hoàn chỉnh nghiêm mật, mà còn đặt ra nền móng vững chắc cho bá nghiệp ‘chín lần hợp chư hầu, sửa sang cả thiên hạ’ của Tề Hoàn Công và Quản Trọng. Tư tưởng quân sự của ông trong ‘Lục Thao’, ‘Âm Phù Kinh’, ‘Thái Công Binh Pháp’, ‘Thái Công Kim Quỹ’ đều có bàn luận. Các nhà quân sự lỗi lạc qua các thời đại như Tôn Vũ, Quỷ Cốc Tử, Hoàng Thạch Công, Gia Cát Lượng v.v. đều tiếp thu những tinh hoa trong Lục Thao và đưa những tinh hoa ấy lên một tầm cao mới, do đó trong lịch sử những tên tuổi đó đều bất hủ.
‘Thiên Tề Chí Tôn’ (Khương Tử Nha) được sử sách ghi lại là đã sống đến 139 tuổi
Căn cứ theo ghi chép lịch sử, Khương Tử Nha đã sống đến 139 tuổi. Vì sao ông có thể sống lâu đến vậy, ngoài ra còn có trí huệ cao siêu đến thế? Theo giải thích, người tu luyện sau khi đạt đến một cảnh giới nào đó, có thể khai mở trí huệ, có thể kéo dài thọ mệnh. Khương Tử Nha đã kinh qua 40 năm khổ tu, không chỉ kéo dài thọ mệnh, mà còn có thể ngộ đến chân lý mà người bình thường không ngộ đến được. Sau đó ông lại kinh qua mười mấy năm gian khổ trui luyện, cuối cùng đã thành tựu công phong vĩ nghiệp, rộng lớn tinh thâm, lâu dài mãi mãi.
Bởi vì Khương Tử Nha lúc sinh thời vĩ đại, siêu thường và bất phàm như thế nên có thể nói rằng hầu như chỉ có Thần Tiên mới có thể làm đến được. Do vậy người nước Tề gọi ông là ‘Thiên Tề Chí Tôn’.
Đạo gia có truyền thuyết nói rằng ông đã tu luyện viên mãn mà thăng thiên thành Tiên. Trong ‘Phong Thần Diễn Nghĩa’ được viết vào triều đại nhà Minh cũng minh xác rằng: Ông là được xếp vào nhóm các vị Thần Tiên. Qua các triều đại cũng đều có người kiến lập miếu thờ, để cho người đời sau kính ngưỡng ông.
Mạn Vũ
Theo www.secretchina.com