Tết nguyên đán Hoàng lịch từ xưa đến nay, người dân các nước  trong truyền thống có những phong tục đa dạng để nghênh phúc đón tân niên. Phong tục nghênh năm mới của tất cả các dân tộc trên thế giới, bất kể nơi đâu, đều vừa tương tự vừa có nét đặc sắc riêng. 

Từ trong đại dịch và hỗn loạn hướng tới một năm mới, mọi người làm thế nào để có thể hấp thụ được chất dinh dưỡng tinh thần bảo quý từ trong truyền thống, từ đó mà vượt qua những khảo nghiệm lớn ở nơi thiên địa nhân gian này. 

Truyền thống Trung Quốc: cảm ân Thần linh thiên địa, đánh trống sáp mừng tân niên

Đốt pháo mừng năm mới! Cảnh đốt pháo tân niên. Bộ sưu tập của Bảo tàng Cung điện Quốc gia, Đài Bắc. (phạm vi công cộng)

Ở Trung Quốc thượng cổ, lễ “Tế Chạp” được cử hành vào ngày Chạp tháng Chạp (ngày 30 tháng 12 Hoàng lịch), là nghi lễ quan trọng nhất trong năm để tế tự thiên địa, thần linh ngũ lộ và tổ tiên, cũng chính là ngày đại lễ để cảm ân thần linh thiên địa và tổng kết báo cáo thành tích một năm. Đó là ngày cuối cùng của một năm, ngàn gia vạn hộ sẽ dán “câu đối xuân” (gọi là đào phù) và hình ảnh Thần Môn lên cửa nhà, đợi đến phút giao thừa nghênh năm mới, nhà nhà đều đốt pháo xua đuổi tà thú, chúc tụng năm mới bình an.

Vào thời đại Nam Bắc triều, vào ngày chạp tháng chạp sẽ cử hành nghi lễ trừ tà, mọi người đầu đội mũ Hồ Công, đánh trống sáp (trống lưng mỏng), đóng vai lực sĩ kim cương để trừ tà trục dịch, mời gọi mùa xuân về với đại địa, bởi “trống sáp vang lên, hoa cỏ xuân sinh”. Đến thời đại Minh triều, câu đối xuân được phổ cập đến từng nhà từng hộ trong dân gian, trở thành một tấm thiếp xuân cát tường phổ biến nhất cho năm mới. Sự phổ biến của câu đối xuân triển hiện tinh thần “Thiên nhân hợp nhất” – con người hợp nhất với vũ trụ – và thái độ nhân sinh “tích thiện nhân gia khánh hữu dư”, nghĩa là nhà ai tích thiện thì nhà đó luôn có dư phúc lành, cổ động mọi người mọi nhà dùng thiện đức để cảm ứng thiên địa, nghênh phúc đến.

Phong tục chào đón năm mới ở Nhật Bản: Nghe 108 tiếng chuông chùa

Vào đêm giao thừa ở Nhật Bản, nghi lễ trọng đại nhất của các đền chùa tự viện là rung lên 108 tiếng chuông, ý vị rằng 108 loại phiền não của nhân gian và những tai ách của năm cũ sẽ được tiêu trừ. Rất nhiều người Nhật Bản muốn lên chùa trong đêm giao thừa, đợi lắng nghe 108 tiếng chuông ngân để gột rửa phiền não. Tiếng chuông điểm 1 đến 107 báo hiệu kết thúc năm cũ, đến đúng 12 giờ đêm giao thừa thì chuông điểm đến hồi chuông thứ 108. Lúc này, các tín chúng vào chùa làm lễ triêu bái Thần linh và hân hoan chào đón tân niên vừa đến. Đến đền chùa để cầu phúc lần đầu trong năm mới được gọi là “Hatsumode” ở Nhật Bản. “Hatsumode” vào đêm giao thừa là hoạt động năm mới yêu thích của người Nhật để tiễn cựu nghênh tân.

Asakusa ở Tokyo là một ngôi chùa nổi tiếng ở Nhật Bản và là một địa điểm tham quan nổi tiếng vào ngày đầu tiên của năm mới Nhật Bản. (Lô Dũng/ Epoch Times)

Ấn Độ: khóc năm mới, chúc năm mới

Ở Ấn Độ, trước đêm giao thừa, bạn có thể thấy đủ loại tranh họa tinh mỹ được dán trước cửa mỗi nhà. Vào sáng sớm nguyên đán, theo truyền thống của người Ấn Độ, người Ấn Độ mang theo những chiếc đèn nhỏ và gói phấn đỏ để chúc Tết người lớn tuổi, họ hàng và bạn bè, đồng thời bôi phấn đỏ lên trán nhau. Và một số bạn trẻ chơi súng nước, họ đổ mực đỏ vào súng nước và bắn vào người thân, bạn bè để chúc mừng tân niên!

Người Hoa trong dịp năm mới không thích một số dấu hiệu đặc trưng cho điềm gở, cho dù chuyện bình thường như làm vỡ bát, họ cũng phải vội vàng nói “tuổi tuổi bình an” để mong chuyển xui thành hên. Tuy nhiên, ở một số vùng của Ấn Độ, có phong tục “khóc lóc thảm thiết trong ngày đầu năm mới”. Người Ấn Độ có tục lệ vào ngày đầu tiên của năm mới: không ai được phép nóng tính với người khác, càng không được tức giận. Đồng thời, người nhà từ sáng sớm ôm lấy nhau và bắt đầu khóc lóc thảm thiết, người lớn tuổi khóc trước, sau đó thanh niên bắt đầu khóc, cuối cùng đến trẻ con khóc. Những người Ấn Độ này cảm khái nhân sinh khổ đoản, cuộc đời quá ngắn, khóc lóc vì năm tháng đã trôi qua, chính là dùng những giọt lệ thống khổ để nghênh tiếp năm mới! Khi bắt đầu năm mới, họ thức tỉnh bản thân, dùng thiện tâm đối đãi với mọi người và sự vật, cảnh giới bản thân trân quý sinh mệnh của chính mình, biết quý trọng thời gian.

Trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, rất nhiều người tín Phật ăn chay tịnh tâm kính Thần, cả tân niên nguyên đán cũng không ngoại lệ. Tại Ấn Độ cũng có phong tục “Tết ăn chay”. “Tết ăn chay” là trong ngày Tết nguyên đán không ăn thứ gì, biểu thị “kiền tịnh nghênh tiếp tân niên”.

Ở Brazil, tìm “hạnh phúc” bằng phong tục kéo tai

Khi người Brazil ở Nam bán cầu nghe thấy tiếng chuông báo năm mới, họ sẽ bắt đầu các hoạt động “tìm hạnh phúc”. Quả kim hoa, loại trái cây quý hiếm mọc trên núi cao, được người Brazil coi là biểu trưng của “hạnh phúc”, nhiều người dân Brazil vào đầu năm mới cầm đuốc cao đổ xô lên núi tìm kiếm trái cây kim hoa. Những người có thể tìm thấy loại trái cây quý hiếm này đều phải thông qua khảo nghiệm vượt qua gian nguy mới có thể có được nó.

Ở các vùng nông thôn của Brazil, có một phong tục đón năm mới độc đáo, đó là “kéo tai” khi gặp nhau vào ngày đầu năm mới, bạn kéo tai tôi, tôi kéo tai bạn, truyền đạt lời chúc phúc cho nhau. Cũng có người quỳ xuống cầu được kéo tai, càng kéo đau, càng khiến đối phương đau, biểu thị lời chúc phúc càng thâm khắc!

Người Tây Ban Nha ăn liên tiếp 12 quả nho

Người Tây Ban Nha ăn liên tiếp 12 quả nho vào đêm giao thừa. (Shutterstock)

Khi tiếng chuông giáo đường vang lên trong đêm giao thừa, người Tây Ban Nha háo hức đón năm mới như thế nào? Họ thường tập trung tại Puerta del Sol ở thủ đô Madrid, “ăn nho Tết” để mở ra một nguyên, chào đón năm mới sắp đến. Mỗi khi nghe một tiếng chuông giáo đường điểm 12 giờ, họ lại ăn một quả nho, không nhanh không chậm, theo 12 tiếng chuông, họ ăn liền 12 quả nho, biểu thị năm tới sẽ sung túc viên mãn. Người Tây Ban Nha tin rằng 12 quả nho tượng trưng cho 12 tháng trong năm, và mỗi quả nho có một ý nghĩa khác nhau, quả nho đầu tiên có nghĩa là “bình an”, quả nho thứ năm tượng trưng cho “hòa thuận”, quả nho thứ sáu là “tránh nạn”, quả thứ bảy là “xua đuổi dịch bệnh”… Ăn 12 quả nho tượng trưng cho sự may mắn cho mỗi tháng trong năm mới đều cát tường như ý.

Nguồn gốc của phong tục này được cho là bắt đầu từ năm 1900, khi vùng Alicante ở phía đông nam Tây Ban Nha đã có một vụ thu hoạch nho bội thu, để thúc đẩy việc thu hoạch nho, nông dân đã kết hợp đón năm mới với thời điểm đó, và coi nho là biểu tượng cát tường, tạo nên quan niệm “ăn nho cầu may”, khuyến khích người dân ăn nho vào dịp năm mới để đón chào may mắn. Cho đến nay, “nho trắng Aledo” của vùng Alicante vẫn là lựa chọn hàng đầu của người dân Tây Ban Nha để mua nho cầu may cho năm mới.

Nguyện vọng trừ tà nghênh phúc tứ phương đều khớp hợp

Xua tà trừ quỷ, nghênh cát nạp phúc là những nguyện vọng cộng đồng phổ biến nhất đối với năm mới, đối với tương lai cho mọi người từ mọi tầng lớp xã hội. Phong tục đón năm mới ở nhiều quốc gia, vùng miền vẫn bảo lưu những truyền thống lương thiện cổ xưa để xua đuổi tà ma và nghênh tiếp một năm mới mỹ hảo.

Quay cầu lửa ở Scotland

Người dân thành phố biển Stonehaven ở Scotland tổ chức nghi thức “lễ quay cầu lửa” vào đêm giao thừa lạnh giá. Trên đường đi trong đêm tối, mỗi người đều cầm một sợi dây dài khoảng một mét, ở đầu buộc một chùm dây cầu lửa chứa đầy vật liệu dễ cháy, cầm đầu dây trong tay lắc mạnh theo vòng tròn, khiến những quả cầu lửa quay tít, dùng để xua đuổi tà ma, chiêu hạnh vận trong năm mới. Cuối cùng, những quả cầu lửa vẫn đang cháy sẽ được ném xuống biển.

Người Thụy Sĩ đeo mặt nạ để xua đuổi ác linh

Người dân vùng trung tâm Appenzell, Thụy Sĩ, tổ chức nghi thức xua đuổi ma quỷ vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Trong những tuần trước buổi lễ, những người phụ nữ may trang phục nghi lễ và khăn đội đầu cho những người đàn ông tham dự buổi lễ. Những người đàn ông tham gia nghi lễ vào ngày đó phải hóa trang thành con gái, đeo mặt nạ có đôi má phúng phính với bông hoa nhỏ trên miệng, tượng trưng cho sự giàu có và tốt bụng! Ngoài ra còn mang những con rối làm bằng cây cỏ để trang trí, trên ngực và lưng treo chuông, khi di chuyển sẽ phát ra tiếng động, người dân tin rằng điều này có thể xua đuổi ma quỷ xuất hiện vào những đêm đông.

Người dân vùng Appenzell miền trung Thụy Sĩ đeo cành cây và trang sức múa rối để xua đuổi tà ma vào đêm giao thừa. Các phong tục trừ tà ác trong ngày Tết ở phương Đông và phương Tây đều giống nhau về mục đích và tinh thần. (Shutterstock)

Romania: Hóa trang thành hình động vật để xua đuổi tà ma

Người dân thị trấn ở Comanes, Romania, mặc trang phục lông gấu và cùng nhau nhảy múa để xua đuổi tà ma và chào đón năm mới. (Shutterstock)

Trong hàng trăm năm nay, đã có những nghi thức đón giao thừa và ngày đầu năm mới đặc biệt ở vùng Moldovan của Romania. Người dân thị trấn ở thị trấn nhỏ Comanesti, Moldova, Romania, sẽ mặc trang phục lông động vật, thực hiện các cuộc diễu hành động vật, khiêu vũ và tổ chức các nghi lễ lớn vào đêm giao thừa!

Những người cầu cúng mặc trang phục lông thú hoặc trang phục dân tộc, hóa trang thành cừu, ngựa hoặc gấu và đi gõ cửa từng nhà để xua đuổi ác linh. Phong tục này bắt nguồn từ truyền thuyết của Cơ đốc giáo, tương truyền rằng việc người mặc như gấu đến ghé thăm không chỉ xua đuổi tà linh, mà còn mang lại tài phúc, sức khỏe và vận may. Người dân mặc trang phục dân gian sặc sỡ hoặc mặc áo lông thú, xuống đường tham gia các bữa tiệc hóa trang, nhảy múa và diễu hành trên đường phố theo nhịp điệu của âm nhạc, cùng nhau chào đón một cái Tết thanh sạch không tà ma.

Một thị trấn nhỏ khác ở Moldova, Romania là Tudora, người dân coi trọng nhất ngày đầu năm mới. Ngày đầu năm ký thác nguyện vọng tươi đẹp cho cả năm. Người dân Tudora đeo mặt nạ và trang phục đặc biệt vào ngày đầu tiên của năm mới, và những người tụng kinh thực hiện một điệu nhảy nghi lễ để xua đuổi một năm tồi tệ đã qua. Xe và ngựa của họ cũng được trang trí sặc sỡ để thể hiện không khí của năm mới!

Người dân ở Tudora, Romania, đeo mặt nạ và trang phục đặc biệt vào ngày đầu năm mới để xua đuổi một năm tồi tệ và mở ra một năm mới tốt đẹp hơn. (Shutterstock)

Những năm gần đây, điểm nhấn của đêm giao thừa dần tập trung vào những màn bắn pháo hoa quy mô lớn, nhưng thực tế, nằm ngoài lăng kính của các phương tiện truyền thông đại chúng, còn có rất nhiều phong tục chúc nguyện giao thừa truyền thống ở các nước phương Đông và phương Tây, mong mỏi thiện lương chiến thắng tà ác là nguyện vọng tương đồng của người dân mọi quốc gia. 

Kính chúc mọi người mọi nhà, có thể từ trong truyền thống mà tìm về với sức mạnh của chính niệm chính tín, cùng nhau vượt qua năm 2023 với những khảo nghiệm lớn của thiên địa nhân gian.

Tác giả: Dung Nãi Gia, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch