Trước khi va phải nữ vương, Bát Giới đã hét lên rằng: “Hoà thượng chúng ta không thành chồng vợ với chiếc sọ người nhà ngươi! Hãy thả sư phụ ta ra!”.

Trong truyện “Tây Du Ký”, quốc vương của Tây Lương Nữ Quốc muốn nhờ vào phúc của quốc gia mà kết hôn với Đường Tăng. Đường Tăng hay tin, nhất thời ngẩn người, không biết nói gì. Vì muốn nhanh chóng vượt quan ải đi về phía Tây, Ngộ Không đã định ngày thành thân giả và nói rằng đây thực tế là kế lọt lưới.

Khi Đường Tăng và nữ vương cùng tiễn ba huynh đệ Ngộ Không ra khỏi thành, Đường Tăng mới nói rõ sự thực, kiên quyết muốn đi Tây Thiên thỉnh kinh. Nữ vương nghe xong mặt kinh ngạc, biến sắc, vội vàng ngăn bước Đường Tăng. Lúc này Bát Giới nổi “cơn điên”, nói nhăng nói cuội, tai như cái quạt vẫy loạn cả lên. Trước khi va phải nữ vương, Bát Giới đã hét lên rằng: “Hoà thượng chúng ta không thành chồng vợ với chiếc sọ người nhà ngươi! Hãy thả sư phụ ta ra!”.

Nữ vương nghe Bát Giới mắng nhiếc như vậy thì đột nhiên hồn bay phách lạc. Bát Giới quả thực khiến người ta phải ngưỡng vọng, hoá ra Bát Giới cũng có những khi quyết tâm cự tuyệt nữ sắc. Một câu “Chiếc sọ người” đã khiến nữ vương rơi vào trận địa.

(Ảnh minh họa: youtube.com)

Nhắc tới chiếc sọ người, người ta dễ liên tưởng tới một câu chuyện từng xảy ra tại Ấn Độ cổ. Nhờ Phật Đà độ nhân mà không ít tăng nhân, phàm nhân tại Ấn Độ đã biết cách tu thân ước thúc tâm tính, nhiều người một lòng hướng Phật.

Kỹ nữ dùng sắc mê hoặc, pháp sư chẳng động tâm

Lúc đó, có một vị pháp sư chân tu, lời ông giảng có thể khiến con người khởi tâm hoan hỷ, cho nên bách tính trong và ngoài thành đều nguyện ý nghe ông giảng và tự nguyện làm theo. Thậm chí ngay cả những đệ tử thiếu niên cũng đều dốc sức thành khẩn tu hành, không dám lười nhác.

Khi mọi người biết rằng phóng túng dục vọng sẽ gặp ác báo thảm khốc, thì ai nấy đều không dám làm càn.

Một kỹ nữ tuyệt sắc ngang nhiên thề rằng chỉ cần nàng ta trang điểm, ăn mặc lộng lẫy, ắt sẽ khiến mọi người nô nức kéo tới.

Người kỹ nữ diễm lệ khoác lên chiếc áo lộng lẫy, đeo những món đồ trang sức tuyệt mỹ và chiếc vòng cổ tinh xảo. Ngay cả giày của nàng ta cũng được trang trí bằng châu ngọc. Người kỹ nữ làm đủ mọi tư thế yêu kiều, khêu gợi, dẫn theo một nhóm kỹ nữ cũng trang điểm lung linh như vậy, cười nói lả lơi, quyến rũ mê hoặc mọi người. Những nơi họ tới đều ồn ào huyên náo, nhưng họ cũng chẳng để tâm, cười cười nói nói đi thẳng tới nơi pháp sư giảng Pháp.

Pháp sư giảng Pháp trên đại đường, đám kỹ nữ lả lơi quyến rũ, gây nhiễu loạn tâm thanh tịnh của mọi người. Những kỹ nữ đi cùng còn chỉ vào người kỹ nữ kia và nói rằng: “Vị mỹ nhân này sắc vóc tha thướt, dung mạo tuyệt trần, các người tới ngắm nàng ta đi, đừng nghe Pháp nữa”.

Pháp sư thấy dưới sảnh có người muốn nhiễu loạn nhân tâm, bèn thong dong nói rằng: “Sinh tử vô thường như con ngựa hoang chạy điên cuồng, xông thẳng về phía trước. Đừng vì người nữ trước mắt mà tâm ý phiền loạn, lầm lạc”.

Ông nhắc nhở mọi người không được để tâm trí trở nên biếng nhác, phải có ý chí kiên cường, bảo hộ ngọn đèn trí huệ. Mọi người dần tĩnh tâm lại, chuyên chú nghe giảng.

Người kỹ nữ thấy mọi người đã yên lặng trở lại bèn tiếp tục quấy nhiễu, tạo đủ mọi dáng điệu lả lướt nhằm mê hoặc lòng người. Mọi người không thể cưỡng nổi sự cám dỗ liên tục này, tâm trí lại dần dần trở nên tán loạn. Có người chỉ vào kỹ nữ mà nói rằng: “Dung mạo mỹ miều như thế này, quả thực hiếm thấy, ắt hẳn là thiên nhân hạ phàm”.

Mọi người tham luyến mỹ sắc của nàng kỹ nữ, tâm ý xao động, khó có thể kiềm lòng. Mặc dù vị pháp sư liên tục nhắc nhở không được bị kỹ nữ mê hoặc, nhưng mọi người vẫn không thể trấn tĩnh trở lại.

(Ảnh minh họa: yousense.info)

Pháp sư hiển thần thông, chấn nhiếp ma sắc

Pháp sư đảo mắt nhìn quanh mọi người trong phòng một lượt, thì thấy rằng dung mạo xinh đẹp của kỹ nữ trong lòng mọi người quả thực như một vì sao sáng chói, đủ khiến lòng người mê mẩn, mất đi chính niệm, mà tình nguyện bị nó mê hoặc.

Pháp sư nhắm mắt lại và quan sát người kỹ nữ trong định. Hoá ra cô ta xuất hiện chỉ vì một mục đích là mê hoặc mọi người, khiến mọi người không thể tĩnh tâm nghe Pháp.

Pháp sư sớm đã đoạn dứt khỏi mọi sự phẫn nộ, phiền não, nhưng vì để chấn nhiếp ma sắc, ông cố ý tỏ vẻ phẫn nộ trước mọi người. Ông lớn tiếng mắng mỏ người kỹ nữ và dùng thần thông cắt bỏ lớp da thịt bề ngoài của cô, để hiển lộ ra một bộ xương trắng, ngay cả tạng phủ bên trong cũng đều có thể nhìn thấy rất rõ nét. Lúc này, kỹ nữ hiển hiện trước mắt mọi người là một chiếc đầu lâu.

Lúc đó, có một vị cư sĩ quan sát người kỹ nữ này rất kỹ và nghĩ tới lời Phật Đà dạy rằng:

“Tâm nhãn của chúng sinh vì ái dục mà mê mờ, tâm nhãn mê mờ rồi sẽ mất đi trí huệ, không thể thấu hiểu được sự ảo diệu của việc tu hành”.

“Những người hành thiện không mệt mỏi, khi họ thực sự hiểu được phía không thanh tịnh của thân thể thì chẳng thể nào nảy sinh tham dục luyến ái, giống như Bạch Hạc chúa thường ở nơi ao trong, không thích dừng chân nơi lăng mộ hoang dã”.

Một vị cư sỹ khác nói: “Nhìn thấy dung mạo mỹ lệ lập tức sinh tham niệm, nhưng khi nhìn thấy đống xương trắng dục niệm lại lập tức tiêu biến. Bởi vì điều mà con người nhìn thấy là một bộ xương di động, trong tâm liền khiếp sợ. Cũng như trên hầm sâu nguy hiểm được trải lên một lớp cỏ xanh, phía dưới là một vực sâu đáng sợ, thân thể con người cũng như vậy. Da thịt che lớp xương cốt và tạng phủ, khiến con người không nhìn thấy sự thực. Hễ minh bạch sự thực thì không ai còn có thể nảy sinh ái dục với cô gái đó nữa”.

Mọi người nghe những lời của bậc hiền giả, rồi nhìn vào chiếc sọ người trước mắt, thi nhau cúi gằm mặt xuống, nhìn người kỹ nữ mà như không thấy. Người kỹ nữ nhìn thấy đủ loại uế tạp trong cơ thể mình, cũng sinh tâm chán ghét, cảm thấy xấu hổ vì sự ngu muội của bản thân. Vị pháp sư lại dùng thần thông khôi phục lại diện mạo ban đầu của người kỹ nữ.

Từ thế giới hư cấu trong tiểu thuyết tới những điển cố Phật giáo ở Ấn Độ, giở đi giở lại cũng chỉ có vài trang giấy. Nhưng chúng ta chỉ cần chiêm nghiệm một chút sẽ phát hiện ra rằng nơi đó truyền tải những trải nghiệm, thể ngộ và sự tìm tòi của con người thế gian về sinh mệnh suốt hàng nghìn hàng vạn năm qua. Dẫu rằng câu chuyện khác nhau, nhưng ngụ ý đều giống nhau.

Minh Tâm

Tài liệu tham khảo:

1. “Tây Du Ký” hồi thứ 54

2. “Đại Trang Nghiêm Luận Kinh” quyển 4

3. Vision Times

Bạn đang đọc bài viết: “Trư Bát Giới cũng biết cự tuyệt nữ sắc: Sự tích về ‘chiếc sọ người'” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi:  facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video2.dkn.tv||78348f1c0__