Hoài Nam Tử là bộ sách của Đạo giáo do Hoài Nam Vương Lưu An và nhóm các nhân sỹ cùng biên soạn. Bộ sách còn có tên gọi là Hoài Nam Hồng Liệt, hay Hồng Liệt, nghĩa là “Đạo lý to lớn và sáng tỏ”.
Hoài Nam Tử có nội dung phong phú, sâu rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực như: chính trị, triết lý, thiên văn, địa lý, tự nhiên, dưỡng sinh, quân sự… Bộ sách dung nạp tư tưởng Chư Tử đời Tiên Tần, lấy tư tưởng Đạo gia của Lão Trang làm chủ đạo, đồng thời thu nạp quan điểm của Nho gia và Âm Dương gia.
Dưới đây là những câu trích dẫn nổi tiếng, chứa đựng các giá trị tinh hoa trong Hoài Nam Tử:
16. Hoạn sinh ư đa dục, hại sinh ư phất bị
(Nguyên văn: 患生於多慾,害生於弗備)
Dịch nghĩa: Họa hoạn sinh ra bởi nhiều ham muốn dục vọng, tai hại sinh ra bởi không phòng bị, chuẩn bị.
Người xưa có câu: Tham thì thâm. Tham lam quá hóa thiệt thân. Câu chuyện cổ tích Việt Nam “Cây khế” đã nói rõ đạo lý này.
Hai anh em nhà kia, cha mẹ mất đi để lại cả một gia tài và cây khế. Người anh tham lam nhận hết nhà cửa, vườn tược cho mình, chỉ để lại cho người em cây khế. Một buổi sáng, có con chim lạ đến đậu bên cây khế và mổ quả ăn. Người em than phiền đuổi chim đi, con chim vừa ăn khế vừa trả lời rằng: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”.
Người em nghe vậy may túi ba gang để chờ chim. Sáng hôm sau, chim lại đến, nó bảo người em ngồi bám chặt lên mình nó rồi bay đi thật xa. Khi bay đến một hòn đảo, nó từ từ hạ xuống cửa hang rồi bảo người em chui vào mà nhặt vàng. Người em vào hang thấy rất nhiều vàng bạc, châu báu, vội lấy một túi nhỏ mang ra khỏi hang. Chim lạ chờ sẵn đưa người em về nhà. Có vàng bạc, châu báu người em trở lên giàu có nhất vùng.
Một hôm người anh lân la sang nhà hỏi dò em. Người em thật thà kể lại câu chuyện con chim lạ về ăn khế. Lòng tham trỗi dậy, người anh tìm cách chiếm lấy cây khế về cho mình rồi ngày ngày chờ chim đến. Rồi một ngày kia con chim lạ lại đến. Người anh cũng than phiền rồi đuổi chim đi. Chim lạ lại nói: “Ăn một quả trả một cục vàng, may túi ba gang đem đi mà đựng”, rồi hẹn sáng hôm sau lên đường.
Người anh sung sướng chắc mẩm phen này giàu to, bèn may cái túi thật to để sẵn ở gốc khế chờ chim. Sáng hôm sau chim đến và chở người anh đến hòn đảo có hang giấu vàng. Vừa đến hang, người anh hoa cả mắt, cố vơ thật nhiều vàng vào túi. Đã chất đầy túi rồi nhưng vì lòng tham khôn cùng, người anh tiếp tục vơ vàng vào một cái nữa, sau đó lần lượt chuyển từng túi ra cửa hang.
Đã đến lúc mặt trời sắp lặn, com chim lạ đợi mãi, người anh chuyển hai túi vàng lên mình chim rồi giục nó bay nhanh về nhà. Chim cất cánh được một lúc, khi ra đến giữa biển khơi, nặng quá chim mới bảo người anh bỏ bớt vàng đi nhưng người anh không nghe. Bay được một đoạn nữa thì chim mỏi cánh, không chịu đựng được đành hất cả người anh và hai túi vàng xuống biển.
17. Dụng chúng nhân chi lực, tắc vô bất thắng dã
(Nguyên văn: 用眾人之力,則無不勝也)
Dịch nghĩa: Dùng sức lực của mọi người thì không gì là không thắng.
Sau khi đế quốc Nguyên vừa tiêu diệt Nam Tống và đang ráo riết chuẩn bị chinh phạt Đại Việt. Hốt Tất Liệt, hoàng đế Đại Nguyên, đã nhiều lần ra yêu sách đòi các vua Trần sang chầu, nhưng đều bị cự tuyệt. Thế là quân Nguyên huy động một đạo quân rất lớn tiến đánh Đại Việt.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi: số quân mà nhà Nguyên điều động là 50 vạn từ phương Bắc tràn xuống, kết hợp với gần 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam (Champa) đánh lên, tin rằng với sức mạnh như vậy sẽ nhanh chóng bóp nát nước Đại Việt.
Nhìn thấy quân Nguyên hùng mạnh như vậy, rất nhiều vương tôn đại thần trong triều có ý xin giảng hòa. Trần Ái Di được vua Nguyên phong làm An Nam Quốc vương. Trần Ích Tắc, Trần Kiện viết thư hàng, đem gia tộc theo quân Nguyên.
Để đối phó với một đạo quân hùng mạnh, trong khi nội bộ triều đình lại chia rẽ, nhà Trần đã khôn khéo triệu tập hội nghị Bình Than (1282) bàn cách kháng địch. Vua Trần và tất cả tướng soái dưới quyền đều ý thức được rằng, muốn chiến thắng được đội quân khổng lồ của nhà Nguyên thì cần có sự tham gia của nhân dân.
Đến tháng 12 năm Giáp Thân (tháng 1 đầu tháng 2 năm 1285), Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mời những bậc lão niên có uy tín trong cả nước về điện Diên Hồng ở kinh đô Thăng Long để trình bày chủ trương của triều đình. Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, trong Hội nghị Diên Hồng, khi được vua hỏi có nên đánh lại quân Nguyên hay không, các phụ lão đã “vạn người cùng nói như từ một miệng: Đánh!”.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên viết trong Đại Việt sử ký toàn thư, bản kỷ toàn thư quyển 5:
“Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.
Kết quả là nhà Trần từ thế yếu phải chạy trốn đã từng bước phản công, lần lượt có những chiến thắng vang dội. Trận Hàm Tử, Tây Kết, Toa Đô khiến Ô Mã Nhi phải tháo chạy. Trận Chương Dương đốt cháy và thu hàng hầu hết chiến thuyền quân Nguyên. Trận sông Thiên Mạc chém đầu Toa Đô. Trận sông Như Nguyệt, tướng Nguyên là Lý Hằng tử trận. Cuối cùng, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng trốn chạy về nước.
Nhờ khéo biết dùng sức mạnh toàn dân mà nhà Trần non trẻ, nhỏ bé đã lập nên một chiến công chấn động bốn cõi. Thái Sư Trần Quang Khải đã cảm thán mà làm bài thơ về chiến thắng này như sau:
Chương Dương cướp giáo giặc,
Hàm Tử bắt quân Hồ.
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy ngàn thu
18. Mục kiến bách bộ chi ngoại, bất năng tự kiến kỳ tí
(Nguyên văn: 目見百步之外,不能自見其眥)
Dịch nghĩa: Cặp mắt nhìn được ngoài trăm bước nhưng không thể nhìn được khóe mắt.
Câu này gần giống với một ngạn ngữ của Việt Nam: “Dao sắc không gọt được chuôi”. Con người dẫu tài giỏi như thế nào thì vẫn có những điểm yếu riêng khó lòng nhận ra.
Lão Tử nói: “Biết người là khôn. Biết mình là sáng. Thắng người là kẻ có sức, tự thắng là kẻ mạnh. Biết “tri túc” là giàu, cố gắng là người có chí”.
Thế nên, người biết rõ mình thường nhìn vào bản thân, tìm những lỗi lầm, khiếm khuyết của mình mà sửa chữa, luôn hoàn thiện mình. Đó mới đích thực là người có trí tuệ, mới đích thực là người mạnh mẽ, đủ sức chiến thắng bản thân.
19. Chu phục nãi kiến thiện du, mã bôn nãi kiến lương ngự
(Nguyên văn: 舟覆乃見善游,馬奔乃見良御)
Dịch nghĩa: Khi thuyền lật mới biết ai là người bơi giỏi. Khi ngựa chạy điên cuồng mới nhìn ra ai là người đánh xe giỏi.
Người xưa cũng nói: “Gió lớn mới biết cỏ cứng, quốc loạn mới biết trung thần”.
Năm 1873, Soái phủ Nam Kỳ phái Francis Garnier đem quân ra Hà Nội, lấy cớ giúp thương nghị sự tranh cãi giữa tay lái buôn Jean Dupuis và chính quyền nhà Nguyễn ở Bắc Kỳ. Thoạt tiên, Đô đốc Dupré định đưa ra hai ngàn quân. Tuy nhiên việc điều động một lượng quân lớn như vậy đã gây nghi ngờ từ phía triều đình Huế. Cuối cùng, đại úy Garnier đã thuyết phục đô đốc Dupré rằng chỉ cần vài chục binh sĩ tinh nhuệ là đủ.
Garnier chuyển quân ra bắc làm hai đợt, đợt đầu 83 lính, đợt thứ hai thêm 88 lính và hai pháo thuyền. Tới ngày 5 tháng 11, ông ta đã đến Hà Nội trên tàu hơi nước của Dupuis. Cộng với thuộc hạ của Dupuis, đội quân gồm có 10 người Âu, 30 người Á, 150 lính đánh thuê Vân Nam và một số lính Cờ vàng. Garnier chuẩn bị đánh chiếm thành Hà Nội sau khi nhận thấy lời đe dọa của mình không làm lung lay được Nguyễn Tri Phương.
Rạng sáng ngày 20 tháng 11 năm 1873, Garnier đánh úp thành Hà Nội. Quân Pháp bất ngờ tập kích vòng phòng thủ bên ngoài của hai cửa phía nam, rồi vượt qua cầu trước khi quân trú phòng kịp bắn xuống. Đồng thời, pháo từ các pháo thuyền cũng bắn lên khiến cho binh lính phòng thủ vốn không quen với đạn pháo phải bỏ chạy tán loạn khỏi thành theo cửa tây. Cùng lúc đó, hỏa lực quân Pháp cũng bắn vỡ cửa nam. Chỉ trong một giờ, quân Pháp đã treo cờ tam tài lên vọng lâu thành Hà Nội.
Con trai Nguyễn Tri Phương là Phò mã Nguyễn Lâm bị trúng đạn chết tại trận, bản thân Nguyễn Tri Phương cũng bị trọng thương. Ông được lính Pháp cứu chữa, nhưng đã khẳng khái từ chối và nói rằng: “Bây giờ nếu ta chỉ gắng lay lắt mà sống, sao bằng thung dung chết về việc nghĩa”. Sau đó, ông tuyệt thực gần một tháng rồi mất.
20. Kiến vũ tắc cừu bất dụng, thăng đường tắc thoa bất ngự
(Nguyên văn: 見雨則裘不用,升堂則蓑不御)
Dịch nghĩa: Khi gặp trời mưa thì áo lông cừu vô dụng, khi thăng đường thì áo tơi (áo mưa thời xưa) vô dụng.
Mỗi vật dụng, công cụ chỉ có tác dụng ở một vài phương diện nào đó, không thể có vật gì vạn năng. Mỗi một người cũng chỉ có tài năng, sở trường ở một vài lĩnh vực mà thôi.
Người xưa nói: Vàng không có vàng mười, người không có người hoàn thiện. Do đó, đối với người, cũng như đồ vật, cần tìm hiểu sở trường, sở đoản, tác dụng tác hại mà sử dụng cho thích hợp.
Nhân vô thập toàn, nếu quá cầu toàn thì đúng là khó mà tìm được nhân tài hoàn hảo. Nghệ thuật dùng người nằm ở chỗ biết dùng sở trường của người ta đúng việc, đúng chỗ. Con người không ai không có tài năng riêng, tài năng không cái nào là không có chỗ sử dụng. Bất kỳ ai cũng có sở trường sở đoản, dùng người biết bỏ sở đoản, chọn sở trường thì ắt sẽ thành công. Thế mới gọi là:
Tuấn mã tung vó câu,
Cày ruộng chẳng bằng trâu.
Xe lớn chở vật nặng,
Qua sông bằng thuyền đâu?
Dùng người lấy sở đoản,
Kẻ trí cũng vô mưu,
Dùng người nên thích hợp,
Cẩn trọng chớ khắc cầu.
(Còn tiếp)
Nam Phương