Trong thiền phòng của ngôi chùa cổ nọ, thiền sư ngồi đối ẩm cùng một tục khách. Ngoài trời tuyết rơi mỗi lúc một dày, thiền sư cho thêm củi, khơi lại lò, bắc ấm nước, nhìn ra cửa sổ trầm ngâm. 

Một lát, nước sôi già, thiền sư vén tay áo, khẽ khàng khơi trà vào chiếc ấm tử sa cổ màu gan gà, chiêu thêm nước, đậy nắp ấm, lại cố tình dội một lượt nước sôi tráng khắp thân ấm. Động tác của thiền sư thuần thục, không thiếu không thừa, ung dung tự tại, làm tục khách cảm thấy khoan khoái lắm.

Đoạn, thiền sư chuyên trà từ chén tống sang chén quân, mỉm cười nhìn khách, khẽ gật đầu, tay dâng chén trà đầy trân trọng. Khách vội vươn người tới đón, cung kính đáp lễ, đưa chén lên mũi thoạt tiên thưởng hương, lại ghé sát vào đầu môi nhấm nháp ra chiều khoái hoạt lắm.

Khách hỏi bâng quơ: “Bạch sư phụ, ngài pha trà đã nhiều năm như vậy, xin giảng cho kẻ hèn này biết trà uống ở tuần nước nào mới thơm ngon nhất?”.

Thiền sư an tọa, tay nâng chén trà còn nghi ngút khói lên, trầm ngâm nói:

“Tuần nước thứ nhất tựa gió thoảng, tuần thứ hai giống dòng sông xuân xanh, còn tuần thứ ba cơ hồ như ánh trăng vàng chiếu rọi”.

Khách càng băn khoăn không hiểu: “Bạch sư phụ, vậy thì kẻ hèn vẫn chưa biết tuần gió thoảng hay tuần trăng vàng mới là ngon nhất?”.

Thưởng trà, mỗi nước đều có một vị khác nhau, giống như đời người vậy. (Ảnh: pinterest.com)

Thiền sư khẽ nhấp một ngụm trà, vuốt chòm râu bạc, tay lần tràng hạt, ôn tồn giảng giải: “Cái đạo tối cao của trà không ở vị ngon đầu lưỡi, cuống họng mà ở tâm thái. Nếu ngài để ý kĩ thì sẽ nhận ra rằng tuần trà nào cũng có dư vị riêng, như gió như sông như trăng, mỗi thứ một vẻ. Chung quy lại, nước nào cũng quý cả”.

Khách gật gù, nhưng vẫn gặng hỏi: “Bạch sư phụ, đầu óc tôi chậm chạp, thỉnh thầy giảng rõ hơn!”.

Thiền sư cười lớn: “Ha ha! Nếu cứ giảng mãi cả ngày e rằng cũng không đến đích. Ngài hãy nhìn xem, chén trà trên tay đã nguội rồi. Ngài vừa bỏ lỡ chén trà ngon nhất rồi đó!”.

Khách sực tỉnh, nhìn thiền sư cùng cười lớn. Bên ngoài mưa tuyết vẫn bay bay…

***

Dám chắc rằng rất nhiều người cũng từng có lần rơi vào cảnh băn khoăn như vị tục khách kia vậy. Cớ sao cầm trên tay chén trà nóng, hương ngạt ngào, vị thanh tao mà chẳng buông hạ cái tâm mà thưởng thức trọn vẹn nơi đầu lưỡi, cuống họng? Cớ sao cứ phải thắc mắc chén trà trước đó hay sau đó có ngon bằng hay không? Chỉ có chén trà ở hiện tại là bạn có thể thực sự cầm nắm được mà thôi.

Cũng như vậy, ngày hôm qua dù đẹp đẽ nhưng đã trở thành ảo ảnh quá khứ, ngày mai dẫu tràn trề hy vọng nhưng vốn cũng chỉ là mộng tưởng xa xôi. Sống tự tại, ung dung trong thời khắc hiện tại thực tại nhất mới chính là thưởng thức cuộc sống này.

Chuyện cũ đã qua không thể níu giữ, người cũ ra đi nào cản bước chân? Chuyện vui buồn ngày hôm qua thì hôm nay đã trở thành kỷ niệm, ngày mai sẽ chỉ còn là ảo ảnh xa xăm. Mỗi giây, mỗi phút hiện tại mới chính là tài sản quý giá nhất của cõi nhân sinh ngắn ngủi này.

Cũng như vậy, ngày hôm qua dù đẹp đẽ nhưng đã trở thành ảo ảnh quá khứ, ngày mai dẫu tràn trề hy vọng nhưng vốn cũng chỉ là mộng tưởng xa xôi. (Ảnh: Youtube.com)

Trên đời vốn không có chuyện gì không thể từ bỏ, chỉ là tâm bạn mãi cứ đeo đẳng mà thôi.

Trên đời vốn cũng chẳng có người nào là không thể quên, chỉ là bạn để sợi dây tình mãi buộc chặt tấm thân mình.

“Tướng tại tâm sinh, cảnh tùy tâm chuyển”, mọi sự buồn vui trên đời đều ở tâm người mà hiển hiện. Tâm rộng, lòng thoáng đãng thì dẫu đến nơi núi đao biển lửa cũng nào có sá gì. Tâm chật hẹp, lòng tù túng, dẫu có nằm trên đống vàng, ở giữa lâu đài cũng bằng như đứng trên hoang đảo.

Sinh mệnh dù ngắn dù dài, mỗi người chỉ có một lần được sống. Cuộc đời dẫu buồn hay vui, tất cả đều phải bước đi. Gian nan là nợ anh hùng phải vay, nghịch cảnh chính là nơi trui rèn ra những con người dũng mãnh. Thế nên chịu oan ức thì hãy trầm tĩnh lặng im, dẫu có bị hiểu lầm thì cười lên một tiếng bỏ qua tất cả.

Lại mới hay:

Trà thơm đợi bằng hữu
Chén quỳnh phút tri giao
Đối ẩm nhìn trăng sáng
Bể dâu nhớ thuở nào…

Văn Nhược