Lại nói đến việc Cốc đế lên ngôi mấy năm, bốn biển đều thần phục, chỉ có nước Cộng Công không chịu quy thuận phụ thuộc. Nước Cộng Công vốn ở Ký Châu, nơi đó có hai đầm lớn, một là đầm Đại Lục ở phía đông, còn lại là đầm Chiêu Dư Kỳ ở phía tây, chúng rộng giống như hai đại dương mênh mông vô bờ. 

Bởi vậy, người sống trên vùng đất đó, cứ 10 người thì 9 người sống trên mặt nước. Họ lấy thuyền làm nhà, thông thạo kỹ năng bơi lội, tính tình rất hung mãnh và có quan hệ rất trọng yếu đối với lịch sử thượng cổ Trung Hoa. Nếu ngay từ đầu không giải thích rõ thì về sau người đọc sẽ không thể hiểu được. 

Lại nhắc tới những năm cuối của Phục Hy thị, Ký Châu có xuất hiện một quái nhân, họ Khang tên Hồi, đầu đồng trán sắt, tóc hồng thân rắn. Có lẽ ông ta cũng là Ma quân trời giáng xuống làm việc đối nghịch với dân chúng. Tướng mạo của Khang Hồi vừa nhìn thấy đã khiến người sợ hãi, tính tình người này lại vô cùng hung ác. Lúc đó người sống ở nơi này đã tôn xưng ông làm thủ lĩnh, tộc người đó được gọi là Cộng Công thị. Sau khi trở thành thủ lĩnh, ông thống trị một phương và thường xuyên mang theo những người hung hãn của mình đến tranh giành vùng đất Trung Nguyên, hy vọng trở thành hoàng đế của toàn bộ vùng đất Trung Quốc. 

Vì giỏi bơi lội cho nên Khang Hồi thường dùng thủy công khi giao chiến, bởi vậy mà các nước xung quanh đều rất sợ hãi, cuối cùng đều nghe theo lệnh của ông ta. Lúc này Khang Hồi đã xưng bá Cửu Châu. Bởi vì am hiểu việc dùng nước mà ông tự cho rằng bản thân đã đắc được đức của nước trong Ngũ Hành. Do vậy, tất cả các thể chế quan lại đều dùng nước để đặt tên, cũng có thể nói ông cũng là một đời anh dũng rồi. Nhưng ông ta không thể ngờ rằng vẫn có người đứng lên đối đầu với ông ta hết trận này tới trận khác. Vậy người đối kháng với Khang Hồi là người như thế nào?

Đó chính là em gái của Phục Hy thị, tên gọi Nữ Oa thị. Nữ Oa thị sinh ra ở núi Thừa Chú, tuy là một nữ tử nhưng cũng là người rất kỳ quái. Tướng mạo của bà xấu xí, đầu bò thân rắn và thân hình to lớn. Bản lĩnh của bà cũng không hề nhỏ, có năng lực thi triển 70 phép biến hóa trong một ngày, muốn thay cái gì liền đổi được thứ đó. Có thể nói rằng, từ thời cổ đại tới nay, bà là nữ anh hùng đầu tiên của Trung Quốc. 

Chế định lễ nghi kết hôn

Khi ở Phục Hy thị, Nữ Oa đã làm được một việc rất quan trọng, đó là chế định ra lễ nghi kết hôn.

Thời Thái Cổ ban sơ, nam nữ giao lưu cởi mở, tự do yêu đương, giống như là yêu thích ai thì sẽ kết duyên với người đó. Nữ tử gặp được nam tử thì không ai không thành chồng của nàng ấy. Nam tử gặp được nữ tử thì không ai không trở thành vợ của chàng ấy. Cuối cùng, khi một đứa trẻ ra đời, hỏi rằng ai đã sinh ra đứa bé, cha của đứa nhỏ là ai, ngay cả người mẹ cũng không biết. Thành thật mà nói, người sống tại thời điểm đó đại khái không khác nhiều so với cầm thú! 

Nhìn thấy tình huống như vậy, Nữ Oa thị rất không đành lòng cho nên đã bàn với Phục Hy thị, là cần chế định ra một phương pháp để thay đổi tình hình này. 

Nữ Oa dùng đất tạo con người. (Ảnh: The Epoch Times)

Phục Hy thị hỏi: “Thế muội có cách gì không?” 

Nữ Oa thị đáp: “Muội nghĩ, một nam một nữ kết thành đôi phu thê, cùng xây cất nhà cửa và không rời nơi đó. Không rời đi mới không loạn được. Hiện tại giả định như nam tử lấy được nữ tử gọi là có thất, nữ tử lấy được nam tử gọi là có gia, gia thất này có 2 chữ. Chính là nơi ở vĩnh viễn của đôi phu thê. Thế nhưng khi nam tử ở còn nữ tử rời đi thì sao? Hoặc là nữ tử ở còn nam tử rời đi thì làm thế nào? 

Muội cho rằng hẳn là nữ tử nên đến ở bên nam tử. Nhưng dựa vào lý do gì? Bây giờ đất đai còn rất hoang vu, không có văn minh thế gian. Thứ nhất là, làm vậy thì có thể đạt được đầy đủ áo cơm. Thứ 2 là có thể chống lại được quân địch. Nếu so sánh thì thể lực của nữ yếu hơn nam, cho nên nam tử nuôi và bảo vệ nữ tử sẽ dễ dàng hơn. Nếu để nữ tử nuôi và bảo vệ nam tử thì sẽ khó khăn phức tạp hơn. Mà sinh lý của nữ cũng khác nam, có những lúc người nữ không thể bảo vệ được người nam, ngược lại còn khiến nam phải bảo vệ nữ. Nếu đã như vậy thì hẳn là phụ nữ nên phụ thuộc nam giới, đến ở nhà của người nam, như vậy chẳng phải sẽ tốt hơn sao. Cho nên ý định của muội là cần có một tên gọi, nam tử lấy nữ tử gọi là thực hiện cưới hỏi, là cưới vợ về. Người nữ lấy người nam gọi là xuất giá, tức là lấy chồng. Đại ca, huynh thấy phương pháp này có được không?”

Phục Hy thị nói: “Đôi nam nữ kết thành phu thê, là nền tảng của gia đình, rời khỏi nơi ở hiện tại để cùng xây dựng một ngôi nhà, như vậy chẳng phải là tốt sao? Cần gì cứ phải nữ đến nhà nam, đàn ông cưới vợ, khiến cho đàn bà bị nghi ngờ là lệ thuộc vào đàn ông chứ?” 

Nữ Oa thị giải thích: “Về đạo lý này, muội cũng nghĩ tới rồi. Điều này thực cũng tốt, nhưng cũng có nhiều khó khăn. Bởi vì có phu thê thì sẽ có phụ tử, làm phụ mẫu, cha mẹ vất vả nuôi con trưởng thành, nam tử nữ tử tìm được người như ý, sau khi kết hôn lại chuyển ra ngoài sống cuộc sống hạnh phúc của họ và để lại đôi vợ chồng già ở lại nhà, cô đơn tịch mịch, quả là thê thảm đó. Vả lại, nếu một trong hai người chết đi, trong căn nhà đó chỉ còn lại một người, huynh nghĩ xem người còn lại sẽ sống tiếp như thế nào? 

Huống hồ, một người khi về già thì không thể tránh khỏi bị điếc, mù, đi lại khó khăn hoặc mắc một số bệnh tật, tất cả đều phụ thuộc vào con cháu ở bên trông nom chăm sóc. Giả sử các con đều ra ngoài chăm lo hạnh phúc riêng của mình, vậy khi cha mẹ ốm đau thì giao cho ai sẽ trông nom? Nói tới đạo lý đền đáp công ơn, khi còn nhỏ, bé trai và bé gái không thể tự nuôi thân, toàn dựa vào cha mẹ chăm sóc, vậy thì khi cha mẹ già yếu, không thể tự lo cho bản thân, đương nhiên là phải dựa vào con cái phụng dưỡng rồi. Đây là việc kinh thiên địa nghĩa, há lại có thể chuyển đi nơi khác ở, bỏ mặc cha mẹ không quản ư!”

Phục Hy thị lại hỏi: “Nếu theo như lời muội nói, con gái hẳn là nên phục sự phụ thân và phụng dưỡng phụ mẫu, đây là việc tốt. Thế nhưng, con gái lại gả đến nhà trai thì cha mẹ của nàng ai sẽ đến để phục sự phụng dưỡng đây? Lẽ nào con gái đều không do cha mẹ sinh ra?” 

Nữ Oa thị đáp: “Muội nghĩ đến cách thức này quả thực cũng là bất đắc dĩ. Bởi vì việc gì cũng có hai mặt không thể chu toàn hết, không còn cách nào tốt hơn cho nên trước tiên cần thực hiện tốt một phương diện đã. Sở dĩ chọn cách này là bởi nó có lợi hơn cho cả đôi bên và giảm nhẹ thiệt hại. Huống hồ, nếu theo biện pháp của muội mà thực hiện thì cũng không phải là không có cách khắc phục. Bởi vì cha mẹ của người nữ có thể còn có con trai. Nếu như có con trai thì dù con gái có đi lấy chồng thì đã có con trai ở nhà chăm sóc cha mẹ rồi, lo gì không người trông nom chứ. 

Nếu như nhà người nữ không có con trai thì người nam có thể ở rể trong nhà nữ tử mà, không đem con gái gả tới nhà người khác ở, cũng có thể nữ tử sẽ dẫn theo cha mẹ tới nhà chồng ở, hoặc nhận con nuôi. Đây đều là biện pháp bổ sung cho sự khuyết thiếu, tuy nhiên đó cũng chỉ là trường hợp cá biệt mà thôi”.

Phục Hy thị thắc mắc: “Lời muội nói, nam tử nhất định phải cưới vợ về, nữ tử nhất định phải gả đi, đạo lý này ta có thể hiểu được. Nhưng trong thời gian kết hôn thì có điều kiện gì khác nữa không?” 

Nữ Oa thị đáp: “Muội nghĩ là cần có 3 điều kiện. Thứ nhất là cần phải ‘chính tính thị’. Thứ 2 là cần thông qua mai mối. Thứ 3 là người đàn ông cần có sính lễ cưới hỏi trước”. 

Phục Hy lại hỏi: “Vì sao cần phải ‘chính tính thị’?”

Nữ Oa giải thích: “Phu thê phối hợp là muốn sinh con dưỡng cái, truyền giống nhân thế hệ. Thế nhưng người có cùng huyết thống dòng tộc lại không xứng làm vợ chồng, bởi vì khi kết làm phu thê, con sinh ra không điếc thì câm, cũng có thể bị tật nguyền, còn có thể bị ngốc nghếch. Như vậy thì nó sẽ khiến cho một thế hệ không điếc thì câm, mang theo tật nguyền, hoặc ngu ngốc. Đến một hoặc hai đời sau còn xuất hiện tình trạng: hoặc là đần độn, hoặc là đoản mệnh, hoặc là không thể sinh nở. Cho nên người xưa mới gọi là ‘nam nữ cùng họ, sinh không nảy nở’, thực đúng là kinh nghiệm lịch sử. Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng, đại khái là bởi vì huyết thống quá gần. Cho nên muội mới nói, việc đầu tiên cần làm là ‘chính tính thị’. Chỉ cần là cùng họ thì nhất định không cho phép kết hôn, đại ca, huynh xem có sai sót không?”

Phục Hy thị hỏi: “Không sai. Nhưng điều kiện thứ 2 là cần phải có mai mối trước là như thế nào?” 

Nữ Oa thị trả lời: “Đây là ý tứ xem trọng giá thú. Muội nhìn thấy hiện nay nam nữ kết hôn với nhau thực đã không xem trọng điều này. Họ hôn phối với nhau có thể nói là toàn dựa trên xung động dục tình mà không có tâm tư khác. Tình dục của nam nữ vốn dễ dàng xung động, đặc biệt là ở người nam, nếu như họ vì xung động ấy mà phối hợp, như vậy thì khi kết hôn với nhau, nhiệt độ giảm dần và họ sẽ trở nên thờ ơ, thời gian lâu dần, họ có thể trở nên chán ghét nhau. Hết thảy chuyện tình trong thiên hạ, nếu đến quá nhanh thì đi cũng nhanh chóng, kết hợp quá dễ dàng thì cũng cực dễ phân ly. Vì thế mà có rất nhiều đôi phu thê mới tự do kết hợp và tự do bỏ nhau. 

Phu thê phối hợp, vốn muốn thành một gia đình vĩnh cửu và mãi mãi hưởng thụ hạnh phúc. Nếu thường xuyên ly hôn thì làm gì còn gia đình, làm sao hưởng thụ hạnh phúc mãi mãi đây? Cho nên, hiện tại muội muốn đề xuất phương án thông qua mai mối; ý tứ là sự việc này cần phải có cân nhắc và suy nghĩ kỹ càng. Hai người nam nữ nếu thật lòng muốn kết hôn, hoặc đã tìm hiểu hoặc gặp được người có thể thành hôn thì mời họ hàng, bạn bè hoặc hàng xóm láng giềng, những người đáng kính và đáng tin cậy, nhờ làm mai mối. Trước tiên người làm mai mối sẽ thảo luận xem họ có hợp nhau không, tuổi tác, tướng mạo, khí chất, tài năng, cách ứng xử hàng ngày, mọi thứ đã được xem xét rồi mới đến nói chuyện. Mặt khác, mời bà mối cũng giống như vậy, sau khi bàn bạc cân nhắc, mọi người nhất trí, sau đó định ngày và cử hành hôn lễ. Những việc này đều do hai bà mối chạy tới chạy lui bàn bạc. Cho nên mới gọi là mai mối. 

Theo phương pháp này, có một số ưu điểm: Thứ nhất, nó có thể tránh được sự kích thích ham muốn tình dục của nam và nữ. Bởi vì nam nữ trực tiếp bàn luận, tuy mỗi người đều có ý cẩn thận lựa chọn, nhưng sau khi gặp mặt, ý định lựa chọn cẩn thận thường không thắng nổi xung động tình dục, nóng lòng kết hôn mà không suy nghĩ kỹ càng mọi phương diện. Hiện tại có người mai mối bàn bạc qua lại, họ cũng là người được bà con, bạn bè, làng xóm kính trọng và đáng tin cậy, thì đương nhiên phải cẩn thận xem nam nữ có hợp nhau hay không, cho nên sẽ tỉ mỉ thận trọng không phạm sai lầm. Đây là chỗ tốt nhất.

Thứ hai, cách thức này có thể tránh được hành vi ma quỷ gian trá. Nếu như nam nữ tự mình phối hợp, họ xuất phát từ thành tâm cũng vậy mà miễn cưỡng cũng thế. Đáng sợ nhất là một trong hai người không thành tâm, hoặc bởi vì tham sắc, hoặc tham tài, hoặc là ham vui nhất thời. Vì vậy người này sẽ dùng hết tâm cơ, mọi cách dụ dỗ, để đạt được sự đồng thuận của đối phương. Thanh niên nam nữ có kiến thức gì, bất tri bất giác tự nhiên rơi vào trong đó, cho dù cảm thấy chuyện này có chút không ổn, nhưng dưới tình huống nhìn thấy mà không thể cưỡng lại, do đó có người đã miễn cưỡng đồng ý. Cuối cùng kẻ bất lương đã đạt được mục đích nên đương nhiên sẽ lập tức vứt bỏ đối phương, người bị bỏ rơi vốn dĩ là đồng ý tự nguyện, không có nhân chứng, cũng không có chỗ kêu oan. Từ xưa đến nay không biết đã xảy ra bao nhiêu chuyện như vậy. Nếu được bà mối bàn bạc, cân nhắc thì chắc chắn đã không xảy ra những thủ đoạn xảo quyệt như vậy. Đây là chỗ tốt thứ hai.

Thứ ba, có thể giảm thiểu tình trạng vợ chồng ly hôn. Đàn ông bỏ vợ, đàn bà ra tòa xin ly hôn, khi vợ chồng tuyệt đối không thể chung sống với nhau thì mới có thể đưa ra hạ sách này, cũng là không còn cách nào khác. Tuy nhiên, nếu có thể thỏa hiệp vì lợi ích chung thì cuối cùng cũng sẽ không ly hôn. Suy cho cùng, vợ chồng ly hôn là việc không may mắn. Tuy nhiên, tâm lý con người là ghét cũ yêu mới, cho dù đã lập gia đình, nhưng sau một thời gian thấy người đẹp thì tất khó mà không thể yêu thích. Đương nhiên là khi phát sinh yêu thích người mới thì sẽ muốn bỏ người cũ để cưới người ấy. Từ xưa đến nay, nhiều cặp vợ chồng đã ly hôn vì điều này. Nếu như lúc kết hôn, yêu cầu nhất định phải thông qua mai mối, như thế thì có điểm không thể tự do. Bởi vì vừa mời mai mối xong thì vì lẽ gì lại mời mai mối tiếp? Bản thân người đó cũng không thể cất lời được, hơn nữa người làm mai mối phải chạy tới chạy lui, công việc rất phiền phức. Không biết phải qua bao nhiêu thủ tục mới kết hôn được, cho nên họ sẽ không dám coi nhẹ mà đòi ly dị để tái hôn. Đây là chỗ tốt thứ 3. Đại ca, huynh xem có hợp lý không?

Phục Hy thị nói: “Rất hợp lý, rất hợp lý. Còn điều kiện thứ ba, sính lễ là gì?” 

Nữ Oa thị trình bày: “Điều kiện này muội đặt yêu cầu đối với người nam.

Trên đời đàn bà có lỗi với đàn ông thì ít nhưng đàn ông có lỗi với đàn bà thì nhiều. Muội ủng hộ việc nữ tử đến sống ở nhà nam tử, cũng ủng hộ nữ phục tùng nam. Đây là muội cân nhắc dựa trên đạo lý mà nói vậy, chứ không phải là trọng nam khinh nữ. Muội sợ những người đàn ông không hiểu đạo lý trên đời, nghe nói điều này xong sẽ trở nên kiêu ngạo, cho rằng ‘nữ nhân cần ta bảo vệ, cần ta nuôi, hẳn là phải phục tùng ta’. Vì vậy mà lăng nhục, bắt nạt, còn coi nữ tử như món đồ chơi, vậy thì thật không đúng. Thế nên muội mới nghĩ ra cách làm này, mỗi khi cưới vợ, bà mối đều nói rõ, trước tiên người nam phải mang theo một số lễ vật có giá trị đến nhà người nữ, điều này thể hiện một loại thành ý cầu xin, tôn trọng và lễ phép, như vậy thì cuộc hôn nhân này mới có thể được xác định. Ý của muội là để cho những người nam đó biết rằng chữ phu thê có đầy đủ ý tứ, họ bình đẳng với nhau, không có sự phân biệt cao thấp, chỉ dùng để tôn kính lễ phép, thành khẩn cầu đến nhà chủ trì việc gia đình, trên là tế tự, dưới là nuôi dạy con cháu, cũng không phải tùy tiện thỏa mãn tình dục. Làm như vậy thì là người một nhà tất nhiên sẽ phải đồng tâm hợp ý, tương kính như tân, không dễ phản bội nhau. Đại ca, huynh thấy thế có đúng không?” 

Phục Hy thị hỏi: “Lý do rất đầy đủ, nhưng sính lễ dùng là thứ gì? Đơn giản cũng cho họ được quyết định, để sau này người không hiểu chuyện lại muốn tranh luận về nhiều ít, trái lại còn đưa ra ý kiến sai”

Nữ Oa thị nói: “Không sai. Muội cảm thấy hiện tại là thời đại ăn tươi nuốt sống, thứ thông dụng nhất là da và trọng yếu nhất cũng là da, vậy quyết định sử dụng da thôi”. 

Phục Hy thị hỏi tiếp: “Vậy cần dùng bao nhiêu tấm?” 

Nữ Oa thị đáp: “Dùng hai miếng da, ý tứ là kết thành một đôi, không nhiều không ít, giàu nghèo đều có thể phù hợp. Đại ca, huynh xem có hợp lý không?” 

Phục Hy thị cười nói: “Được rồi, mọi thứ tùy theo ý muội, tùy theo ý muội. Chỉ là cách thức của muội quá khốc liệt rồi, tước đoạt tự do của nhân gian, ngăn cản nhân gian luyến ái, chỉ sợ mấy ngàn năm sau thanh niên nam nữ không muốn nghe theo, mắng tộc ta là đầu sỏ vẽ chuyện mà thôi!” 

Nữ Oa thị cũng cười nói: “Cái này không cần lo, bất kỳ phương pháp nào cũng sẽ không tồn tại vĩnh viễn. Thực sự thì đến lúc đó nếu có một phương pháp khác tốt hơn để thay đổi thì muội cũng đồng tình. Huống hồ, một chế định có thể dùng được mấy ngàn năm, thì còn gì để nói nữa, chẳng lẽ vẫn không biết hài lòng sao”.

Hiện tại hai huynh đệ đã thảo luận định ra rồi, ngày mai sẽ lệnh thông báo cho bách tính, sau đó nam nữ kết hôn thì cần dựa theo cách thức Nữ Oa thị định ra mà hành theo, đồng thời phân cho Nữ Oa thị là một thần tử chuyên quản việc này. Nữ Oa thị lại gọi một thuộc hạ của mình là Kiển Tu phụ giúp xử lý vấn đề mai mối. Từ đó về sau, tập tục thay đổi, việc kết đôi giữa nam và nữ không còn hỗn loạn như động vật nữa. Vì vậy, mọi người đã đặt cho Nữ Oa thị một biệt danh là ‘Thần mai mối’.

Nữ Oa chuẩn bị đối kháng với Khang Hồi

Trên đây là câu chuyện về Nữ Oa thị thời Phục Hy. Sau khi Phục Hy qua đời, Nữ Oa thị thiết lập triều đại, xưng là Nữ Hy thị. Vài năm sau, vì già yếu, bà về vườn nghỉ ngơi không hỏi chính sự nữa. Nhưng không ngờ là lại có một người tên là Khang Hồi, chuyên dùng nước hại người, bà Nữ Oa lại không đành lòng, lại bước ra chống lại Khang Hồi. Một ngày bà có thể thi triển 70 loại biến hóa khác nhau, hôm đó bà biến thành một lão nông, đến nơi ở của Khang Hồi để thám thính tình hình, chỉ thấy những người ở đó đang thao diễn phương pháp công phá bằng nước. Một số người chất đầy bao cát ở giữa sông lớn, khi nước thượng nguồn đầy, họ sẽ lấy hết đất cát ra ngoài, dòng nước sẽ tự nhiên theo dòng từ trên cao đổ ào ào xuống hạ lưu. Còn có những người khác xây bờ đê kè cao ở hai bên bờ sông và hồ để dự trữ rất nhiều nước, sau đó lại đột nhiên phá thủng một góc để cho nước theo chỗ vỡ mà lao đi, lan tràn khắp mọi nơi. Còn một cách nữa là, dùng đá chặn các con suối để trữ nước lại, sau đó lại làm vỡ một chỗ khiến cho nước từ trên cao lao mạnh xuống, trông giống như thác nước, nếu từ dưới nhìn lên thì cảnh tượng này giống như nước từ trời đổ xuống. Khang Hồi đốc thúc bách tính luyện các phương pháp này mỗi ngày, cho nên người tộc Cộng Công đã thực hành được rất thuần thục. 

Nữ Oa nhìn một lúc, trong tâm thầm nghĩ: “Thì ra là thế, thảo nào mọi người không thể chống đỡ”. Thế là bà trở về Nữ Hy thị và phát lệnh cho người dân chuẩn bị 20 ngàn khối đá chia thành 5 loại, mỗi loại dùng xanh, vàng, đỏ, đen và trắng làm ký hiệu. Đồng thời bà cũng ra lệnh chuẩn bị một trăm khúc gỗ dài và ngắn, và hai mươi khúc gỗ dài nhất. Nữ Oa đã tự tay chạm khắc từng cây theo hình con cá trạch.

Nữ Oa dùng đất tạo con người. (Ảnh: The Epoch Times)

Bà cũng yêu cầu dân chúng chuẩn bị thêm 50 vạn gánh cỏ sậy, hạn trong một tháng phải chuẩn bị đầy đủ. Bách tính nghe lệnh mà không sao hiểu được dụng ý, chỉ biết theo thời hạn mà hoàn thành. Nữ Oa thị chọn ra một ngàn người khỏe mạnh, chỉ định một ngọn núi, yêu cầu họ chạy lên chạy xuống hai lần một ngày, càng nhanh càng tốt. Bà chọn ra hai ngàn người thông minh, và yêu cầu họ xuống nước bơi lội, mỗi ngày bốn lần, có thể ẩn nấp ở dưới nước nửa ngày là tốt nhất. Những người bình thường cảm thấy cách này quá khổ, bởi vì họ chưa từng thấy có người nào lặn được ở dưới nước nửa ngày trời. Lúc này, Nữ Oa thị dùng Thần lực, truyền cho họ một loại bí quyết, hai ngàn bách tính vui mừng khôn xiết, liền đi luyện tập ngay. Sau khi đã bố trí xong các việc, Nữ Oa thị không còn việc gì làm, lúc thì đi giám sát việc tập chạy, lúc lại xem tình hình tập bơi, lúc lại lấy đất nặn thành hình người lớn nhỏ đều có, mỗi ngày nặn một ít. Dường như Nữ Oa có một chương trình nhất định, bà đã liên tục nặn ra mấy ngàn tượng đất rồi. Chúng bách tính nhìn thấy cũng không biết nó có lợi ích gì. 

Lúc này, tin tức Khang Hồi đưa quân xuống phương Nam, dân chúng vô cùng lo lắng, bẩm báo với Nữ Oa thị: “Ác nhân Khang Hồi xâm lấn tới, chúng ta nên ứng phó việc này như thế nào? Binh khí quyền thuật chúng ta cũng cần luyện tập, như vậy mới có thể đối kháng được”. 

Nữ Oa thị nói: “Đúng vậy, ta đang chuẩn bị ở chỗ này rồi! Chạy núi bơi lội, ta đang chuẩn bị phá chướng ngại nước của hắn. Về phần chém giết, ta thực sự không đành lòng dùng các ngươi, bởi vì chém giết là việc nguy hiểm nhất. Không muốn nói đánh bại, ngay cả khi đánh thắng thì thân cũng tổn thương. Cổ nhân nói: ‘Giết một nghìn người, tổn thương cũng có tới 8 trăm’, lấy 800 người để đổi lấy một ngàn, tuy rằng đánh thắng, nhưng lòng ta không nỡ?” 

Chúng bách tính hỏi: “Như vậy thì nếu họ đánh tới, chúng ta phải làm sao?”

Nữ Oa thị trả lời: “Ta tự có chủ trương, các ngươi không cần sốt ruột. Mọi người chỉ cần chuẩn bị vũ khí tre gỗ sắc bén là được”. 

Đối với Nữ Oa, dân chúng vô cùng tín nhiệm, nghe bà nói như thế thì biết bà có cách thức khác có thể chống đỡ, liền không hỏi thêm mà đi chuẩn bị vũ khí tre gỗ cho thật sắc bén.

(Còn tiếp)

Theo Vision Times 
San San biên dịch