Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

  • Tiếp theo kỳ 1   2

41.鍥而不捨,金石可鏤。(荀子勸學)

“Khiết nhi bất xả, kim thạch khả lũ” (Tuân Tử – Khuyến thuyết).

Dịch nghĩa: Nếu khắc mãi không dừng, thì đá cứng cũng khắc được.

Câu này trích từ thiên “Khuyến học”, thiên đầu tiên của sách “Tuân Tử”, bàn về đường lối và mục đích học tập của người quân tử. Trong đó có đoạn:

“Gom đất thành núi, mưa gió mới nổi lên từ đó; chứa nước thành vực, giao long mới sinh ra ở đó; tích lũy điều thiện thành đức tốt, thì tinh thần mới đạt cảnh giới cao, trí tuệ mới phát triển, tư tưởng của thánh nhân mới có đủ trong đó.  Cho nên không góp những nửa bước (bước ngắn) lại thì không thể đi đến thành sông, biển. Ngựa kỳ ngựa ký một lần nhảy không thể xa đến mười bước; ngựa hèn kéo xe đi trong mười ngày cũng lập công được nhờ chỗ đi mãi không dừng. Khắc nửa chừng rồi bỏ thì gỗ mục cũng không khắc đứt; nếu khắc mãi không dừng, thì đá cứng cũng khắc được. Con giun đất không có móng vuốt bén nhọn và gân cốt cứng chắc, nhưng trên thì ăn được bùn đất, dưới thì uống được nước suối vàng, là do dụng tâm của nó chuyên nhất. Con cua có sáu ngoe và hai càng, nhưng nếu không có hang rắn hang lươn thì cũng không có chỗ gởi thân, là vì dụng tâm của nó nông nổi vậy…” (Bản dịch của Trần Văn Chánh).

42.吾生也有涯,而知也無涯。(莊子養生主)

“Ngô sinh dã hữu nhai, nhi tri dã vô nhai” (Trang Tử – Dưỡng sinh chủ).

Dịch nghĩa: Đời ta thì có bờ bến (giới hạn), mà cái biết thì không bờ bến (vô tận).

43.君子之交淡如水,小人之交甘若醴。(莊子)

Đời ta thì có bờ bến, mà cái biết thì không bờ bến. (Ảnh: sohu.com)

“Quân tử chi giao đạm như thuỷ, tiểu nhân chi giao cam nhược lễ” (Trang Tử).

Dịch nghĩa: Tình cảm giao hảo của người quân tử nhạt như nước lã, tình cảm giao hảo của kẻ tiểu nhân lại ngọt ngào như rượu ngọt.

Người quân tử kết giao vì chí đồng đạo hợp, nên có thể ngồi hàng giờ bên nhau không nói năng gì, không vồn vã, màu mè như kẻ tiểu nhân. Cụ Nguyễn Khuyến xưa tiếp bạn tri kỷ cũng đạm bạc như thế:

“Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây, ta với ta”.

44.博學之,審問之,慎思之,明辨之,篤行之。(中庸)

“Bác học chi, thẩm vấn chi, thận tư chi, minh biệt chi, đốc hành chi” (Trung Dung).

Dịch nghĩa: Học cho rộng, hỏi cho kỹ, suy nghĩ cho cẩn thận, phân xét cho sáng suốt, làm cho tận lực.

Phàm là người muốn đạt tới lý tưởng cao xa hoặc mục tiêu nào đó, đều cần một quá trình học hỏi, suy xét, nỗ lực hết mình, thất bại không nản, kiên trì mục tiêu. Nếu thực hiện được những điều này thì lo gì không thành tựu.

45.臨淵羨魚,不如退而結網。(淮南子說林訓)

“Lâm uyên tiện ngư, bất như thối nhi kết võng” (Hoài Nam Tử – Thuyết lâm huấn).

Dịch nghĩa:  Tới vực nhìn mong có cá không bằng trở về đan lưới.

Câu này ý khuyên con người cần có những hành động thiết thực cụ thể để đạt tới mục tiêu của mình.

46.風蕭蕭兮易水寒,壯士一去兮不復還。(戰國策荊軻刺秦王)

Tới vực nhìn mong có cá không bằng trở về đan lưới. (Ảnh: huadunews.com)

“Phong tiêu tiêu hề Dịch thuỷ hàn, Tráng sĩ nhất khứ hề bất phục hoàn” (Chiến Quốc Sách – Kinh Kha thích Thuỷ Hoàng).

Dịch thơ:

Gió hiu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê

Tráng sĩ một đi không trở về.

Hai câu này Kinh Kha hát khi từ biệt Cao Tiệm Ly lên đường hành thích Tần vương Doanh Chính (sau khi thống nhất thiên hạ xưng là Tần Thuỷ Hoàng). Cuộc chia tay diễn ra bên bờ sông Dịch.

47.桃李不言,下自成蹊。(史記李將軍傳)

“Đào lý bất ngôn, hạ tự thành hề” (Sử ký – Lý tướng quân truyện).

Dịch nghĩa: Cây đào cây mận không nói lời nào, dưới gốc cây tự tạo thành một con đường nhỏ.

Cây đào cây mận không nói lời nào, nhưng lại cho hoa thơm, trái ngọt thu hút rất nhiều người tới gốc cây, khiến cho dưới gốc cây đi thành một con đường nhỏ. Cũng như người có đạo đức cao thượng, nghiêm khắc với bản thân mà khoan dung lấy thiện đãi người, tự nhiên sẽ có thể cảm hóa được người khác, tự nhiên sẽ được người khác tôn trọng.

48.燕雀安知鴻鵠之志哉。(史記陳涉世家)

“Yến tước an tri hồng hộc chi chí tai” (Sử ký – Trần Thiệp thế gia).

Dịch nghĩa: Chim sẻ, chim én làm sao biết được chí hướng của chim hồng chim hộc (thiên nga).

Câu này ý muốn nói những kẻ tầm thường làm sao biết được chí hướng của người mang hùng tâm tráng chí.

“Trần Thiệp Thế Gia” viết về Trần Thắng, tên chữ là Thiệp, vốn xuất thân là một anh dân cày, sau xưng vương lên làm Trần Vương, đóng ở đất Trần. Lúc còn cày thuê, Trần Thắng có nói với người bạn cày rằng giàu sang thì đừng quên nhau. Bạn cày cười, đi làm thuê giàu sang gì. Lúc đó, Thắng mới thở dài: “Chao ôi! Sẻ nhạn sao hiểu chí thiên nga!”.

Chim sẻ, chim én sao biết được chí hướng của chim hồng hạc. (Ảnh: wukong.com)

49.運籌帷幄之中,決勝千里之外。(史記高祖本紀)

“Vận trù duy ác chi trung, quyết thắng thiên lý chi ngoại” (Sử ký – Cao Tổ bản kỷ).

Dịch nghĩa: Vận trù (mưu tính) trong màn trướng mà (có thể) quyết định chiến thắng ở ngoài nghìn dặm.

Trương Lương, Hàn Tín và Tiêu Hà được coi là “Hán sơ tam kiệt”, ba anh hùng hào kiệt đã giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang dựng nên nghiệp đế. Cao Tổ nói: “Phàm việc mưu tính trong màn trướng mà quyết định được chiến thắng ở ngoài nghìn dặm thì ta không bằng Tử Phòng. Trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà. Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín. Ba người này đều là những kẻ hào kiệt, ta biết dùng họ cho nên lấy được thiên hạ”.

50.忠言逆耳利於行,良藥苦口利於病。(史記留侯世家)

“Trung ngôn nghịch nhĩ lợi ư hành, lương dược khổ khẩu lợi ư bệnh” (Sử ký – Lưu Hầu thế gia).

Dịch nghĩa: Lời nói ngay nghe chướng tai mà có lợi cho việc làm, thuốc hay đắng miệng, khó chịu mà có lợi cho bệnh (chữa được bệnh).

Theo Soundofhope.org
Như Ý biên dịch và chú giải