Trong cuộc sống, hầu như ai cũng muốn chọn việc nhẹ nhàng, ít thử thách, hoặc cảm thấy khiếp sợ khi đối diện với một thử thách ghê gớm. Nhưng ông Trời luôn công bằng với vạn vật và cái gì cũng có cái giá của nó. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây sẽ cho chúng ta nhiều suy ngẫm.

Khi một vị thiên Thần lướt mắt nhìn xuống trần gian thì chợt thấy vùng thảo nguyên xinh đẹp nọ, tuy rộng rãi bạt ngàn trù phú nhưng vẫn còn trống chỗ. Để thêm sinh động cho thế giới, Ngài quyết định thả hai bầy cừu xuống thảo nguyên, một bầy phía Bắc, một bầy phía Nam. Vì cân bằng sinh thái, Thượng đế kèm cho bầy cừu hai loài vật là sói và sư tử cùng sống chung.

Tuy nhiên, thiên Thần ban cho hai bầy cừu ân huệ được lựa chọn nên Ngài nói: “Nếu các ngươi chọn sói, thì sẽ chỉ phải đối phó với một con thôi. Nếu các ngươi chọn sư tử thì sẽ phải đối phó với hai con, tuy nhiên, các ngươi có thể tùy ý chọn một trong hai con sư tử đó và được quyền thay đổi bất cứ lúc nào”.

Bầy cừu phía Bắc nhanh miệng nhao nhao lên: “Sư tử hung dữ hơn sói nên chúng tôi muốn chọn sói, chúng tôi không muốn ở cùng với sư tử đâu!”.

Bầy cừu phía Nam thì bình tĩnh, chậm rãi: “Chúng tôi tin rằng Ngài phán quyết gì cũng có nguyên do nên lựa chọn nào cũng được cả!”.

Bầy cừu bắt buộc phải lựa chọn Sói hoặc Sư Tử. (Ảnh minh họa)

Vậy là, sau khi con sói được thả vào bầy cừu phía Bắc, nó bắt đầu săn bắt, ăn thịt đàn cừu rất ghê gớm. Tuy nhiên, do cơ thể sói nhỏ nên sức ăn cũng ít, một con cừu đủ để nó no mấy ngày. Như vậy, mấy ngày đàn cừu mới bị đuổi bắt một lần.

Trong khi đó, bầy cừu phía Nam chọn một con sư tử, còn một con để lại chỗ thiên Thần. Sau khi con sư tử được thả vào đàn cừu, nó cũng bắt đầu ăn thịt cừu. Sư tử không những hung dữ, mà còn có sức ăn khủng khiếp, ngày nào cũng phải ăn một con cừu. Vậy nên, ngày nào đàn cừu cũng bị săn đuổi đến mức vô cùng hoảng loạn.

Bầy cừu vội vàng xin thiên Thần cho đổi con sư tử còn lại. Chẳng ngờ, con sư tử ở chỗ Thượng đế bị bỏ đói lâu ngày, vừa thả ra đã bổ nhào vào bầy cừu, điên cuồng còn đáng sợ hơn cả con sư tử trước đó. Đàn cừu cả ngày chỉ lo cách trốn chạy đến mức cỏ cũng không dám gặm.

Lúc này, bầy cừu phía Bắc vui mừng vì sự “khôn ngoan” của mình, đồng thời cười nhạo lũ cừu phía Nam không có mắt nhìn. 

Lũ cừu phía Nam tuy sức cùng lực kiệt nhưng niềm tin vào thiên Thần không hề thay đổi, chúng ngồi lại bàn bạc với nhau: “Chúng ta đều thấy hai con sư tử đều rất hung dữ, dù đổi thế nào cũng rất thảm hại, nên chúng ta không cần đổi nữa, để con kia thật đói khát sắp chết rồi mới đổi thì nó sẽ không còn sức lực đuổi giết chúng ta nữa!”. 

Lũ cừu phía Nam tuy sức cùng lực kiệt những vẫn tin vào an bài của Thượng Đế. (Ảnh: liliooo.com)

Và theo kế hoạch đó, khi con sư tử ở chỗ thiên Thần đói lả, chân tay rụng rời không nhấc nổi thì bầy cừu mới cầu xin thiên Thần đổi. Lúc này con sư tử gần như kiệt sức, biết mình sắp chết nên ngộ ra được chân lý: Nó tuy oai phong lừng lẫy, là vua của vạn vật nhưng mạng sống của nó lại nằm trong tay của lũ cừu. Cảnh đói khát dày vò tâm can khiến nó không chịu nổi, nó rất sợ phải đổi lại chỗ cũ, do đó nó đành thỏa thuận với bầy cừu là chỉ ăn thịt cừu đã chết, bị bệnh hoặc già yếu.

Sau khi hiểu được điều đó, con sư tử này rất khách sáo với lũ cừu, bầy cừu sống an bình và không còn mối nguy hiểm nào đe dọa nữa. Tuy nhiên, chúng vẫn khôn ngoan không để con sư tử còn lại đói chết mà muốn nó phải nhận ra chân lý ấy. Hơn nữa, lũ cừu biết rằng phải có hai con cùng sống, bởi nếu để một con chết đi thì lũ cừu sẽ hết đường lựa chọn. Con sư tử không bị gửi lại chỗ thiên Thần nữa, không còn gì uy hiếp, nó sẽ nhanh chóng khôi phục lại sự hung dữ ban đầu và thống trị bầy cừu.

Vậy là, lũ cừu phía Nam sau khi trải qua muôn vàn khó khăn, cuối cùng cũng có được một cuộc sống tự do, yên bình. Còn lũ cừu phía Bắc thì càng ngày càng thảm hại. Con sói, vì không có đối thủ, nên luôn ngạo nghễ và hung dữ, thậm chí có khi nó chỉ cắn chết con cừu chứ không thèm ăn thịt.

Lũ cừu phía Bắc chỉ biết than thân: “Sớm biết vậy, thà chúng ta chọn hai con sư tử còn hơn”. Tuy nhiên con cừu già nhất bầy lên tiếng: “Chúng ta nên học bầy cừu phía Nam, luôn tin tưởng vào thiên Thần vì Người làm gì cũng có nguyên do. Hãy cùng suy nghĩ xem nào! Thiên Thần cho chúng ta chỉ một con sói, sức mạnh của nó không thể bằng sư tử, nếu bầy cừu mình cùng nhau hợp lại không đi riêng rẽ, cùng chống lại với con sói kia khi bị tấn công, thì con sói kia cũng sẽ không gây tổn thất lớn cho chúng ta như hiện nay”.

Lũ cừu phia bắc tuy hối hận nhưng vẫn biết đó là hậu quả sự lựa chọn của chúng. Chúng cũng nghĩ ra cách để tự bảo vệ mình. (Ảnh: PinsDaddy.com)

Thế là bầy cừu phương Bắc luôn đi sát cạnh nhau, khi phát hiện có sói đến, chúng cùng nhau hợp sức, khiến sói kia không dám hung hãn làm càn nữa mà chỉ dám bắt cừu vào ban đêm, do đó thiệt hại cũng vì thế giảm đi. Tuy nhiên, cuộc sống của chúng không thể bình yên như bầy cừu phía Nam, vì lúc nào cũng phải sống trong cảnh đề phòng.

***

Có thể nói, câu chuyện đã phản ánh một phần rất thật của cuộc sống: “Thành quả đạt được luôn tương xứng với công sức bỏ ra”. Hay nói cách khác, những người đối diện với thử thách càng lớn, sóng gió càng lớn lúc đầu thì khi vượt qua rồi, thành công họ đạt được cũng tương xứng với sự phó xuất của họ. Còn những người chọn việc dễ dàng, an nhàn, sau cùng lại hối tiếc vì kết quả không như mong muốn.

Cuộc sống luôn công bằng, việc gì dù tốt hay xấu xảy ra đều có lý do của Thượng đế, và đều có cách giải quyết. (Ảnh: boomsbeat.com)

Cuộc sống luôn công bằng, việc gì dù tốt hay xấu xảy ra đều có lý do của ông Trời, và đều có cách giải quyết. Dù yếu thế hơn, nhưng nếu có lòng dũng cảm, sự đoàn kết, và trí huệ thì có thể chiến thắng được bạo lực, cường quyền của kẻ thù hung ác.

Nhã Thanh