Người sau khi đắc đạo thành tiên, được Thiên môn khai mở đón về trời. Liệu đây có chỉ là truyền thuyết? Trong lịch sử đã có không ít những câu chuyện chân thực được ghi chép lại minh chứng cho điều này.

Thiện niệm khuất phục mãnh hổ, Quách Văn đắc đạo thành Tiên

Trong sách cổ từng ghi lại câu chuyện về một cao nhân thường hay bầu bạn với hổ. Từ xưa tới nay, hổ được coi là loài động vật rất nguy hiểm. Vậy vị cổ nhân này sao lại làm bạn với hổ được đây? Làm thế nào mà ông có thể khuất phục được mãnh hổ? 

“Thần Tiên thập dị” (Câu chuyện Thần Tiên còn sót lại) có ghi lại một câu chuyện, kể rằng:

Cử là người Lạc Dương, hiệu là Quách Văn, trong sách “Tần Thư” có ghi chép về ông. Ông ẩn cư trên núi Thiên Trụ Sơn tại Dư Hàng, sống trong một động đá trong núi.

Chân nhân Thái Hòa từng giáng hạ xuống động đá này, dạy Quách Văn phương pháp tu đạo “xóa sạch hư không tịch lặng, dưỡng chân tu tính”. Từ đó Quách Văn lại càng thêm chuyên tâm tu thiện, ẩn cư không xuất đầu lộ diện, con người thế gian cũng không biết ông đã đi đâu về đâu.

Tương truyền, từng có một con hổ ngoác cái miệng tới trước ngôi nhà đá của ông, dường như muốn thỉnh cầu ông điều gì đó. Quách Văn bèn thò tay vào trong cổ chú hổ, hóa ra trong cổ họng nó bị mắc một mẩu xương to, ông bèn rút cái xương ra.

Hôm sau chú hổ ngoạm một con hươu đã chết tới trước cửa hang động dâng cho Quách Văn. Từ đó chú hổ này thường ngoan ngoãn theo bên cạnh Quách Văn, ông có thể tùy ý vuốt ve hoặc dắt chú ta đi đây đó. Nếu Quách Văn xuất sơn, thì chú hổ nhất định sẽ lẽo đẽo đi theo ông.

Ngay cả khi ông đi vào nơi đông người trên đường phố khi vào thành, chú hổ cũng cúi đầu đi theo Quách Văn như một con cún, không hề lộ vẻ hung hãn. Đôi khi Quách Văn chất thẻ trúc viết chữ lên lưng hổ, chú hổ cũng cõng đi. Quách Văn thường ngày hái quả trên núi hay lá trúc cho vào một cái giỏ, để chú hổ thồ trên lưng theo ông ra phố đổi lấy gạo và muối.

Sau khi hoàng thượng biết chuyện kỳ lạ này đã mời Quách Văn vào cung, hỏi ông đã dùng pháp thuật gì mà có thể thuần phục được chú hổ hung dữ như vậy.

Quách Văn đáp rằng: “Thần chỉ thuận theo quy luật tự nhiên mà thôi. Con người không có tâm làm hại thú vật, thì chúng cũng sẽ không có ý hại người, hà tất phải dùng đến pháp thuật?”

Hoàng thượng cho rằng lời của Quách Văn nói rất hay, bèn muốn mời ông về làm quan trong triều, nhưng ông đã từ chối. Về sau, Quách Văn vào núi Ngao Đình, ẩn cư trong đó, cuối cùng đắc đạo thành tiên.

Thiên môn khai rồng phượng múa, đạo sĩ bạch nhật thăng thiên

Kim Khả Ký là người nước Tân La – một trong tam quốc Triều Tiên, là tiến sỹ được tiến cử đến Trung Quốc. Tính tình của ông trầm tĩnh và rất yêu thích đạo thuật, không ủng hộ sự xa hoa. Có lúc ông phục khí luyện hình và tự coi đó là niềm vui.

%image_alt%
Tiên nhạc phiêu diêu rồng phượng múa, Kim Khả Ký bạch nhật thăng thiên. (Tranh minh họa)

Kim Khả Ký có học vấn uyên thâm, trí nhớ hơn người, phong cách viết văn vừa thanh cao vừa mỹ lệ. Tướng mạo của ông cũng rất đẹp, từ lời nói đến hành vi của ông đều toát lên phong thái của người tu Đạo. Sau khi đỗ tiến sỹ, ông đã đến núi Chung Nam dựng lều cỏ và sống ở đây. Trong lòng ông luôn ấp ủ mong muốn được lui về ở ẩn.

Ông tự tay trồng rất nhiều loài hoa và quả kỳ lạ. Hàng ngày, ông đều đốt hương tĩnh tọa, có lúc ông trầm tư suy nghĩ, có lúc lại không ngừng đọc “Đạo Đức Kinh” và các loại kinh sách Thần tiên. Sau ba năm, ông muốn quay trở về đất nước nên đi bằng đường biển mà trở về nhà. Sau đó, ông lại quay trở lại Trung Quốc và mặc y phục đạo sĩ, đi lên núi Chung Nam. Ông tận sức âm thầm làm việc thiện giúp người. Nếu có người muốn ông trợ giúp, ông sẽ không bao giờ từ chối, mà sẽ làm một cách cần mẫn, tỉ mỉ và chân thành, những người khác không thể so sánh được với ông.

Tháng 12 năm thứ 11 niên hiệu Đại Trung thời nhà Đường, ông đột nhiên dâng biểu tấu lên Hoàng đế, nói: “Ta phụng theo chiếu chỉ của Ngọc Hoàng, đảm nhận một chức quan trong triều đình. Ngày 25 tháng 2 năm sau sẽ thăng thiên”.

Lúc ấy, Hoàng đế Đường Tuyên Tông cảm thấy chuyện này vô cùng kỳ lạ khác thường nên đã phái sứ giả trong cung đến để thỉnh mời ông vào cung. Nhưng ông kiên quyết từ chối không đến. Sau đó, Hoàng đế Đường Tuyên Tông liền ban cho ông bốn cung nữ, hương, thuốc, tiền, gấm lụa và phái hai sứ giả trong cung đến để chuyên môn hầu hạ ông.

Khi Kim Khả Ký giữ chức, ông thường một mình ở trong phòng yên tĩnh, hầu như không tiếp xúc với các cung nữ và sứ giả. Nhưng, hàng ngày, cứ vào ban đêm, đám tôi tớ lại nghe thấy có tiếng đàm luận và tiếng cười nói của khách ở trong phòng ông. Hai sứ giả liền vụng trộm đi xem, nhìn qua cửa sổ thì chỉ thấy tiên quan và tiên nữ cưỡi trên lưng rồng và phượng hoàng, còn có không ít thị vệ. Tất cả họ đều rất tôn kính. Cả cung nữ và sứ giả đều không dám tùy tiện làm kinh động đến họ.

Ngày 25 tháng 2, một ngày mùa xuân tươi đẹp cảnh sắc diễm lệ, hoa cỏ nở rực rỡ khắp nơi, quả nhiên có những đám mây ngũ sắc, tiên hạc, phượng hoàng cùng thiên nga trắng bay lượn, tiếng nhạc tiêu trầm bổng, một cỗ xe xuất hiện với mái che bằng lông vũ và bánh xe bằng ngọc, cờ phướn che kín một khoảng trời. Các vị Thần tiên ẩn hiện trên trời, Kim Khả Ký thăng thiên mà đi.

***

“Đắc đạo thành tiên”, “bạch nhật phi thăng” là những từ chúng ta thường nghe nói trong giới tu luyện và những truyền thuyết thần thoại. Những người không tin vào chuyện tu luyện, không tin Thần Phật thì có thể cho đây là chuyện hoang đường. Nhưng trong lịch sử đây lại là chuyện hoàn toàn có thật.

Minh Nguyệt biên dịch

Xem thêm: