Từ xưa đến nay, chỉ một chữ “Sắc” nhưng đã hại không biết bao nhiêu người… Có người vì nó mà coi rẻ bản thân, vì nó mà vứt bỏ gia đình con cái; lại có người vì nó mà hủy hoại tương lai, làm ra những chuyện thương thiên hại lý, khiến lòng người căm phẫn, đất trời không dung tha.
Con người sống trên đời chỉ vỏn vẹn mấy chục năm ngắn ngủi. Trăm năm trôi qua trong nháy mắt, loáng một cái là thành nắm tro tàn chôn vùi cùng cát bụi. Trong suốt cả trăm năm đời người ấy, thử hỏi dung mạo thanh xuân kéo dài được mấy nhiêu? Dẫu là bậc mỹ nhân nghiêng nước nghiêng thành, thì cũng có ngày phải bước vào tuổi xế chiều; và dẫu là thanh niên trai tráng, anh tuấn kiêu hùng, thì cũng không thể thoát khỏi sự tàn phá của thời gian. Con người ấy, đã sinh ra giữa đất trời thì chẳng phải sẽ từng bước từng bước hướng về trạng thái lưng còng chân yếu, tóc bạc da mồi, răng rụng mắt mờ hay sao?
Có câu nói rằng: “Trên đầu chữ Sắc (色) có con dao (刀)”, vậy thì con dao này là nhắm vào ai đây? Vì để theo đuổi thứ sắc đẹp phù du mà có người hao tâm tổn lực, bạn thử nói xem làm vậy có đáng hay chăng?
Có người hễ thấy sắc là dấy khởi tà niệm, làm hao tổn thân thể, hại người hại mình, thậm chí là đoạt mất tính mạng người ta, còn tưởng rằng “Thần không biết Quỷ không hay”. Hàng ngàn năm qua, rất nhiều chuyện đau lòng trong thiên hạ đều bắt nguồn từ một chữ “Sắc” này…
Chuyện xấu bị phát giác, giận quá hại người đọa lạc súc sinh
Vào thời nhà Đường có một vị quan ngự sử họ Lý, tạm gọi là Lý quan gia. Một lần Lý quan gia phụng mệnh đi xứ Quảng Đông, trên đường ông gặp phải một chuyện vô cùng kỳ lạ.
Lý quan gia đang đi thì bỗng thấy một con hổ lớn hung mãnh đứng chắn giữa đường. Nhưng vừa trông thấy ông, con hổ lại giật mình nhảy vào bụi cỏ trốn mất. Lý quan gia còn chưa kịp hoàn hồn thì con hổ đã mở miệng cất tiếng người rằng: “Ôi chao, suýt chút nữa tôi đã làm hại người bạn cũ của mình rồi!”.
Lý quan gia hoảng sợ đến giật bắn cả mình: “Cái gì thế này? Hổ mà biết nói tiếng người ư? Nhưng giọng nói này sao quen thuộc quá, nghe giống như giọng của một người huynh đệ của ta đến vậy”.
Con hổ nhìn ông và nói: “Lý huynh, là đệ đây! Từ sau lần chúng ta từ biệt, đã lâu đệ không gặp huynh rồi”.
Rồi con hổ nhắc lại những chuyện trước đây khiến trong lòng Lý quan gia trào dâng một cảm giác vô cùng quen thuộc. Lý quan gian hỏi: “Tiểu huynh đệ, rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra với đệ vậy?”.
Con hổ bi thương lắc đầu và thở dài nói: “Một ngày trong lúc ngồi tĩnh tọa, đệ bỗng nghe thấy bên ngoài có âm thanh vù vù vang lên. Sau đó không biết vì sao, chỉ trong nháy mắt đệ đã biến thành con hổ như thế này đây. Hôm nay gặp được huynh, thật cảm khái muôn phần, bảo sao đệ không đau lòng cho được?”.
Lý quan gia suy nghĩ một lúc rồi hỏi: “Đệ thử nhớ lại xem, lúc trước có chuyện gì khiến đệ phải ân hận hổ thẹn hay không?”.
Con hổ buồn rầu trả lời: “Ngẫm ra cũng có. Khi đệ ở khu ngoại ô Nam Dương đã làm nhục một quả phụ. Sau đó chuyện này bị người nhà của nàng ta phát hiện, họ lén lập kế hoạch mưu hại đệ. Đệ biết được và rất lấy làm tức giận, nhân lúc uống say đã giết người bịt miệng, không để lại bất cứ một nhân chứng sống nào. Chỉ một phút nóng giận đã khiến đệ mắc sai lầm to lớn, cũng chính là điều khiến đệ hối hận đến tận bây giờ”. Sau khi kể xong, con hổ gầm lên một tiếng rồi buồn bã rời đi.
Hại người bỏ trốn, oan hồn bám riết không tha
Trong “Cảm ứng thiên đồ thuyết” có câu chuyện kể về một người đàn ông tên là Vương Cần Chính, sống ở huyện Lạc Dương. Người hàng xóm của Vương Cần Chính là một thiếu phụ có dung mạo xinh đẹp, diễm lệ, đoan trang. Dẫu biết nàng đã có chồng, nhưng Vương Cần Chính vẫn tìm cách gần gũi. Sau đó cả hai cùng nảy sinh tình cảm, hứa hẹn với nhau sẽ cao chạy xa bay đến nơi đất khách quê người, một nơi không ai hay biết để cùng hưởng thụ những tháng ngày ân ái. Dẫu dự định là vậy, nhưng Vương Cần Chính vẫn lo sợ chồng của nhân tình sẽ phát hiện mà đuổi theo họ, vậy nên mãi cứ do dự không dám xuất hành.
Người thiếu phụ này thấy Vương Cần Chính lo lắng như vậy, cũng e sợ chồng mình sẽ ngăn cản kế hoạch, vậy nên vì để cắt đứt hậu hoạn đã nhẫn tâm xuống tay giết hại chồng mình. Sau khi sự việc xảy ra, Vương Cần Chính hiểu rằng bản thân cũng có một phần trách nhiệm trong đó. Trong lòng anh ta vô cùng kinh hãi nên vội vã bỏ trốn, một mạch đi đến huyện Giang Sơn cách xa 70 dặm, tự nhủ rằng: “Mình đã trốn xa đến vậy rồi, có thể thoát thân, tránh được tai họa rồi!”.
Vương Cần Chính đi mãi đi mãi, đến lúc bụng đói cồn cào liền ghé vào một quán ăn. Không ngờ, chủ quán lại chuẩn bị hai suất cơm. Vương Cần Chính hỏi chủ quán rằng: “Tôi chỉ đi có một mình, sao ông lại chuẩn bị phần ăn cho hai người vậy?”. Chủ quán nói: “Mới ban nãy tôi còn nhìn thấy một người đàn ông đầu bù tóc rối đứng ngay sát cạnh ông mà, lẽ nào hai người không đi chung với nhau sao?”.
Vương Cần Chính nghe vậy không khỏi rùng mình, biết rằng oan hồn của người chồng hàng xóm đã đi theo sau mình, liền đến quan phủ tự thú.
Sau đó, cả Vương Cần Chính và người thiếu phụ, hai người tuy không ở cùng một nơi nhưng lại bị đưa ra pháp trường rồi nhận án tử hình trong cùng một ngày. Âu cũng là Thiên Thượng khéo an bài, lấy đó mà cảnh tỉnh thế nhân, nhắc nhở người đời chớ phạm vào chữ “sắc”.
Thực lòng hành thiện có thể hoá giải tội tà dâm
Trong “Tập phúc tiêu tai chi đạo” kể rằng, ở Kim Hoa có người tên là Tề Vượng, đến 50 tuổi mà vẫn chưa có một mụn con.
Tề Vượng đến gặp thầy tướng số và nhận được câu trả lời rằng: “Trên mặt ông có ác khí, chắc chắn ông đã làm việc trái lương tâm nên mới nhận phải kết cục thế này”. Tề Vượng thú nhận: “Quả vậy, không giấu gì ông, khi tôi còn trẻ đã từng lén lút vụng trộm với vợ của người ta”.
Thầy tướng nói: “Phạm tội này sẽ phải bị tuyệt tử tuyệt tông! Tội tà dâm là khó sám hối nhất, ông cần phải tích thiện nhiều thì mới có thể vãn hồi được”.
Tề Vượng nghe vậy bèn quyết tâm sám hối. Năm đầu tiên, khi thấy người khác làm việc thiện, ông rất vui vẻ bố thí tiền của cho họ. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Thế là năm sau bất kể gặp việc thiện nào, Tề Vượng cũng là người đầu tiên quyên tiền, số tiền ông quyên góp lúc nào cũng nhiều hơn người khác một nửa, vậy mà vẫn chưa thấm thoắt vào đâu. Thầy tướng nói: “Ông làm vậy vẫn chưa đủ”.
Năm thứ 3 không cần ai hỏi, Tề Vượng mang theo tấm lòng thành tự nguyện đi làm việc thiện. Thầy tướng nói: “Vận âm đức đã xuất hiện trên mặt ông rồi, từ giờ ông không phải lo lắng về việc không có con cái nữa”.
Về sau, Tề Vượng quả nhiên đã có được một mụn con trai. Tề Vượng khi đến tuổi 70, thân thể vẫn khỏe mạnh, còn có thể chơi đùa cùng con cháu.
Tác giả: Lý Thúy Vân
Thiện Sinh biên dịch