Khi Văn Thù Bồ Tát thu phục con yêu quái đã đóng giả chân nhân đẩy vua nước Ô Kê xuống giếng dìm trong ba năm, ngài đã nói rõ ngọn ngành của sự việc tưởng như “oan trái” này.

Chuyện kể rằng, Tam Tạng ngồi trong thiền đường dưới ánh đèn, tụng hết một lượt quyển kinh Lương Hoàng Thủy Sám và kinh Khổng Tước mãi tới canh ba mới cất vào tay nải. Bên ngoài bỗng một trận gió lớn nổi lên, Tam Tạng lấy vạt áo che lại, trong lòng có phần sợ hãi. Song do quá mệt mỏi Tam Tạng gục đầu xuống án, thiu thiu mơ màng. Đang mơ mơ màng màng, Tam Tạng nghe trong tiếng gió vút qua bên ngoài thiền đường, thì gặp oan hồn của vua nước Ô Kê.

Vua nước Ô Kê kể lại sự tình. Năm năm trước, nước Ô Kê gặp đại hạn, dân chúng chết đói thê thảm mà kho tàng trong nước trống rỗng. Quốc vương tắm gội trai giới, ngày đêm thắp hương cầu mưa, trong vòng ba năm liền, mà trời vẫn đại hạn. Đúng lúc đó gặp được vị chân nhân, vị đó cầu mưa quả nhiên linh ứng. Vua bèn kết nghĩa anh em với chân nhân, cùng ăn cùng ở trong một hai năm. Đến một ngày vua cùng chân nhân đi dạo trong vườn thượng uyển thì bị đạo sĩ đẩy xuống giếng. Kết quả đức vua bị dìm dưới giếng trong ba năm. Đạo sĩ nọ biến thành đức vua rồi thay vào chỗ ngai vàng.

Đường Tăng gọi Hành Giả để giúp đức vua. Ngày hôm sau Hành Giả dùng kế gặp được Thái tử con vua và nói lại sự việc. Thái tử về cung xác nhận với mẹ thì biết rằng vị vua trong triều là giả. Tiếp đến Ngộ Không cùng Bát Giới đến cung điện vớt xác vua ra khỏi giếng rồi đem về chùa nơi Tam Tạng đang ở. Sau đó Ngộ Không xin Thái Thượng Lão Quân một viên “cửu chuyển hoàn hồn linh đơn” mang về cứu sống đức vua.

Ngày hôm sau bốn thầy trò cùng quốc vương vào thành để đổi điệp văn. Họ đến cung điện gặp đức vua giả, trong lòng Ngộ Không quyết tâm trừ yêu quái để giúp vua thật trở lại cai trị nước Ô Kê. Khi vua giả hỏi Ngộ Không về đạo nhân gánh hành lý (vua thật) đi cùng bốn thầy trò, Hành Giả đọc bài thơ sau:

Đạo nhân đây tuổi đã già
Ngu si câm điếc cửa nhà nát tan.
Nơi này vốn chính quê hương
Năm năm trước gặp tai ương lụi tàn.
Trời đại hạn hán héo mòn
Vua quan sĩ thứ lập đàn cầu mưa.
Đèn nhang thành kính sớm trưa
Vậy mà muôn dặm mây mưa thấy nào.

Trăm họ cực khổ lao đao
Núi Chung Nam có anh hào chân nhân
Hô mưa gọi gió thần thông
Rồi sau vua bị hại ngầm thảm thương.
Đẩy thây xuống giếng trong vườn
Cướp ngay ngôi báu trăm quan biết gì.

May ta đến, công quả to
Hồi sinh cải tử thây kia dễ dàng.
Quy y tình nguyện một lòng
Cùng đoàn hòa thượng lên đường sang Tây.
Chân nhân vua giả không sai
Quốc vương chính đạo nhân này đấy thôi.

Thế là vua giả bị phát hiện định chạy trốn ra ngoài thành. Hành Giả đuổi theo quyết bắt được yêu quái. Sau đó hai bên đánh nhau dữ dội, đánh nhau được vài hiệp, yêu ma không chống nổi, vội vàng quay đầu theo đường cũ trốn vào thành, lắc người một cái, biến thành một người giống hệt Đường Tăng. Bát Giới bảo nếu ai niệm được “Khẩn cô nhi chú” là sư phụ thật. Đường Tăng và yêu quái cùng niệm nhưng yêu quái không biết nên ấp úng và bị phát hiện. Bát Giới thấy vậy vung đinh ba bổ xuống. Ma vương tung người nhảy lên tầng mây chạy trốn. Sau đó cả Bát Giới, Sa Tăng và Hành Giả đuổi theo yêu quái.

Ba đồ đệ Đường Tăng đánh nhau một hồi với yêu quái, sau đó Văn Thù Bồ Tát xuất hiện và giải khai tất cả những nút thắt trong câu chuyện quốc vương bị dìm xuống giếng ba năm.

Tây Du Ký: Đạo nhân đẩy vua nước Ô Kê xuống giếng là do Phật Tổ sai đến
Tạo hình Văn Thù Bồ Tát trong phim Tây Du Ký (ảnh chụp màn hình youtube).

Hồi thứ ba mươi chín Tây Du Ký viết rằng:

…Chà! Lần này ba vị hòa thượng hầm hầm vây chặt một tên yêu quái khốn kiếp. Yêu ma bị Bát Giới, Sa Tăng vung đinh ba, bảo trượng đánh riết hai bên. Hành Giả cười, nói:

– Mình mà xông thẳng vào trước mặt đánh nó, thì nó sợ sẽ chạy mất. Để mình nhảy lên cao, làm cái lối giã gạo kết liễu đời nó!

Hành Giả bèn cưỡi mây lành, bay lên cao tít tầng trời thẳm, định lao xuống hạ thủ. Bỗng ở mé đông bắc, một đám mây ngũ sắc xuất hiện, rồi nghe thấy tiếng nói:

– Tôn Ngộ Không, hãy khoan, chớ đánh vội!

Hành Giả quay người nhìn, hóa ra là Văn Thù Bồ Tát, bèn thu gậy, bước tới vái chào, hỏi:

– Bồ Tát đi đâu vậy?

Văn Thù đáp:

– Ta đến thay nhà ngươi bắt yêu quái.

Hành Giả cảm tạ, nói:

– Phiền ngài quá!

Bồ Tát rút chiếc kính chiếu yêu trong tay áo ra soi rõ nguyên hình yêu quái. Bấy giờ, Hành Giả mới gọi Bát Giới, Sa Tăng lại chào Bồ Tát, rồi cùng nhìn vào trong gương, thấy ma vương cực kỳ hung ác.

Mắt: chén ngọc sáng quắc

Đầu: nồi rang to đùng

Toàn thân xanh như rừng

Bốn móng sương lạnh buốt.

Hai tai thòng xuống mặt

Đuôi chổi dài lê thê

Lông xanh lạnh tái tê

Mắt đỏ lòe tia chớp.

Răng bày như hàng ngọc

Râu mọc tựa giáo dài

Trong gương hiện chẳng sai:

Sư lị vương của Phật.

Hành Giả nói:

– Thưa Bồ Tát, đây là con sư tử xanh ngài vẫn cưỡi, tại sao nó trốn đi rồi thành tinh, mà ngài không thu phục nó về?

Bồ Tát nói:

– Ngộ Không, đâu phải nó trốn đi. Phật sai nó đi đấy.

Hành Giả nói:

– Súc sinh thành tinh, chiếm đoạt ngôi báu mà lại vâng mệnh Đức Phật? Như lão Tôn đây bảo vệ Đường Tăng, chịu gian khổ, cũng lĩnh mấy đạo sắc chắc?

Bồ Tát nói:

– Nhà ngươi không biết. Trước kia vua nước Ô Kê ham làm việc thiện, đãi cơm chay các nhà sư. Phật sai ta xuống độ ông ta về phương Tây, được chứng quả La Hán mình vàng. Nhưng ta không thể cứ để nguyên hình gặp ông ta được, bèn biến thành một nhà sư thường, đến xin ít cơm chay. Ta hỏi vặn cho mấy câu, ông ta không biết ta là người tốt, sai trói ta lại, ngâm ta dưới sông Ngự Thủy ba ngày ba đêm. May nhờ có thần Lục giáp mình vàng cứu ta về phương Tây. Ta tâu chuyện với Như Lai, Như Lai sai quái vật này tới đẩy ông ta xuống giếng, dìm trong ba năm, để báo cái hạn thủy tai ba ngày cho ta. “Một ngụm nước, một miếng cơm đều từ tiền định”. Hôm nay được các ngươi tới đây, lập nên công tích.

Hành Giả nói:

– Ngài tuy báo được mối tư thù “một miếng cơm, một ngụm nước” nào đó, nhưng yêu quái đã hại không biết bao nhiêu người rồi?

Bồ Tát nói:

– Hắn chưa từng hại một người nào. Từ khi hắn đến, suốt ba năm, mưa thuận gió hòa, dân yên nước thịnh, nào có hại ai đâu?

Hành Giả nói:

– Cố nhiên (đương nhiên) như vậy. Nhưng hoàng hậu ba cung đã ăn nằm với hắn, nhơ nhuốc cả thân thể người ta, bại hoại cả luân thường đạo lý, như thế không là hại người à?

Bồ Tát nói:

– Nhơ nhuốc làm sao được! Hắn là con sư tử đã thiến rồi.

***

Hóa ra con yêu quái là do Phật sai đến để giúp quốc vương nước Ô Kê hoàn trả tội lỗi bất kính mà ngài ấy đã gây ra với Văn Thù Bồ Tát. Vua ngâm Văn Thù Bồ Tát trong ba ngày đã phải chịu phạt ba năm dìm trong giếng.

Kim Thiền Tử – đệ tử Phật Như Lai – ngủ gật trong giờ giảng kinh và vô tình đá đổ một hạt gạo nên bị phạt đày xuống trần gian tu 10 kiếp, 9 kiếp qua Lưu Sa Hà bị Sa Tăng ăn thịt, đến kiếp thứ 10 thì khi sinh ra đã mất cha, mẹ thì bị tên lái đò Lưu Hồng chiếm đoạt… Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, khi Phật Tổ đến thu phục lại có ý thách thức, đã bay không ra khỏi lòng bàn tay Như Lai lại còn tè một bãi chỗ ngón tay Đức Phật, rốt cuộc bị nhốt dưới núi Ngũ Hành 500 năm. Do đó, mạo phạm các vị Thần, Phật, Bồ Tát là mang tội rất lớn.

Qua câu chuyện này ta cũng rút ra được ba điều sau. 

Thứ nhất, ta biết rằng trong chuyện cổ những bà Tiên ông Bụt thường hóa thân thành những người ăn xin nghèo khổ, còn trong chuyện này thì Văn Thù Bồ Tát hóa thân thành một nhà sư thường… Vậy mục đích của họ là gì? Có thể là để khảo nghiệm chúng ta, xem chúng ta đối đãi với những người hạng dưới ta như thế nào, đồng thời cũng xem chúng ta “ngộ” đến đâu hay chỉ biết làm trên hình thức (như quốc vương nước Ô Kê tuy ham làm việc thiện nhưng lại ra tay độc ác, ngâm nhà sư do Văn Thù Bồ Tát hóa trang ba ngày dưới sông Ngự Thủy). Đồng thời câu chuyện cũng khuyên người ta nên đối xử tốt với người khác, “thương người như thể thương thân”. Bởi vì nếu đối xử với ai cũng tốt, ta sẽ không bao giờ phạm phải tội bất kính. 

Thứ hai, dù quốc vương bị phạt ngâm ba năm trong giếng, nhưng trong ba năm đó thời tiết mưa thuận gió hòa, dân yên nước thịnh; thêm vào đó hoàng hậu cung nữ cũng không bị ô uế bởi quốc vương giả vốn chỉ là con sư tử… đã thiến rồi. Ở đây ta thấy Như Lai sắp đặt việc trả nghiệp cho quốc vương nước Ô Kê rất từ bi, chỉ cần trả trong ba năm, khi quay về quốc gia cũng không có xáo trộn gì cả.

Điều cuối cùng có thể học được là tâm thái khi chúng ta đối diện với khổ nạn. Ta gặp trở nạn có thể vì ta nợ hoặc làm hại ai đó trong kiếp trước hoặc kiếp này, do đó phải bồi hoàn. Nhưng những vị Thần Phật có thể đã sắp đặt mọi thứ ổn thỏa cả rồi, vì họ luôn từ bi với con người. Do đó, khi ta hiểu được điều này thì lúc đối diện với những khó chịu, bất công, khổ ải… ta biết rằng mọi thứ xuất hiện đều có nguyên nhân, biết rằng “một ngụm nước, một miếng cơm đều từ tiền định”, từ đó xem nhẹ rồi dần dần vượt qua.

Ghi chú:

Bài viết có sử dụng bản dịch Tây Du Ký của dịch giả Như Sơn, Mai Xuân Hải và Phương Oanh (NXB Văn học Hà Nội 1988).

Video: Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký

videoinfo__video3.dkn.tv||48868aefb__