Lời toà soạn: Lịch sử 5.000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Á Đông gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
Tần Thủy Hoàng (259 TCN – 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là Hoàng đế đầu tiên của một Trung Hoa thống nhất, mở ra hơn 2.000 năm thiết chế hoàng gia trên mảnh đất này. Là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng rất lớn ở Á Đông, danh tiếng của Tần Thủy Hoàng sau mấy nghìn năm đã được cả thế giới thừa nhận. Xung quanh vị Hoàng đế này thực sự có rất nhiều câu chuyện bí ẩn, làm tốn nhiều bút mực của giới chuyên gia. Loạt bài viết này sẽ phần nào giúp độc giả giải khai những nghi vấn về nhân vật đầy huyền thoại này.
Xem thêm: Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4
Phong thiện tế Trời, kính Trời tín Thần
Phong thiện là một nghi lễ để các bậc đế vương cổ đại tế cáo Trời. Các thư tịch như “Sử ký – Phong thiện thư”, “Luận hoành” và “Hàn thi ngoại truyện” đều có ghi chép. Sự thực từ thời Viêm Đế trở lại đã có 72 vua phong thiện núi Thái Sơn. Phục Hy, Thần Nông, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Chu Thành Vương… đều đến Thái Sơn phong thiện. Sử sách có chép, Hoàng Đế đã từng đến Thái Sơn phong thiện. Trước cuộc đại chiến với Xi Vưu ở Trác Lộc, Hoàng Đế cũng chọn chân núi Thái Sơn để tập trung chúng Thần. “Sử ký – Phong thiện thư” nói: “Hưng thịnh mỗi đời, thì phong thiện sẽ giải đáp, đến khi suy thì ngừng”. Bậc đế vương khi nhiếp chính, khiến thiên hạ thái bình, dân sinh yên lành, mới có thể phong thiện, báo công với Trời.
Tần Thủy Hoàng vào năm thứ 28 (năm 219 TCN), dẫn 70 người gồm các đại thần văn võ và các tiến sĩ nho sinh, đến núi Thái Sơn cử hành đại lễ phong thiện long trọng. “Phong” là xây dựng đàn đất tế Trời, “Thiện” là tế Đất, tức là tế Đất ở nơi bằng phẳng ở quả núi nhỏ dưới núi Thái Sơn. Đồng thời khắc đá, lập bia, viết rằng:
“Hoàng đế lên ngôi, chế định pháp luật, triều thần tu sửa. Năm thứ 26 thống nhất thiên hạ, không nước nào không thần phục. Đích thân tuần du phương đông, leo lên núi Thái Sơn này, ngắm trông đến tận cùng phương đông. Các đại thần nghĩ về công tích, các sự nghiệp bản nguyên, kính cẩn tụng công đức. Thực thi đạo trị quốc, các ngành nghề đều thọ ích, đều có phép tắc. Đại nghĩa sáng ngời, lưu truyền hậu thế, thuận thừa chớ đổi. Thánh thân hoàng đế, đã bình định thiên hạ, dốc sức trị vì. Thức khuya dậy sớm, gây dựng lợi ích dài lâu, hoằng dương giáo hóa. Truyền đạt giáo huấn, xa gần đều hiểu rõ lý, đều theo thánh chí. Sang hèn phân định rõ, nam nữ thuận theo lễ, tuân thủ chức phận. Phân rõ nội ngoại, dẹp tan những cái không thanh tịnh, để lại cho đời sau. Giáo hóa vô cùng, tuân phụng di chiếu, răn cho muôn đời”.
Tần Thủy Hoàng đi tuần sát, đã tới núi Cửu Nghi (cũng có tên là núi Thương Ngô, phía nam huyện Ninh Viễn, Hà Nam ngày nay), làm lễ vọng bái Ngu Thuấn, tương truyền sau khi Ngu Thuấn chết thì an táng ở núi này. Tần Thủy Hoàng còn leo lên núi Cối Kê (ở giữa Thiệu Hưng, huyện Thặng, Chư Kị, Đông Dương, tỉnh Chiết Giang ngày nay). Tương truyền Đại Vũ năm xưa đã đại hội chư hầu ở đây, ban đầu tên là “Cối Kê”. Tần Thủy Hoàng leo núi này để ngắm trông biển Nam Hải, do đó còn có tên núi “Tần Vọng Sơn”.
Thị sát thiên hạ, khắc đá tụng đức
Tần Thủy Hoàng năm thứ 28 (năm 219 TCN) đi tuần phương đông. “Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ” có chép: “Đi đến phía nam leo núi Lang Da, rất thích thú, ở lại đó 3 tháng. Rồi di dời 3 vạn hộ dân ra khỏi đài Lang Da, miễn phu dịch 12 năm. Làm Lang Da đài, lập bia khắc đá, ca tụng công đức Tần Thủy Hoàng, hiển rõ đắc ý”, đại ý như sau:
Năm thứ 28, Hoàng đế đăng cơ, đoan chính pháp độ, chỉnh sửa kỷ cương vạn vật, làm rõ lý lẽ sự việc nhân gian, già trẻ đều thích hợp. Bậc Thánh trí nhân nghĩa, làm sáng tỏ đạo lý. Đích thân vỗ yên vùng đông thổ, úy lạo binh sĩ. Mọi việc hoàn tất, tuần hành ven biển, công lao Hoàng đế, vất vả đại sự căn bản. Trọng nông, ước chế thương, bách tính bắt đầu giàu có. Khắp thiên hạ, quyết chí đồng lòng. Thống nhất đo lường, thống nhất văn tự. Những nơi mặt trời mặt trăng chiếu sáng, những vùng xe thuyền có thể tới, không nơi nào là không tuân theo mệnh lệnh Hoàng đế, người người đắc chí hài lòng.
Thuận theo thời mà hành sự, chỉ có Hoàng đế. Chỉnh đốn phong tục xấu, mở núi vượt sông. Yêu thương bách tính, ngày đêm không nghỉ. Trừ bỏ nghi hoặc, định ra phép tắc, người người tuân thủ kỷ cương. Đặt định các chức vị các cấp, người nào chịu trách nhiệm chức phận người ấy, thì thịnh trị. Các biện pháp xác đáng, chỉnh tề rạch ròi. Hoàng đế Thánh minh, thị sát bốn phương, bất kể cao thấp sang hèn, không được vi phạm phép tắc. Gian tà chẳng dung tha, dốc sức cầu bậc trung lương. Việc không kể to nhỏ, đều phải gắng sức không trễ nải. Bất kể xa gần, đều dốc sức nghiêm túc đoan chính. Chính trực, đôn hậu, trung thành, sự nghiệp mới có thể lâu bền.
Ân đức hoàng đế, bốn phương an định, diệt loạn trừ hại. Gây dựng lợi ích, tạo phúc. Lao dịch thích hợp tùy thời, bách nghiệp phồn thịnh. Lê dân an cư, không động binh đao. Lục thân tương bảo, trộm cướp diệt trừ. Vui nhận giáo hóa, phép tắc đều thông. Thiên địa bốn phương, là đất Hoàng đế. Tây vượt sa mạc, nam đến Bắc Hộ. Đông tận Đông Hải, bắc qua Đại Hạ. Nơi có dấu tích con người, không nơi nào không thần phục. Công vượt Ngũ Đế, ân trạch cả loài trâu ngựa. Không ai không chịu ân đức Hoàng đế, nhà nhà yên vui hòa thuận.
Tần Vương thống nhất thiên hạ, lập danh xưng Hoàng đế, đích thân vỗ yên vùng đông thổ, đến đất Lang Da. Liệt Hầu Vũ Thành Hầu Vương Ly, Liệt Hầu Thông Vũ hầu Vương Bôn, Luân Hầu Kiến Thành Hầu Triệu Hợi, Luân Hầu Xương Vũ Hầu Thành, Luân Hầu Vũ Tín Hầu Phùng Vô Trạch, thừa tướng Ngỗi Lâm, thừa tướng Vương Oản, khanh Lý Tư, khanh Vương Mậu, ngũ đại phu Triệu Anh, ngũ đại phu Dương Cù Tòng, cùng nghị sự trên biển.
Nói rằng: “Các bậc đế vương xưa, đất chẳng quá ngàn dặm, các chư hầu đều giữ đất phong, có người triều cống, có người không, xâm chiếm lẫn nhau gây bạo loạn, tàn sát đánh chém không ngừng, còn khắc kim thạch, tự lấy mình làm kỷ cương. Xưa Tam Vương Ngũ Đế, tri thức và giáo hóa khác nhau, pháp độ không rõ ràng, mượn uy quỷ Thần, để lấn át các vùng đất xa xôi, thật là không xứng danh, do đó không lâu dài. Cái thân họ chưa mất mà chư hầu đã phản bội, pháp lệnh không được thi hành. Nay Hoàng đế thống nhất thiên hạ, đặt ra các quận huyện, thiên hạ hòa bình. Rạng ngời tông miếu, đặt mình vào Đạo mà thi hành Đức, tôn hiệu cao thành tựu lớn. Quần thần cùng ca tụng công đức Hoàng đế, khắc kim thạch, để làm điển phạm mãi mãi”.
“Hoàng” (“皇”), “Thuyết văn giải tự” nghĩa là “To lớn, theo chữ “Tự; Tự nghĩa là bắt đầu”. Sau này giản hóa thành “Theo chữ Bạch”. Trên chữ “Vương” đội chữ “Bạch”, có nghĩa trên đầu vua đội mũ trắng, tức “vua huy hoàng”, để phân biệt với “vương” (vua thường). Thủy Hoàng, tức Tam Hoàng, là vị vua lớn. Sách “Thượng thư – tự sơ” gọi Hoàng, là cái danh to lớn tốt đẹp, lớn như Đế vậy. “Hoàng” cũng là Thần trong thần thoại.
Danh xưng “Hoàng Đế” của Trung Quốc bắt đầu từ Tần Thủy Hoàng. Các bậc thiên tử sau đời Tần đều dùng theo danh xưng này. Sáng Thế Chủ đã an bài Tần Thủy Hoàng là “Thủy – Hoàng – Đế”, Đệ Nhất Khai Nguyên (người đầu tiên mở ra kỷ nguyên mới), đã phú cho ông vinh diệu và oai phong ngạo nghễ nhìn trời đất, không cần nói cũng biết. Hơn nữa, xu thế tổng thể của đạo đức nhân loại là đang trượt dốc, mỗi một “Anh hùng thiên cổ” đều là thụ mệnh Trời riêng của mình. Đến thời Tần, đạo đức con người đã kém xa thời Nghiêu, Thuấn, nếu vẫn dùng cách trị vì năm xưa thì không thể có tác dụng nữa. Thủy Hoàng Đế cần phải có các biện pháp, pháp luật của hoàng triều Đại Tần trị vì thiên hạ, giáo hóa con dân. Do vậy, công tích của Tần Thủy Hoàng rất khổng lồ, ân đức rất lớn, trên cả Tam Hoàng Ngũ Đế.
Trong khi Tần Thủy Hoàng tuần hành Lang Da phía đông, gặp An Kỳ Sinh “Thiên Tuế Ông” ở Lao Sơn. An Kỳ Sinh theo sư phụ Hà Thượng Công. An Kỳ Sinh và Tần Thủy Hoàng “đàm đạo 3 ngày đêm”, thuyết đàm về đạo tu luyện dưỡng sinh. An Kỳ Sinh còn để lại sách cho Tần Thủy Hoàng rồi ra đi, đồng thời nói, ngàn năm sau “tìm tôi ở núi Bồng Lai” (Hán – Lưu Hướng “Liệt tiên truyện”, Tấn Hoàng Phủ mật “Sao sỹ truyện”).
Năm sau, Tần Thủy Hoàng lại tuần hành vùng Lang Da, Chi Phù, sau khi leo núi Chi Phù, cũng khắc đá. Khắc đá có viết: “Năm thứ 29, vào dịp giữa xuân, dương hòa sơ khởi. Hoàng đế đông du, tuần hành leo Chi Phù, soi bóng xuống biển. Quần thần đi theo. Nhớ lại, cảm hoài công tích sự nghiệp, ca tụng cội nguồn đại nghiệp. Bậc Thánh nhân trị vì quốc gia, xây dựng pháp độ, nổi bật kỷ cương. Với bên ngoài và chư hầu, thực thi giáo hóa, văn đức ân huệ, khiến họ hiểu rõ nghĩa lý.
Trong 6 nước, tham lam hung bạo không ngừng, tàn sát không dứt. Hoàng đế thương cảm bách tính, điều quân thảo phạt, tỏ rõ võ đức. Dùng chính nghĩa tiêu diệt, dùng chính tín hành sự, uy đức vang xa, khiến muôn nơi thần phục. Tiêu diệt cường bạo, cứu vớt bách tính, an định khắp gầm trời. Pháp luật thi hành khắp nơi, trị vì thiên hạ, trở thành khuôn phép mãi mãi“.
“Khắc đá Đông Quan” lại viết: “Năm thứ 29, Thủy Hoàng du xuân. Quần thần tùy tùng đều cảm tạ đạo trị quốc anh minh. Thánh pháp mới hưng thịnh, bên trong trị vì bờ cõi, bên ngoài tiêu diệt cường bạo. Uy danh quân đội thông suốt, chấn động hoàn vũ, cuối cùng diệt 6 nước. Nhất thống thiên hạ, diệt tai trừ hại, vĩnh viễn dừng chinh chiến.
Hoàng đế minh đức, trị vì khắp cõi, xem xét lắng nghe không mệt mỏi. Chế định đại nghĩa, đặt rõ quy củ, căn cứ rõ ràng. Quan lại chức phận rạch ròi, ai nấy đều biết cần làm gì, công việc rõ ràng không hiềm nghi. Bách tính được giáo hóa, khắp nơi xa gần đều tuân theo phép tắc, xưa nay chưa từng có. Chức phận đã định, kế tự theo đại nghiệp, mãi mãi giữ nền Thánh trị“.
Để kỷ niệm Mao Mông tu luyện, Đạo gia phi thăng, Tần Thủy Hoàng đổi lễ Lạp tế tháng 12 hằng năm thành Gia Bình, sách “Sử ký tập giải” của Tống Bùi Nhân đời Nam triều dẫn “Thái nguyên chân nhân Mao Doanh Nội kỷ” viết:
“Ngày Canh Tý tháng 9 năm Tần Thủy Hoàng thứ 31, Cụ tổ của (Mao) Doanh là (Mao) Mông, ở trong núi Hoa Sơn, cưỡi mây cưỡi rồng, bạch nhật thăng thiên. Đầu tiên là ca dao trong ấp của ông rằng: “Người đắc Thần tiên Mao mới thành, cưỡi rồng bay lên nhập Thái Thanh, lúc xuống Huyền Châu bỡn Xích Thành, đời tiếp mà đi là Doanh tôi, vua nếu học đổi Lạp Gia Bình”. Thủy Hoàng nghe được ca dao, hỏi nguyên do, các phụ lão đều khẳng định ca dao của Tiên nhân này, khuyên vua cầu thuật trường sinh. Do đó đổi lễ Lạp tế thành “Gia Bình”.
Con trai của Mao Mông làm thị tòng bên Tần Thủy Hoàng, do đó Tần Thủy Hoàng nắm rõ chuyện Mao Mông ở núi Hoa Sơn, cưỡi mây cưỡi rồng, bạch nhật thăng thiên. Đời sau của Mao Mông là Mao Doanh, Mao Cố, Mao Trung, đều tu luyện thành tiên, chính là Tam Mao Chân Quân mà các đời Đạo gia tôn sùng.
Tần Thủy Hoàng năm thứ 32 (năm 215 TCN), lần thứ 4 đi tuần hành, từ quận Thượng (Du Lâm, Thiểm Tây ngày nay), đi qua Cửu Nguyên, Vân Trung, Nhạn Môn, Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, đến Kệ Thạch, và có khắc “Kệ Thạch Môn từ” nổi tiếng.
Bài từ viết: “Xuất quân dụng binh, diệt trừ vô đạo, diệt hết nghịch tặc. Dùng võ diệt trừ bạo ngược, lấy lại lẽ công bằng cho người vô tội, lòng dân quy phục. Luận công phong thưởng, ân trạch đến cả loài trâu ngựa, ân huệ khắp toàn quốc. Hoàng đế oai phong, lấy đức thống nhất chư hầu, thiên hạ thái bình. Dỡ bỏ thành cũ, đào thông sông ngòi, dẹp bằng hiểm trở. Địa thế đã bằng phẳng, dân không phải phục dịch, thiên hạ yên ổn. Đàn ông vui vẻ cày cuốc, đàn bà chăm chỉ nghề, mọi việc rành mạch. Ân huệ phủ bách nghiệp, hiệp lực cày cuốc, không ai không an cư. Quần thần kính tụng sự nghiệp vĩ đại, kính cẩn khắc bia này, để lưu lại quy củ mẫu mực mãi mãi”.
Dốc sức tu hành, hoằng dương tu luyện
Thời thượng cổ, nhân Thần đồng tại, Thần tích thường hiển hiện. Mọi người tín Thần, tu luyện, đắc đạo thành tiên, đồng thời cũng không phải là việc hiếm thấy. Trong các danh sơn đại xuyên, những người tu luyện đắc đạo sống lâu mấy nghìn tuổi đều có. Các bậc Thánh hoàng cổ đại như Nghiêu, Thuấn, Vũ, Hoàng Đế… trong khi trị vì thiên hạ, gặp tiên phòng đạo, tu thân dưỡng tính, được coi là việc tự nhiên. Khi sứ mệnh của họ ở chốn nhân gian kết thúc, tu luyện thành công, viên mãn phi thăng, cũng không phải là trường hợp cá biệt.
Người đời sau, lễ băng nhạc hoại, đạo đức tụt dốc, con người ngày càng rời xa Thần linh. Thần cũng càng ngày càng không hiển thị Thần tích với người đời. Tu luyện thành tiên dần dần trở thành việc “bí mật” của người tu luyện xuất thế, thậm chí dần dần bị người đời cho là “thần thoại”, là việc hầu như không thể.
Nhưng Sáng Thế Chủ không đã không ngừng phái các sứ giả đến thức tỉnh con người. Tu luyện đề cao, trở lại thiên đường là mục đích chân chính của đời người và là nơi trở về tốt nhất. Văn hóa tu luyện tu thân dưỡng tính, phản bổn quy chân, đó là một bộ phận đáng trân quý, đáng giữ gìn nhất trong văn hóa Thần truyền phương Đông.
Pháp môn tu luyện Đạo gia đa phần là mật truyền, đơn truyền, không hiển lộ cho người ngoài. Tu luyện là việc cá nhân của người tu luyện, người không tu luyện, sao có thể biết được thần diệu trong đó? Rất nhiều người viết sử không hiểu tu luyện, dùng quan niệm hẹp hòi của mình lựa chọn, loại bỏ các sự thật lịch sử, khiến cho rất nhiều Thần tích tu luyện chân thực, không được ghi lại trong sử sách để lưu truyền. Rất nhiều sử sách cho rằng Tần Thủy Hoàng giao tiếp, đàm đạo với các Thần tiên là không có căn cứ, cho rằng Tần Thủy Hoàng dốc sức tu hành, truyền bá rộng rãi tu luyện, phản bổn quy chân, tu đạo thành tiên là tham sống sợ chết, muốn tìm thuốc trường sinh bất lão. Họ đã dẫn ra một loạt các kết luận hoang đường, dẫn dắt sai người hậu thế.
Thực ra, Tần Thủy Hoàng mỗi lần tuần hành phía đông đều để lại rất nhiều truyền thuyết Thần tích. Tần Thủy Hoàng rất trọng thị những người tu luyện, cũng thường cùng họ thảo luận đạo lý tu luyện Thần tiên, chân nhân, trường sinh. Thủy Hoàng đã từng nói: “Ta ngưỡng mộ chân nhân, tự xưng “Chân nhân” không xưng là “Trẫm” (Sử ký – Tần Thủy Hoàng bản kỷ). Ông không chỉ tự mình chuyên tâm tu luyện, dốc sức tu hành, mà còn dốc sức hoằng dương tu luyện, truyền bá chính đạo. Không chỉ đề xướng nơi dân gian, cung đình vùng đất Hoa Hạ, ông còn nhiều lần phái người vượt biển hoằng dương.
Trong “Thập di ký” của Vương Gia đời Đông Tấn có chép chuyện Tần Thủy Hoàng gặp dị nhân Uyển Cừ: Có người dân Uyển Cừ, cưỡi thuyền ốc đến. Thuyền hình vỏ ốc, lặn xuống đáy biển, mà nước không chảy vào, thuyền còn có tên “Luân ba chu”. Người này cao 10 trượng, bện lông chim thú che thân. Thủy Hoàng cùng ông ta nói chuyện, thấy cảnh khi thiên địa sơ khai, rõ như chính mắt nhìn thấy.
Dị nhân nói: “Hạ thần thiếu thời nhón chân nhẹ bước, ngày đi vạn dặm. Đến khi già cả, ngồi xem thấy các việc ngoài thiên địa. Quốc gia của thần 9 vạn dặm nơi mặt trời lặn, vạn năm chỉ 1 ngày. Thường nhiều mây âm u, gặp ngày nắng ráo, trời quang mây tạnh, sáng như ngân hà. Có rồng đen phượng đen, bay lượn rồi hạ xuống. Đến đêm, đốt đá để chiếu sáng. Đá này ở núi Nhiên Sơn, đất đá núi đó đều tự chiếu sáng, bóp thì vỡ, hình dạng như hạt thóc, mỗi hạt có thể chiếu sáng 1 nhà.
Xưa Viêm Đế thay đổi thói quen ăn sống, là dùng lửa này vậy. Người dân hôm nay hiến dâng đá này. Cũng có người ném đá này xuống khe suối, thì sủi bọt chảy mấy dặm, gọi suối đó là Tiêu Uyên. Nước của hạ thần đến gò Hiên Viên (nơi sinh của Hiên Viên Hoàng Đế) 10 vạn dặm, con trai của Thiếu Điển (tức Hoàng Đế) khai thác đồng ở núi Thú Sơn, đúc thành đỉnh lớn. Thần xem nước ấy có khí kim hỏa động, chạy đến xem, 3 cái đỉnh đã đúc xong. Lại thấy Ký Châu có khí lạ, ắt là có Thánh nhân sinh ra, quả nhiên ở Khánh Đô sinh ra Nghiêu. Lại thấy mây đỏ nhập vào đất Phong Cảo, chạy đến đó xem, quả là có dấu hiệu chu tước thụy xương”. Thủy Hoàng nói : “Đây là Thần nhân vậy”.
Tần Thủy Hoàng năm đó ở Kệ Thạch sai Hàn Chung (còn có tên Hàn Chúng, Hàn Chủng) đi biển cầu tiên tầm dược, đồng thời hoằng dương văn hóa tu luyện Hoa Hạ. Thành phố Tần Hoàng Đảo ngày nay là đặt theo tên Tần Thủy Hoàng, bởi vì năm xưa Tần Thủy Hoàng đã từng tuần du đến đây. Hàn Chung tu luyện thành Thần, có rất nhiều ghi chép lịch sử.
Tư Mã Thừa Trinh đời Đường viết trong “Động thiên phúc đại ký” rằng: “Động thứ 23 Chân Khư – ở huyện Trường Sa, Đàm Châu, là nơi Tây nhạc chân nhân Hàn Chung tu luyện”. Nước Thần (Tần) Hàn của Hàn Quốc cũng có tên bắt nguồn từ Hàn Chung. Nước Tân La trên bán đảo Triều Tiên cổ đại cũng là phát triển lên trên cơ sở nước Thần (Tần) Hàn. Lý Diên Thọ viết trong “Bắc sử” rằng: “Người Tân La, tổ tiên của họ chính là chủng người Thần (Tần) Hàn vậy”.
Tần Thủy Hoàng tuần du núi Vinh Thành cũng để lại rất nhiều di tích, truyền thuyết cho hậu thế. Di tích Tần Kiều còn có tên Tần Hoàng Kiều, ở trên biển phía nam đầu núi Thành Sơn, được cấu thành bởi 4 tảng đá lớn tự nhiên trên biển. Do các mỏm đá cao chót vót, chỗ liền chỗ đứt, tùy theo thủy triều lên xuống mà ẩn hiện trên mặt biển, hình dáng như cây cầu, như được con người bắc vậy.
Sách “Tam Tề lược ký” thời kỳ 16 nước có viết: “Thủy Hoàng làm cầu đá, vượt biển ngắm nơi mặt trời mọc, có Thần nhân vời đá ở dưới, 13 núi Thành Dương, trên cao vòi vọi nối nhau mà đi, đá không đi. Thần nhân lấy roi đánh chảy máu, ngày nay màu đá núi Triệu Thạch (vời đá) đều màu đỏ”. “Thủy Hoàng làm cầu ngắm mặt trời, Thần biển bèn xua đá dựng cột. Thủy Hoàng cảm động ân huệ đó, cầu kiến. Thần nói: “Tôi xấu xí, đừng vẽ hình tôi, thì sẽ gặp bệ hạ”. Thủy Hoàng xuống dưới biển 40 dặm, gặp Thần. Tùy tùng có kẻ xảo trá, ngầm vẽ chân dung Thần, Thần nổi giận nói: “Bệ hạ bội ước, hãy đi mau đi”. Thủy Hoàng quay ngựa, chân trước vừa đứng, chân sau liền sụp đổ, vừa kịp lên bờ”.
Năm đó, Tần Thủy Hoàng quay ngựa về đến bờ, cây cầu đã xây dựng xong phía sau lưng bắt đầu sập xuống. Tần Thủy Hoàng vừa bước lên bờ, toàn bộ cây cầu đá chìm xuống đáy biển, chỉ còn sót lại 4 trụ cầu gần bờ, lúc ẩn lúc hiện giữa những con sóng lớn, và được bảo tồn mãi cho đến ngày nay. Cho đến nay, trên những tảng đá màu đỏ đầu núi Thành Sơn đầy những lằn rãnh, đó là những vết roi Thần núi năm xưa đánh lên đá. Các mỏm đá núi Vinh Thành nhờ Tần Thủy Hoàng mà tiếng tăm truyền xa, được liệt vào 1 trong 8 cảnh đẹp của Vinh Thành, được lưu truyền đến ngày nay.
Tần Thủy Hoàng đi tuần du phía đông lần thứ 5, lại đến Lang Da, đến nơi năm xưa gặp An Kỳ Sinh, đồng thời dựng đình thờ An Kỳ Sinh, và mười mấy chỗ ven biển, đổi tên Thanh Cốc trong núi Thiên Thai thành suối Vọng Tiên. Những di tích thờ An Kỳ Sinh do Thủy Hoàng Đế năm xưa xây dựng đến nay vẫn còn có thể thấy được.
Gần 1000 năm sau, đại thi nhân đời Đường, thi Tiên Lý Bạch đã hoàn thành ước nguyện xưa của Tần Thủy Hoàng gặp lại An Kỳ Sinh, đồng thời nói đến An Kỳ Sinh trong “Ký Vương Ốc sơn nhân Mạnh Đại Dung”, thơ rằng:
Xưa tôi trên Đông Hải
Lao Sơn chén mây hồng
Tương kiến An Kỳ Công
Ăn táo to như dưa
Trung niên yết kiến vua
Chẳng thích liền về quê
Dung nhan phai xuân sắc
Tóc bạc kế sinh nhai
Hằng mong đắc tiên dược
Bay lên cỗ xe mây
Muốn theo Phu tử lên thiên đàn
Cùng với Tiên nhân quét hoa rơi.
Lý Bạch còn miêu tả cảnh gặp An Kỳ Sinh trong bài thơ “Cổ phong chi thất”:
Năm hạc tây bắc bay
Cao vọt chín tầng mây
Tiên nhân trên mây biếc
An Kỳ tự nói tên
Hai chú Bạch Ngọc Đồng
Vui thổi Tử Loan Sênh
Bỗng nhiên người biến mất
Nhạc trời gió thoảng bay
Tôi đây vừa muốn hỏi
Sao băng đã vụt bay
Muốn ăn kim quan thảo
Thọ ngang cùng trời cao.
Lý Bạch viết trong “Lư Sơn dao – Ký Lô thị ngự hư chu” rằng: “Xưa kia mồ hôi chảy cõi đất xa, muốn dẫn Lư Ngạo dạo bầu không”. Trong thơ, Lư Ngạo chính là một bác học ở bên Tần Thủy Hoàng năm xưa. Năm xưa, Lư Ngạo chịu ảnh hưởng sâu sắc của Tần Thủy Hoàng, từ quan ẩn cư, tìm gặp được Chân Nhân, được truyền thụ bí quyết tu luyện thành tiên, bèn bỏ đi xa, ẩn cư nơi núi sâu tu luyện, đạo tu thành phi thăng. Hán Vũ Đế đời sau vào năm Nguyên Đỉnh thứ 4, để kỷ niệm Lư Ngạo, đã lập huyện Lư Thị ở Hà Nam.
Tần Thủy Hoàng tại Lang Da đã sai Từ Thị (còn gọi là Từ Phúc) đi ra biển về phương đông cầu tiên tìm thuốc tiên, đồng thời truyền bá rộng rãi đạo tu luyện Trung Hoa. Sách “Thái bình quảng ký” chép rằng, thời Tần Thủy Hoàng, “ở Đại Uyển (một nước ở Tây Vực), người chết oan đầy đường, có chim tha cỏ để lên mặt người chết, liền sống lại. Có quan địa phương biết chuyện, Tần Thủy Hoàng sai đem cỏ đó hỏi Quỷ Cốc tiên sinh. Tiên sinh nói: “Giữa biển lớn có 10 châu, là Tổ Châu, Doanh Châu, Huyền Châu, Viêm Châu, Trường Châu, Nguyên Châu, Lưu Châu, Quang Sinh Châu, Phượng Lân Châu, Tụ Quật Châu, cỏ này là Bất tử thảo ở Tổ Châu. Sinh trưởng ở Quỳnh Điền, cũng có tên là Dưỡng thần chi. Lá nó như nấm, không mọc theo bụi, mỗi cây có thể cứu sống 1000 người”. Tần Thủy Hoàng nghe Quỷ Cốc tiên sinh nói, bèn sai Từ Thị đi biển tìm Ngọc sơ kim thái, và cỏ tiên”. Tương truyền Từ Thị là đồ đệ của Quỷ Cốc Tử, do đó Tần Thủy Hoàng sai Từ Thị ra biển đi về phía đông để tìm. Ở Nhật Bản, Từ Thị được tôn xưng là Thần nông, Thần dâu tằm, Thần y dược. Nghiên cứu lịch sử Nhật Bản xác nhận, Từ Thị chính là Thần Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản.
Hàn Chung, Từ Thị không chỉ đem theo văn tự Trung Hoa và các loại kỹ thuật, còn đem theo văn hóa Thần truyền Trung Hoa đưa vào Hàn Quốc, Nhật Bản, khiến cho văn hóa Thần truyền Trung Hoa cắm rễ vào nhiều quốc gia lân cận. Hàn Quốc, Nhật Bản cho đến nay vẫn còn rất nhiều văn hóa tu luyện và di tích năm xưa Hàn Chung, Từ Thị vượt biển để lại, mở ra khởi đầu tốt đẹp để nhân dân các quốc gia này sau này đắc Chính Pháp, tu Đại Đạo.
Rất nhiều minh quân thánh chủ đời sau cũng giống như Tần Thủy Hoàng, không chỉ bản thân kính Thần tu luyện, thái dược luyện đan, cũng phái thuộc hạ vượt biển, đem văn minh Trung Hoa, đạo tín Thần tu luyện truyền cho các nước và nhân dân xung quanh, thực sự là việc thiện lớn nhất vậy.
Ngoài ra, cầu Tiên tầm Đạo, luyện đan thái dược, là bộ phận quan trọng trong tu luyện dưỡng sinh. Trong rất nhiều môn phái Đạo gia, uống thuốc ăn đan, đưa các chất phế thải, chất độc trong cơ thể bài tiết ra ngoài, thân thể nhẹ nhàng khỏe mạnh, sau đó đến các bước tu luyện tiếp theo, là nguyên lý cơ bản của tu luyện. Chỉ là đời sau, đặc biệt là người cận đại, bị tác hại sâu sắc của thuyết vô Thần, xa rời Thần linh, đạo đức bại hoại, không những không tín Thần kính Trời, trái lại còn chê cười cổ nhân mà thôi.
Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Nam Phương biên dịch