Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.
Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.
- Trọn bộ Tam Tự Kinh (chọn lọc)
Kinh văn
Tam tài là: Thiên – Địa – Nhân
Tam quang là: Nhật – Nguyệt – Tinh.
Tam cương là: nghĩa vua tôi,
Tình cha con, vợ chồng thuận.
Diễn giải
Thế nào gọi là “Tam tài”? Tam tài chính là Thiên tài, Địa tài, Nhân tài, là ba nhân tố cơ bản cấu thành tiểu vũ trụ này của chúng ta.
Thế nào gọi là “Tam quang”? Tam quang chính là Mặt Trời, Mặt Trăng, các ngôi sao, là ba vật thể phát ra ánh sáng ở trên bầu trời, cũng chính là nguồn sáng chủ yếu trên Trái Đất.
Thế nào là “Tam cương”? Tam cương chính là quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng, tức là ba mối quan hệ luân thường quan trọng giữa người với người. Lời nói hành động của vua và bề tôi phải phù hợp với lễ nghĩa và đạo lý, mỗi người đều làm hết trách nhiệm của mình. Cha mẹ và con cái phải thương yêu gắn bó với nhau, cha hiền con hiếu. Giữa vợ chồng với nhau cần sống hòa thuận, tôn trọng nhau.
Câu chuyện tham khảo
Câu chuyện 1: Nữ Oa tạo ra con người
Trong Thần thoại Trung Quốc, Bàn Cổ khai thiên tịch địa, trải qua một vạn tám ngàn năm, cuối cùng sức cùng lực kiệt đã gục ngã. Đầu của ông biến thành núi Nhạc Sơn, mắt biến thành mặt trăng, mặt trời, lông tóc biến thành cây cỏ, huyết dịch biến thành biển, đại dương, âm thanh biến thành sấm, hơi thở biến thành gió, nước mắt biến thành sông ngòi. Mặt đất từ đó có núi, sông, cỏ, cây, chim, thú, côn trùng, cá, nhưng chưa có con người.
Sau khi Bàn Cổ chết, lại trải qua một vạn tám ngàn năm, giữa trời đất xuất hiện một nữ Thần – Nữ Oa. Nhưng bốn bề trống vắng, chỉ có một mình Nữ Oa sống đơn độc, bà cảm thấy rất cô đơn tịch mịch. Một hôm, Nữ Oa đến một hồ nước trong vắt. Bà dùng nước trộn với bùn vàng, chiểu theo hình dáng của mình nặn người đất tí hon, hết người này đến người khác, có nam, có nữ. Bà thổi một luồng khí vào những người này rồi đặt họ lên mặt đất, những người đất này bỗng đều sống cả, có thể chạy nhảy, biết nói biết cười. Nữ Oa có những người đất tí hon bầu bạn nên cuối cùng cũng đã vui vẻ tươi cười.
Thế là Nữ Oa hàng ngày đều vô cùng nỗ lực dùng đất vàng để nặn càng nhiều người đất tí hon hơn, nhưng dùng tay nặn chậm quá, nên Nữ Oa bèn lấy dây thừng ngâm vào trong bùn đất, chỉ cần kéo dây thừng lên, sau khi từng giọt bùn rơi xuống mặt đất thì tất cả đều biến thành những người sống.
Tuy nhiên, người tí hon tuổi thọ rất ngắn. Để con người không bị tuyệt diệt, người Mẹ hiền từ của nhân loại này đã xây dựng quan hệ hôn nhân cho con người, làm hôn phối cho họ, để họ sinh và nuôi dạy con trai con gái, từng đời từng đời sinh sôi nối tiếp nhau.
Câu chuyện 2: Sự thông minh của vợ Hứa Doãn
Hứa Doãn là người thời Tam quốc. Vợ của Hứa Doãn là con gái của Vệ uý Nguyễn Cộng, là em gái của Thái thú Nguyễn Khản, nhưng có tướng mạo vô cùng xấu xí. Sau hôn lễ, Hứa Doãn chê tướng mạo của vợ mà không bước vào phòng cưới, việc này làm cho người nhà vô cùng ưu phiền.
Thật may có Hoàn Phạm đến thăm, vợ Hứa Doãn nói: “Không cần phải lo lắng, Hoàn Phạm nhất định có thể khuyên Hứa Doãn vào động phòng”.
Quả nhiên Hoàn Phạm nói với Hứa Doãn: “Nhà họ Nguyễn gả người con gái có tướng mạo xấu xí cho anh, nhất định họ có dụng ý sâu xa. Anh nên dụng tâm để ý, quan sát để hiểu rõ nguyên nhân”.
Nghe vậy, Hứa Doãn quay trở về phòng, vừa nhìn thấy người vợ mới cưới, anh liền quay người định bỏ ra ngoài. Vợ Hứa Doãn biết một khi anh đã ra khỏi phòng thì sẽ không quay lại, thế là cô bèn kéo vạt áo chồng. Hứa Doãn vốn muốn làm khó vợ mình, nên anh bèn nói: “Người phụ nữ cần phải có Tứ Đức, vậy cô có được mấy chứ?”.
Vợ Hứa Doãn trả lời: “Em chỉ là thiếu dung mạo xinh đẹp mà thôi! Nhưng mà một người đọc sách Thánh hiền cần phải có nhiều đức tính tốt đẹp, xin hỏi phu quân có được mấy đức?”.
Hứa Doãn tự hào nói: “Đều có tất cả”.
Vợ Hứa Doãn lại nói: “Trong trăm phẩm hạnh tốt đẹp thì Đức là quan trọng nhất, phu quân chỉ hiếu sắc mà không biết hiếu Đức, thì làm sao có thể nói là có tất cả chứ?”.
Hứa Doãn nghe xong vô cùng xấu hổ, từ đó về sau anh vô cùng kính trọng vợ mình.
Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh – Tập 7: Sự thông minh của vợ Hứa Doãn
Phụ chú
(1) Vợ Hứa Doãn được xếp thứ tư trong bốn người phụ nữ xấu nhất thời Trung Quốc cổ đại.
(2) Tứ Đức gồm: phụ đức, phụ công, phụ ngôn, phụ dung.
Nguyên văn chữ Hán
三才者,天地人
三光者,日月星
三綱者,君臣義
父子親,夫婦順
Âm Hán Việt
Tam tài giả, Thiên Địa Nhân
Tam quang giả, nhật nguyệt tinh
Tam cương giả, quân thần nghĩa
Phụ tử thân, phu phụ thuận.
Pinyin Hán ngữ
sān cái zhě, tiān dì rén
sān guāng zhě, rì yuè xīng
sān gāng zhě, jūn chén yì
fù zǐ qīn, fū fù shùn
Chú giải
(1 ) Tam tài (三才): tức Thiên tài (Trời), Địa tài (Đất), Nhân tài (Người). Tài (才) nghĩa gốc là cây cỏ mới sinh, sau có nghĩa mở rộng là ‘cơ bản’. Nguồn gốc xuất xứ từ Kinh Dịch: “Kinh Dịch là kinh thư vì nó bao hàm rộng lớn đầy đủ tất cả, có Đạo Trời, có Đạo Người và có Đạo Đất. Tam Tài mỗi loại có 2 (âm dương) nên thành 6. 6 không phải là điều gì khác, chính là Đạo của Tam Tài”.
(2) Giả (者): từ thay thế để chỉ người hoặc vật.
(3) Tam quang (三光): tức là ánh sáng Mặt Trời, Mặt Trăng, và các ngôi sao. Từ tam quang có nguồn gốc từ cuốn Hán Thư do Ban Cố viết: “Thiên đạo lẽ nào không thành tam, trời có tam quang: nhật, nguyệt, tinh; đất có tam hình: cao, thấp, bằng phẳng; người thì có tam tôn: vua, cha, thầy (quân, phụ, sư)”.
(4) Cương (綱): Nghĩa đen chỉ sợi dây to làm đầu mối trên lưới, nghĩa bóng chỉ các phần chủ yếu của các sự vật, cũng chính là tư tưởng cương lĩnh, chuẩn mực.
(5) Nghĩa (義): nên. Hợp với nghĩa lý, chỉ mỗi người cần làm hết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
(6) Thân (親): thân cận, thân thiết, thương yêu.
(7) Thuận (順): hòa thuận, hòa mục.
Đọc sách bút đàm
Bài này nhắc đến Tam tài, Tam quang, Tam cương là sự chuyển giao giữa bài học trước bắt đầu nói về số đếm và bài kế tiếp sẽ giảng về bốn mùa, bốn phương. Số ba trong văn hoá truyền thống là con số rất có ý nghĩa, ở đây khái quát từ vũ trụ rộng lớn với Thiên Địa Nhân, mặt trời mặt trăng và các vì sao, cho tới đạo lý thế gian con người với ba giềng mối quan trọng là quan hệ vua tôi, cha con, vợ chồng.
Văn hoá truyền thống đề xướng Tam cương, Ngũ thường, mục đích là điều tiết mối quan hệ giữa người với người, giữ cho xã hội trên dưới ổn định có trật tự, mỗi người đều hành xử trong quy phạm đạo đức tốt đẹp mà Thần ban cho con người. Khi “Tam cương” này được gìn giữ thì gia đình hoà thuận, quốc gia thái bình.
Những người phản đối Nho giáo thường giải thích rằng “Tam cương” chủ trương người làm Vua, làm cha và làm chồng có quyền hành tuyệt đối với bầy tôi, con hay vợ, nói gì thì người kia phải nhất nhất tuân theo. Sự thực không phải vậy. Trong Luận Ngữ, thiên 12 (Nhan Uyên), Tề Cảnh Công hỏi Khổng Tử về chính trị, Khổng Tử đáp: “Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử”. Nghĩa là: Vua cho ra vua; bầy tôi cho ra bầy tôi; cha ra cha; con ra con. Vua, tôi, cha, con đều phải làm cho trọn đạo, tận tâm tận sức hết nghĩa vụ của mình.
Còn Mạnh Tử nói: “Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân”. Chính là cha con có tình thân, vua tôi có cái nghĩa, vợ chồng có sự khác biệt, huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới, bạn bè thành thật tin tưởng, đây cũng chính là luân thường đạo lý. Các mối quan hệ này – “Ngũ luân” – sẽ được đề cập làm rõ ở bài số 13 của loạt giáo trình Tam Tự Kinh chọn lọc.
“Phu thê hữu biệt” ở đây không hề có ý nói người chồng có quyền hành áp đảo người vợ. Trong gia đình, thuận lẽ âm dương, người nam phải gánh vác nuôi sống gia đình, như bầu trời che chở bảo hộ thê tử con cái của mình; người nữ cần nhu hòa, như đất mẹ sinh thành và giáo dưỡng con trẻ; ai làm tốt phận người ấy. Nếu ai cũng muốn “bình đẳng” tuyệt đối, ai cũng đòi phần thắng thì gia đình tự nhiên sẽ bất hòa.
Ngẫm lại trong xã hội ngày nay, rất nhiều vấn đề phát sinh là do tam cương ngũ thường bị rối loạn. Quay về chuẩn mực đạo đức truyền thống, các vấn đề xã hội nhức nhối tự nhiên sẽ được hóa giải.
Kiến Thiện – Thanh Ngọc
Ghi chú: Phần Đọc sách bút đàm do Đại Kỷ Nguyên tiếng Việt biên soạn, các phần phía trên biên dịch từ Chánh Kiến tiếng Trung.
Video: Đạo nghĩa vợ chồng trong văn hoá truyền thống