Nhiều người Việt Nam đã thuộc nằm lòng câu nói: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Đây cũng chính là câu mở đầu của bộ sách giáo dục trẻ em truyền thống “Tam tự kinh”, từng được ngợi ca và sử dụng rộng rãi ở các nước Á Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. “Tam tự kinh” chỉ có trên 1000 chữ nhưng bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý. Sách thích hợp với trẻ nhỏ nhờ hình thức thơ 3 chữ ngắn, đơn giản, có thể hát như đồng dao nghe rất vui tai.

Tiếp theo bộ kinh điển giáo dục trẻ em “Phép tắc người con” (Đệ tử quy), Đại Kỷ Nguyên hy vọng rằng bộ sách “Tam tự kinh” này sẽ giúp các em nhỏ và mỗi người chúng ta nuôi dưỡng bản tính thiện lương, tịnh hóa tâm hồn, tìm lại và nâng cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong thời buổi đạo đức suy thoái hôm nay.

Kinh văn

Dùng đom đóm, dùng ánh tuyết

Nhà tuy nghèo, không bỏ học.

Cõng củi đọc, sách treo sừng

Thân tuy mệt, vẫn khổ học.

Diễn giải

Xa Dận triều Tấn vì cảnh nhà quá khó khăn, không có tiền mua dầu chong đèn đọc sách, thế là ông bắt vài con đom đóm bỏ trong túi vải, dùng ánh sáng yếu ớt phát ra từ đèn đom đóm để đọc sách. Tôn Khang thời nhà Tấn cũng giống vậy, mỗi khi đến đêm, bèn lợi dụng ánh sáng của tuyết phản chiếu mà đọc sách. Hai người họ gia cảnh tuy nghèo khổ nhưng chưa từng đình đốn việc cầu học.

Chu Mãi Thần triều Hán, gia cảnh bần hàn, đốn củi mưu sinh, thường lợi dụng lúc rảnh khi đốn củi để đọc sách. Trên đường vác củi về nhà, trên cả con đường ông đọc thuộc lòng các bài văn chương. Lý Mật triều Tuỳ cũng thế, một lòng hướng học, lấy “Hán thư” treo trên sừng bò tận lực đọc sách. Họ dù dưới hoàn cảnh khổ cực, vẫn cầu học một cách kiên trì và xuất sắc.  

Câu chuyện tham khảo

1. Xa Dận với túi đom đóm mà tận sức đọc sách

Thời Đông Tấn có một vị thiếu niên tên Xa Dận, tự Vũ Tử, sinh ra trong gia đình có người làm quan nhưng lại không giàu có. Ông siêng năng bỏ công học hành, đọc nhiều sách vở, cần mẫn không biết mệt mỏi. 

Trong nhà không có tiền mua dầu chong đèn chiếu sáng nên Xa Dận rất khổ tâm, bởi vì trời hễ tối thì cái gì làm cũng không thành, chỉ có thể đi ngủ. Xa Dận muốn dùng buổi tối đọc nhiều sách hơn. Ông đã khổ tâm nhiều ngày nhưng không giải được vấn đề ấy. 

Vào một đêm mùa hạ, ông ngồi ở bên ngoài cửa để đọc thuộc nội dung cuốn sách, đột nhiên trước mắt ông có vài con đom đóm đang vờn bay, từng điểm từng điểm sáng trong đêm tối lấp lánh đặc biệt. Thế là ông nghĩ một cách, bắt rất nhiều đom đóm để trong túi lụa trắng, lấy ánh sáng đom đóm để chiếu sáng. 

Từ đó, ông dựa vào đèn đom đóm ngày ngày cần cù đọc sách, cuối cùng trở thành một vị có học thức uyên bác, công bằng chính trực, dám nói lời thẳng thắn trượng nghĩa, là người xả thân thủ nghĩa.   

Xa Dận làm quan rất được lòng người, danh vang cả trong triều đình và chốn dân gian. Ông từng nhậm chức Thái thú Hồ Châu (nay thuộc tỉnh Chiết Giang), Tướng quân hộ quốc, cuối cùng được phong quan Thượng thư Bộ Lại. 

Ông vì báo cáo cáo sự phóng đãng kiêu ngạo của Cối Kê Trung Thế tử là Tư Mã Nguyên Hiển cho triều đình mà gặp tai nạn, bị bức phải tự vẫn. Trước khi chết, ông giận dữ nói: “Ta há sợ chết ư? Ta dù chết cũng phải vạch trần gian tặc cường quyền!”. Cuối cùng, ông lấy cái chết tỏ rõ ý chí của mình, đạt được sự kính ngưỡng của hậu thế, là một nhà Nho chân chính.    

2. Chu Mãi Thần vác củi khổ học

Chu Mãi Thần tự Ông Tử, là người nước Ngô, gia cảnh bần hàn nhưng thích đọc sách. Ông không có sản nghiệp, đốn củi kiếm sống qua ngày. Khi ông gánh củi xuống núi, vừa đi vừa đọc sách, vợ ông cũng vác củi theo sau. Thê tử nhiều lần khuyên ông đừng đọc tụng, ca hát trên đường nữa, Chu Mãi Thần lại không nghe khuyên, càng hát càng hăng say. 

Vợ ông vì việc đó mà thấy xấu hổ, liền muốn ra đi. Chu Mãi Thần lại cười nói: “Ta đến năm mươi tuổi, phú quý sẽ đâu vào đó, giờ đây ta đã bốn mươi mấy tuổi rồi. Nàng theo ta đã chịu biết bao khổ cực, đợi ta phú quý rồi, nhất định báo đáp ân đức nàng”. Người vợ tức giận nói: “Bộ dạng ông như thế này, cuối cùng sẽ chết đói ở rãnh mương, làm sao có thể phú quý đây!”. Chu Mãi Thần không có cách nào giữ vợ lại, đành phải để cho nàng ra đi. 

Có một lần, Chu Mãi Thần vác củi trên đường, vừa đi vừa ngâm xướng, đi đến giữa nghĩa địa thì gặp người vợ cũ đang cúng tế quét dọn phần mộ cùng người chồng mới. Bà thấy Chu Mãi Thần đói lạnh túng quẫn, bèn cho ông cơm canh để đỡ đói. 

Vài năm sau, vì được người cùng huyện giúp đỡ tiến cử, Mãi Thần được Hán Vũ Đế triệu kiến, nhận được sự tán thưởng của Hoàng đế, được phong làm Thái thú Cối Kê. 

Khi ông đến quận Cối Kê trình diện, bách tính dọn sạch đường nghênh tiếp ông. Mãi Thần đến địa hạt nước Ngô, thấy vợ cũ của ông cùng chồng đang quét dọn đường trong bách tính, bèn dừng xe, dẫn hai người họ đến dinh quan Thái thú, sắp xếp chỗ ở. Hễ là có ơn với ông, ông đều nhất mực hồi báo. 

Xem phim hoạt hình Tam Tự Kinh: Chu Mãi thần gánh củi khổ học

Phụ chú

Nguyên văn chữ Hán

如囊螢,如映雪

家雖貧,學不輟。

如負薪,如掛角

身雖勞,猶苦卓。

Âm Hán Việt

Như nang huỳnh, như ánh tuyết

Gia tuy bần, học bất chuyết.

Như phụ tân, như quải giác

Thân tuy lao, do khổ trác. 

Pinyin Hán ngữ

Rú náng yíng, rú yìng xuě

Jiā suī pín, xué bù chuò.

Rú fù xīn, rú guà jiǎo

Shēn suī láo, yóu kǔ zhuó.

Chú giải

(1) Như: giống.

(2) Nang: lấy đồ vật bỏ vào túi.

(3) Huỳnh: chỉ ánh sáng do đom đóm phát ra. Xa Dận triều Tấn nhà rất nghèo khổ, không có tiền mua đèn dầu, thế là lấy đom đóm đặt vào túi, nhờ vào ánh sáng đom đóm phát ra mà đọc được sách.  

(4) Ánh tuyết: ánh sáng do tuyết phản xạ. Tôn Khang triều Tấn vì trong nhà rất nghèo khổ, ban đêm dựa vào ánh sáng do tuyết phản xạ mới đọc được sách. 

(5) Chuyết: đoạn dứt.

(6) Phụ: lưng cõng. 

(7) Tân: củi lửa. Chu Mãi Thần triều Hán, nhà nghèo muốn đọc sách, dựa vào đốn củi mưu sinh. Lúc đốn củi xong về nhà, vừa đi vừa vác sách, sau đó ông được Hán Vũ Đế khen ngợi, nhậm chức Thái thú Cối Kê (nay thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc).

(8) Quải giác: lấy sách treo trên sừng bò. Trong “Tân Đường thư – Lý Mật truyện” có ghi chép: Lý Mật triều Tuỳ “cưỡi một con bò, lấy chăn làm đệm lót trên lưng bò, vẫn lấy bọc sách ‘Hán thư’ treo trên sừng, một tay dắt bò, một tay xoay sách mà đọc” (vì ngày xưa sách làm bằng thẻ tre nên cuốn lại được). 

(9) Do: vẫn, vẫn còn. 

(10) Khổ trác: trong khổ cực mà đạt thành tựu trác việt (xuất chúng). 

Ảnh chụp màn hình video Chánh Kiến.

Đọc sách bút đàm

Túi đom đóm, ánh sáng tuyết, lưng vác củi, treo sừng bò là hình dung một người trong hoàn cảnh gian nan khốn khổ vẫn có thể siêng năng đọc sách học tập. Một người vượt lên khảo nghiệm sẽ không vì hoàn cảnh gian nan mà cải biến chí hướng bản thân, càng không vì điều đó mà oán Trời trách người. Đoạn kinh văn đề cập đến những điển cố nổi tiếng thời xưa, đã trở thành hình mẫu của người đọc sách. 

Họ không chỉ chăm học, mà còn hiểu được mục đích học tập là để minh bạch đạo lý, hiểu rõ nghĩa lý làm người và làm quan, chứ không phải vì phú quý hay lợi ích như con người ngày nay nhìn nhận. Cho nên, Xa Dận với câu chuyện túi đom đóm cuối cùng thân làm quan lớn lại có thể xả thân thủ nghĩa. Tôn Khang với câu chuyện ánh sáng tuyết cũng làm quan đến Ngự sử Đại phu, bởi tích đức hành thiện rộng khắp, đời sau đã xuất sinh danh y Tôn Tư Mạc, chuyên hành y cứu giúp người đời (Tôn Tư Mạc là hậu duệ của Tôn Khang).

Chu Mãi Thần nhìn trên bề mặt tuy là vì cầu công danh, thực ra cũng là bậc trí giả biết mệnh Trời. Ông biết phú quý rất rõ ràng, cũng khuyên bảo vợ phải chịu được bần hàn, tương lai ông ắt có ngày nổi danh. Cũng giống như những việc mà Khương Tử Nha (*) đã trải qua, mục đích là vì con người mà lưu lại một chút văn hoá, khích lệ người ta chăm học, tận sức đọc sách, chịu được nghèo khó, vui với mệnh Trời.   

Bài này với bài trước đều là lấy câu chuyện những người đọc sách với gia cảnh bần khổ làm ví dụ để khuyên người ta chăm học siêng đọc, tương lai tất có thành tựu, không thể vì điều kiện khách quan bất lợi mà từ bỏ chí hướng đọc sách. 

Ghi chú: 

(*): Cuộc đời của Khương Tử Nha rất lao đao. Khi ông 32 tuổi, triều Thương chiến tranh không dứt, để tránh họa chiến tranh nên ông đã lên núi để tu Đạo. Kinh qua 40 năm khổ tu, đến khi 72 tuổi ông mới xuất sơn. Khi xuống núi, do tuổi vừa cao vừa không có kỹ năng sở trường nên Khương Tử Nha tạm thời trú tại nhà của một người bạn. Để mưu sinh, ông từng đan giỏ tre, xay gạo nghiền thành bột để bán, mở quán ăn nhỏ, bán bò ngựa lợn dê, bói mệnh cho người… nhưng mỗi lần đều không duy trì được lâu. Do đó, ông thường phải chịu sự cười nhạo của người vợ.

Theo Chánh Kiến
Mạn Vũ biên dịch

Video: Lời giải cho cuộc sống

videoinfo__video3.dkn.tv||dce246ad4__