Núi Võ Đang chính là một huyệt thiêng của xứ Thần Châu. Nơi đây phát tích biết bao nhiêu huyền thoại, vừa nức tiếng xa gần vì cảnh trí đẹp như chốn bồng lai, vừa nổi danh thiên hạ vì là thắng địa tu luyện của Đạo gia, gắn liền với tên tuổi của Trương Tam Phong chân nhân.
Núi, kéo dài ngàn dặm, cao vút trời mây, to lớn hùng vĩ, ngây ngất lòng người. Núi, sừng sững truyền đời, như thực như mơ, tự đã mang bao nhiêu thanh tĩnh gột sạch bụi trần thế tục và thần bí, làm người ta mong mỏi. Núi, dáng dấp tươi đẹp, nhàn nhã đã trở thành nơi gần cõi trời nhất chốn nhân gian.
Người ở trong núi gọi là tiên, núi còn đem lại miền tịnh thổ thanh tu, cung cấp một con đường thăng hoa siêu phàm nhập thánh cho những người kính thờ thần linh. Từ xưa đến nay, đã có bao nhiêu người tu hành nguyện vứt bỏ vinh hoa phú quý, vào sâu trong núi tụng kinh trì chú, khấu đầu bái lạy, để cầu tâm hồn tĩnh mịch, triệt ngộ đại đạo của trời đất.
Chính giữa vùng đất Thần Châu, là nơi trên ứng với sao Dực Chẩn, dưới thuộc đất Kinh Châu, có một thắng cảnh chốn nhân gian, một vùng đất động thiên phúc địa rộng 800 dặm, có 72 ngọn núi, 36 vách đá, 24 con suối. Nó lặng lẽ chứng kiến nền văn minh tu luyện Đạo gia 5.000 năm Trung Hoa, trở thành đệ nhất danh sơn xứng danh của Đạo giáo. Vì nhiều đời thánh hiền kết mối tiên duyên với nó, nên các ngọn núi ở đây có rất nhiều cái tên hiển hách: Thái Hòa, Thiên Thất, Thái Nhạc, Huyền Nhạc… Cái tên ấy một khi xướng lên là mang theo mênh mang bao nhiêu huyền tích, chuyện thần tiên, được hậu thế không ngớt bàn tán, lưu truyền. Núi ấy chính là Võ Đang.
Chân Vũ bay lên trời, vạn sơn chầu bái
72 ngọn núi Võ Đang, ngọn chính là Thiên Trụ Phong với dáng vẻ hùng hồn, thần tú cao 1612 m so với mặt nước biển, đứng hiên ngang sừng sững vượt trên tất cả. Các ngọn núi khác giống như những con dân đang khom mình cúi đầu, chỉnh tề chầu bái ngọn núi chủ, hình thành lên một kỳ quan “72 ngọn núi chầu đỉnh núi lớn”.
Võ Đang, với hình thái trung thành, thành kính tự nhiên của nó, hướng về Huyền Vũ Đại Đế – vị Chủ Thần ngồi trấn định trên đỉnh ngọn núi chính, nói lên những tiếng lòng kính trời lễ thần. Chân Vũ Đại Đế, vị đại thần viễn cổ, không chỉ là vị thần đầu tiên thăm Võ Đang và bay lên trời, mà còn là nguồn gốc cho cái tên của ngọn núi linh thiêng này. Chân Vũ, vốn tên là Huyền Vũ, vì tránh tên húy Tống Thánh Tổ Triệu Huyền Lãng mà đổi tên.
Thời Hoàng Đế, có một nơi gọi là Tịnh Lạc quốc xuất hiện một chuyện kỳ lạ, may mắn. Tịnh Lạc quốc vương và hoàng hậu Thiện Thắng trong giấc mơ nuốt ánh sáng mặt trời, tỉnh mộng, hoàng hậu liền có mang. Sau 14 tháng, vương tử giáng sinh, trong và ngoài cung đình xuất hiện những cảnh cát tường, muôn loài chim tụ tập, muôn hoa cùng nở.
Vương tử Tịnh Lạc “Sinh thì thần linh, lớn thì dũng mãnh”, bằng thần công thiên bẩm đã chém yêu trừ ma, giúp chính đạo. Thân cành vàng lá ngọc, mà lại có cái tâm tu hành cầu đạo, vương tử bỏ cha mẹ, ngôi vị, bước lên con đường khổ tu tương tự như Thích Ca Mâu Ni.
Có thể là khí núi biển khói mây của Võ Đang tạo lên tiên cảnh mông lung, hoặc là tiếng thông reo vượn hú của Võ Đang kích hoạt cơ chế luân hồi, vương tử Tịnh Lạc dấn thân lên núi Võ Đang, bất giác dừng bước, quyết chí tu hành nơi núi xanh đã tĩnh này. Trải qua 42 năm rèn rũa, ông cuối cùng đã công thành viên mãn, bạch nhật thăng thiên (bay lên trời giữa ban ngày). Vương tử Tịnh Lạc thoát thai hoán cốt, hóa thân thành Đế Quân “Huyền Vũ” trấn thủ phương bắc, trảm yêu tà, an dân sinh, đã bao lâu nay đang bảo vệ chính đạo vũ trụ.
Nước lửa tương trợ, không phải Chân Vũ không thể làm nổi
“Huyền Vũ” là một trong Tứ tượng của văn hóa truyền thống Trung Hoa, ngũ hành thuộc Thủy, thường thể hiện là hình tượng kết hợp của con rùa đen và rắn, là Thần thú đại diện cho phương bắc. Mà Huyền Vũ Thần, tức Chân Vũ Đại Đế, lại thường chân đạp rùa rắn, mặc áo giáp, cầm cờ đen, xõa tóc, chân trần, xuống hạ giới trừ ma tà. Chân Vũ Đại Đế từ ngày tu hành chính là xuất hiện với hình tượng chiến thần thần dũng vô địch, trở thành biểu tượng của chính nghĩa và sức mạnh giữa trời đất.
Ngày nay, nếu bạn leo núi Võ Đang, từ xa ngắm đỉnh Thiên Trụ Phong, sẽ thấy ánh vàng kim thấp thoáng ẩn hiển trong mây trời bao phủ, đó là ngôi miếu đúc bằng đồng, mạ vàng thờ Chân Vũ Đại Đế, trải qua 600 năm gió mưa sấp sét vẫn rực rỡ ánh vàng kim, màu ngọc bích như xưa. Nếu bạn có cơ duyên từ trên không trung nhìn xuống đỉnh núi, sẽ phát hiện ra bí ẩn huyền diệu lớn nhất của ngọn núi này.
Trong “Võ Đang phúc địa tổng chân tập” có viết: “Võ Đang lượn vòng trải dài vạn dặm, xoáy tròn như dấu hiệu của trục trái đất đến cửa trời”. Người đời Tống chú thích: “Trục trái đất là Rùa thần Thủy tinh, cửa trời là Rắn thánh Hỏa tinh”. Ý nghĩa là phần núi đất của Thiên Trụ Phong và ngọn núi phía tây bắc của nó tạo thành hình tượng một con rùa khổng lồ, mà thế núi Võ Đang lượn vòng xoáy tròn như con rắn thiêng đang bò trườn ngoằn ngoèo. Đây chẳng phải Thần thú mà Chân Vũ Đại Đế cưỡi xuống đó sao? Thì ra Chân Vũ Đại Đế đắc đạo ở núi Võ Đang, đã sớm sử dụng một phương thức huyền diệu bảo vệ núi cao, đồng thời đem cất giữ những tín tức của Thần ở trên đỉnh ngọn núi.
Từ Ngũ hành tính ra cho thấy, Võ Đang nằm ở phương nam, các ngọn núi dựng đứng giống như những ngọn lửa đỏ (hỏa) đang cháy giần giật. Mà Chân Vũ Đại Đế ở phương bắc thuộc thủy (nước), sừng sững vượt trên tất cả các ngọn núi xung quanh, lấy uy linh của thủy (nước) trấn định khí thế lửa (hỏa) cháy rừng rực.
Hình thái nước lửa chồng chất lên nhau này, đúng như quẻ kỳ lạ trong tượng quẻ “hạ ly thượng khảm” (dưới ly trên khảm – dưới lửa trên nước – ND), biểu hiện ra thần công của tạo hóa nước lửa tương trợ, âm dương tương hòa. Mà những tầng tầng thiên cơ này, không phải cao nhân ẩn sỹ tiêu diêu giữa trời đất thì không thể biết được.
Từ xưa đến nay, truyền thuyết và thần tích của Chân Vũ Đại Đế làm cho vô số người đời sau bái lạy thành tín. Nhưng ý chí coi thường danh lợi, một lòng cầu đạo của Ngài như một ngọn đèn sáng soi, cổ vũ tâm linh người mộ đạo đời này sang đời khác. Do đó “Huyền thiên thượng đế khởi thánh lục” có viết: “Không phải Huyền Vũ xứng đáng, thì ai đáng được hưởng đây!”
Khí tía đến từ phương đông, Chân kinh 5 nghìn chữ mở đường tu đạo
Từ khi Chân Vũ Đại Đế ngộ đạo, càng ngày càng nhiều người cầu thần vấn đạo leo lên ngọn núi dưỡng dục nên bao truyền kỳ này. Họ khổ tâm đơn độc tìm đạo pháp chính tông, cầu mong nơi thù thắng lạnh lẽo này có thể vũ hóa đăng tiên. Núi Võ Đang, cũng như những người tu hành, đang nôn nóng nhưng lặng lẽ đợi chờ một bộ kinh điển tu luyện truyền thế.
Vào một ngày niên đại Chu Kính Vương đời Đông Chu, một vị đạo sỹ trung niên ánh mắt chói sáng lấp lánh tinh hoa mặt trời đã phá vỡ sự tĩnh lặng 2.000 năm nay của núi Võ Đang. Ông là Doãn Hỷ, đem theo một bộ kỳ thư tên là “Đạo đức kinh”. Từ đó, núi Võ Đang trở thành một trong những cái nôi của nền văn minh tu luyện của Đạo gia.
Doãn Hỷ, hiệu là Văn Thủy Chân Nhân, là một vị cao nhân ẩn dật thời Chu. Mọi người không biết ngày sinh, mất của ông, về cuộc đời ông cũng biết rất ít. Chỉ biết là ông từ nhỏ đã xem hết các sách cổ, yêu thích thiên văn lịch pháp, khi trưởng thành thì chìm đắm vào nghiên cứu Bát quái Dịch học. Thường ngày, Doãn Hỷ thanh tĩnh tự thủ, không theo lễ thế tục, đo bóng mặt trời, xem thiên tượng, đạt đến cảnh giới “biết xưa mà thấy tương lai”. Do được người đời ca ngợi, Doãn Hỷ được triều đình vời triệu, phong làm đại phu.
Ở địa vị cao, hưởng trọn vinh hoa, Doãn Hỷ lại chưa từng bỏ lòng truy cầu đạo. Hơn nữa lúc này nhà Chu sắp đổ, đạo đức đang suy đồi, trong lòng ông đã sớm có ý quy ẩn. Một hôm, trên bầu trời phương đông khí tía mờ mịt, thẳng tiến về tây. Doãn Hỷ rất có duyên với đạo, trông thấy cảnh kỳ lạ, liền biết là có thánh nhân ra khỏi quan đi về phương tây. Thế là, ông kiến quyết từ chức đại phu, xin làm quan lệnh Hàm Cốc Quan, đợi chờ vị thánh hiền sẽ xuất hiện loáng qua chốc lát.
Doãn Hỷ bấm độn tính ngày giờ, dặn dò tướng sỹ giữ quan nếu gặp người tướng mạo khác thường thì lập tức ngăn lại và bẩm báo ngay cho ông. Khi một ông già râu tóc bạc phơ như bạc trắng, cưỡi một cỗ xe trâu xanh đến Hàm Cốc Quan, Doãn Hỷ đã quét tước đường xá, cung kính dùng lễ của đệ tử đứng chờ đã lâu.
“Sử ký” ghi chép câu chuyện này sớm nhất, đã để lại một câu nói của Doãn Hỷ cho nhân gian :”Tử tương ẩn hỹ, cưỡng vị ngã trước thư” (Thầy đi ẩn cư à, xin hãy viết sách cho con). “Ngài là bậc cao nhân đắc đạo xuất thế, xin ngài trước khi quy ẩn, hãy vì thế nhân chỉ dẫn con đường chính đạo bay lên thiên giới ạ!”.
Chính 9 chữ chân thành khẩn thiết này, đã cảm động lòng truyền đạo của thánh nhân. Lão Tử viết tay hai quyển kinh thượng hạ gồm 5000 chữ, giải thích ý nghĩa đích thực của Đạo và Đức, rồi trao bộ “Đạo đức kinh” này cho Doãn Hỷ. Ông còn hẹn với Doãn Hỷ, ngày sau sẽ tái ngộ ở “Thanh dương”, sau đó đi quy ẩn, dấu tích tiên ông khó tìm.
Quy ẩn thanh tu, ngộ chính đạo hồng truyền đạo pháp
Tương truyền, Doãn Hỷ sau khi đắc chân kinh, ngày đêm nghiên cứu, hoan hỷ khôn nguôi, thể ngộ được phép tu đạo. Đồng thời, ông đã được nghe đạo nên không muốn bị trói buộc gò bó chốn quan trường, bèn treo ấn từ quan tìm đến núi Võ Đang, trở thành người đầu tiên lên núi Võ Đang tu đạo được chính sử ghi chép.
Võ Đang có một ngọn Sư Tử Phong, nằm phía bắc ngọn Thiên Trụ, vì hình dáng giống sư tử nên có tên như vậy. Trên ngọn Sư Tử Phong có một nơi là “Doãn Hỷ Nham”, tương truyền là nơi ông thanh tu năm xưa. Nơi này 2500 năm trước, chỉ là bày biện đơn sơ thạch môn thạch thất, giường đồng án ngọc, Doãn Hỷ ở nơi tiểu thế giới này, ngắm nhìn trời đất, xem xét nhân gian, cuối cùng đã nhìn ra đại đạo vô hạn.
Chúng ta không biết hành trình tu hành của Doãn Hỷ, trải qua bao nhiêu kiếp nạn, trắc trở, nhưng có thể khẳng định, ông ở trong núi, cần mẫn cẩn trọng kiên trì tu luyện, đồng thời đem bộ “Đạo đức kinh” trân quý hồng truyền hậu thế.
Vào ngày Doãn Hỷ ngộ đạo, tiếng móng trâu xanh lộp cộp, hợp với âm thanh trong trẻo của suối chảy, đem đến tin vui Lão Tử theo hẹn ước tương ngộ. Hai vị cao sỹ trong Đạo lại tương phùng, rồi dắt tay nhau tiên du, không biết tông tích đâu. Dấu tích tiên có thể gặp nhưng không thể cầu, nhưng cây cầu mà trâu xanh đi qua có tên là “Ngưu Tào Giản” (suối trâu), để những người thành kính đến hồi tưởng mối tiên duyên Đạo gia tạo phúc trạch ngàn năm.
Sau Doãn Hỷ, núi Võ Đang không trầm lắng nữa, những người tu đạo đời này sang đời khác liên tiếp tìm đến, đã để lại những câu chuyện đẹp bất tận. Tướng quan triều Hán Đái Mạnh phụng mệnh vua vào núi hái thuốc tiên, đến nơi này, bất chợt nảy sinh lòng bỏ quan học đạo, không quay trở về, cuối cùng bạch nhật phi thăng (ban ngày bay lên trời thành tiên).
La Ấp Tể Tạ Duẫn đời Đông Tấn tinh thông Đạo học, có chí xuất thế thoát trần, liền từ quan leo núi Võ Đang chuyên tâm tu luyện. Họ không ai bảo ai mà cùng theo đuổi con đường tu hành của Chân Vũ Đại Đế, vứt bỏ vinh hoa ngắn ngủi, đem tấm thân người quý báu dâng hiến cho việc tu hành đạo pháp, đồng thời đưa văn hóa tu luyện Đạo gia hồng dương phát triển không ngừng
Sau đó, trên núi Võ Đang, đạo quán, chùa chiền dần dần được dựng xây, vô số đạo sỹ đã ở giữa nơi non xanh nước biếc này, giữ nghiêm truyền thống tu hành cách ly thế gian mà thanh tĩnh vô vi, xây dựng lên tín ngưỡng văn hóa bản địa của dân tộc Trung Hoa. Nhưng lịch sử huy hoàng của núi Võ Đang chừng như mới vừa chỉ bắt đầu được viết nên…
(còn tiếp)
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Hải Sơn biên dịch
- Núi Võ Đang chốn bồng lai tiên cảnh hiếm có trên thế giới
- Kỳ ngộ trên núi Võ Đang (P3): Đạo sĩ hơn 300 tuổi chỉ dẫn nhân loại đi qua kiếp nạn
- Tuyệt vọng lên núi Nga Mi tự sát, cuộc gặp gỡ kỳ lạ khiến tôi tin rằng Thần Phật thực sự tồn tại