Con người cần tích trữ chính là phúc báo, có phúc báo, thì đi đến đâu cũng có lương thực, làm bất cứ ngành nghề nào cũng đều kiếm được tiền. Không có phúc báo, tiền cũng sẽ không giữ được lâu. Hơn nữa, tiền chỉ có thể dùng được ở trong đời này, còn phúc đức thì đời đời kiếp kiếp đều đi bên thân, lúc nào cũng có thể sử dụng được.
Tại thời Phật Đà, vua Ba Tư Nặc có một công chúa, tên là Thiện Quang, lớn lên trông hết mực trang nghiêm xinh đẹp, người người đều kính yêu. Quốc vương rất kiêu ngạo nói rằng, con được người dân yêu mến chính là do công của ta. Công chúa nói, đó là do phúc đức của con mới được như vậy, không phải do người là phụ vương. Vua Ba Tư Nặc hỏi lại công chúa thêm ba lần, cả ba lần cô đều trả lời như vậy. Quốc vương bực mình, liền đem cô gả cho một anh chàng nghèo khó bần cùng và nói: “Để xem là do phúc đức của công chúa hay là do ta là phụ vương”.
Sau khi gả cho người nghèo khó kia, hai vợ chồng công chúa chăm chỉ làm việc, không lâu sau đã phát tài, họ trở nên giàu có, nhiều phú quý. Vua Ba Tư Nặc rất đỗi kinh ngạc, liền tới hỏi Phật, Phật nói, công chúa Thiện Quang trong quá khứ có tâm phát nguyện làm đồ ăn đem tới cho người tu đạo. Khi đó chồng của cô ngăn cản, cô nói: “ta đã phát tâm, chàng đừng có ngăn cản ta nữa”. Người chồng của cô liền đồng ý. Bởi vì Thiện Quang công chúa kiếp trước đã gieo mầm cơ duyên kính Phật, nên đời này mới giàu có, nhưng chồng của cô lại ngăn cản nhân duyên đó, vậy nên trở thành bần cùng trong đời này, nhưng anh ta về sau cũng đã đồng ý, kết quả là đã gặp được Thiện Quang công chúa, mới đắc được phú quý giàu sang.
Con người có phúc báo, tự nhiên sẽ chi phối đến phú quý của gia đình. Hơn nữa lấy người nghèo khó, thì cũng sẽ cấp cho người đó được giàu sang phú quý. Đây chính là tầm quan trọng của phúc báo. Tiền người khác có thể cướp mất, nhưng phúc báo thì sẽ không ai cướp được.
Rất nhiều người làm việc gì thì cũng chỉ nghĩ đến tiền. Trước kia, khi thời kỳ cải cách khai mở, những người kiếm được tiền, thực ra đều là phúc báo của bản thân họ, hơn nữa nếu họ lại tích đức, thì lại kiếm được thêm nhiều tiền. Nếu như bản thân không có phúc báo, có cố gắng thế nào thì số tiền kiếm được cũng chỉ là số tiền nhỏ. Đây chính là vấn đề về phúc báo.
Sự thành tựu một người, thì phải dựa vào trí huệ và phúc báo của người đó. Nếu chỉ có trí huệ, tuy đọc sách nhiều, nhưng không có phúc báo, thì đi ra ngoài xã hội kiếm tiền vô cùng khó khăn. Đọc sách thì cần phải biết đọc, nhưng kiếm tiền và đọc sách, là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Việc buôn bán, làm doanh nghiệp thì đầu tiên đều dựa vào phúc báo, còn trí huệ mới là thứ hai. Phạm Lãi thời cổ đại, mỗi lần đi buốn bán, phát tài đều đem tiền chia cho người nghèo khổ, sau đó lại dựng nghiệp bằng hai bàn tay trắng, rồi lại phát tài. Ba lần như vậy. Người Trung Quốc cung phụng Phạm Lãi là Thần tài, là vì có đạo lý trong đó. Chính là ông có phúc báo, làm việc gì thì cũng đều kiếm được tiền.
Phúc báo của một người chính là do bản thân người đó bồi đắp lên, vì vậy những người thân khác không cách nào mà thay thế được. Trẻ em có nghiệp lực và phúc báo của riêng, cha mẹ không cách nào thay thế. Nhưng việc cha mẹ có thể làm cho trẻ chính là thường xuyên dạy trẻ tích đức. Cổ nhân đã giảng, để lại tiền cho cháu, nếu như cháu có thể phát đạt, thì cũng không cần để lại tiền. Nếu như cháu không thể phát đạt, để lại tiền thì cũng sẽ mất. Vậy nên lưu lại tiền bạc không bằng lưu lại phúc đức cho con cháu.
Hiện nay, người ta thường thích tích tiền, kỳ thực chính xác ra mà giảng, thì mọi người nên tích phúc báo. Vậy phúc báo tồn tại ở đâu? Là khi đem tiền giúp đỡ người nghèo, bố thí những nơi cần tiền…Không phải là nhìn tiền theo một phạm vi nhỏ, tiền cũng có thể cứu mạng. Bởi lẽ tiền là kết quả của việc nỗ lực tích đức, nhưng đó chỉ là một phương diện rất rất nhỏ, đó chỉ là một phần ít tài phú có thể thấy được, nhưng phần lớn phúc báo là tài phú vô hình. Phúc báo vô hình, có thể đi theo cả cuộc đời, tích đức càng nhiều có thể thành thánh nhân .
Trên thế giới này, con người nhìn thấy Phật có vẻ nghèo khổ, đi khất thực, sống dưới gốc cây. Phật không có tài phú nào, nhưng Phật có ba ngàn đại thiên thế giới phúc báo, một sợi tơ phúc báo của Phật có thể cho người tu hành trên khắp thiên hạ được no đủ. Các vị tổ sư khai ngộ cũng có năng lực như vậy. Ví như Đại sư Tinh Vân, trên người không có lấy một đồng tiền. Nhưng ông muốn xây dựng những đạo trường trên khắp thế giới, mọi người đều ra sức giúp đỡ. Đạo trường thứ nhất vừa xây dựng xong, Phật quang chiếu sáng khắp năm châu.
Tích đức sẽ có phúc báo, có phúc báo sẽ có hết thảy.
[Chú thích: Phạm Lãi, tên tự là Thiếu Bá, là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt vương Câu Tiến tiêu diệt nước Ngô.]
Minh Minh