Có một ca khúc có vẻ như rất thần thánh bất khả xâm phạm đối với ĐCSTQ. Trong những năm gần đây, chúng ta thỉnh thoảng nghe được những tin tức như: XX bị bắt giữ vì thay đổi lời ca khúc này; YY bị bắt vì “vũ nhục” ca khúc; Vào năm 2020, Hồng Kông thậm chí đã thông qua luật, ai vô tình thực hiện hành vi “nhái” ca khúc này dưới bất kỳ hình thức nào thì có thể bị phạt mức án tối đa là 3 năm tù giam…

Xin chào quý vị độc giả, chào mừng đến với “Trăm Năm Chân Tướng“!

Theo các bạn, ca khúc nào có thể khiến ĐCSTQ hùng hổ như vậy? Nhiều bạn có thể đã đoán rằng đó là bài hát quốc ca “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc” của ĐCSTQ. Bài hát được bảo vệ đến mức độ đến vậy, thì người sáng tác ra nó hẳn phải được tung hô lên tận trời? Hôm nay, chúng ta hãy nói về Điền Hán, tác giả của ca khúc này, và xem những gì ông ta đã trải qua trong thể chế ĐCSTQ.

Điền Hán sinh ra ở Trường Sa, Hồ Nam vào năm 1898. Ông sang Nhật Bản du học năm 19 tuổi, tập trung vào học hành, đồng thời phát triển niềm hứng thú nồng hậu với hý kịch. Sau khi trở về Trung Quốc vào năm 1921, Điền Hán trở thành nhà khai thác hý kịch hiện đại Trung Quốc, trước sau đã sáng lập ra “Nam Quốc điện ảnh kịch xã”, Nam Quốc nghệ thuật học viện, từ biên kịch đến quay phim điện ảnh. Đồng thời với việc sáng tác hý kịch, Điền Hán cũng là một thi nhân có tiếng, một tác gia ca từ. Một số ca khúc ông viết, ví như “Bài ca bốn mùa”, “Thiên nhai ca nữ”, đều là những tác phẩm kinh điển được nhiều người biết đến.

Một thanh niên dư thừa tài hoa như vậy, nhưng vì bị ảnh hưởng tư tưởng Mác – Lê, ông đã tham gia “Liên đoàn hý kịch gia cánh tả Trung Quốc” do ĐCSTQ lãnh đạo vào năm 1931, và được chọn làm ủy viên chấp hành của liên đoàn. Năm tiếp theo, ông gia nhập ĐCSTQ dưới sự chủ trì của Cù Thu Bạch, và trở thành một đảng viên ngầm hoạt động tích cực trong giới văn học nghệ thuật của Thượng Hải.

Như chúng ta đã biết, trong lần hợp tác đầu tiên giữa Quốc Dân đảng và Cộng sản đảng, một số lượng lớn đảng viên ĐCSTQ đã gia nhập Quốc Dân đảng với danh nghĩa cá nhân, sau đó vừa tiếp tục thâu tóm các quyền lực lãnh đạo chủ chốt, vừa ly khai chia rẽ Quốc Dân đảng. Vào tháng 4/1927, Quốc Dân đảng rơi vào nguy cơ khủng hoảng sâu sắc, đã phải bắt đầu “thanh đảng”, bắt giữ các đảng viên ĐCSTQ.

Kể từ đó, thế lực của ĐCSTQ đã suy giảm rất nhiều, buộc phải thu mình rút lui về các vùng nông thôn hẻo lánh. Nhưng ở thành thị, họ vẫn bí mật hoạt động trong bóng tối, sử dụng các phương pháp che giấu để đạt được mục đích của mình. Việc thành lập liên đoàn kịch là một trong những cách. Vậy, liên đoàn kịch dám làm gì? Đúng vậy, dùng bản sự của ĐCSTQ để truyền bá hình thái ý thức tư tưởng của nó, tẩy não và thẩm thấu vào mọi người.

Theo “Cương lĩnh hành động tối cận” do Liên đoàn kịch soạn thảo và phê duyệt năm 1931, Điền Hán và các đảng ngầm tại địa phương khác chủ yếu diễn kịch nói cho công nhân, sinh viên và nông dân trong khu vực kiểm soát của Quốc dân đảng. Họ cũng thâm nhập vào trận địa điện ảnh, thông qua các sáng tác được gọi là các kịch bản điện ảnh “tiến bộ”, tiến hành hoạt động tuyên truyền.

Đương thời, chế độ thẩm tra hý kịch và điện ảnh của chính phủ Quốc Dân đảng tương đối lỏng lẻo, hầu hết các cảnh phim bị xóa đều mang tính xúc phạm hoặc là có khuynh hướng chính trị rõ ràng, còn những tuyên truyền mang trạng thái ý thức hệ tinh vi khó nhận biết đã không khơi dậy được sự cảnh giác của họ.

Do đó, giới văn nghệ sĩ cánh tả hoạt động khá tích cực trên chiến tuyến thứ hai của phe “chống Quốc Dân đảng” ở Thượng Hải. Trong những ngày đầu của cuộc Kháng chiến chống Nhật, tổ chức này cũng lợi dụng dư luận để phê bình Quốc Dân đảng không kháng chiến, kích động sự giận dữ của người dân Trung Quốc, giúp ĐCSTQ gặt hái. “Chiến tích” của họ đến nay vẫn được khoe khoang trên trang web của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. 

Đầu năm 1935, Điền Hán cải biên bộ phim “Những đứa con của gió và mây” phản ánh cuộc kháng Nhật của dân chúng, và viết ca khúc có tiêu đề “Nghĩa dũng quân tiến hành khúc”, Nhiếp Nhĩ sau đó phổ nhạc. Vào ngày 27/9/1949, ĐCSTQ đã triệu tập cái gọi là “Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc” và chỉ định bài hát này là “Quốc ca”.

Sau khi ĐCSTQ soán chính quyền, Điền Hán có một thời huy hoàng, liên tiếp đảm nhiệm chức vụ ủy viên Ủy ban Văn hóa vụ viện chính phủ trung ương, cục trưởng Cục cải tiến kịch khúc của Bộ Văn hóa, và cục trưởng Cục quản lý sự nghiệp nghệ thuật. Ông còn là đại diện của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ nhất và thứ hai. Tuy nhiên, như nhiều người đã nói, ĐCSTQ là một “cỗ máy xay thịt” màu đỏ. Nó có thể ném bất cứ ai xuống đáy và biến họ thành đối tượng của những cuộc “đấu tranh tàn khốc, đả kích vô tình”.

Năm 1956, Mao Trạch Đông đề ra “Chính sách lưỡng bách” là “Trăm hoa đua nở, trăm nhà tranh minh”. Trong một thời gian, mọi người từ mọi tầng lớp xã hội, chủ yếu là phần tử trí thức, đã mở lòng với ĐCSTQ để biểu đạt những bất mãn của họ hoặc kiến nghị cải tiến. Điền Hán cũng tích cực hưởng ứng, viết bài về những bất  bình mà những nghệ sĩ kịch khúc gặp phải.

Ai có thể ngờ rằng, cuộc “đại minh đại phóng” này thực sự là một “âm mưu” mà Mao Trạch Đông đã đích thân thừa nhận, và những người đã nói thật với ĐCSTQ đều bị dán nhãn là “phần tử hữu phái” hoặc “phần tử cực hữu” mà tiến hành bức hại. Mặc dù Điền Hán đã thoát khỏi kiếp nạn trong vận động phản hữu vào năm 1957, nhưng theo hồi ức của Đồ Ngạn, cựu phó chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu của Hiệp hội kịch gia Trung Quốc, đến năm 1959, ĐCSTQ tiếp tục đàn áp những người có “tư tưởng hữu khuynh”, và “Bộ tuyên giáo chỉ thị Tổ đảng của Hiệp hội kịch phê đấu Điền Hán, phê đấu liên tục trong vài ngày”. 

Ngày 12/12/1963, Mao Trạch Đông lại ra chỉ thị đối với những vấn đề của giới văn học nghệ thuật, nói rằng “Các loại hình thức nghệ thuật…, có không ít vấn đề … nhiều bộ môn đến nay vẫn do những ‘người chết’ thống trị…” Những phê từ này trực tiếp định tính Điền Hán và những lãnh đạo chủ trì của công tác nghệ thuật lúc bấy giờ là “người chết”. Sau đó, các tác phẩm điện ảnh và kịch do ông sáng tác và cải biên cũng bị đả thành “đại độc thảo”, Điền Hán không còn ngồi trong Hội diễn thoại kịch toàn quốc nữa, và tư cách đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc của ông cũng sớm bị miễn trừ.

Rơi khỏi vị trí cao một cách đầy hàm oan, mọi người thử nghĩ xem Điền Hán tâm tình thế nào? Bất mãn với ĐCSTQ? Thất vọng? Lần này, nhiều bạn đã đoán sai. Vào ngày 9/6/1965, Điền Hán nói trong nhật ký của mình rằng ông muốn “dũng cảm nhận khuyết điểm, bất chấp bản thân có nhiều sai lầm nghiêm trọng”, chính là thừa nhận mình nhận thức “sai lầm”. Ông còn viết: “Quyết tâm học thuộc sách của chủ tịch Mao, nghe theo lời của chủ tịch, học cách áp dụng tư tưởng và phương pháp công tác của Mao chủ tịch để giải quyết các vấn đề về tư tưởng bản thân và cải tạo tư tưởng bản thân”. Xem ra, ông vẫn là “nhất tâm hướng đảng”. Tuy nhiên, nỗ lực như vậy có hữu dụng để thể hiện lòng trung thành không?

Sau khi bắt đầu Cách mạng Văn hóa năm 1966, hoàn cảnh của Điền Hán trở nên tồi tệ hơn. Vở kinh kịch mới được biên tập của ông “Tạ Dao Hoàn” đã bị công khai điểm danh phê đấu, với tội danh là, chủ đề “vì dân thỉnh mệnh” là “mượn hình thức cổ để châm biếm hiện đại”, “phản đảng, phản xã hội chủ nghĩa, phản nhân dân”.

Cuốn sách “Tư thống lục” ghi lại rằng, con trai của Điền Hán là Điền Đại Úy vì muốn vứt bỏ quan hệ cha con, đã giương một tấm áp phích nhân vật lớn bêu riếu cha mình, gọi ông là “phản đồ”. Một lần, Điền Hán vào căng tin ăn cơm, nuốt phải một miếng xương, liền nôn ra, kết quả bị “quần chúng cách mạng” chửi mắng ngay tại trận, và ra lệnh buộc ông nuốt hết những gì đã nôn ra.

Học giả Lý Huy đã ghi lại những hồi ức về cảnh tượng bị phê đấu của những người hàng xóm Điền Hán trong cuốn sách “Trái tim nhỏ máu – Cách mạng Văn hóa trong trái tim người con”. Cuốn sách đã viết gì? 

“….. ‘Đả đảo Điền Hán!’, trên khán đài có khẩu hiệu vang lên. Thắt lưng quật vù vù xuống thân Điền Hán, áo sơ mi trắng bê bết máu đỏ. Ông cúi đầu, cau mày, không nói một lời. Sau khi đánh xong một trận, lại tiếp tục đấu. Một vị tiểu tướng xông tới trước mặt Điền Hán, chất vấn: ‘Điền Hán, ông nói xem, Mao chủ tịch nên hay không nên đánh ông?’ Điền Hán đầu cúi gằm, cau mày, không nói một lời. Thế là, một trận đòn khác lại được khơi dậy. Lần này một hồng vệ binh khác hét lên: ‘Bắt ông ta quỳ xuống!’ Hai người đứng sau lưng Điền Hán, 3 cú đấm 2 cú đá, khiến ông quỵ xuống đài.”

“Hồng vệ binh truy đến cùng, cầm lấy micro giơ trước mặt Điền Hán, lại chất vấn: ‘Ông nói xem, mạ Mao chủ tịch nên không nên đánh?’ Điền Hán đáp: ‘Mao chủ tịch nên đánh’. Giọng nói bị ép thốt ra, khuếch đại bằng micro, nghe cũng rõ ràng. Nhưng ngay lập tức, hồng vệ binh tức giận hét lên: ‘Đồ khốn! Mày dám mạ Mao chủ tịch đánh!’ Chưa chờ đến khi câu khẩu hiệu ai đó hô lên, thì đã có thêm thắt lưng bằng đồng giáng xuống thân Điền Hán, thậm chí còn quất mạnh hơn vào Điền Hán. Ông vẫn nhăn mặt và im lặng. Mặc cho đòn roi, áo sơ mi của ông bị rách bươm, đỏ lòm, vài chỗ đã trở thành những dải vải, đám đông chỉ đứng đó nhìn.”

“Khi những kẻ đánh người cảm thấy rằng ‘hành động cách mạng’ không cần thiết phải tiếp tục, hội phê đấu mới tản đi. Không ít người lao lên sân khấu, với tâm trạng phức tạp, muốn nhìn thấy những người nổi tiếng này. Một người đàn ông trung niên đã níu một đội trưởng của hồng vệ binh lại giải thích rằng vừa rồi Điền Hán nói rằng ‘Chủ tịch Mao nên đánh’, không phải ‘mạ Mao chủ tịch đánh’, cậu nhầm rồi. Ông này được đáp lại: ‘Ông cũng là loại xấu xa như ông ta, muốn đánh là đánh, đánh xong rồi tính.’”

Nửa đêm ngày 4/12/1966, Điền Hán bị Bộ tư lệnh vệ thú Bắc Kinh bắt và bí mật giam giữ, ông bị “Tổ chuyên án Điền Hán” thẩm tra. Hai ngày sau, tờ “Nhân dân Nhật báo” đăng ba bài báo, chụp cho Điền Hán một loạt những cái mũ lớn, cái gì là: phản Cộng lão thủ, phản đồ không biết liêm sỉ, phần tử chủ nghĩa tu chính phản cách mạng trà trộn trong nội bộ đảng, đương quyền phái đi theo con đường chủ nghĩa tư bản trong nội bộ đảng, tiên phong phản đảng, phản chủ nghĩa xã hội, phản tư tưởng Mao Trạch Đông trong giới hý kịch, v.v. Sau đó, ca từ bài “Nghĩa dũng quân hành khúc ca” không còn được sử dụng.

Tháng 2/1967, Điền Hán bị giam tại nhà tù Tần Thành ở Bắc Kinh để tiếp tục bị thẩm tra. Đồ Ngạn trong cuốn “Hồi ức về Điền Hán trong Cách mạng Văn hóa” nói: “Người quản giam Điền Hán rất tàn nhẫn. Điền Hán mắc bệnh tiểu đường, đôi khi ông run rẩy trút nước tiểu ra ngoài bồn tiểu. Người quản giam liền buộc Điền Hán bò trên mặt đất uống hết nước tiểu một cách vô nhân tính.”

Vào tháng 7 cùng năm, Điền Hán được đưa đến Bệnh viện 301 Bắc Kinh với hóa danh “Lý Ngũ” vì bệnh tim mạch vành và tiểu đường, ông phải nhập viện sau khi bị thẩm vấn. Đến đầu tháng 12/1968, Điền Hán lúc tỉnh lúc mê. Ông nhớ đến mẫu thân, thỉnh thoảng lại thầm thì: “Hãy cho tôi về nhà gặp mẹ tôi”.

Vào tối ngày 10/12/1968, “Lý Ngũ”, chính là Điền Hán, 70 tuổi, chết một mình trong trại giam mà bên cạnh không có một người thân thích. Sau khi ông qua đời, các quan chức quân đội tuyên bố với con trai của Điền Hán là Điền Đại Úy rằng: “Điền Hán đã chết, tội ác cùng cực”. Điền Đại Úy sợ hãi đến mức không dám đi lấy tro cốt của cha mình. Điền Hán chết một cách khuất nhục và bi thảm, vở kịch hoang đường này cuối cùng cũng đến hồi kết rồi phải không? Vẫn chưa hết.

Năm 1970, ĐCSTQ phê đấu “Tứ nam” trên quy mô lớn, Điền Hán dù không còn sống, nhưng tên của ông cùng với Chu Dương, Hạ Diễn và Dương Hàn Sanh tiếp tục bị đả kích. Năm 1975, ông bị tuyên bố là “kẻ phản bội” và bị “khai trừ vĩnh viễn khỏi đảng”. Sau khi Cách mạng Văn hóa kết thúc, vào năm 1979, “kết luận” của Tổ chuyên án trung ương trước đây về Điền Hán đã bị lật lại, và Điền Hán được bình phản. Tháng 12/1982, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc chính thức chỉ định lời bài hát “Nghĩa dũng quân hành khúc ca” của ông là bài quốc ca của ĐCSTQ, được viết thành Hiến pháp năm 2004.

Điền Hán đã trải qua những thăng trầm, bi thương và phi lý hơn cả những kịch tình mà ông ta tự viết ra. Lao lộng của ĐCSTQ đã giam cầm tinh thần và thể xác của ông. Nếu thời gian quay ngược lại, Điền Hán, người đã bị tổn thương cả tâm lẫn thân, rất có thể đã chọn viễn ly rất xa khỏi ĐCSTQ.

Theo Epoch Times
Mộc Lan biên dịch