“Chúng ta đều là kẻ phàm trần, sống nơi cõi người đây, cả ngày bôn ba cực khổ, chẳng có lấy một phút thảnh thơi. Bạn đã không phải Thần Tiên, khó tránh khỏi tạp niệm, đạo nghĩa gác sang hai bên, danh lợi đặt ở giữa…”

Đó là lời bài hát Phàm Nhân ca của nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc người Đài Loan Lý Tông Thịnh. 

Đúng vậy, chúng ta đều là những người bình thường, không phải cao tăng đắc đạo, càng không phải Thần Tiên không có phiền não trong tâm. Chúng ta vất vả bôn ba cả một đời chẳng qua chỉ vì sinh tồn, những thứ bản thân mong muốn có được mỗi lúc một nhiều, chỉ cầu nửa đời sau có thể có được cuộc sống thảnh thơi an nhàn.

“Người chết vì danh lợi, chim chết vì mồi ngon”, cả đời chạy theo danh lợi, ấy là lối sống của rất nhiều người. Ai nếu thật sự nghèo đến mức phải đi xin ăn, dù người đó đã nhìn thấu đời người hay chưa thì anh ta cũng sống rất khổ cực.

Chúng ta đều kính phục cách sống của các cao tăng khổ hạnh, nhưng thử hỏi chúng ta có mấy người có thể làm được như họ. Khổ quá! Chỉ cần nghĩ đến thôi cũng đã thấy sợ, chính là chân trước vừa mới chạm vào hành trình của các tăng nhân khổ hạnh thì chân sau đã vội vàng thu lại, không dám bước tiếp nữa.

Nói chung, con người ta đều sẽ thay đổi, nhất là khi đã bước sang tuổi trung niên. Ngày tháng mỗi lúc một thăng trầm, trong tâm càng thêm phần mệt mỏi, kết quả hiểu được thế nào là “thân bất do kỷ”. Vậy nên, hãy học biết chấp nhận số mệnh, cái gì cần buông thì hãy buông, những gì nên quên thì hãy để nó vùi sâu trong quên lãng. Thoáng chốc đã qua nửa cuộc đời, cuối cùng chúng ta đã hiểu được rằng mất đi cũng chính là có được, được mất chẳng qua chỉ khác nhau ở một niệm mà thôi. Hết thảy những thứ bạn mất đi ấy, trong vô minh cũng sẽ về lại bên bạn theo cách khác.

Có lần tôi may mắn được tham gia một hoạt động phỏng vấn. Một doanh nghiệp lớn thông báo tuyển dụng nhân viên quản lý tầng trung, có rất nhiều người đến ghi danh. Bởi vì đãi ngộ rất hậu hĩnh, công việc cũng khá nhẹ nhàng, so với những người công tác ở dây chuyền sản xuất thì có thể nói khác nhau một trời một vực.

Vị trí có hạn trong khi số người ứng tuyển lại khá nhiều, trong đó có không ít người đến từ các trường đại học nổi tiếng. Vì để tìm được nhân tài thật sự, bên phía tuyển dụng đã đưa ra rất nhiều câu hỏi, và đó đều là những câu hỏi có phần gây khó dễ người ra. Trong đó có một câu hỏi như vậy: “Với quãng đời còn lại sau này anh (chị) có mục tiêu gì?”. Với câu hỏi này chắc hẳn rất nhiều người đều sẽ đưa ra những câu trả lời có liên quan đến doanh nghiệp, hơn nữa bản thân còn sẽ bày tỏ một cách sâu sắc rằng mình sẽ cố gắng làm việc tạo nên những giá trị cho công ty. Nhưng câu trả lời như vậy người phỏng vấn nghe nhiều rồi cũng cảm thấy chán ngấy bởi nó quá rập khuôn máy móc.

Chính ngay lúc người phỏng vấn chán chẳng muốn nghe thêm, có một người đã trả lời rằng: “Sau này tôi muốn làm một người tự do tự tại và sống một cuộc đời tự do tự tại”. Khi chúng ta mong đạt được càng nhiều càng tốt, trong tâm đã bị dục vọng chi phối. Nhưng anh ta lại lội người dòng đi lên, muốn từ bỏ tất cả để được sống một cuộc đời tự do tự tại, không bị danh lợi tình nơi thế gian này trói buộc. Tất nhiên, anh ấy đã được tuyển dụng, bởi anh ta là một người biết thỏa mãn, mọi việc đều biết dừng lại đúng lúc, không bị dục vọng khống chế.

Tôi không biết được người đàn ông đó giờ đã thực hiện được nguyện vọng của mình hay chưa, nhưng tâm anh ta nhất định là tự do tự tại, không bị những thứ vật chất phù phiếm này mê hoặc. Buông bỏ hết mọi điều của quá khứ mới sẽ có được “tự mình của tương lai”, vậy mới là “có buông bỏ thì mới có được”, trong cõi vô minh hết thảy đều đã có sẵn an bài.

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Kỳ thực, chúng ta không cần phải quá lo lắng, sợ hãi rằng bản thân sẽ mất đi thứ gì đó. Mất đi những thứ vật chất nhưng đổi lại ta có được sự nhẹ nhõm trong tâm hồn. Mất đi sự ràng buộc của ái tình nhưng đổi lại ta có được biết bao niềm vui khác. Con cái mất đi che chở của bố mẹ nhưng đổi lại chúng sẽ mạnh mẽ kiên cường và tự lập hơn. Cha mẹ mất đi vướng bận với con cái, đổi lại thấy được rằng các con giờ đây đã thật sự lớn khôn thành người. Mất đi ký ức đổi lại giúp cuộc sống của ta không có phiền não. Mất đi chiếc điện thoại đổi lại ta có được một lần cơ hội nghiêm túc ngắm nhìn thế giới này. Nếu nhìn cuộc sống này từ một góc độ khác ta sẽ nhận ra kỳ thực mất đi cũng chính là “có được”.

Kẻ trí không xem nặng được mất. Một đời người ta có gì đáng để đắc ý phiền muộn. Dù cho bản thân quấn bạc tỷ thì có gì đáng để nghênh ngang. Tiền tài đều là vật ngoài thân, khi sinh không mang theo đến, khi chết cũng không mang theo đi, con người ta đến cuối cùng cũng chỉ là một nắm tro tàn.

Dù bạn có địa vị hiển hách thì có gì đáng để cao ngạo? Dân gian có câu nói rất hay: “Phong thủy luân lưu chuyển”, rồi có một ngày bạn sẽ rời bỏ vị trí ấy và để nó lại cho một người khác.

Tiền tài quyền thế là dục vọng mà người người đều truy cầu, biết bao phiền não cũng đều bắt nguồn từ đây. Người thông minh biết nhìn thấu, nhìn xa và xem nhẹ. Có được rồi, ấy là bởi ta có phúc nên cần phải biết quý tiếc hơn; mất đi rồi, ấy là bởi vì duyên hết, hãy bình thản buông tâm, bởi suy cho cùng cũng là để cho ta đắc được thứ khác.

Người biết thuận theo duyên phận, tình cảm lứa đôi càng thêm nồng thắm. Người biết thuận theo lòng mình, tâm thái luôn vui vẻ lạc quan, nụ cười luôn hiện trên gương mặt. Người biết thuận theo chân ngã, tuy có lúc nóng giận, nhưng vẫn đủ chân thành, hiểu được người khác, biết nghĩ cho người và là người bạn tốt.

Người sống ở đời lối nghĩ càng giản đơn, một đời sẽ càng bình thản. Làm người, cảnh giới cao nhất không phải là dục vọng quấn chặt lấy thân, cũng không phải xây đắp bởi vật chất, mà là một tâm hồn ung dung khoáng đạt. Đơn giản chính là hạnh phúc, tự do mới là hưởng thụ. Lùi một bước biển rộng trời trong, sống hơn nửa đời người cuối cùng ta cũng hiểu được rằng mất đi cũng chính là có được.

Theo Buyi Cufan, Bidushe
Vũ Dương biên dịch

Video: Sông có khúc, người có lúc, vạn sự tùy duyên không tranh đấu thì hạnh phúc đong đầy

videoinfo__video3.dkn.tv||8d12f6814__