“Tửu sắc tài khí tứ đổ tường” là câu nói cửa miệng của mọi người khi nói về tác hại của rượu, nữ sắc, tiền tài, và cái khẩu khí hơn thua. Những thứ này như bốn bức tường (tứ đổ tường) giam hãm con người, khiến bao hoài bão và ý chí tiêu tan thành mây khói.
Nhưng hàng ngàn năm qua, con người không những không thể thoát ra khỏi tứ đổ tường mà lại có xu hướng xây lên các bức tường cao hơn, kiên cố hơn giam hãm bản thân mình. Điều ấy cho thấy sức hấp dẫn và ma lực ghê gớm của tửu – sắc – tài – khí. Chúng ta hãy bàn về rượu, đứng đầu trong tứ đổ tường.
Uống rượu xưa và nay
Rượu ban đầu được dùng làm vật cúng tế, vì rượu là tinh túy của ngũ cốc, là báu vật của đất trời. Rượu còn được dùng như dược liệu, dưỡng sinh, có tác dụng lưu thông máu huyết, giãn xương cốt. Rượu còn được dùng làm môi chất trong nghi lễ tiếp đãi chủ khách, bằng hữu, tri kỷ.
Các tao nhân mặc khách “bầu rượu túi thơ”, hội hữu làm thơ, ngâm thơ đã thành ký ức đẹp về người xưa. Chuyện “Lý Bạch đấu tửu thi bách thiên” (Lý Bạch uống một đấu rượu viết được trăm bài thơ) đã thành giai thoại ngàn năm.
Trong Tam Quốc, câu chuyện Tào Tháo, Lưu Bị “thanh mai chử tửu luận anh hùng” (dưới gốc cây thanh mai uống rượu đàm luận anh hùng) đã lưu danh thiên cổ.
Nhưng cổ nhân dùng rượu theo lễ nghi, theo đạo, người quân tử uống 3 chén rượu là dừng, uống rượu quá chén là đại kỵ. Trong Luận ngữ – Hương đảng viết: “Duy tửu vô lượng bất cập loạn” (Uống rượu đủ lượng không để bị loạn tính).
Ngày nay, rượu bia đã bị lạm dụng bừa bãi. Buồn cũng uống, vui cũng uống, thăng chức uống, lĩnh lương uống, gặp nhau uống, sinh con uống, tân gia, cưới hỏi, ma chay, sang cát, lễ Tết… đều uống, thậm chí đi lễ đầu xuân về cũng uống.
Trong các cuộc nhậu đó, nếu có anh nào không uống thì bị châm chọc khích bác “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, hay “Làm trai cho đáng nên trai”, ép uống bằng được, uống rồi thì thay nhau chuốc rượu, hò nhau cạn ly. Rượu bia giờ không còn là độc quyền của các đấng mày râu nữa, mà các chị em ‘liễu yếu đào tơ’ cũng không hề kém cạnh. Nhiều chị em tửu lượng cao có thể ‘chấp tất cả các anh’, khiến cho nhiều anh vì thể hiện cái chất đàn ông đã uống đến say túy lúy, không còn biết trời cao đất dày là gì nữa.
Người xưa dùng rượu để làm xúc tác cho các quan hệ xã hội, để hòa đồng với xã hội, để nhận thức được cái tôi bản thân hài hòa trong quần thể xã hội. Cho nên cổ nhân uống rượu chừng mực, theo lễ nghi, biết tiết chế bản thân, tức là “khắc kỷ phục lễ” (ước thúc khắc chế bản thân, quy về lễ nghi).
Gánh nặng cho gia đình và xã hội
Rượu là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến rất nhiều bệnh tật. Theo thống kê của ngành y tế công bố mới đây cho thấy, rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh ung thư như: miệng, họng, thanh quản, đại trực tràng, gan… càng uống nhiều nguy cơ gây ung thư càng tăng.
Rượu cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tai nạn giao thông. Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 4.800 người chết vì tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.
Theo thống kê của Tổ chức Healthbridge, tổng chi tiêu cho rượu, bia của Việt Nam là 16.372 tỷ đồng, số tiền này có thể mua 1.770.000 tấn gạo đủ để nuôi sống gần 21 triệu người/năm.
Nếu tính đến các chi phí y tế khám chữa bệnh cho những người bệnh tật, tai nạn, giảm, mất khả năng lao động, các chi phí xử lý tai nạn, mai táng… do rượu bia, thì số tiền có lẽ sẽ còn gấp nhiều lần, là gánh nặng rất lớn cho các gia đình và xã hội.
Rượu – tác hại vô hình còn lớn hơn rất nhiều so với tổn thất vật chất
Nguồn gốc câu “Tửu sắc tài khí tứ đổ tường” bắt đầu từ chuyện Tô Đông Pha, đại văn hào đời Tống, một lần thăm người bạn là thiền sư Phật Ấn ở chùa Đại Tướng Quốc, ông thấy trên tường có mấy câu thơ:
Tửu sắc tài khí tứ đổ tường,
Nhân nhân đô tại lý diện tàng.
Thùy năng khiêu xuất khuyên ngoại đầu,
Bất hoạt bách tuế thọ dã trường.
Tạm dịch thơ:
Tửu sắc tài khí bốn bức tường,
Người người giam hãm ở bên trong.
Ai mà có thể nhảy ra được,
Sống chẳng trăm năm cũng thọ trường.
Tô Đông Pha xem xong viết một bài thơ bên cạnh rằng:
Ẩm tửu bất túy thị anh hào,
Luyến sắc bất mê tối vi cao;
Bất nghĩa chi tài bất khả thủ,
Hữu khí bất sinh khí tự tiêu.
Tạm dịch thơ:
Uống rượu không say bậc anh hào,
Sắc đẹp không mê mới là cao.
Tiền tài bất nghĩa thì không lấy,
Khẩu khí chẳng sinh ắt tự tiêu.
Hai bài thơ trên đã nói nên rằng, trong xã hội, rất hiếm người thoát ra khỏi bốn bức tường vây hãm mình, nên đã mặc nhiên chấp nhận nó là một phần của xã hội người thường. Chỉ có điều nên chọn thái độ thế nào cho đúng đắn, để tránh được tác hại của nó mà thôi.
Trụ Vương, từ một ông vua thông minh trí tuệ hơn người, kiến thức uyên bác vượt xa người thường, sức mạnh siêu phàm, tay không có thể đánh lại mãnh thú, biện luận sắc bén vượt quần thần, nhưng vì đam mê tửu sắc mà loạn tâm tính, trở nên tàn bạo, rồi cuối cùng phải tự sát.
Trương Phi, một hổ tướng của nhà Thục Hán, cũng chỉ vì rượu say loạn tính, đánh đập quân sỹ, ép họ vào đường chết khiến họ phản lại, nửa đêm lẻn vào trướng giết chết Trương Phi khi vẫn đang mê mệt trong cơn say.
Hay cha con vua Đinh Tiên Hoàng, cũng vì tối ngày say sưa, trễ nải triều chính, khiến tên đầu bếp Đỗ Thích nảy sinh cuồng niệm, thừa cơ hai ông say rượu đang ngủ mà giết chết.
Còn Hạng Vũ sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, đánh bại nhà Tần, dọc ngang thiên hạ. Nhưng sau khi có được thiên hạ lại chìm đắm vào tửu sắc, hàng ngày uống rượu múa hát với Ngu Cơ, cuối cùng thất bại, chỉ còn Hạng Vũ và 28 quân sỹ thoát chết vượt qua sông Ô Giang. Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là thảm kịch lớn nhất, mà thảm bại lớn nhất của ông là đã mất hết ý chí. Còn cả vùng Giang Đông địa linh nhân kiệt, đất rộng người đông, nhưng tửu sắc đã bào mòn ý chí khiến ông phải tự sát:
Ý chí sơn hà hết,
Lệ đẫm áo Ngu Cơ
Rượu là chất kích thích, đưa chúng ta vào cơn say, khiến chúng ta hưng phấn, thích thú, cứ ngỡ rượu giúp mình trở nên sáng suốt, thăng hoa: “Rượu say thơ lại khơi nguồn”; hoặc giúp mình trở nên anh hùng, can đảm: “Rượu nhập tâm như hổ nhập tâm”. Thực tế, rượu khiến cho chúng ta mất ý chí, loạn tính. Với người nghiện rượu, cuộc đời họ là những cơn say dài bất tận, cơn say này chưa tỉnh, cơn say khác đã tiếp nối, sống trong say, chết trong mê thì còn đâu thời gian, tâm sức mà tu dưỡng đức hạnh, trui rèn tài năng, xứng với cái danh “Con người là anh linh của vạn vật”.
Con người sinh ra trong trời đất, ai ai cũng đầy tài năng, đều có thể trở thành bậc lương đống của quốc gia, thành người hữu ích cho xã hội. Người xưa coi Thiên – Địa – Nhân là “Tam tài” rất chính xác. Con người có rất nhiều tiềm năng, bản năng to lớn mà chưa được khai phát. Khoa học hiện đại chứng minh, con người chỉ mới dùng 4-5% khả năng của bộ não.
Điều gì đã hạn chế khả năng của chúng ta, biến chúng ta từ anh linh của trời đất trở thành những kẻ tầm thường?
Hàng ngàn năm qua, có bao lớp người sinh ra rồi lại về với cát bụi, không để lại dấu vết hay sự tích gì cho thấy sự hiện diện của họ trên trái đất?
Vĩ nhân và thường nhân khác nhau ở điểm nào, sao bộ não họ đều giống nhau mà tài năng lại khác nhau một trời một vực?
Một trong những nguyên nhân chính là “tứ đổ tường”. Mỗi người chúng ta tự xây bốn bức tường giam hãm mình nên không nhảy thoát ra được không gian mênh mông bên ngoài. Để hưởng thụ tiện nghi của cuộc sống vật chất, để được hưởng vinh hoa phú quý, để được mọi người trọng vọng, chúng ta đã dốc hết sức xây bức tường cao hơn, kiên cố hơn để tự giam hãm mình.
Nếu làm chủ được bản thân, thực được như Tô Đông Pha, thì cũng là bậc chính nhân quân tử rồi, có thể chưa thành nhân tài lỗi lạc, nhưng ít nhất cũng là người hữu ích cho xã hội, được mọi người tôn trọng:
Uống rượu không say bậc anh hào,
Sắc đẹp không mê mới là cao.
Tiền tài bất nghĩa thì không lấy,
Khẩu khí chẳng sinh ắt tự tiêu
Bậc nam nhi, người quân tử là những ai làm chủ được mình, sống theo phép tắc, theo đạo, chứ không phải hơn thua uống được nhiều hay ít. Nếu không vượt qua được cái khích bác của người đời, không kiểm soát được ham muốn cá nhân, thì làm sao có thể xứng danh đấng anh hào, bậc trượng phu giữa đất trời?
Nam Phương