Albania là một nước nhỏ ở khu vực Balkan. Trải qua rất nhiều biến động, từ xuất phát điểm là quốc gia nghèo nhất châu Âu, Albania đang trên con đường xây dựng lại đất nước và tái thiết nền kinh tế. Tuy nhiên không có những cơn sóng làm giàu tại đất nước này, nhịp sống vẫn yên bình chậm rãi với tinh thần cởi mở, khoan dùng và hòa hợp.
Ở đây đã từng tồn tại một nhà nước đầu tiên và duy nhất trên thế giới tuyên bố là vô thần, nhưng ngày nay, Albania nổi tiếng là một trong những đất nước khoan dung và có sự hòa hợp giữa các tôn giáo nhiều nhất trên thế giới.
Trong số hơn ba triệu dân của Albania, có đến gần 60% là người Hồi giáo (thuộc phái hệ phái Sunni). Số còn lại thuộc nhiều tôn giáo khác, trong đó Công giáo, Chính Thống giáo. Tuy vậy, Albania không có những xung đột về tôn giáo.
Nhà thờ Thiên Chúa giáo và nhà thờ Hồi giáo thường nằm trên cùng một con đường, và các cuộc hôn nhân liên tôn được chấp nhận rộng rãi trong văn hoá. Thị trấn Berat ở trung tâm đất nước là điểm đến vô cùng đáng chú ý với bảo tàng Onufri lưu giữ Ikona Burimi Jetëdhënës (sự tượng trưng cho nguồn sống). Tác phẩm nghệ thuật từ thế kỷ 18 này của Albani phác họa một cảnh sinh hoạt trong Thiên Chúa giáo trên khung nền có những tháp vòm của thánh đường Hồi giáo nhô lên. Chính vì thế, tác phẩm được ca ngợi là biểu tượng cho sự hòa hợp tôn giáo nổi tiếng của đất nước này.
Khi được hỏi về việc tại sao người dân Abania vẫn thống nhất và chung sống hòa bình khi thực hành nhiều tôn giáo khác nhau. Hasib Buba, nhà lãnh đạo tôn giáo 25 tuổi người Albania đã trả lời rằng: “Ở Albania luôn có sự chấp nhận những gì thuộc về người khác. Nếu nhìn xuyên suốt vào lịch sử đất nước thì bạn sẽ thấy sự hòa hợp ở trong từng thế kỷ.”
Để minh họa cho việc tôn giáo hòa hợp như nào ở Albania, anh đã đưa ra ví dụ gần đây về Malbardh, một ngôi làng nhỏ ở miền bắc Albania. Cách đây vài năm, người Hồi giáo địa phương đã huy động vốn và giúp xây dựng lại nhà thờ Thiên Chúa giáo duy nhất trong làng, nơi đã bị đánh sập cùng nhiều nhà thờ khác nữa trong thời trị vì của Hoxha (từ năm 1944 – 1985, nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Nhân dân Albania do nhà độc tài Enver Hoxha sáng lập đã ra lệnh cấm tất cả các tôn giáo hoạt động và tuyên bố Albania là đất nước vô thần đầu tiên trên thế giới. Các linh mục Thiên Chúa giáo và giáo sĩ Hồi Giáo đã bị tống giam và gần 2000 nhà thờ bị tiêu hủy hoặc biến thành rạp hát, vũ trường).
Malbardh không phải là nơi duy nhất có những câu chuyện như thế. Leskovik, một ngôi làng gần biên giới Hy Lạp, được biết đến với nhà nguyện cộng đồng được xây dựng lại từ tàn tích của một nhà thờ Hồi giáo bị phá hủy trong Thế chiến II. Giờ đây nhà nguyện này là nơi thường xuyên lui tới để cầu nguyện của cả tín đồ Hồi giáo lẫn Thiên Chúa giáo.
Những câu chuyện như thế này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt trong thời đại ngày nay. Khi thế giới có quá nhiều mối lo ngại xung quanh các nhóm tôn giáo cực đoan, dường như chính là kết quả của việc chia rẽ các tín ngưỡng một cách nghiêm trọng.
“Tôi đã nghe tất cả những cuộc nói chuyện của những người muốn xây nên những rào cản và cấm những tín đồ của một số tôn giáo nào đó xâm nhập vào các quốc gia,” Buba nói. Điều này chỉ gây ra sự ghét bỏ và hiểu lầm. Lý do sự hòa hợp tồn tại ở Albania là bởi vì chúng tôi liên kết với nhau. Chúng tôi tranh luận, chúng tôi thảo luận và chúng tôi giáo dục bản thân bằng những gì học được từ mọi người xung quanh chúng tôi.”
Khó mà nói được rằng liệu thế giới có thật sự nghe theo lời khuyên của Buba và làm theo tấm gương của Albania hay không, nhưng thật đáng chú ý khi một quốc gia nhỏ bé ở vùng Balkan nơi mà khi trẻ em lớn lên chúng đều nghe tiếng kêu thúc giục người Hồi giáo đi cầu nguyện và tiếng chuông nhà thờ ngân từ bên ngoài. Đối với họ, sự hài hòa và sự chung sống đã trở thành tự nhiên như hơi thở.
Từ xưa tới nay, lúc nào cũng tồn tại rất nhiều những tín ngưỡng ở khắp mọi nơi trên thế giới. Có những tín ngưỡng được tôn giáo hóa bởi sự kính ngưỡng của con người thế gian đối với một bậc Giác Giả nào đó (Giác Giả là khái niệm để chỉ những người đã giác ngộ, thức tỉnh thông qua tu luyện). Cũng có những tín ngưỡng không cần hình thức tổ chức, ràng buộc nào đối với người tin tưởng mà chỉ khuyên nhủ con người ta thực hành theo những tiêu chuẩn đạo đức cao thượng, đúng đắn. Sự đa dạng tín ngưỡng có thể là kết quả của những góc độ tiếp cận khác nhau đối với cùng một Sự Thật nào đó. Vậy nên mới có những tín ngưỡng hình thành từ những vùng đất cách xa nhau, những dân tộc khác biệt về ngôn ngữ nhưng lại có rất nhiều điểm tương đồng. Và hầu hết những tín ngưỡng chân chính đều dạy người ta phải hòa ái, từ bi, bao dung, không tranh đấu.
Thế nhưng ngày nay, nhiều người đang cực đoan hóa việc thực hành tín ngưỡng của mình bằng việc bài xích, thậm chí là phỉ báng những tín ngưỡng khác. Họ nhìn mọi thứ bằng tấm lòng chật hẹp của mình, để rồi phản lại chính những gì đã được dạy trong tín ngưỡng mà mình tin tưởng.
Thế giới khác mà các tín ngưỡng đều nhìn nhận có thể là một, ở đó có những khái niệm mới mẻ với con người nhưng được cái bậc Giác Giả mô tả lại bằng cách nhìn của họ. Cách mô tả có thể là khác nhau nhưng sự vật, hiện tượng có thể chỉ là một như “Thiên đường”, “Thiên quốc”, “Cõi niết bàn”, “Miền cực lạc”… Hay đến những khái niệm trừu tượng hay biểu tượng như chữ “Vạn”, “Bánh xe”, “Pháp luân”…xuất hiện trong nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau và bị những người đang thực hành để đạt tới sự từ bi phỉ báng là ăn trộm, ăn cắp từ tín ngưỡng của họ.
Thiết nghĩ, nếu có những điều tồn tại ngoài tầm hiểu biết của con người, thì người đầu tiên nói về sự tồn tại của nó không có nghĩa là người đã tạo ra hay sở hữu nó. Giống như người thổ dân đầu tiên mô tả con thuyền mà bộ lạc của họ chưa nhìn thấy trước đó thì không có nghĩa là người thứ hai nói về con thuyền đó lại bị coi là ăn cắp khái niệm từ người thứ nhất. Con thuyền sẽ vẫn là con thuyền và nó tồn tại khách quan ngoài hiểu biết của bộ lạc đó, người ta có thể nhìn thấy nó từ các góc độ khác nhau và cùng nói về nó, nhưng không có nghĩa là người này ăn cắp khái niệm của người kia mà thậm chí có thể bổ sung và hoàn thiện hơn.
Những người thực hành tín ngưỡng hướng con người tới cái Thiện ngày nay lại đang tự biến mình thành bất thiện khi khơi mào thù hằn và đấu tranh. Việc ai đó thấy mình có được quá nhiều lợi ích từ việc thực hành một tín ngưỡng và muốn nhiều người hơn nữa được biết về tín ngưỡng đó để cùng có được lợi ích như vậy là một bản năng lượng thiện của con người. Nhưng họ lại bị cho là lôi kéo, làm chính trị, khiến những tôn giáo, tín ngưỡng khác và thậm chí chính quyền lo sợ mà kích động những cái nhìn tiêu cực, thiển cận.
Như Babu đã nói ở trên: “Chúng tôi tranh luận, chúng tôi thảo luận và chúng tôi giáo dục bản thân bằng những gì học được từ mọi người xung quanh chúng tôi.” – đó mới đúng là cách những người thực hành tín ngưỡng hướng thiện làm trước những khác biệt trong niềm tin. Thế giới đã chứng kiến nhiều sự đau thương từ những khác biệt, nhưng thay vì học hỏi từ đau thương, ở đâu đó con người vẫn đi lại trên vết xe đổ cũ kỹ. Chỉ khi ta hiểu rằng những gì mình biết có thể không phải là toàn bộ sự thật thì mới có đủ sự khiêm nhường để lắng nghe sự khác biệt. Và chỉ khi tâm ta rộng lớn thì mới có thể chứa đựng được mọi sự khác biệt.
Nguyễn Linh – Thu Hiền
Xem thêm:
- Quốc gia nhỏ và nghèo nhất châu Âu đã dạy cả thế giới về lòng tin trong thời kỳ khủng hoảng như thế nào?
- Từ quốc gia nghèo nhất Châu Á trở thành cường quốc kinh tế: Bí quyết ‘sức mạnh mềm’ của Hàn Quốc
- Bí quyết giúp Nhật làm nên kỳ tích của một nền giáo dục toàn diện bậc nhất thế giới