Năm 1969, Lâm Bưu vì muốn xây biệt thự tư nhân trên Ngũ Đài Sơn mà đã dùng bộc phá cho nổ ba ngôi chùa. Một thợ nhiếp ảnh muốn quay lại quá trình phát nổ, nhưng không ngờ lại chụp được cảnh Văn Thù Bồ Tát hiển linh.
Hai năm sau, ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu tử nạn máy bay ở Mông Cổ khi đang trốn chạy sau vụ mưu sát Mao Trạch Đông không thành. Sự kiện này không chỉ vì đấu tranh quyền lực trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà còn có liên quan mật thiết với việc ông đã cho phá hủy ba ngôi chùa.
Năm 1969, quân khu Bắc Kinh vì muốn xây dựng biệt thự cho Lâm Bưu mà nhắm vào đền Ngũ Lang và hang Kim Cương trên Ngũ Đài Sơn, bởi vì nơi này phong thủy vô cùng tốt. Sau đó tiến hành sơ tán tất cả tăng lữ, người dân xung quanh đó, rồi huy động lực lượng đến cho phát nổ ba ngôi chùa này. Vì vậy mà tất cả tượng Phật, kiến trúc và văn vật hầu như đều bị phá hủy hoàn toàn.
Trong quá trình cho phát nổ, trên trời đột nhiên kéo đến những đám mây kỳ lạ, một nhiếp ảnh gia đã ngay lập tức dùng ống kính lưu lại hiện tượng đặc biệt này. Mà bức ảnh đáng quý này hiện nay được thờ phụng trong chùa Hiển Thông. Bức ảnh này hiện ra rất rõ ràng hình tượng của Văn Thù Bồ Tát.
Sau khi phá hủy những ngôi chùa này, nơi đây xây dựng một tòa Mao Bồng Sơn Trang được bảo vệ nghiêm ngặt: Một biệt thự ngoài trời kiểu phương Tây.
Tòa nhà kiểu phương Tây này có hình chữ U và mở rộng về phía nam. Phòng khách và phòng làm việc của Lâm Bưu nằm ở hướng bắc. Bên cạnh là phòng của Diệp Quần, Lâm Lập Quả, Lâm Lập Hành và phòng giải trí. Phía đông là nơi tạm trú cho các thư ký và bảo vệ. Ngoài thảm cỏ xanh, khung cửa sổ lớn sát nền nhà, sô pha và giường nệm cực lớn, ti vi màu… thì không còn gì đặc sắc.
Trên thực tế, gia đình của Lâm Bưu chỉ ở đây có một lần, nhưng hàng ngàn di tích văn hóa và di tích lịch sử đã bị xóa sổ.
Vị trí ban đầu của hang Kim Cương là nằm đối diện với đền Ngũ Lang, nằm ở phía bên phải dưới chân núi. Theo “Thanh Lương Sơn Chí” ghi chép: “Hang động này là nơi cất chứa nhạc khúc, kinh thư của vạn Phật”. Đây cũng là nơi vốn dĩ bí ẩn nhất ở Ngũ Đài Sơn, có hang động nhưng không có chùa, đền.
Đường Nghi Phụng nguyên niên (năm 676), Cao Tăng Ba Lợi của Ấn Độ đã đến đây, quỳ trên mặt đất đưa hai tay lên mà lạy, hy vọng có thể diện kiến chân dung của Văn Thù Bồ Tát, cuối cùng ngài được nói chuyện cùng lão ông do Văn Thù Bồ Tát hóa thân.
Sau khi Ba Lợi trở về nước đã dùng kinh “Phật đính tôn thắng đà la ni” được Văn Thù Bồ Tát ban cho, loại bỏ tất cả mầm móng tội ác trong chúng sinh. Sau đó bản dịch của bộ kinh này được chuyển đến Trường An. Bộ kinh gốc bằng chữ Phạn đưa vào hang Kim Cương cất giữ, cho đến bây giờ cũng không ai biết được lai lịch của hang động này, con người đi vào đều không thể ra ngoài, sau đó họ dùng đá sư tử ngăn lại cửa động.
Vào triều đại nhà Đường, Nguyên Trứ thiền sư của Ôn Châu được một ông lão chỉ điểm cho xây dựng chùa ở đây. Ngôi chùa được chia làm hai phần, thượng viện và hạ viện. Ở đây có tượng Dược Sư bằng đồng nặng nhất trên Ngũ Đài Sơn, tượng đồng Văn Thù Bồ Tát, ngoài ra còn có tượng đá Phổ Hiền.
Bởi vì cho rằng ông lão chỉ điểm là do Văn Thù Bồ Tát hóa thân, nên ngôi chùa được đặt tên là Bàn Nhược Tự, có nghĩa là “trí huệ”, cũng tức là động Văn Thù.
Tuy nhiên, dưới sự giáo dục “chủ nghĩa vô thần” của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhiều người không còn tin vào Thần Phật, càng không tin vào việc “thiện ác hữu báo” (thiện ác đều có báo ứng). Đặc biệt là trong đại Cách mạng Văn hóa, hầu như tất cả người trẻ tuổi đều bị Đảng Cộng sản cổ động đi vào con đường sai trái, vô số chùa miếu, tượng Phật bị hủy.
Văn vật, các di tích văn hóa gặp nạn trên Ngũ Đài Sơn không chỉ có đền Ngũ Lang và hang Kim Cương.
Theo như ghi chép lịch sử, một trong năm ngôi chùa của Phật sống Chương Gia – Phổ Lạc Tự, Văn Thù Tự, và trên dưới mười chín chùa miếu bị phá hủy bởi các khẩu pháo của công nhân, nông dân, binh lính, và sự nổi loạn của Hồng vệ binh.
Hai năm sau, vào ngày 13 tháng 9 năm 1971, Lâm Bưu cùng vợ và con trai bỏ trốn, trên đường bay ngang qua sa mạc ở Mông Cổ, chiếc máy bay đã rơi xuống tan xác. Sự kiện này có liên quan mật thiết với việc ông đã cho phá hủy Ngũ Đài Sơn. Năm xưa ông phá hủy chùa miếu, hôm nay chính là gặp báo ứng.
Phía dưới là hai ví dụ:
Tượng Phật Di Lặc chấn nhiếp Hồng vệ binh
Trong chính điện của Ung Hòa Cung ở Bắc Kinh có một pho tượng Phật Di Lặc. Tượng Phật cao hơn 18 mét, tư thế uy vũ, trang nghiêm thần thánh. Pho tượng này được điêu khắc từ những năm Càn Long của triều đại nhà Thanh. Nguyên liệu là một thân cây to lớn trân quý được triều đình vận chuyển từ Tây Tạng đến. Sau đó mời thợ điêu khắc nổi tiếng đến tiến hành điêu khắc, pho tượng trở thành một trong những kỳ bảo của thành Bắc Kinh.
Một vị Lạt Ma của Ung Hòa Cung từng chia sẻ một câu chuyện có thật:
“Trong Cách mạng Văn hóa có ba Hồng vệ binh đến muốn đập vỡ tượng Phật. Người đầu tiên trèo lên hành lang muốn dùng rìu chặt đứt dây sắt. Tuy nhiên chiếc rìu rơi xuống nhưng không chạm đến dây sắt ngược lại còn chém trúng chân mình. Người thứ hai cũng cầm rìu qua muốn chém xuống, nhưng một rìu chém vào không trung, rồi rơi thẳng xuống đất, người này ngất xỉu ngay tức khắc, người thứ ba nhìn thấy vậy cũng hoảng sợ đứng lên không nổi”.
Từ đó về sau, không một ai dám động vào tượng Phật nữa, tượng Phật Di Lặc và Ung Hòa Cung cũng vì vậy mà được bảo tồn cho đến ngày hôm nay.
Báo ứng vì phá huỷ tượng Phật
Ở chùa Hưng Quốc, huyện Bác Hưng, Tân Châu, Sơn Đông có một pho tượng bằng đá nổi tiếng, cao một trượng ba, được người địa phương tôn xưng là: “tượng Phật trượng ba” hoặc là “tượng Phật bằng đá trượng ba”.
Có một câu chuyện có thật về pho tượng này:
Trong Cách mạng Văn hóa, một tổ trưởng nhỏ muốn thể hiện uy thế của mình bằng việc đập vỡ pho tượng đá này. Đầu tiên ông ta lệnh cho người bắn vào mắt của bức tượng. Sau đó ông ta cảm thấy như vậy còn chưa đủ hưng phấn, liền kêu một nhóm người lại vừa đánh và đập pho tượng, tuy nhiên pho tượng không hề suy suyển. Ông ta tức giận vì suy tính thất bại, cho nên đã kêu đến một chiếc máy kéo, dùng dây thừng quấn quanh cổ của pho tượng, sau đó nổ máy dùng sức kéo, kết quả đầu của tượng Phật bị kéo đứt rơi xuống đất.
Không lâu sau khi sự việc này xảy ra, người cầm súng bắn vào đôi mắt của bức tượng trong khi làm việc bị hòn đá đập vào hai mắt khiến cho anh ta trở nên mù lòa.
Tổ trưởng kia có một lần ngồi trên máy kéo vô tình bị rơi xuống đất, sau đó bị bánh sau của máy kéo ủi ngang qua cổ, thân thể và đầu hầu như đứt rời, chết thảm tại chỗ.
Người địa phương đều tin rằng bọn họ bị báo ứng vì đã phá hủy tượng Phật, sự việc này khiến cho người ta phải cảnh tỉnh một cách sâu sắc.
Theo ntdtv.com
Khải Phong biên dịch