Lời tòa soạn: Các dân tộc Á Đông có một nền văn minh vô cùng xán lạn. Lịch sử Á Đông nói chung, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, rất hào hùng, tràn đầy khí chất. Lịch sử 5000 năm văn minh, văn hoá của Á Đông là cả một kho tàng vô giá cho hậu thế. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của những quan niệm mới có phần thiên kiến, lệch lạc, lịch sử ấy đã bị cải biên và nguỵ tạo nhiều. Với mong muốn phục hưng lại nền văn minh vĩ đại cũng như những truyền thống đạo đức quý báu của người Á Đông, chúng tôi tiến hành loạt bài về lịch sử Việt Nam, Trung Hoa… gửi đến quý độc giả, ngõ hầu phá giải được những quan niệm sai lệch hiện nay.
- Loạt bài dài kỳ: Phong vân mạn đàm
Năm 484 TCN, đệ tử của Khổng Tử là Tử Cống đi sứ 4 nước là Tề, Ngô, Việt, Tấn và thay đổi vận mệnh cả năm quốc gia (tính cả nước Lỗ – quê hương Khổng Tử). Lần xuất binh phạt Tề cứu Lỗ của nước Ngô đã giành được thắng lợi rất lớn, do đó cái tâm tranh bá của Phù Sai lại càng khẩn bách hơn. Cựu thần Ngũ Tử Tư, người luôn lo lắng bất trắc từ nước Việt, đánh giá thắng lợi này như thế nào? Và tại sao sau đó, Câu Tiễn có thể đánh bại nước Ngô hùng mạnh?
Phù Sai chán ghét Ngũ Tử Tư đã lâu. Trong trận chiến Ngô – Việt, Ngũ Tử Tư ngăn cản việc cho Câu Tiễn cầu hòa, sau này là can ngăn Phù Sai phóng thích Câu Tiễn, lại cản trở việc xây dựng đài Cô Tô, ngăn cản Phù Sai lập Tây Thi làm thiếp, hiện tại lại cản trở Phù Sai chinh phạt nước Tề. Phàm những việc Phù Sai làm, Ngũ Tử Tư không ủng hộ cái nào. Cho nên đối với Phù Sai mà nói, ông căm ghét Ngũ Tử Tư đến mức chịu hết nổi.
Khi Câu Tiễn nuôi binh dưỡng mã để chuẩn bị báo thù, thì lúc đó Phù Sai lại bận rộn với việc tranh bá Trung Nguyên, thường dùng binh đao để “nói chuyện” với các nước. Trong Sử Ký – Thập nhị chư hầu niên biểu có ghi lại: Năm 489 TCN Phù Sai thảo phạt nước Trần, năm 487 TCN đánh Lỗ, năm 485 TCN chinh phạt Tề, năm 484 TCN lại vì cứu Lỗ mà giao chiến với Tề. Trước khi xuất binh lần này, Ngũ Tử Tư ngăn cản Phù Sai nói: “Nước Tề là bệnh nhọt ngoài da, mà cái họa bên trong là nước Việt, phải giải quyết nước Việt trước mới chinh phạt nước Tề. Nếu không thần e rằng đại họa sẽ ập đến nước Ngô mau chóng mà thôi!”.
Phù Sai khi đó nổi giận đùng đùng, nói: “Lão tặc này! Đang lúc ta chuẩn bị xuất binh, sao ông lại nói những điềm gở như vậy!”. Theo cách nói của người xưa, già mà không chết gọi là “tặc”. Từ cách nói của Phù Sai ta thấy được ông đã có ý muốn giết Ngũ Tử Tư rồi. Đương lúc Phù Sai chuẩn bị động thủ thì Bá Bĩ can ngăn. Bá Bĩ không phải không muốn giết Ngũ Tử Tư, nhưng gợi ý cho Phù Sai rằng: “Ngũ Tử Tư là lão thần tiền triều, đã lập bao nhiêu công trạng cho nước Ngô chúng ta. Nếu ngài giết ông ấy, e rằng thanh danh ngài sẽ bị tổn hại”.
Bá Bĩ nói nhỏ thêm: “Hiện tại tôi có kế này rất hay. Ngài viết một phong thư trong đó dùng lời lẽ ngạo mạn nhục mạ quốc vương nước Tề, sau đó phái Ngũ Tử Tư đi sứ. Quốc vương nước Tề đọc xong sẽ vô cùng tức giận mà ra tay giết sứ giả. Như thế chẳng phải rất tự nhiên sao”.
Sau đó Phù Sai viết một lá thư phái Ngũ Tử Tư đem đến nước Tề. Trước khi xuất hành, Ngũ Tử Tư gọi con trai là Ngũ Phong nói: “Nước Ngô không còn hy vọng nữa rồi, cha con ta cùng đến nước Tề thôi”. Thế là Ngũ Tử Tư cùng con trai đến nước Tề. Khi đưa quốc thư cho Tề Giản công, quốc vương rất tức giận, bèn hạ lệnh giết Ngũ Tử Tư.
Đại phu nước Tề là Bào Tức, vốn là hậu duệ của tướng quốc Bào Thúc Nha nổi tiếng của nước Tề trước đây, nói với Tề Giản công rằng: “Nếu ngài giết Ngũ Tử Tư là đã trúng kế của Ngô vương rồi. Phù Sai muốn mượn đao giết người. Thay vì giết Ngũ Tử Tư, chi bằng đáp lễ ông ấy thật trọng, sau đó viết một phong thư đồng ý quyết chiến để ông ấy đưa về nước Ngô, như thế là khả dĩ”.
Bào Tức vì sao nói những điều này? Vì vốn dĩ Bào Tức và Ngũ Tử Tư là bạn tốt của nhau. Khi Ngũ Tử Tư đến quý phủ để bái kiến Bào Tức, Bào Tức hỏi: “Chính trị nước Ngô sao ra nông nỗi này?”. Ngũ Tử Tư chỉ cúi đầu ứa lệ, không nói câu nào. Sau khi Ngũ Tử Tư khóc xong mới nói với Bào Tức rằng: “Tôi muốn phó thác con trai của tôi cho ông, ông có thể coi sóc nó không?”. Sau đó Ngũ Tử Tư đổi tên con trai từ Ngũ Phong thành Vương Tôn Phong, không lấy họ Ngũ nữa, rồi để con trai ở lại nước Tề. Còn Ngũ Tử Tư đem phong thư về lại nước Ngô.
Sau khi nhận thư, Phù Sai xuất binh đánh Tề đã đại thắng trở về. Sau đó ông mở tiệc khoản đãi bá quan, đồng thời gọi Câu Tiễn đến nước Ngô. Câu Tiễn đến diện kiến Phù Sai nói rằng: “Thực lực nước Ngô quả thật quá mạnh, nước Việt nhỏ bé của tôi tuyệt đối không có khả năng đánh úp nước Ngô đâu”.
Phù Sai rất vui vẻ, ông cũng muốn hạ nhục Ngũ Tử Tư một chút bèn nói rằng: “Ngươi xem, ta đánh Tề được thắng lợi lớn như thế, ngươi còn không cho ta đi. Hiện tại xem ra ngươi đã sai rồi”. Lúc đó Ngũ Tử Tư cắm dựng thanh kiếm tại chỗ ngồi rồi đứng lên thưa rằng: “Trời muốn diệt một quốc gia ắt cho nó một vài chuyện vui nho nhỏ. Đại họa sắp đến rồi!”.
Phù Sai rất tức giận, nhưng Ngũ Tử Tư đã rời khỏi cung điện nên Ngô vương không làm được gì. Chính lúc Phù Sai rất tức giận Bá Bĩ bèn đến trước mặt thưa: “Đại vương ngài biết không, khi Ngũ Tử Tư đến nước Tề ông ta đã giao phó con trai cho Đại phu nước Tề, lại còn kết nghĩa huynh đệ với vị Đại phu đó. Ông ta rõ ràng là câu kết với kẻ địch, lẽ nào không xử lý ông ta sao?”. Phù Sai bèn lấy thanh bảo kiếm tên Chúc Lũ, phái người đưa cho Ngũ Tử Tư muốn ông tự sát.
Khi Ngũ Tử Tư nhận thanh kiếm trên tay mới chua xót nói rằng: “Trời ơi… Năm đó ta phụ tá cha cậu đăng cơ vương vị, là ta giúp Ngô quốc nước giàu binh mạnh… Là ta đả bại nước Sở lấy một phần đất nước Sở để biên cương nước Ngô mở rộng… Hết thảy những lời can gián của ta đều xuất phát từ đạo nghĩa nhưng cậu không nghe ta… Hiện tại lại muốn ta tự sát. Được. Sau khi ta chết nhất định nước Việt sẽ san phẳng nước Ngô. Ta muốn móc mắt của ta treo ở cổng thành phía đông, để tự thân ta nhìn thấy nước Việt đánh hạ nước Ngô!”.
Nói xong, Ngũ Tử Tư tự sát. Những lời của Ngũ Tử Tư nói trước khi chết được Ngô vương biết rồi. Phù Sai rất tức giận bèn sai người bỏ thi thể của Ngũ Tử Tư vào cái túi da rồi ném xuống sông. Sự việc này gọi là “si di phù giang” (bao da trôi sông). Phù Sai muốn thi thể Ngũ Tử Tư bị cá và ba ba rỉa tiêu đi, làm sao thấy được binh nước Việt xâm lăng biên giới nước Ngô trong tương lai?
Sau khi túi da chứa thi thể của Ngũ Tử Tư ném xuống sông xong, nước sông bỗng nổi sóng to, sóng vỗ mạnh vào bờ khiến người dân ở xung quanh khu vực đó sợ hãi. Thế là họ lấy chiếc thuyền cố gắng chèo ra để vớt thi thể của Ngũ Tử Tư vào bờ với hy vọng con sóng trên sông bớt hung dữ. Sau này tại địa phương đó hình thành cuộc đua thuyền rồng thuyền thống. Có người cho rằng Tết Đoan ngọ có liên quan đến Khuất Nguyên (1) nhưng cũng có người nói rằng có quan hệ với Ngũ Tử Tư.
Sau khi Ngũ Tử Tư mất, Phù Sai không còn nghe khuyên ngăn của bất cứ ai nữa. Hai năm sau tức năm 482 TCN, quả nhiên như lời Tử Cống nói, sau khi đánh bại nước Tề, Phù Sai đem quân tinh nhuệ đến Hoàng Trì (nay thuận huyện Phong Khâu, tỉnh Hà Nam) để tranh bá với nước Tấn. Khi đó binh nước Việt đã huấn luyện thành thục rồi. Câu Tiễn nghe nói nước Ngô đã đem toàn bộ binh lực thiện chiến đến nước Tấn, bèn xuất đại binh chinh phạt nước Ngô.
Trấn thủ nước Ngô khi đó là con trai Phù Sai – Thái tử Hữu. Trong cuộc chiến với nước Việt, Thái tử Hữu bị quân Việt giết chết. Lúc Ngô vương tranh bá với nước Tấn cũng không giành được vị trí bá chủ. Trong quá trình lui binh trở về, quân Ngô nghe tin nước nhà bị đánh úp bỗng ruột đau như cắt. Vì đường nước Tấn về nước Ngô rất dài nên trong trận giao chiến với nước Việt sau đó, sức chiến đấu quân Ngô giảm đi rõ rệt, chỉ một trận chiến mà Ngô vương Phù Sai đã thất bại rồi.
Sau khi thất bại Phù Sai kêu Bá Bĩ đến trước mặt nói: “Ngươi đã từng nói như đinh đóng cột rằng nước Việt sẽ không mưu phản, giờ thì Câu Tiễn đã tạo phản rồi. Hiện tại ngươi nhanh chóng đến doanh trại quân Việt mà cầu hòa với Câu Tiễn. Nếu cầu hòa không thành, ta đưa ngươi thanh kiếm Chúc Lũ như trước kia đưa cho Ngũ Viên. Ngươi cứ mà lo liệu!”.
Thế là Bá Bĩ đến doanh trại nước Việt cầu hòa, Việt vương biết hiện tại bản thân không thể diệt được nước Ngô, bèn giải giáp binh, lúc này là năm 482 TCN. Theo lẽ thường thì Phù Sai phải biết Việt vương Câu Tiễn sẽ làm phản nữa, nên khẩn trương luyện binh dưỡng mã chuẩn bị cho cuộc chiến kế tiếp. Nhưng Phù Sai lại không làm điều đó.
Như ta biết, trước đó Phù Sai chưa từng nếm mùi thất bại. Ông đăng cơ chính lúc nước Ngô cường thịnh, sau ông đả bại các nước như Việt, Trần, Lỗ, Tề, sau lại tranh bá với nước Tấn. Cuộc đời ông rất thuận lợi không có bất cứ gập ghềnh nào, hơn nữa ông sống ở đài Cô Tô xa hoa với mỹ nữ Tây Thi bên cạnh. Cho nên khi nhận trắc trở đầu đời này, tâm trí Phù Sai như sụp đổ.
Sau khi nếm trải thất bại trong trận chiến với nước Việt, Phù Sai chìm lún sâu trong tửu sắc, bỏ bê triều chính. Bốn năm sau tức năm 478 TCN, nước Việt lại tấn công nước Ngô, sau khi nước Ngô thất bại nước Việt lại thoái binh.
Năm 476 TCN, tức 15 năm sau khi Câu Tiễn được thả khỏi nước Ngô, ông lại dấy binh phạt Ngô. Trận chiến này kéo dài 3 năm từ năm 476 TCN đến 473 TCN. Cuối cùng quân Việt đã chiếm được thành Tô Châu. Sau khi binh bại, Ngô vương Phù Sai rời thành Tô Châu, chạy đến ngọn núi gần đó, bị Câu Tiễn bao vây.
Phù Sai khi đó muốn giảng hòa với Câu Tiễn. Ông nói: “Tôi nguyện ý đến nước Việt giống như ông năm đó đến nước Ngô làm nô lệ”. Khi đó bộ dạng Việt vương Câu Tiễn không nỡ từ chối, tính đáp ứng thỉnh cầu của sứ giả, nhưng Phạm Lãi và Văn Chủng đuổi sứ giả đi. Phù Sai biết Phạm Lãi và Văn Chủng không muốn Việt vương Câu Tiễn giảng hòa với ông, thế là Phù Sai viết một phong thư sai người dùng tên bắn gửi vào doanh trại Phạm Lãi.
Phạm Lãi mở bức thư ra xem, trên đó viết mấy chữ: “Chim chết, cất cung; thỏ khôn chết, chó bị nấu; quân địch bại, mưu thần vong”. Ý tứ đại khái là, thỏ khôn đã chết chó săn có tác dụng gì nữa, thế thì chó săn có thể giết lấy thịt; chim trên trời không còn nữa thì cung tiễn còn tác dụng gì đâu, phải cất nó đi. Phạm Lãi, Văn Chủng, hai người các ngươi sở dĩ được Việt vương tín nhiệm là vì có ta là kẻ địch. Nếu kẻ địch như ta mất đi, e rằng tính mạng hai ngươi cũng khó bảo toàn.
Phạm Lãi đọc xong đưa cho Văn Chủng xem. Rốt cuộc bức thư thuyết phục đó cũng không cứu được Phù Sai. Để tránh nhục nhã Phù Sai quyết định tự sát. Trước khi quyên sinh, ông rút bảo kiếm nhìn quanh bốn phía, nước mắt chảy dài… Ông nói: “Năm đó… Ngũ Tử Tư luôn nói… nước Việt là cái họa bên trong. Ta chết rồi còn mặt mũi nào gặp Ngũ Viên nữa”. Sau đó ông nói với tả hữu: “Sau khi ta chết, phải lấy ba tấm vải che mặt ta lại…”. Ngô vương Phù Sai đã tự sát. Đó là năm 473 TCN.
Mạn Vũ
Theo bài viết của Giáo sư Chương Thiên Lượng, NTDTV