“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
- Xem thêm: Phong Thần truyền kỳ
Lại nói về việc Khương Tử Nha tìm gặp bạn cũ là Dị Nhân:
Ðến nơi thấy nhà cửa Tống Dị Nhân vẫn như thường, tường rêu lốm đốm, khung cửa trang viện màu hồng tuy có vẻ phai nhạt hơn trước, song không khác mấy. Tử Nha bước đến gọi lớn:
“Có Tống viên ngoại ở nhà không?”.
Gia nhân nghe tiếng chạy ra hỏi: “Ông là ai xin cho biết tên họ để chúng con tiện bề thưa lại?”.
Tử Nha nói: “Ngươi vào thưa với Tống viên ngoại có ta là Khương Tử Nha đến thăm”.
Tống Dị Nhân nghe nói có Khương Tử Nha đến, hồi tưởng lại tình bạn thuở xưa, liền bước ra nghênh tiếp mời vào thư phòng dùng trà.
Dị Nhân hỏi: “Vì sao mấy chục năm biền biệt đã không lui tới, lại chẳng có thư từ. Tôi trông hiền hữu đến mỏi mắt. Ngày nay hiền hữu ở đâu, đến thăm tôi hay nhân tiện có việc gì ghé chơi?”.
Tử Nha nói: “Từ thuở quen nhau dạo ấy, tôi bỏ nhà lên núi tu tiên. Chẳng may số kiếp tôi không thành nên trở về đây nối lại tri kỷ”.
Dị Nhân nói: “Cố nhân đã có lòng đoái tưởng, tôi đây đâu dám chối từ”.
Đoạn dạm hỏi tiếp: “Hiền hữu đi tu được bao lâu?”.
Tử Nha nói: “Ðã hơn bốn mươi năm”.
Dị Nhân chắc lưỡi: “Hơn bốn mươi năm ẩn thân trên núi, kể cũng lâu quá rồi, chẳng biết hiền hữu đã học được phép thuật gì chưa?”.
Tử Nha nói: ”Nếu không học được phép tiên thì ở núi làm gì!”.
Dị Nhân hỏi: “Phép tiên thế nào xin nói cho tôi rõ”.
Tử Nha nói: “Gánh nước tưới cây, chụm lửa nấu thuốc…”.
Dị Nhân tức cười: “Lên non Tiên học phép mà lại gánh nước, chụm lửa, thì ở thế gian lại không có chuyện gánh nước, chụm lửa hay sao? Ðó là cái nghiệp làm đầy tớ, đâu phải làm tiên?”.
Tử Nha thấy Dị Nhân không thông đạo lý, nên chỉ mỉm cười im lặng.
Dị Nhân nói tiếp: “Tôi với hiền hữu trước kia là bạn nay tình ấy chưa phai, vậy hiền hữu ở đây với tôi chung hưởng giàu sang, không phải gánh nước chụm lửa như lúc tu tiên nữa, hiền hữu bằng lòng chứ?”.
Tử Nha thấy Dị Nhân thật tình, lòng cũng được an ủi phần nào nói: “Hiền huynh đã có lòng tưởng đến, tiểu đệ lẽ nào dám trái…”.
Tối đó Dị Nhân sai người nhà làm cơm rất thịnh soạn khoản đãi Tử Nha. Đang lúc vui vẻ, Dị Nhân nói: “Trong đời không gì bất hạnh bằng không con nối hậu. Tôi sẽ lo việc vợ con cho hiền hữu, để dòng họ Khương khỏi mai một…”.
Tử Nha khoát tay nói: “Tuổi đã chừng này, anh đừng tính chuyện ấy…”.
Tối hôm đó đôi bạn tri kỷ hàn huyên đến mãi nửa đêm mới đi nghỉ.
Sáng sớm ngày hôm sau Dị Nhân cưỡi lừa, lén sang nhà họ Mã lo việc hỏi vợ cho Tử Nha.
Bấy giờ Tử Nha ở nhà một mình thấy trời đã chạng vạng tối mà Dị Nhân vắng mặt suốt ngày không về, lòng ái ngại, hỏi bọn gia đinh: “Viên ngoại đi đâu từ sớm vậy?”.
Bọn gia đinh thưa: “Gia gia chúng tôi ra đi từ tờ mờ sáng, chắc là đòi nợ ở đâu xa”.
Tử Nha còn đang hoài nghi thì có bóng người từ ngoài ngõ bước vào, liền chạy ra, thấy Dị Nhân đã về, mừng rỡ hỏi: “Huynh đi đâu suốt ngày, tôi tìm mãi không thấy?”.
Dị Nhân nói: “Mừng cho hiền đệ đấy!”.
Tử Nha ngạc nhiên, hỏi: “Tôi có việc gì đâu mà mừng?”.
Dị Nhân bảo gia đinh dắt lừa vào chuồng, rồi mời Tử Nha vào sảnh đường nói: “Tôi đi tìm vợ cho hiền đệ. Duyên thắm đã đượm rồi. Quả thật nợ ba sinh nên tình giai ngẫu”.
Tử Nha ái ngại hỏi: “Anh nói đến ai vậy?”.
Dị Nhân tỏ bày: “Tôi đã hỏi cưới Mã Hồng cho anh. Cô này tài sắc vẹn toàn, nết na có tiếng”.
Tử Nha nói: “Nay tôi tuổi đã ngoài bảy mươi, cũng đâu còn nghĩ màng gì đến chuyện yên bề gia thất nữa…”.
Dị Nhân nói: “Sao lại không chịu. Nhà họ Mã đã nhận tiền sính lễ rồi. Vả lại con gái nhà họ Mã tuy chưa từng xuất giá, nhưng tuổi cũng đã ngoài sáu mươi, sánh với hiền đệ xứng đôi lắm. Có lẽ trời dành riêng cho hiền đệ đấy”.
Tử Nha miễn cưỡng nói: “Hiền huynh đã thương tình, có lòng bao bọc thì vậy nay huynh muốn thế nào tôi cũng nghe theo”.
Thế rồi Dị Nhân bảo gia nhân sửa soạn đâu đó đàng hoàng, dọn phòng huê chúc và chọn ngày lành để Tử Nha cùng con gái họ Mã đẹp duyên.
Ngày cưới vợ của Tử Nha cũng rất rộn rịp, trai già đi cưới nàng tóc bạc. Nếu đời người là một trăm năm thì đôi vợ chồng này còn hưởng phúc dư hai mươi năm nữa… cũng không phải ngắn ngủi gì!
Ðời sau có thơ luận về việc Tử Nha lấy vợ muộn như sau:
“Tu chẳng thành tiên tiếc Tử Nha
Về trần cưới vợ cũng vui nhà
Sáu mươi tám tuổi, nàng dâu xế
Bảy chục dư hai chú rể già
Soi đuốc hàm râu như táp lửa
Nhìn gương mái tóc tựa sương sa
Khá khen Nguyệt Lão xe tơ muộn
Sống đến trăm năm nhắm chẳng xa!”
(Còn tiếp)
Đường Phong