“Phong Thần diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử – thần thoại, mượn câu chuyện Vũ Vương phạt Trụ và Khương Tử Nha phong Thần để gửi gắm những thần dụ có ý nghĩa sâu xa. Câu chuyện dưới đây được phỏng tác dựa trên bộ tiểu thuyết nổi tiếng này.
- Xem thêm: Phong Thần truyền kỳ
Lại kể tiếp về việc Trụ Vương và Đát Kỷ giở trò quái đản hành hình bảy mươi hai cung nữ kia ra sao…
Cũng đương lúc đó, quan Đại phu Dao Cách có việc đi ngang qua chốn nội cung bỗng nghe trong cung có tiếng khóc. Kế đó, ông thấy viên quan thu rắn chạy ra thét lớn: “Ngài ơi! Ghê gớm quá! Bệ hạ đựng rắn đầy hầm, lại bắt cung nhân xô xuống cho rắn độc xé xác”.
Dao Cách nghe xong mà nổi hết da gà, mặt mày tái mét, ông vội vã chạy thẳng lên lầu Trích Tinh mà nhìn xuống thì thấy một số đông cung nhân lõa thể, quần áo bị lột hết, không còn một mảnh vải che thân, tóc thả bù xù, đang khóc than thảm thiết.
Trước mắt ông chính là một cảnh địa ngục trần gian đầy ma quái vậy.
Dao Cách hét lớn gọi quân sĩ bảo không được xô cung nhân xuống hầm nữa, và chạy đến trước mặt Trụ Vương tâu: “Xin bệ hạ hồi tỉnh lại, nỡ nào bày ra chuyện quái gở như này!”.
Trụ Vương đang ngồi với Ðát Kỷ, cả hai còn đang mải mê háo hức xem cái cảnh rắn ăn thịt người, nay lại thấy Dao Cách đến quỳ trước mặt, liền hỏi: “Trẫm không cho đòi, sao khanh dám đến?”.
Dao Cách vừa khóc vừa nói: “Bệ hạ ơi! Ngài đi vào con đường dữ, càng làm cho thiên hạ oán hờn. Chẳng hay cung nga có tội gì mà bệ hạ hành hình độc ác như thế?”.
Trụ Vương nói: “Nước có giềng mối, đạo có quân thần. Trong cung nhiều người làm sai phép nước, nếu không lập Sái Bồn răn chúng thì cơ nghiệp khó giữ. Khanh làm quan Ðại phu lại không rõ hay sao?”.
Dao Cách thở dài: “Ôi! Bệ hạ nghĩ sai rồi, cơ nghiệp bị mất là do hành động tàn nhẫn của bệ hạ chứ không phải do đám cung nhân phạm điều lễ tiết nhỏ nhoi ở chốn hậu cung đâu. Dân chúng vừa qua cảnh lụt lội tai ương, nay lại phải khổ sở tốn tiền mua rắn độc để dâng bệ hạ bày chuyện bất nhân này. Ôi, thương thay, cảnh này xưa nay chưa từng thấy! Còn nhớ thời Nghiêu Thuấn trước đây không cần dùng đến hình phạt mà thiên hạ vẫn thái bình, bốn phương đều an lạc, cơ nghiệp vẫn vững bền. Thế thì việc giữ nước trị dân đâu phải là dùng hình phạt mà chính là dùng nhân đức. Xin bệ hạ xét lại!”.
Trụ Vương nói: “Ta há không biết sao mà ngươi phải giảng dạy. Song trong đời không phải ai cũng thấy đức mà sợ. Có kẻ chỉ sợ hình phạt thôi. Ðối với hạng người ấy, nếu không dùng hình phạt thì không thể dạy được”.
Dao Cách nói: “Cung nga chỉ là những nữ nhân hầu hạ chân yếu tay mềm, đâu có lỗi gì nặng đến mức phải bày hình pháp? Ngu thần thiết nghĩ, những kẻ có lòng nhân mới làm được việc nhân. Bệ hạ xô người xuống hầm cho rắn xé xác, tuốt thịt mà còn không ghê rợn thì người đâu còn có lòng nhân. Ôi! Dại khờ nhất là đám tôi thần vô dụng này, kỳ vọng vào một ông vua bất nhân phải làm điều nhân là chuyện không thể có…”.
Trụ vương nghe Dao Cách nói chẳng dứt lời, mặt đã đỏ phừng phừng, nổi trận lôi đình, mắng: “Loài thất phu, ngươi dám mắng vua ư? Đồ nghịch mạng đáng chết! Quân bay đâu! Hãy cởi hết quần áo Dao Cách rồi ném xác hắn xuống Sái Bồn lập tức!”.
Dao Cách đứng dậy điểm mặt Trụ Vương nói: “Ta không ngờ hôn quân ngươi ngày hôm nay lại đến nông nỗi này. Kẻ dại khờ là những kẻ mê muội, chỉ biết nghe lời bên gối, quẩn quanh chốn sắc đẹp quần hồng mà không thấy được gì xa hơn. Ta đoán chắc một ngày kia lúc hôn quân ngươi sáng mắt ra thì đã muộn rồi! Hỡi ôi ta đây một tôi thần vô năng bất trí, thờ nhầm một hôn quân vô đạo thì chết cũng cam lòng! Nhưng ta đâu phải chết vì Sái Bồn, ta là một Giám Nhị, có chết cũng tìm chỗ trong sạch!”.
Nói dứt lời, Dao Cách phi như bay ngược lên đỉnh lầu Trích Tinh rồi nhảy bổ nhào xuống dưới lầu tự vẫn. Hỡi ơi! Lầu Trích Tinh là một cái lầu cao chót vót, Lầu Trích Tinh ấy cũng có nghĩa là ‘Lầu hái sao’. Dao Cách từ trên đó mà nhảy xuống nền đá thì còn gì xương thịt! Ấy vậy mà Trụ Vương vẫn chưa hết giận, lại truyền cho người lượm thây Dao Cách ném luôn xuống hầm cho rắn ăn một thể.
Người sau có thơ khóc cho Dao Cách đại nhân như sau:
“Mặt đỏ lòng son chẳng lợt màu
Họ Dao nhảy xuống thác bên lầu
Phải chi cơ nghiệp Thành Thang dứt
Cơn giận làm sao đến dập đầu…”
Cuộc hành hình tiếp theo đó trông rất khủng khiếp. Nếu Trụ Vương còn một chút ít nhân tính, thì cũng không thể nào mà nhìn nổi cái cảnh dã man ấy được.
Bọn cung nhân còn lại kêu khóc một hồi rồi cũng đến lúc oán hận, không còn biết sợ chết, không kể đến thân xác, chỉ vào mặt Ðát Kỷ mà đay nghiến: “Chúng ta sống không báo oán được ngươi thì chết nguyện làm ma quỷ sẽ tới đòi nợ ngươi!”.
Nói lời vừa dứt, cả đám cung nga còn lại ấy đều bị Đát Kỷ lệnh cho lính xô xuống Sái Bồn một lượt, đàn rắn đói cất cổ phùng mang, con thì cắn, con thì xé, con thì chui vào bụng, con thì quấn ngoài thân, quang cảnh ghê rợn não nùng quá! Không thể nói cho cùng!
Tuồng dị hợm quái gở của một đấng hôn quân và một ả Hồ ly ma nữ đội lốt người tại hầm rắn Sái Bồn tạm thời khép lại.
Ðát Kỷ quay sang nói với Trụ vương: “Nếu không dùng cách ghê gớm này thì khó mà trị được loài ngang ngạnh”.
Trụ Vương bảo: “Nhưng hình phạt nặng quá chúng sẽ oán ta”.
Ðát Kỷ ngả đầu, vòng tay qua ôm lấy Trụ Vương mà nói:
“Oán trách mà không chống lại thì nước không mất. Còn hơn là để chúng khi quân, nay mắng, mai chửi bệ hạ, làm cho phép nước rối loạn, quân phản nghịch nhân đó nổi dậy. Bệ hạ không thấy sao? Từ khi lập Bào Lạc, đốt Mai Bá, triều thần khiếp vía, không còn ai dám đem những giáo điều nhân nghĩa đến trước mặt bệ hạ nguyền rủa nữa. Như vậy kết quả của trừng phạt là tuyệt đối”.
(Nhân nói đến Bào Lạc, đây cũng là hình cụ do Đát Kỷ xúi Trụ Vương cho người chế ra và từng được dùng để hành hình trung thần Mai Bá. Vật ấy hình thù như một cây cột trụ rỗng khổng lồ được đúc bằng đồng lọc, bề cao 29 thước, bề tròn 8 thước, có khoét ba cái miệng đựng lửa than. Lúc muốn hành hình tội nhân thì quạt lửa cho cột đồng đỏ lên, rồi dùng dây sắt mà trói tội nhân vào đó, tức thì xương thịt tội nhân cháy thành tro trong nháy mắt).
Vua Trụ nghe Ðát Kỷ nói vừa tai, gật đầu khen: “Nàng chẳng những biết chiều ý trẫm mà còn là người thông thái, có thể giúp trẫm trị nước được”.
Ðát Kỷ được khen rất hài lòng, tâu với Trụ Vương: “Làm vua phải có gì cao cả trong đời mình. Nay bệ hạ tuy quyền đã có nhưng sức giàu sang chưa phô diễn tuyệt đỉnh”.
Trụ Vương hỏi: “Sức giàu sang như thế nào mới là tuyệt đỉnh?”.
Ðát Kỷ nói: “Sức giàu sang tuyệt đỉnh là phải làm ra những việc mà thiên hạ không bao giờ tưởng tượng được”.
Trụ Vương hỏi: “Trẫm có tiền bạc đầy kho cung điện nguy nga, vàng son lộng lẫy, như vậy thiên hạ chưa tưởng tượng được sao?”.
Ðát Kỷ nói: “Tiền bạc, vàng son, cung điện… những thứ ấy các nước chư hầu cũng có. Họ vẫn có được cảnh sung mãn ấy”.
Trụ Vương hỏi: “Thế thì Trẫm phải có thứ gì mới gọi là giàu sang?”.
Ðát Kỷ tâu: “Nay Bệ hạ đã lập Sái Bồn nuôi rắn rồi. Rắn dữ đầy hầm mà được nuôi bằng thịt người đó là chuyện ít ai có. Nhưng nếu bên tả bệ hạ làm một hòn núi hèm, để ủ rượu, đống hèm luôn luôn cao chót vót, lại cho thợ đúc cả rừng cây bằng sắt cắm lên, rồi lấy thịt người mà móc vào đó, đặt tên là Nhục Lâm (núi thịt). Còn bên hữu, bệ hạ lại cho người xây một cái hồ vừa sâu vừa rộng, đổ đầy rượu vào đó như một hồ nước mênh mông, gọi là Tửu Trì (hồ rượu). Nếu làm được như vậy hỏi trong thế gian này ai dám sánh?”.
Vua Trụ nghe vậy, đắc ý khen: “Nàng chế cách chơi như vậy sang trọng lắm. Nếu không thông minh thì làm sao nghĩ được chuyện to tát như thế này!”.
Vua Trụ liền lệnh cho bọn Thái giám đốc suất ngự lâm quân, lại tuyển thêm cả vạn sức dân làm trong một khoảng thời gian ngắn thì xong công trình. Trụ Vương lại dắt Ðát Kỷ ra Nhục Lâm và Tửu Trì xem xét. Nhìn cảnh thịt móc lên như núi, rượu đổ xuống tràn hồ, Trụ Vương khoái chí, truyền Ðát Kỷ đàn ca múa hát cho vui.
Ðát Kỷ tâu: “Ðàn ca múa hát mãi cũng nhàm chán, thần thiếp cúi xin Bệ hạ tìm thú vui mới lạ, đẹp mắt hơn”.
Trụ vương hỏi: “Khanh có thú nào vui chăng?”.
Ðát Kỷ tâu: “Trong cung có một số thái giám và cung nữ, vậy bệ hạ truyền cho bọn thái giám và cung nữ lột hết quần áo chia làm hai phe, vật lộn nhau, kẻ nào thắng thì được ăn thịt trên Nhục Lâm, uống rượu dưới Tửu Trì, còn kẻ nào bại thì quăng ngay xuống Sái Bồn làm mồi cho rắn dữ”.
Vua Trụ nghe theo, bèn lệnh cho thái giám và cung nga vật lộn làm vui. Ai nấy đều sợ lệnh Trụ Vương và Đát Kỷ nên đâu dám chối từ. Kết cục có đến vài chục cung nga và thái giám vì yếu sức mà thua cuộc, bị Ðát Kỷ truyền quân xô xuống Sái Bồn, làm mồi cho rắn độc.
Sở dĩ Ðát Kỷ bày ra chuyện này là để giết bớt một số cung nga và thái giám làm cho thâm cung vắng vẻ, ả lại nhân đó thừa lúc nửa đêm mà hiện nguyên hình yêu quái lẻn ra đống hèm Nhục Lâm để ăn thịt người và uống rượu tại Tửu Trì.
Người đời sau có thơ than rằng:
“Gặp thịt như rừng rượu cả ao
Trụ nghe Ðát Kỷ độc chừng nào
Sái Bồn nuôi rắn thương chi xiết
Bào Lạc thành tro thảm biết bao
Văn võ hết lo nền xã tắc
Quan quân không trổ chí anh hào
Lòng dân nhen nhúm hờn bạo ngược
Sắc đẹp mê hồn, chẳng biết sao?”
***
Lời bàn:
Trước giờ mới nghe nói đến vua Trụ là kẻ háo sắc, nay lại thêm cái tật háo danh nữa. Chỉ với hai cái tâm xấu này thôi đã quá đủ để cho Đát Kỷ có thể điều khiển Trụ Vương kia xoay vòng vòng như trò tiêu khiển vậy. Nhưng thôi, dù sao thì ông ta cũng đã đạt được một chữ “danh” ấy rồi, có điều không phải là uy danh mà là ô danh!
Thói thường những tâm tính xấu là không có đi đơn độc, xấu tính này ắt sẽ xấu cả nết kia: Với Trụ Vương, đằng sau tâm háo danh (hư vinh) mãnh liệt là cái tâm ngạo mạn (cao ngạo), bởi lẽ Trụ Vương cầu danh – hư vinh là vì muốn hơn người hơn đời, muốn hơn người hơn đời thì ắt sẽ không chịu phục người, phục đời, coi thường đạo đức, từ đó mà nảy sinh cái tâm ngạo mạn. Kẻ đã háo danh hư vinh lại thêm kiêu căng ngạo mạn nữa hẳn sẽ bỏ đạo lý ngoài tai mà ích kỷ, mà vị tư, mà tranh mà đấu, mà chém mà giết… hại người hại thân một đời tạo nghiệp. Đáng sợ, đáng sợ!
Nhân vật lịch sử hôn quân vô đạo này đã rất nhiều lần được đám trung thần cảnh báo rằng: chẳng sớm thì muộn sẽ làm bại hoại cơ nghiệp Thành Thang, âu cũng không có gì là khó lý giải.
Phật Pháp có giảng, đại ý rằng: Nhân tâm bất chính ắt sẽ dẫn thẳng quỷ đến cửa. Là Đát Kỷ hại Trụ Vương hay là do Trụ Vương tâm bất chính, nhân bất thiện mà tự hại mình? Vấn đề này xin được bỏ ngỏ, tùy mỗi người xuy xét. Chỉ có điều tâm kia mà bất chính thì cũng như đang nuôi sẵn quỷ ở trong lòng rồi, nguy hại lắm thay!
Đát Kỷ đã ác lại thêm ác, đã độc lại thêm độc: đúc Bào Lạc, đào Sái Bồn, đắp Nhục Lâm, xây Tửu Trì… mấy chuyện ác độc khủng khiếp này đều là khởi phát từ ý tưởng của con yêu quái Hồ Ly ấy.
Mới hay: “Giả – ác – đấu” chúng cũng thường đi với nhau: Yêu quái hồ Ly giả danh Đát Kỷ, sớm sớm tối tối mê hoặc Trụ Vương, đổi trắng thay đen, dối nước lừa dân, thị phi điên đảo – ấy là: “giả”; Lợi dụng quyền lực (được sủng ái) làm mê lạc rồi điều khiển Trụ Vương đúc Bào Lạc, đào Sái Bồn, đắp Nhục Lâm, xây Tửu Trì… làm đủ thứ chuyện loạn bậy “thương thiên hại lý” – ấy là: “ác”; Từ khi vào cung Đát Kỷ nọ hãm trên hại dưới, đổi triều phế hậu, giết bỏ trung thần và cung nữ thái giám nhiều vô số kể, lại không ngừng xúi bẩy Trụ Vương phá nước phạt dân, tranh tranh đoạt đoạt, tàn tàn sát sát – ấy là: “đấu”… cũng may còn xuất hiện một Khương Tử Nha thần thông quảng đại diệt yêu trừ quái. Đạo trời xưa nay: Thiện-ác phân minh; Chính luôn thắng tà, đó là tất yếu.
Khá khen cho quan Đại phu Dao Cách: “Thà làm ngọc nát còn hơn ngói lành!”. Nói lời ngay, làm việc thiện, chẳng sợ cường quyền, không nghe lời ác. Lẽ đời xưa nay, việc gì cũng có cái giá của nó cả: Những người như Dao Cách thì về sau này sao lại có thể thiếu tên trong bảng Phong Thần được? Câu chuyện tiếp theo diễn biến ra sao, xin kính mời quý độc giả đón xem kỳ sau sẽ rõ.
Đường Phong