“Phạm Công – Cúc Hoa” là thiên tình sử giữa chàng Phạm Công và nàng Cúc Hoa hiếu nghĩa vẹn toàn, câu chuyện của họ trải dài từ thiên thượng tới nhân gian, rồi xuống cả âm tào địa phủ. Vượt trên chuyện tình yêu đôi lứa thường tình, “Phạm Công – Cúc Hoa” còn ẩn chứa những đạo lý uyên thâm của văn hóa truyền thống…
Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, nền điện ảnh Việt Nam ra mắt bộ phim chuyển thể từ truyện thơ cùng tên “Phạm Công – Cúc Hoa”, được khán giả cả nước say mê đón nhận. Xem lại thước phim từ năm 1989 của đạo diễn Lưu Bạch Đàn, mới thấy bối cảnh, kỹ xảo mộc mạc thô sơ, nhưng lại lấy đi rất nhiều nước mắt của khán giả. Có khán giả để lại bình luận đại ý rằng: Phim ngày xưa sao hay thế, chẳng bù cho phim thời nay? Sự so sánh tuy có phần chủ quan, cảm tính, nhưng có lẽ, phim xưa đi vào lòng người đến vậy, không chỉ nhờ diễn xuất có hồn của dàn diễn viên, mà còn nhờ kịch bản, cốt truyện văn hoá truyền thống có nội hàm thâm hậu.
Tìm đọc nguyên tác truyện thơ “Phạm Công – Cúc Hoa” xuất hiện vào khoảng thế kỷ 18-19, người viết không khỏi ngỡ ngàng, thán phục trước nội hàm uyên thâm của tác phẩm, mà đáng tiếc là một số tình tiết đắt giá đã bị lược bỏ hoặc cải biên trong phiên bản điện ảnh. “Phạm Công – Cúc Hoa” ở tầng diện cơ bản nhất là thiên truyện thơ về đạo hiếu, đạo nghĩa vợ chồng, quy luật “ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão”. Ở một tầng diện sâu hơn, “Phạm Công – Cúc Hoa” là câu chuyện từ thiên thượng xuống nhân gian, là hành trình hạ thế đầu thai của Thái tử con Ngọc Hoàng, tu luyện và trở về thiên quốc. 4,610 câu thơ lục bát thể hiện đủ sự thần thánh và mỹ diệu của thiên quốc với chư Phật, Đạo, Thần; Đạo Trời sáng tỏ, uy nghiêm hiện diện ở cõi trần gian; và cảnh tượng hãi hùng chốn âm ty răn đe kẻ ác.
“Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên” nhưng hành thiện tích đức, kính Trời tín Phật có thể cải biến vận mệnh
Truyện “Phạm Công – Cúc Hoa” bắt đầu bằng câu chuyện đôi vợ chồng già nghèo khổ hiếm muộn ở phủ Quỳnh Vân. Hai ông bà kiếm củi sống qua ngày, tuy cơ cực nhưng “lòng thảo dạ ngay”, thường hay giúp người. Thấy ngôi chùa quê tiêu điều, sư sãi đói rách, hai ông bà bàn nhau gom góp chút tiền dành dụm đi cúng dường nhân hội đúc chuông. Chẳng ngờ tiếng chuông ấy ngân vang thấu đến Thiên tào, Ngọc Hoàng Thượng Đế hội bàn chư tướng, quyết định phái một tiên đồng ngọc nữ xuống đầu thai làm con nhà vợ chồng nọ.
Qua lời tâu của Thái Bạch Kim Tinh, mới hay rằng số phận cơ hàn, không con đã được định sẵn trong mệnh của hai ông bà cụ. Vì sao số mệnh lại như vậy? Người xưa giảng “nhân quả báo ứng”, tội nghiệp kiếp trước tạo nên đau khổ kiếp này. Tuy vậy, đời này hai ông bà cụ ăn ở hiền lành phúc đức, kính Trời tín Phật, lòng thành của họ đã thấu đến Trời xanh, được Ngọc Hoàng đoái thương, cải biến vận mệnh.
Mở đầu truyện “Phạm Công – Cúc Hoa” là 8 câu thơ lục bát thể hiện trọn vẹn tinh thần của tác phẩm:
Trời cao thăm thẳm chín tầng
Tuy cao muôn trượng mà gần tấc gang
Xét soi thiện ác đôi đàng
Trắng đen chẳng lẫn rõ ràng gương trong
Ngẫm xem thiên địa chí công
Dở hay cũng bởi tự lòng mà ra
Xưa nay những kẻ thảo hòa
Trước thì lam lũ sau đà thành nhân.
“Bách thiện hiếu vi tiên”
Bởi thiên cung khi ấy không còn hài tử nào, Ngọc Hoàng Thượng Đế quyết định phái Thái tử con mình xuống trần gian đầu thai làm con nhà họ Phạm. Phạm Công từ khi sinh ra đã chịu đói khổ trăm bề nhưng hết lòng hiếu kính cha mẹ:
Phạm Công vừa chẵn mười ba
Tuổi thơ sớm chịu phôi pha ưu phiền
Một năm ở có năm tiền
Lấy cơm nhà chủ giấu liền vào trong
Đem về cha mẹ đỡ lòng
Còn mình chỉ có tôm đồng nước ao
Mẹ cha trong dạ bào hao
Số phải đói khổ biết bao giờ rồi
Càng đi khấn Phật cầu Trời
Tu nhân tích đức trọn đời cùng nhau.
Sau khi cha mất, chàng chuẩn bị lưng cơm bầu nước, dắt mẹ đi tìm miền làm ăn. Để thử lòng chàng, Phật Di Đà biến thành một ông lão vô gia cư đói rách, bị con trai và con dâu hắt hủi. Phạm Công nhường chút cơm ít ỏi của mình cho ông, bản thân sẽ liệu đường xin cơm cho mẹ. Sau đó, các Tiên Nữ trên cung đình cũng xuống để quyến rũ, mua chuộc Phạm Công nhưng không được. Thơ rằng:
Tiên nữ quỳ xuống đáp lời:
“Cõi trần khó kiếm được người thứ hai
Hạ tiên theo nói cả ngày
Đem lời ngon ngọt xoắn dây tơ hồng
Nhưng chàng hiếu thảo lạ lùng
Chẳng tưởng trai gái vợ chồng chút chi
Cứ khăng khăng dắt mẹ đi
Dương gian dễ có ai bì Phạm Công”
Ngọc Hoàng nghe cũng mừng lòng
Phán rằng: “Bậc ấy anh hùng không sai
Thế gian những kẻ anh tài
Xưa nay chưa thấy ai người chê tiên
Khá khen hiếu nghĩa vẹn tuyền
Rành rành phò mã trạng nguyên sau này”.
Nghe nói gần đây có trường thầy Quỷ Cốc, mẹ con Phạm Công tìm đến thầy xin trọ học. Bị trưởng tràng ức hiếp hắt hủi, Phạm Công cúi đầu nhịn nhục; ban đêm, chàng cầm sách dựa ngồi, chờ có ánh chớp thì vội vàng đọc chữ. Thầy Quỷ Cốc chứng kiến cảnh ấy vô cùng cảm động, bèn nuôi cơm áo cho Phạm Công học hành. Được cơm thầy ban, Phạm Công ngày ngày nhường thịt cá cho mẹ, mình thì ăn rau. Cúc Hoa là tiểu thư lá ngọc cành vàng, con gái quan phủ Quỳnh Vân, thấy chàng hiếu nghĩa nên cảm động đem lòng yêu rồi xin cha mẹ lấy Phạm Công làm chồng.
Lấy được tiểu thư Cúc Hoa, Phạm Công có thể nói là “một bước lên tiên”, chàng trở thành con rể quan tri phủ, có vợ hiền nâng khăn sửa túi, phụng dưỡng mẹ già. Tất cả phúc phận này đều bắt nguồn từ lòng hiếu nghĩa của Phạm Công. Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên” – Trong trăm điều thiện thì nết hiếu đứng đầu, quả là chí lý. Và Cúc Hoa cũng là một người con dâu hiếu thảo, nàng sẵn lòng đem hết của cải vốn liếng lo tang cho mẹ; mãn tang 3 năm, một chút vải tiền cuối cùng nàng cũng động viên Phạm Công làm hành trang đi thi, còn nàng thì chờ sinh con trong cảnh cơ hàn lẻ bóng:
Nàng rằng: “Còn tấm lụa kia
Âu là thiếp cắt xiêm y cho chàng”
Phạm Công nghe nói càng thương
Rằng: “Anh đã có áo trường mặc đây
Lụa con em giữ mà may
Anh thêm yên dạ những ngày quan san”
Cúc Hoa nước mắt chứa chan:
“Xin chàng ăn mặc cho sang bằng người
Người ta gấm vóc cả đời
Lượt là năm tháng đủ mùi ăn chơi
Chàng thì áo xống tả tơi
Không bằng chúng bạn hổ ngươi lắm mà
Có chiếc áo cưới lụa sa
Lâu nay thiếp giữ mượt mà trong rương
Âu là ta khấn âm dương
Về ai nấy mặc chứ đừng duỗi ra”.
Tiền gieo ba lượt cả ba
Đất trời không nói áo là về ai
Cúc Hoa bèn cắt làm hai
Phạm Công lấy nửa cho hài đôi bên:
“Anh còn có sáu đồng tiền
Ra đi để lại cho em ba đồng”
Bùi ngùi nước mắt ròng ròng
Giờ lâu mới bước thẳng giong lên đường.
Bởi ân tình đó của Cúc Hoa, cả cuộc đời Phạm Công một niềm chung thuỷ với nàng, dù ba lần đỗ trạng nguyên, ba lượt được nhà vua gả công chúa, chàng đều một mực từ chối, dẫu bị vua đoạ đày hành tội, khoét mắt xẻo tai, chàng cũng cam lòng. Văn hóa truyền thống giảng “Bần tiện chi giao bất khả vong; Tào khang chi thê bất hạ đường”, ý nói: Người bạn kết giao lúc nghèo khó không thể quên, người vợ cùng chung hoạn nạn không được bỏ. Phạm Công đã thực hiện được điều đó.
“Vạn ác dâm vi thủ”
Trái ngược với Phạm Công – Cúc Hoa son sắt thuỷ chung, trong truyện có một nhân vật bị người đời căm ghét bởi sự lăng loàn, hiểm độc, đó chính là Tào Thị. Cúc Hoa sớm lìa trần ở tuổi 30, thương cảnh chồng con côi cút, cửa nhà lạnh lẽo nên nàng năm lần bảy lượt hiện về báo mộng cho Phạm Công kết hôn cùng Tào Thị.
“Có người dòng dõi lễ thi
Tên là Tào Thị dung nghi dịu dàng
Khen thay giá đáng ngàn vàng
Gặp cơn gia biến nhỡ nhàng bao phen
Hái rau ngoài nội nghèo hèn
Xin chàng ra đón kết duyên châu trần”.
Chẳng ngờ Tào Thị lại là con người lòng lang dạ sói. Trước khi Phạm Công vâng lệnh vua lên trấn thủ Cao Bằng, nàng ta còn thề thốt:
Tào Thị ngồi khóc nỉ non:
“Thiếp xin nuôi đỡ hai con cho chàng
Dù khi thiếp có phụ phàng
Trên đầu nhật nguyệt hai vầng xét soi”.
Vậy mà chồng vừa đi khỏi chưa lâu, Tào Thị đã ghen ghét đoạ đày hai đứa trẻ, lại còn giở thói gian dâm. Chuyện bị bé Nghi Xuân phát giác, mụ ta chẳng những không xấu hổ hối hận, mà còn giở giọng “vừa ăn cắp, vừa la làng”, đuổi hai đứa bé đi ăn mày.
Tào Thị hét: “Lũ trẻ ranh
Chúng bay gán ghép tội tình cho tao
Nuôi ong tay áo mãi sao
Khôn hồn liệu kiếm đường nào xéo đi”.
Hai đứa bé mất mẹ, rời cha thật đáng thương nhường nào! Tào Thị còn làm ác thêm một bậc nữa: mụ ta cấm dân quân trong vùng không ai được bố thí đồ ăn thức uống cho Tiến Lực và Nghi Xuân, ai dám cưu mang hai đứa trẻ sẽ bị cắt lương, chém đầu. Người dân quanh vùng căm giận nghiến răng, rưng rưng nước mắt nhưng khiếp sợ không làm gì được.
Ta tự hỏi, cớ chi một người phụ nữ “dòng dõi lễ thi”, “dung nghi dịu dàng” như Tào Thị lại vụt biến thành mụ đàn bà gian ác?
Quay trở lại thời gian Phạm Công mới cưới Tào Thị, chàng chẳng có lòng dạ nào vui duyên mới vì một lòng thương nhớ Cúc Hoa:
Tưởng đâu trạng có đèo bòng
Ấm êm chăn gối thong dong mọi bề
Đâu ngờ chểnh mảng sớm khuya
Thu qua đông lại không hề trăng hoa.
Nói như vậy, Tào Thị là vì bị chồng lạnh nhạt nên mới gian dâm ư? Là tội của Tào Thị có lý do biện bạch được ư? Ta hãy thử so sánh với nàng Cúc Hoa: Khi Phạm Công, Cúc Hoa mới làm lễ ăn hỏi được mấy ngày thì mẹ của chàng lên cơn bệnh nặng. Phạm Công chẳng có lòng dạ nào nghĩ chuyện trăm năm, bèn xin hoãn việc cưới xin, thì cụ bà khuyên con chuyện nhân duyên không nên chờ đợi, mẹ 80 tuổi rồi sống chết đâu còn quan trọng nữa. Phản ứng của Cúc Hoa khi ấy thế nào?
Cúc Hoa cũng thấy bàng hoàng:
“Tâm thành thì được trời ban phúc mà
Xin chàng gác chuyện nguyệt hoa
Trăm năm kết tóc duyên ta vội gì”
Phạm Công một dạ kiên trì
Mười hôm ròng rã không hề gió trăng
Đêm ngày cầu khấn quỷ thần
Nhưng không ngăn được người thân lìa đời
Phạm Công vật vã kêu trời:
“Mẹ con chưa được thảnh thơi ngày nào
Trời ơi trời ở trên cao
Liệu trời có thấu nỗi đau bời bời
Mẹ con đói khổ một đời
Con nay mát mặt thì Người xa con”
Cúc Hoa hiếu nghĩa sắt son
Tóc mây chấm đất cắt còn ngang vai.
Tiếp đó, suốt ba năm để tang mẹ, Phạm Công không màng chuyện chăn gối, Cúc Hoa thương mẹ, thương chồng cũng không lấy đó làm phiền. Mãi tới khi mãn tang, chiếc xuyến vàng cuối cùng mẹ đẻ cho nàng từ ngày cưới đã phải mang đi bán, nàng mới giãi bày cùng Phạm Công:
Việc nhà mặc thiếp ra tay
Xin chàng cứ học cho hay muôn phần
Khen chàng hiếu trọng tình thâm
Ba năm tang chế toàn nằm giường không
Chịu chàng lòng dạ kiên trung
Chỉ lo vô hậu ngại ngùng mai sau
Vợ chồng tình nghĩa dài lâu
Trăm năm gắn bó trước sau thuận hòa.
Và rồi:
Tình chồng nghĩa vợ mặn mà
Chưa đầy ba tháng nàng đà mang thai.
Từ đó thấy rằng, “hiếu trọng tình thâm” là phẩm chất đáng quý của Phạm Công, Cúc Hoa hiểu điều ấy, ngợi khen điều ấy. Mẹ của Phạm Công đói khổ một đời, tới khi chàng được hưởng phú quý thì bà tạ thế, chàng nhớ ân nghĩa mẹ mà không thiết chuyện gối chăn. Còn Cúc Hoa, nàng cùng chàng đồng cam cộng khổ, tiểu thư khuê các nhưng nàng chẳng ngại cảnh nghèo hèn, báo hiếu cha mẹ chồng, một mình sinh con, nuôi con chờ chồng lai kinh ứng thí. Tới khi chàng công thành danh toại, cùng nhau hưởng phúc chẳng được bao lâu nàng đã lìa trần, Phạm Công đau xót biết bao! Nhớ ân nghĩa của nàng nên chàng đâu màng chuyện trăng gió. Nếu Tào Thị cũng là người có nhân có nghĩa, hiểu đạo lý “hiếu trọng tình thâm”, thì khi thời gian thử thách qua đi, ân nghĩa vợ chồng mới thật đậm đà gắn bó. Tiếc thay, Tào Thị bị dục vọng che mắt, không thể chịu khổ, không hiểu đạo lý, nên mới gây nhiều tội ác.
Về sau, khi Phạm Công biết chuyện, chàng cư xử có nghĩa có nhân, không trả thù Tào Thị, vì: “những đứa sai ngoa/ Đã có thiên địa mấy toà xét soi”. Chàng chỉ lẳng lặng chong đèn làm sớ, bảo Tào Thị thu xếp về nguyên quán, chia đôi của cải bạc vàng, nàng tùy chọn lấy mà mang đi cùng. Sự bao dung của Phạm Công khiến Tào Thị vô cùng xấu hổ. Phạm Công dung tha Tào Thị, nhưng Trời Đất không dung tha, lời thề đã thốt ra phải được thực hiện. Vậy nên:
Dường như Trời ở đâu đây
Nàng đi vừa tới gần cây đa làng
Chớp lòe sét đánh tan hoang
Thân trơ chết cứng giữa đàng ai hay
Thiên lôi trở lại tầng mây
Hổ lang bèn đến chốn này tha đi…
Người xưa nói: “Bách thiện hiếu vi tiên, Vạn ác dâm vi thủ”. Nếu như nết hiếu đứng đầu trăm điều thiện, thì tà dâm là tội ác đứng đầu vạn tội ác. Một người sinh niệm tà dâm, tâm trí sẽ trở nên mê muội, để thoả mãn dục vọng của mình mà tự tìm lý do, không màng đạo nghĩa. Phạm tội tà dâm, để bảo vệ bản thân có thể làm thêm nhiều điều thương thiên hại lý, như nói dối, ăn cắp, giết người… Ngày nay, những thứ tà dâm nhan nhản khắp phim ảnh báo đài, ngoại tình không bị pháp luật trừng trị, một số nơi còn hợp pháp hóa mại dâm. Luật của người cho phép, nhưng luật của Trời không cho phép. Khi hồn Phạm Công du địa phủ tìm Cúc Hoa, chàng nhìn thấy những cảnh tượng tra tấn, nhục hình rùng rợn như “Đội chậu máu ngồi bàn chông/ Vạc dầu sùng sục lửa hồng liếm quanh”, tội nhân đều là những kẻ khi sống phạm điều ác, trong đó rất nhiều là tội tà dâm, như bỏ trai theo chồng, có hoang thai, sư sãi giả tu háo sắc, v.v… Cùng với việc Tào Thị bị sét đánh chết, đây chính là lời cảnh cáo dành cho con người vậy.
“Phạm Công – Cúc Hoa”: Thiên tình sử khuyến thiện, trừng ác ẩn chứa nội hàm tu luyện
“Phạm Công – Cúc Hoa” là thiên tình sử giữa chàng Phạm Công và nàng Cúc Hoa hiếu nghĩa vẹn toàn, câu chuyện của họ trải dài từ thiên thượng tới nhân gian, rồi xuống cả âm tào địa phủ. Vượt trên chuyện tình yêu đôi lứa thường tình, “Phạm Công – Cúc Hoa” là tuyệt tác văn chương có tác dụng khuyến thiện, trừng ác, làm sáng tỏ đạo lý “thiện ác hữu báo” mà cả Phật gia, Đạo gia và Nho gia đều giảng dạy. Cúc Hoa vốn là công chúa con Diêm Vương, Phạm Công vốn là thái tử con Ngọc Hoàng, họ đầu thai xuống trần gian để diễn dịch cho con người nội hàm của đạo hiếu, đạo phu thê, đạo làm người. Trải qua rất nhiều cực khổ, khảo nghiệm sống chết, Phạm Công đã thành tựu cốt cách của bậc chí nhân, chí nghĩa, chí thành. Đó phải chăng là con đường tu luyện, “phản bổn quy chân”, trở về thiên giới mà lịch sử đã lưu lại cho hậu thế?
Thanh Ngọc