Sắp đến rồi, sắp đến rồi! Quạ đen bay kín trời, sấm sét đã xé toang màn đêm, cổng chào hình rồng lớn cũng đổ về phía tây, điềm báo “Trời diệt ác long” đang cận kề. Bạn biết chăng, xuyên qua màn đêm có người đang vì bạn mà đến…

Đó là một mùa xuân hẹn ước. Nơi ấy nhìn lên là triền núi xanh xanh, nhìn xuống là mặt hồ thăm thẳm, xung quanh là ngàn vạn cánh anh đào phơn phớt bay bay. Vẻ đẹp bồng lai ấy là để trải thảm cho một lời hẹn ước, một lời hẹn ước có từ rất xa xưa.

Thệ ước 

Tương truyền, mỗi khi vườn đào chín thì Tây Vương Mẫu lại mở yến hội Dao Trì mời các vị Thần Tiên đến thưởng thức. Nhưng có một lần hơn ba ngàn trái bàn đào đã chín mà cung Dao Trì lại vắng vẻ lạ thường, ngay cả Vương Mẫu nương nương cũng không có mặt. Thì ra, Vương Mẫu cùng với các vị Tiên nhân đều đã đến điện Linh Tiêu để tham dự thịnh hội của Ngọc Hoàng.

Ẩn hiện giữa làn mây bồng bềnh, những mái ngói lưu ly ánh lên màu vàng kim rực rỡ. Cổng Thiên Môn nổi bật với hai hàng thiên trụ gồm hai mươi tám cột trụ trời tượng trưng cho nhị thập bát tú, cao chót vót xuyên qua các tầng mây. Từ đây mở ra một con đường trải dài bằng ngọc bích, hai bên là hồ sen thánh khiết, lan tỏa ra xung quanh thứ hương thơm dịu nhẹ và thanh tịnh vô cùng. Con đường ấy dẫn tới Ngọc Hư Cung, tòa kiến trúc với hai bên tả hữu là Lôi Âm Cổ Đài và Bạch Ngọc Chung Đài, chính giữa là điện Linh Tiêu nguy nga, lộng lẫy. Tại đây, các vị Thần Tiên đang thịnh hội.

Trong điện Linh Tiêu, Ngọc Hoàng ngự trên ngai rồng, toàn thân tỏa ra ánh hào quang lấp lánh. Ngài dõng dạc nói: 

– Các vị Tiên gia, thật thứ lỗi vì đã khiến các vị phải lỡ tiệc bàn đào. Nhưng “một ngày phương trời, nghìn năm mặt đất”, vì sự an nguy của chúng sinh dưới hạ giới, Thần Tiên chúng ta không thể chậm trễ dù chỉ là một khắc. Bởi vậy, trẫm đã ra lệnh dừng yến tiệc Dao Trì để mời các vị Tiên gia tới đây ngày hôm nay.

Ngọc Hoàng nói rồi đưa mắt nhìn quanh các vị Thần đến từ khắp 33 tầng trời. Thái Bạch Kim Tinh bước lên chắp tay nói:

– Thưa Thượng Đế, chẳng hay dưới hạ giới sắp xảy ra chuyện gì mà can hệ tới an nguy của chúng sinh?

Ngọc Hoàng đáp, giọng ngài trầm xuống: 

– Hẳn các vị Tiên gia vẫn còn nhớ, con Xích Long vì mạo phạm thiên đình nên bị đày xuống trần, nhốt trong động không đáy. Nay nó đã vượt ngục và đang tác oai tác quái dưới hạ giới, mê hoặc chúng sinh, khiến chúng sinh trong vô minh mà hành ác. Con ác long biết bản thân nó sẽ bị tận diệt, nên mới nham hiểm kéo theo cả nhân loại phải chịu chết cùng mình. Tội nghiệp dưới nhân gian giờ đây đã chất chồng như núi, đâu đâu cũng cuồn cuộn một màu đen nghiệp lực, ta xem kiếp số của nhân loại sắp tận, không tránh khỏi đại đào thải đang cận kề.

Dứt lời, ngài cho gọi hai vị Thần là Thưởng Thiện và Phạt Ác mang chiếc gương nhân quả tới đặt vào chính điện. Mặt gương được che phủ bởi làn sương mờ ảo, khi lớp sương dần tan, cảnh tượng xuất hiện giống như một thước phim tua nhanh về ngày tận thế: Dịch bệnh đang hoành hành khắp thế gian, khắp nơi bao phủ một màu bi thương tang tóc. Con người ta chạy đâu cũng không tìm được lối thoát: dẫu trốn trên lầu cao gác tía, chui xuống cung điện ngầm dưới đất, hay mặc áo phòng hộ khắp thân, hoặc thậm chí là tẩu thoát đến ‘xứ sở thiên đường’… thì bệnh độc vẫn cứ bám theo họ. Con người trong hoảng loạn mà giẫm đạp lên nhau, giày xéo lên nhau, tàn hại lẫn nhau, giành giật nhau thứ mà người ta tin là ‘chút cơ hội cuối cùng’. Khi đại nạn qua đi, cả thế gian chỉ còn lác đác một ít người sống sót. Họ len lỏi qua những thi thể đang chất chồng như núi, gạt nước mắt bắt đầu lại từ đầu…

Dòng lệ của chúng sinh tuôn rơi, và dòng lệ của các vị Thần cũng ướt nhòa mi mắt. Cả điện Linh Tiêu lặng lẽ như một bức tranh, trong lòng ai ai cũng chất chứa nỗi xót xa vô tận.

Lúc ấy, một vị Đạo Thần lên tiếng:

– Muôn tâu Thượng Đế, thần được biết chúng sinh vì mê muội tin theo Xích Long nên mới chịu tội nghiệp. Vậy nếu như có người giúp họ thức tỉnh, phân biệt được chính tà, nhận rõ bộ mặt giả dối và tàn ác của Xích Long, từ đó mà bỏ ác theo thiện, thì họ có thể tránh khỏi kiếp nạn này hay không? 

Ngọc Hoàng mỉm cười đáp:

– Trời không tuyệt đường người, chỉ cần chúng sinh minh bạch chân tướng về ác long thì ắt sẽ được Thần bảo hộ, chư Phật của thế giới mười phương đều sẽ ban phúc cho người ấy. Chỉ có điều…

Vị Đạo Thần chắp tay vội nói:

– Xin Thượng Đế khai thị?

Ngọc Hoàng khẽ gật đầu:

– Chỉ có điều, Xích Long có sức mê hoặc rất lớn. Nó biết dùng lợi ích để dụ dỗ người ta đi theo nó, biết tô vẽ bản thân để người ta tin tưởng nó, tôn thờ nó, lại khéo dùng miệng lưỡi bịa đặt để đổi trắng thay đen, đến khi tội ác bị phơi bày nó lại hô biến tìm con dê thế tội. Người ở trong mê thật đáng thương làm sao, bị nó đày đọa đến thân tàn ma dại mà vẫn còn ca ngợi nó, tin theo nó…

Đạo Thần nghe nói vậy vội vàng quỳ xuống:

– Muôn tâu Thượng Đế, thần không thể đứng nhìn chúng sinh chịu nạn. Mong Thượng Đế chuẩn y, thần nguyện xin được hạ thế để thức tỉnh con người. 

Chư Thần, chư Tiên khắp các tầng trời cũng đồng loạt quỳ xuống, cả điện Linh Tiêu vang vọng lời khẩn cầu tha thiết: “Thần xin được hạ thế”, “Thần cũng xin cùng hạ thế”…

Ngọc Hoàng trầm ngâm trong giây lát, bởi ngài hiểu rằng thế gian là nơi hiểm độc, chỉ có đường đến mà không có đường về. Một vị Thần dẫu vĩ đại đến đâu, hễ tiến vào hạ giới đều phải trút bỏ lớp hào quang thần thánh, mang thân xác của một kẻ phàm nhân mà hành sự. Chìm nổi giữa hồng trần, liệu các vị Thần có mê lạc hay chăng, còn có thể trở về nữa hay chăng? 

Thái Bạch Kim Tinh dường như hiểu được nỗi băn khoăn của Ngọc Đế, bèn hỏi:

– Xin Thượng Đế khai thị, nhân gian đầy mê hoặc như vậy, làm thế nào các vị Tiên gia có thể giúp chúng sinh tìm ra chân tướng?

Ngọc Đế vuốt chòm râu và gật đầu nói:

– Câu hỏi rất hay! Ta thấy chúng sinh sẽ phải hứng chịu trận ôn dịch khủng khiếp chưa từng có. Đại đào thải này quả thực giống như đất nứt trời sập, ôn dịch chỉ trong khoảnh khắc là đến, trong khoảnh khắc tất cả chẳng còn gì, khiến con người bàng hoàng sửng sốt, muốn trở tay mà không thể làm gì. Đến lúc này họ mới nhận ra bộ mặt thật của ác long thì đã không còn kịp nữa rồi. Vậy nên các vị Tiên gia, nếu muốn cứu độ chúng sinh thì chỉ có thể thức tỉnh họ trước khi kiếp nạn bắt đầu. Dẫu rằng… điều này quả thực là khó đấy, quả thực là khó đấy! Đương lúc thái bình mà bảo người ta đừng chạy theo danh lợi, đừng tin theo kẻ mang cho họ miếng mồi ngon lợi ích… thì dường như không thể!

Vậy phải làm sao đây? Ngọc Hoàng trầm ngâm một lát rồi nói tiếp:

– Để trợ giúp các vị Tiên gia hạ thế lần này, thiên thượng cũng an bài để chúng sinh giác ngộ. Trong lịch sử đông tây kim cổ sẽ có nhiều Thánh nhân tiên tri về ngày tận thế, một mạch cho đến khi kiếp nạn sắp bắt đầu rồi lại có dị tượng thiên ngôn để cảnh tỉnh thế nhân. Hơn thế nữa, ta sẽ phái hai vị Thưởng Thiện và Phạt Ác theo bảo hộ cho chư vị.

Lúc ấy, Vương Mẫu nương nương bước ra từ hậu điện và đảnh lễ với các vị Thần:

– Hôm nay chúng ta thịnh hội ở đây quả thực là cơ duyên hiếm có. Đến lúc hạ thế rồi, chỉ e rằng có người mê lạc, lỡ bước chẳng trở về. Đến lúc ấy liệu ai dám chắc tất cả còn hội ngộ nữa hay chăng? Vậy nên trong lúc đông đủ thế này, mong các vị hãy cùng hẹn ước, nắm tay nhau giữa hồng trần cuồn cuộn, ai còn nhớ thệ nguyện xin hãy thức tỉnh người đang trong mê lạc, nhắc nhở nhau cùng tinh tấn trở về…

Ngậm ngùi một lát, Vương Mẫu nói tiếp:

– Yến hội Dao Trì năm nay đành lỡ hẹn, trái bàn đào đã bày sẵn trên bàn rồi, vậy mà… Thế này đi, ta sẽ gieo những trái đào này xuống hạ giới, để nơi ấy xuất hiện vườn hoa anh đào tịnh khiết. Qua lịch sử đằng đẵng, đời này sang đời khác, vườn anh đào sẽ ở đó chờ đến ngày các vị Thần hoàn thành thệ ước, tẩy sạch lớp bụi trần ô trọc, khoác áo choàng trắng cùng hồi thiên.

Vương Mẫu nương nương vừa dứt lời, các tiên nữ vâng lệnh mang bàn đào rải xuống trần gian, thiên đình cũng tấu lên khúc nhạc tiễn đưa chư Thần Tiên hạ giới. 

Ảnh minh họa: Shutterstock.

Ngụp lặn giữa hồng trần

Gió cuốn đi tháng năm dài mờ mịt, các bậc Tiên gia đã cùng nhau hạ thế, luân hồi qua bao kiếp bao đời. Trong lịch sử đằng đẵng ấy, có vị đóng vai Thánh giả, cao tăng, cùng khai sáng các pháp môn tu luyện, để con người biết thế nào là Phật, Đạo, thế nào là Thần, Tiên. Lại có vị đóng vai vương tôn, quý tộc, văn nhân, võ tướng, thậm chí cả những vai cường giả, đạo tặc, đặt định cho con người khái niệm về thiện và ác, chính và tà, chân hay ngụy, thật hay giả, tốt đẹp và xấu xa…

Ngụp lặn giữa hồng trần, nghìn năm nhân thế, nghìn năm luân hồi, đã có biết bao nhiêu hỷ nộ ai lạc, ân oán tình thù, mừng vui lúc hội ngộ, buồn tủi lúc chia lìa. Nụ cười của bấy nhiêu ngàn năm, nước mắt của bấy nhiêu ngàn năm, hết thảy chỉ là để chờ đợi đến giây phút cuối cùng. 

Từ trên thiên giới, hai vị Thần Thưởng Thiện và Phạt Ác cùng vén mây nhìn xuống. Thần Thưởng Thiện nói:

– Lịch sử bước đến ngày hôm nay, quả thật chẳng dễ dàng gì. Mạt Pháp mạt thế, đạo đức thế gian đã bại hoại nhường ấy, thời khắc cuối cùng cũng sắp đến rồi.

Thần Phạt Ác tiếp lời:

– Đúng vậy, chúng ta cần nhanh chóng khải ngộ cho các vị Tiên gia, để họ mau mau thức tỉnh chúng sinh trong mê hoặc.

Hai vị Thưởng Thiện và Phạt Ác đã khải ngộ các Tiên gia như thế nào? Đó là câu chuyện dài mà chúng ta sẽ không tiện nhắc đến. 

Vậy hãy nói về con rồng ấy. Sau một ngàn năm ẩn mình trong bóng tối, giờ đây nó đã trỗi dậy, biến mặt đất trở thành ‘thiên đường hành ác giữa nhân gian’. Nó đã xây dựng vương triều, thống lĩnh thiên hạ, làm bại hoại đạo đức nhân luân, hủy diệt hết thảy những giá trị văn minh tinh thần mà thiên thượng đã an bài cho nhân loại. 

Nếu Thần dạy con người biết “kính Thiên tri mệnh”, tin vào Thần Phật, hành sự theo Thiên ý, thì nó lại cổ vũ con người phản thiên, phản địa, coi vô Thần luận là chân lý. Nếu Thần giảng “thiên nhân hợp nhất”, dạy con người biết coi trọng sự hoà hợp giữa người và trời, sống thuận theo tự nhiên, thì nó lại rao giảng về bạo lực đấu tranh, coi đấu trời, đấu đất, đấu người là niềm vui bất tận. Nếu như Thần nhấn mạnh về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, thì nó lại xúi giục con người coi nhau như kẻ địch, đối đãi với nhau bằng gian xảo, dối trá, lọc lừa, dùng lợi ích để tà biến nhân tâm, khiến ai ai cũng đồng dạng như quỷ dữ. 

Chúng sinh đang bị Xích Long mê hoặc, vậy làm sao để thức tỉnh con người? Con rồng cho người ta tất cả những gì họ muốn: quyền lực, mỹ nữ, kim tiền, thậm chí cả viễn cảnh trần gian… Nhưng các vị Tiên gia đang hành sự nơi nhân thế, họ có gì? Chẳng có gì ngoài hai chữ: Sự Thật. Nên mới nói, đánh thức người trong mê thật gian khó nhường nào.

Trên bầu trời cao xanh vời vợi, hai vị Thần Thưởng Thiện và Phạt Ác lại vén mây nhìn xuống. Thần Thưởng Thiện thở dài:

– Đại nạn sắp đến rồi, vậy mà chúng sinh vẫn chưa tỉnh ngộ!

Thần Phạt Ác gật đầu:

– Tiên gia nói chí phải! Ta đã giáng sấm sét xuống vách đá Bình Đường để thế gian nhận ra ‘tàng tự thạch’, từ đó mà thấy trước kết cục của ác long. Ta còn tạo địa chấn trên núi Thái Bạch để lộ ra lời tiên tri trên bia ký. Nhưng chúng sinh quá ư ngu muội, lại còn cười ha ha trước những lời cảnh báo của Thần. Mà nào chỉ thế thôi đâu, biết bao dự ngôn trong lịch sử thảy đều triển hiện nơi cõi người. Vấn đề là họ có tin hay không, hay vẫn cực lực cho đó là mê tín.

Thần Thưởng Thiện nói:

– Đáng thương, đáng thương, họ đã chịu độc hại quá sâu rồi.

Thần Phạt Ác tiếp lời:

– Cũng đáng thương cho các vị Tiên gia của chúng ta, họ đã gánh chịu rất nhiều. Vì thế nhân mà phải phiêu bạt tứ phương, đối diện với sinh tử cũng chỉ có thể nuốt nước mắt vào lòng.

Dứt lời, hai vị Thần phóng thiên nhãn xuyên qua các tầng không cùng nhìn xuống hạ giới.

Dưới trần gian, chư vị Tiên gia vẫn không quản ngày đêm đem chân tướng thức tỉnh chúng sinh. Họ đã trải qua ngàn vạn đắng cay, nỗi khổ ấy lớn nhường nào? Không bút nào tả xiết! Chỉ biết rằng cho đến khi kiếp nạn sắp bắt đầu, vẫn còn rất nhiều chúng sinh tin theo lời dối trá…

Hy vọng cuối cùng

Trong đêm tối, lại thêm một cánh cửa đóng sầm lại, từ bên trong phát ra lời từ chối lạnh lùng. Vị Đạo Thần năm xưa trong dáng vẻ bình thường của một người phàm tục lại tiếp tục cuộc hành trình đằng đẵng, trong lòng anh khẽ hát:

“Đáng sợ hơn ôn dịch là những lời dối trá
(Quan) ca múa thái bình, (dân) xương trắng như núi.”

“Chúng ta đi qua cái chết 
Nuốt nước mắt vào lòng
Mây mù che phủ Trường Giang, hoàng hạc bay chẳng thấy
Ma quỷ uy hiếp lời thề sắt son
Ai đang cứu độ, ai đang gạt người?”

Anh ngước nhìn bầu trời sao lấp lánh, rồi nhìn xuống tờ chân tướng – thông điệp của sự thật, thông điệp thiện lương. Ánh trăng tròn vằng vặc soi sáng con đường phía trước như chiếu tỏ lòng anh, người thanh niên nắm chặt tay tự nhủ:

– Chúng tôi ở đây là vì các bạn, vì các bạn mà đến thế gian này. Cơ duyên từ vạn cổ chỉ có một lần thôi, xin bạn đừng nghe những lời thị phi mà bỏ lỡ. Vì để mang sự thật này đến với bạn, chúng tôi sẽ làm tất cả. Bạn yêu ca nhạc, tôi sẽ hát. Bạn thích hội họa, tôi sẽ vẽ tranh. Bạn say sưa vũ múa, tôi sẽ biểu diễn trên khán đài. Bạn đam mê văn thơ, tôi sẽ viết truyện, sẽ làm thơ. Bạn thích lướt Web, thích đọc Face, tôi sẽ làm ký giả… Chỉ mong rằng, trước khi kiếp nạn đến, bạn có cơ duyên nghe được chân tướng này.

Từ trên cao tầng, Thần Thưởng Thiện và Phạt Ác dường như cũng đang nhỏ lệ. Hai vị nhìn nhau không nói, nhưng trong lòng họ ai cũng hiểu. Sắp đến rồi, sắp đến rồi, quạ đen bay kín trời, sấm sét đã xé toang màn đêm, cổng chào hình rồng lớn cũng đổ về phía tây, điềm báo “Trời diệt ác long” đang đến rồi. Hỡi chúng sinh, kiếp nạn đang cận kề, thời gian sẽ không đợi người, xin hãy mau mau tìm chân tướng!

Ánh trăng vẫn sáng trong vằng vặc, dẫn bước cho người thanh niên trên đường. Đi qua ác mộng mùa đông này sẽ là một mùa xuân rực rỡ. Nơi ấy dưới triền núi xanh xanh vẫn có rặng anh đào đang ngóng đợi…

Video: Con đường sáng cho một sinh mệnh lạc lối

videoinfo__video3.dkn.tv||80ded07bb__