Có thể bạn cho rằng công chúa là bậc nữ nhi cành vàng lá ngọc, mỹ lệ yêu kiều. Nhưng trong lịch sử lại có một nàng công chúa là anh hùng chinh chiến nơi sa trường. Đó chính là công chúa Bình Dương Chiêu, chị gái của “Thiên cổ nhất đế” Đường Thái Tông.

Câu chuyện bắt đầu từ khi cha của công chúa Bình Dương là Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh ở Thái Nguyên. Đó là năm 617, khi vợ chồng Bình Dương công chúa đang ở kinh thành Trường An thì nhận được tin cha dấy binh khởi nghĩa. Chồng nàng là Sài Thiệu, một một bậc nam nhi nhiệt huyết, về sau trở thành một trong 24 công thần được vẽ chân dung trên Lăng Yên Các. Lúc ấy Sài Thiệu rất muốn đi trợ giúp nhạc phụ, nhưng lại không nỡ bỏ mặc vợ ở nhà một mình.

Sài Thiệu nói với Bình Dương rằng: “Nhạc phụ khởi binh dẹp loạn thế, ta rất muốn tham gia đội quân của cha. Nhưng ta không có cách nào cùng nàng rời khỏi kinh thành được, mà để nàng ở lại một mình ta sẽ rất lo lắng cho an nguy của nàng. Trong lòng ta vô cùng khó xử, phải làm thế nào đây?”.

Công chúa Bình Dương nói: “Chàng cứ yên tâm mau chóng rời đi. Thiếp là phụ nữ, gặp nguy hiểm cũng dễ bề trốn tránh, lúc ấy thiếp tự sẽ có biện pháp”.

Sài Thiệu lúc này mới yên tâm lên đường đến Thái Nguyên.

Công chúa Bình Dương liền cải trang thành nam nhi, trở về trang viên của nhà họ Lý bán hết tất cả gia nghiệp. Sau đó nàng lặng lẽ chiêu binh mãi mã ở vùng Quan Trung, mở rộng lực lượng nghĩa quân. Chỉ trong vòng 3 tháng, công chúa đã lập ra được đội quân 4-5 vạn người, triều đình nhà Tùy biết được bèn kéo đến bao vây tấn công. Công chúa Bình Dương liền xung phong làm tướng dẫn quân tác chiến với binh lính nhà Tùy. Với võ nghệ và mưu trí của mình, công chúa đã đánh bại quân Tùy, liên tiếp chiếm được rất nhiều thị trấn vốn là những cứ điểm quân sự trọng yếu, lập được đại công. Nhờ đó, Đường Cao Tổ mới có thể thuận lợi tiến quân vào Quan Trung, đoạt kinh thành Trường An.

Với võ nghệ và mưu trí của mình, công chúa đã đánh bại quân Tùy. (Ảnh minh họa: dkn.tv)

Nghĩa quân của công chúa lập được chiến công hiển hách, kỷ luật nghiêm minh, được bách tính yêu mến. Sau này mọi người biết tướng quân vốn là phụ nữ, nên ai ai cũng kính trọng tôn xưng nàng là Lý Nương Tử, và gọi đội quân của nàng là Nương Tử Quân. Sử sách cũng ca ngợi nàng là: “Dẫn quân 7 vạn, uy chấn Quan Trung”.

Trước khi quân Đường tấn công thành Trường An, công chúa Bình Dương lựa chọn một vạn tinh binh rồi hội quân cùng với quân đội của em trai là Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Sau đó nàng và Sài Thiệu mỗi người dẫn một cánh quân cùng gia nhân kề vai sát cánh tác chiến, nhanh chóng hạ được thành Trường An. Năm 618, Đường Cao Tổ xưng đế, cho phép công chúa Bình Dương trấn thủ Vỹ Trạch Quan phía tây núi Thái Hành, bảo vệ kinh thành Trường An.

Một lần có quân phản loạn đến xâm phạm, vì binh lực không đủ nên công chúa Bình Dương phải một mặt cầu viện, một mặt dẫn đội binh Nương Tử Quân gia cường bố trí phòng ngự. Nàng nghĩ ra một diệu kế, đó là lệnh cho quân dân thu hoạch ngũ cốc, bắc bếp nấu thật nhiều cháo, ngay trong đêm ấy đem toàn bộ cháo đổ xuống khe rãnh bên ngoài.

Hôm sau quân phản loạn đến tấn công, thấy cháo ở các khe rãnh chúng tự hỏi có phải quân chi viện đã đến hay không, do đó không dám phát động tấn công. Đây chính là truyền kỳ “nấu cháo đẩy lui quân địch” được lưu truyền trong dân gian. Như vậy, công chúa Bình Dương đã diễn một vở ‘Không thành kế’ đặc sắc khiến quân địch phải e dè. Vỹ Trạch Quan do công chúa Bình Dương trấn thủ sau đó đã được đổi tên thành Nương Tử Quan.

Vì công chúa Bình Dương lập nhiều chiến công, nên mỗi lần ban thưởng đều được nhận phần vượt xa các công chúa khác. Nhưng đáng tiếc là, một vị công chúa tài năng như thế lại sớm qua đời vào năm thứ 6 khi triều Đường mới sáng lập. Đường Cao Tổ đau buồn đã quyết định dùng nghi lễ quân đội để an táng nàng. Có người cho rằng điều ấy không hợp với phép tắc lễ nghi, nhưng Đường Cao Tổ quả quyết: “Trước đây công chúa Bình Dương luôn luôn ra trận giết giặc, bàn mưu hiến kế, từ cổ xưa đến nay đâu có kỳ nữ như thế này? Ta dùng lễ nghi quân đội an táng công chúa, có gì là không được?”.

Khi Bình Dương công chúa qua đời, Đường Cao Tổ dùng nghi lễ quân đội để an táng nàng. (Ảnh minh họa: wikipedia.org)

Vào ngày an táng, lễ tang của công chúa đã phá cách tăng thêm đội nghi trượng “ban kiếm” (đội quân kiếm) và “cổ xúy” (đội quân nhạc kèn trống). Ngoài ra, theo quy định của Thụy pháp là “Minh đức hữu công viết chiêu”, nghĩa là “Người có đức sáng ngời lại có công lao lớn thì được thụy phong là Chiêu”, công chúa Bình Dương cũng có chữ Chiêu làm thụy hiệu, trở thành công chúa đầu tiên triều Đường có thụy hiệu.

Công chúa Bình Dương khi sống nổi tiếng bởi chiến công, khi kết thúc cuộc đời lại được tiễn đưa trong nghi lễ quân đội. Thế nên, nhiều người không gọi nàng là công chúa, mà ca ngợi nàng bằng cái tên “Nữ Chiến Thần” phò tá Đại Đường.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Nam Phương biên dịch