Văn hóa truyền thống được người xưa coi như món quà do Thần lưu lại cho con người, từ các bài học giáo huấn trong lịch sử, trang phục, lễ nghĩa cho đến chữ viết đều do Thần cố ý để lại cho con người. Vì thế đằng sau mỗi chữ tượng hình còn lưu lại tới ngày nay là những ý nghĩa vô cùng thâm sâu về đạo lý làm người.
Chữ “đức” ý nghĩa chỉ đạo đức, phẩm hạnh, phẩm chất, tấm lòng. Nếu là người yêu thích Hán tự và từng tìm hiểu về ý nghĩa các bộ, chữ thì bạn hẳn đã từng nghe câu:
“Chim chích mà đậu cành tre
Thập trên tứ dưới nhất đè chữ tâm”
Đó chính là để tả chữ “đức”德”, bởi nó được ghép bởi bộ “彳”, bên cạnh là “十” (số mười), chữ “目” (con mắt), chữ “一” (số một) và chữ “心” (tâm, trái tim).
Bộ xích (彳): ý chỉ những bước chân chậm rãi, từ từ, thong thả, trường kì. Bộ “彳” (xích) trong chữ “德” (đức) có thể hiểu là muốn tu dưỡng “đức” cần dùng thời gian để rèn luyện mà tu sửa bản thân, chậm rãi mà chắc chắn, đều đặn và trường kỳ ắt thành.
Rèn luyện tu sửa bản thân ở đây chính là phải chịu mất đi các chủng dục vọng, ham muốn cá nhân. Muốn “được” thì phải “mất”, phải “xả” bỏ những nhân tâm xấu, muốn “được” thì phải cho đi.
Bên phải bộ “彳” (xích) là “thập mục nhất tâm” (十目一心). Đầu tiên là chữ “一” (nhất), một cách thông thường mà dễ hiểu nhất, chúng ta thường coi chữ “一” (nhất) để chỉ con số, nhưng trên thực tế, đây lại là chữ số phức tạp nhất. Trong Thuyết văn giải tự, đây là chữ có nhiều ý nghĩa nhất. Có câu: “Duy sơ thái cực, đạo lập ô nhất, tạo phân thiên địa, hóa thành vạn vật”, (Thái cực, Đạo tối nguyên sơ là được sinh ra từ “nhất”, sau đó tạo nên thiên địa, sinh thành vạn vật), cho nên chữ “一” (nhất) chính là bản nguyên của vạn vật, từ đó mới tạo ra âm dương và sinh ra trời đất. Gạch ngang một cái (一) liền đem trời đất tách phân ra, trên là trời, dưới là đất, mà chữ “十” (thập) ở trên chính là chỉ “Thập phương thế giới, bốn phương tám hướng”.
Ở đây, chữ “德” (đức) rất có ý tứ, phía trên là “thập mục” (十目), “目” (mục – mắt) có nghĩa là trên trời, khắp nơi, bốn phương tám hướng đều có ánh mắt dõi theo. Dưới chữ “一” là chữ “心” (tâm), chỗ này chỉ “nhân tâm”, có nghĩa người trên Trời, hay Thần Phật chỉ nhìn nhân tâm con người. Quá khứ, ông bà, cha mẹ hay nói câu này: “Trên đầu ba thước có thần linh”, “mắt Thần sáng như gươm” cũng chính là nói Thần nhiều vô kể, nếu ta âm thầm làm việc xấu tưởng không ai biết, kỳ thực chính là cả thiên không đang dõi theo từng hành vi, suy nghĩ, lời nói con người. Cổ nhân nhìn nhận việc làm dù có ai nhìn theo hay không, pháp luật đánh giá ra sao thì nếu nó phù hợp với đạo trời mới là “đức” thật sự. Có câu: “Hành thiện tích đức” nhưng lại là “mang tâm cơ làm chuyện tốt, dù tốt cũng không được thưởng, vô tâm làm chuyện xấu, dù xấu cũng không bị phạt”, là bởi Trời chỉ nhìn nhân tâm.
Lão Tử giảng: “Vạn vạn vật tôn theo Thiên Đạo, coi trọng đức”, có nghĩa vạn vật mà ly khai đạo thì không thể sinh, không phải đức thì không thể thành. Thiên địa, người, vạn sự vạn vật trong vũ trụ này có thể sinh trưởng chính là vì luôn tu dưỡng đạo đức. “Đức” là thứ tồn tại không thể sờ, không thể nhìn, nhưng thực sự tồn tại. Cũng chính là câu nói: “Có đức mặc sức mà ăn” mà ông cha ta vẫn thường nói đến.
Cát hung họa phúc của con người có liên quan chặt chẽ với “đức”, có đức thì có phúc, vô đức chính là họa, cũng chính là ý nghĩa chân chính của câu “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân”, ý rằng Trời không thiên vị, thường giúp người lành.
Trong sách cổ Thượng thư – Sách lược Cao Đào giảng về chín đức chính đức tính của thánh nhân: “khoan dung độ lượng, ôn nhu, cẩn thận tỉ mỉ, chính trực, có tài trị quốc, biết lắng nghe, cương trực, dũng cảm, khoáng đạt giản dị” (Khoan nhi lật, nhu nhi lập, nguyện nhi cung, loạn nhi kính, nhiễu nhi nghị, trực nhi ôn, giản nhi liêm, cương nhi tắc, cường nhi nghĩa).
Trong quyển Chu Lễ – Địa Quan, lại có giảng đến 6 phẩm đức: “Tri, nhân, thánh, nghĩa, trung, hòa”, trong đó tri là tri thức, hiểu biết, nhân là nhân nghĩa, thánh là sáng suốt, nghĩa là chính nghĩa, trung là chính trực và hòa là khiêm hòa.
Khổng Tử trong Luận Ngữ giảng: “Nhân, lễ, nghĩa, trí, tín”. Người xưa vô cùng tôn kính trời đất thần linh, có thể tuân giữ đạo đức, vậy nên mới có phẩm đức tốt, phúc phận lớn.
Con người hiện nay thường coi nhẹ đạo đức, nhìn nhận đạo đức một cách nông cạn. Hơn nữa còn cho rằng hai chữ “đạo đức” chỉ là một loại thuyết giáo, vốn không có nội hàm chân thật, chỉ nói ngoài cửa miệng mà thôi. Vậy nên con người ngày nay ngày càng cách xa đạo, thiếu hụt đức, phúc phận mỏng, gặp nhiều chuyện không được như ý.
Trâm Anh
Theo Sound of Hope
Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?