Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Lịch sử Việt Nam đầy ắp những chiến công hiển hách cũng như những vị tướng vĩ đại lưu danh thiên cổ. Thế nhưng thông tin về những loại vũ khí nổi tiếng từng góp phần tạo nên vinh quang ấy thì lại rất rời rạc, ít người biết đến. Loạt bài này sẽ phần nào lý giải những thắc mắc đó. 

Xem thêm: Phần 1

Thuận Thiên Thần kiếm của Lê Thái Tổ Lê Lợi

Kiếm được mệnh danh là vua của trăm loại binh khí có lưỡi, cũng là binh khí tùy thân của các Hoàng đế. Lúc đó nó được gọi là Thượng phương bảo kiếm hay Thiên Tử kiếm, là biểu tượng của vương quyền và hiện thân cho sức mạnh của Hoàng đế. Thanh kiếm của Lê Lợi có tên là Thuận Thiên, nghĩa là thuận theo ý Trời. Tương truyền, người nào có được thanh kiếm ấy sẽ trở thành vua được Trời chọn, mang chân mệnh Thiên tử. 

Lê Thái Tổ, tên thật là Lê Lợi là vị hoàng đế đầu tiên của nhà Hậu Lê – triều đại lâu dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Ảnh dẫn theo wikipedia

Có nhiều truyền thuyết cho rằng đây chính là thanh Thần kiếm mà Đức Lạc Long Quân trao cho Lê Lợi để dẹp giặc. Chuyện kể rằng

Vào thời nhà Minh chiếm đóng Đại Việt, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Lam Sơn, Thanh Hóa chống giặc. Buổi đầu thế lực nghĩa quân còn non yếu, trước thế mạnh và khả năng tổ chức tốt của quân đội nhà Minh, Lê Lợi nhiều lần thất bại. Thấy vậy, Đức Lạc Long Quân quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm Thần để họ giết giặc. Thanh kiếm không đến thẳng với Lê Lợi mà nó được chia làm hai phần, một lưỡi kiếm và một chuôi kiếm. 

Đầu tiên, ở Thanh Hóa, có một ngư dân tên là Lê Thận thả lưới đánh cá ở một bến vắng. Trong cả 3 lần kéo lưới, Thận đều nhặt được một thanh sắt nặng dù đã mấy lần vứt xuống nước. Lấy làm lạ, Thận ghé mồi lửa soi để xem xét, nhận ra là một lưỡi kiếm quý. Sau này, Lê Thận gia nhập quân khởi nghĩa Lam Sơn. Vì lòng dũng cảm của mình, Thận nhanh chóng thăng tiến trong hàng ngũ nghĩa quân. 

Một hôm, Lê Lợi cùng tùy tùng đến thăm nhà Thận. Nhà Thận vốn tối om om, bỗng lưỡi gươm hôm đó chợt sáng rực lên soi sáng cả nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi tiến đến gần cầm lấy xem và nhận ra có hai chữ “Thuận Thiên” (chữ Hán: 順天) khắc sâu vào trong lưỡi. Song tất cả mọi người vẫn chưa nhận ra đó là báu vật. 

Một hôm khi bị quân Minh truy đuổi, Lê Lợi và các tướng chạy tháo thân mỗi người một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông tò mò, liền xuống ngựa trèo lên mới thấy một chuôi gươm nạm ngọc. Chợt nhớ tới lưỡi gươm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi liền rút lấy chuôi giắt vào lưng.

Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các tùy tùng, thuộc tướng gồm cả Lê Thận. Ông lấy lưỡi ra tra thử với gươm, khi lắp lưỡi vào với chuôi thì kỳ lạ thay vừa khớp nhau. Lê Lợi kể lại câu chuyện, mọi người nghe xong đều hồ hởi vui mừng. Lê Thận hai tay nâng gươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi: “Đây là Thần có ý phó thác cho minh công làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem xương da của mình theo minh công và thanh gươm Thần này để báo đền xã tắc!”. 

Thanh gươm Thần với một sức mạnh lạ kỳ giúp Lê Lợi đánh tràn ra, liên tiếp giành chiến thắng, cuối cùng quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi nước Việt. Mấy năm sau, Lê Lợi lên ngôi vua lập ra nhà Lê. Một ngày nọ, nhà vua đeo gươm Thần ngồi thuyền rồng dạo chơi trên hồ Tả Vọng, Thăng Long. Bỗng nhiên thấy thanh gươm động đậy, lại có một con rùa vàng chặn lối, nổi lên và nói: 

“Bệ hạ hoàn gươm lại cho Long Quân!”. 

Nghe thế nhà vua hiểu ra, bèn thò tay rút gươm ra khỏi bao. Chỉ một lát, thanh gươm Thần tự bay về phía rùa vàng. Nhanh như cắt, rùa liền ngước đầu lên, há miệng nhận lấy thanh gươm. Cho đến khi rùa lặn xuống, người ta vẫn thấy có vệt sáng le lói dưới mặt nước hồ xanh. Khi những chiếc thuyền của bá quan tùy tùng đuổi lên kịp thuyền rồng thì vua nói với họ: 

“Đức Long Quân cho chúng ta mượn thanh gươm thần để trừ giặc Minh. Nay đất nước đã thanh bình, người sai rùa lấy lại”. 

Vua Lê Thái Tổ trả gươm Thần cho Rùa vàng trên hồ Tả Vọng Thăng Long sau khi dẹp xong giặc Minh. Ảnh dẫn theo vietnamtourism.info

Từ đó không ai thấy lại thanh gươm Thần nữa. 

Truyền thuyết gươm Thần của Lê Lợi có rất nhiều điểm tương đồng với thanh kiếm Excalibur của vị vua huyền thoại Arthur. Thanh kiếm Excalibur cũng được vua Arthur ném cho tiên nữ dưới hồ nước. Cả hai truyền thuyết đều nhằm nêu lên tính chính thống và được Trời thừa nhận vương quyền của 2 vị vua.

Độc Thần kiếm của Tây Sơn Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc

Đó là thanh cổ kiếm Nguyễn Nhạc tình cờ mua được lúc đi buôn trầu trên thượng nguồn sông Côn. Nguyễn Nhạc đem về tặng cho thầy Trương Văn Hiến. Trương Công biết là một thanh kiếm báu nên đem cất thật kỹ. Khi Nguyễn Nhạc đã xây dựng xong cơ sở chiến đấu, xuống An Thái thăm thầy và vấn kế, Trương Công bèn trao lại thanh gươm để dùng cho đại sự.

Gươm dài hơn sải tay, chém sắt như chém chuối. Lưỡi gươm ra khỏi vỏ, ánh hào quang tỏa ra loá mắt. Người dân tộc vùng Tây Sơn thượng đạo theo Hỏa Thần, tin là thanh kiếm của Thần ban cho nhà vua nên gọi là kiếm Thần, gọi Nguyễn Nhạc là vua Trời. 

Để làm cho lòng người thêm tin tưởng, Nguyễn Nhạc bèn bày ra một vở kịch nhỏ. Nguyên một hôm, Nguyễn Nhạc cùng bộ hạ ở An Khê về đến Hoành Sơn thì con ngựa ông cưỡi bỗng lồng lên, rồi thẳng cổ phi nước đại. Đến chân núi phía trong gò Sặt, cương ngựa bị đứt, Nguyễn Nhạc té nhào xuống đất, trật chân không đứng dậy được.

Đám tùy tùng chạy đến xoa bóp hồi lâu mới bớt. Khi đứng dậy để lên ngựa thì Nguyễn Nhạc chợt thấy chuôi kiếm ló ra nơi vách đá trên sườn núi, sai người lên xem thì là một thanh cổ kiếm, lưỡi sáng như nước. Ai nấy đều mừng là kiếm Trời ban. Vì câu chuyện bắt được kiếm của Nguyễn Nhạc nên núi này được đặt là hòn Kiếm Sơn. 

Nguyễn Nhạc là vị vua sáng lập ra nhà Tây Sơn, ở ngôi hoàng đế từ năm 1778 đến năm 1788, xưng là Thái Đức Hoàng Đế. Ảnh dẫn theo wkipedia.org

Trong ngày khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc lập đàn cáo Trời Đất tại nghẹo Cây Khế nơi đèo An Khê, dưới bóng 2 cây đại thụ: Cây Ké, Cây Cầy. Khi đại quân đến gần đàn tế thì từ trên cây Ké có một con rắn bò xuống, thân lớn bằng cột nhà, sắc đen nhánh như hạt huyền, người đương thời gọi là Ô Long, nằm cuộn nơi đường đi. Quân không dám tiến. Nguyễn Nhạc bèn xuống ngựa tuốt gươm, vái Trời Đất rồi chém bay đầu rắn. Nhờ vậy gươm linh lại thêm lừng lẫy. 

Định Nam đao của Mạc Thái Tổ Mạc Đăng Dung 

Đao là soái của trăm binh khí có lưỡi, to mạnh và sắc bén. Người dùng đao chính là dũng sĩ siêu quần với võ công cao cường và là linh hồn của ba quân. Sát khí xung trận của đao tạo nên huyền thoại về sự vô địch của nó trong giáp chiến tầm gần của bộ binh lẫn kỵ binh. Trong các loại đao thì đại đao hay còn gọi là Long đao (vì đầu lưỡi tạo hình rồng ngậm lưỡi đao) chính là loại binh khí rất kén người dùng. Những người dùng đao lưu danh trong sử sách toàn là tướng quân uy dũng siêu hạng.

Ví dụ như lịch sử Trung Hoa có Quan Vũ và Hạng Vũ là những danh tướng hạng nhất đều dùng đại đao. Ở Việt Nam, Quang Trung Hoàng đế và tướng Trần Quang Diệu cũng dùng đại đao. Tính trên cả thế giới, Định Nam đao là thanh đại đao tùy thân duy nhất của một nhà vua còn bảo tồn nguyên vẹn đến ngày hôm nay. 

Tương truyền, trước khi làm quan, Mạc Đăng Dung có đi qua một lò rèn nọ. Người thợ rèn chính trong đó thấy qua tướng mạo ông quá đặc biệt, biết rằng sau này sẽ làm nên nghiệp lớn, nhưng không phải từ con đường học vấn mà chính nhờ nghề binh nghiệp. 

Thanh long đao của vua Mạc Đăng Dung thờ trong hậu đường nhà Thái miếu. Ảnh dẫn theo wikipedia.org

Chính vì vậy, người thợ rèn nọ bèn đúc một thanh Long đao tặng Đăng Dung và nói: “Cơ nghiệp sẽ dựng nên từ đây, cây đao này chỉ dành cho người có duyên, dùng nó sẽ làm nên sự lớn“. Với thanh Long đao đặc biệt này, Mạc Đăng Dung đã đỗ Võ Trạng nguyên tại Giảng Võ Đường ở Thăng Long. Không những thế, nó còn là binh khí quan trọng luôn sát cánh với Đăng Dung trong những trận chiến lớn. 

Sau này, khi nhà Mạc thất thủ kinh đô năm 1592, con cháu Mạc Đăng Dung mang theo bảo đao, lui về đất Kiến Lao, Thiên Trường (Nam Định ngày nay), đổi sang họ Phạm để ẩn thân, tránh khỏi sự truy sát của kẻ thù. Tuy vậy, thanh đao vẫn là bảo vật được thờ cúng linh thiêng. 

Tuy nhiên, sau nhiều biến cố, thanh bảo đao này thất lạc vào năm 1821, mãi đến năm 1938 mới tìm lại được. Lúc đó, dù đã rỉ sét nhưng thanh đao vẫn nặng gần 25kg, dài 2,55m (cán dài 1,6m, lưỡi dài 0,95m). Ước tính, khi còn mới, nó phải nặng tới 30kg, ngang ngửa Thanh Long Yển Nguyệt Đao của Quan Vũ năm xưa. 

Nhiều nhà nghiên cứu hiện nay cho rằng với cân nặng như thế thì không một ai có thể đem thanh đao ra chiến trường tác chiến được. Tuy nhiên, đó đều là những nghiên cứu dựa trên cái khung khoa học nhân thể hạn hẹp và nhận xét chủ quan. Người ta thường vin vào cớ “không đủ chứng cứ khoa học” để bài xích, bác bỏ những điều không hợp với nhận thức của mình.

Dĩ nhiên, ngay cả một thanh niên lực lưỡng ngày nay, vác thanh đao 30kg ra trận chiến đấu hẳn là điều không thể. Nhưng các tướng quân hàng đầu ngày xưa (đặc biệt là người thi đỗ Võ Trạng Nguyên như Mạc Đăng Dung) thì đều không phải luyện tập võ nghệ thông thường. Họ chính là luyện tập khí công võ thuật, đã đạt đến cảnh giới nội khí hóa kình và cách sử dụng kình lực tinh thuần đó một cách “lô hỏa thuần thanh” (lửa trong lò toàn là màu xanh, ý nói công phu đã đạt đến thượng thừa). 

Kình lực là một loại sức mạnh vô hình ghê gớm không bị giới hạn trong cơ bắp. Nó là sức mạnh vô tận và ngày càng mạnh mẽ hơn thuận theo thời gian luyện tập của người luyện võ. Trong truyền thuyết còn ghi lại chuyện Hạng Vũ cử đỉnh, Lỗ Trí Thâm nhổ bật gốc liễu hay Quang Trung múa đại đao hàng mấy chục cân mà mặt không đổi sắc. Lại còn có các vị thiền sư đi bộ hàng trăm dặm mà không nghe hơi thở, ngựa phi theo cũng không kịp. Chẳng lẽ các vị ấy đều dùng sức mạnh cơ bắp đơn thuần của con người?

Nếu dùng sức cơ bắp làm việc nặng thì chỉ có thể duy trì được trong một quãng thời gian ngắn. Sau đó, toàn thân người ta sẽ đỏ bừng, thở dốc, mỏi mệt. Như vậy, làm sao kẻ sử dụng cơ bắp đơn thuần có thể chiến đấu trong một thời gian dài được? Trong khi đó, các chiến tướng trong lịch sử có lúc phải đánh nhau liên tục cả ngày không ngơi nghỉ, chưa kể còn phải khoác giáp trụ bằng thép nặng hàng chục cân trên người.

(Còn nữa)

Tĩnh Thuỷ