Nỏ là vũ khí tầm xa có ảnh hưởng to lớn đến cục diện chiến tranh cổ đại. Trước khi nỏ được sử dụng rộng rãi thì cung tên là những vũ khí tầm xa nguy hiểm nhất. 

Để có thể sử dụng hữu hiệu cung tên, cung thủ đòi hỏi phải khổ luyện rất nhiều và có thể lực tốt. Trong khi đó không cần tốn nhiều công sức huấn luyện người sử dụng nỏ. Nỏ lại có thể dễ dàng chế tạo hàng loạt. Vì vậy dân binh không được huấn luyện kỹ càng cũng có thể thành thạo dùng nỏ và trút mưa tên lên quân địch.

Lần tìm nguồn gốc của nỏ

Dựa vào một số cổ vật khảo cổ như xương, móng, mảnh đá tựa như lẫy nỏ, các nhà khảo cổ học cho rằng nỏ được làm ra từ hơn 2000 năm TCN. Nhưng vẫn thật khó xác minh được điểm khởi thủy của nỏ. Đầu tiên có thể nỏ được sáng chế ra bởi người Việt cổ (Bách Việt). Cũng có thuyết nói rằng nỏ được sáng chế ra ở Trung Á và truyền vào Trung Nguyên theo những thợ thủ công Trung Á.

Nhưng dù thế nào thì vào thời Thục Phán An Dương Vương, thế kỷ thứ 3 TCN, đại tướng Cao Lỗ (có sách chép là Cao Nỗ) đã chế tạo thành công “Nỏ liên châu”, có thể một phát bắn được nhiều mũi tên. Sử sách xưa gọi đó là “Linh Quang Thần Cơ”. Sách “Lĩnh Nam chích quái” chép rằng cứ đem nỏ ra là giặc không dám tiến gần.

“Nỏ liên châu”, có thể một phát bắn được nhiều mũi tên. (Ảnh dẫn theo soha.vn)

Đương thời nỏ liên châu đã trở thành vũ khí thần dũng vô địch của người Bách Việt. Theo Bắc sử thì mãi tới tận thời Tam Quốc (thế kỷ thứ 2), Trung Nguyên mới biết đến uy lực của nỏ liên châu. Người sáng chế ra loại nỏ này chính là Khổng Minh Gia Cát Lượng. Thứ nỏ ấy đã được Khổng Minh dùng trong các cuộc Bắc phạt, tiến đánh quân Ngụy của mình và gây ra nhiều nỗi khiếp sợ cho quân địch. 

Nhưng những ghi chép sớm nhất về nỏ lưu lại trong sử sách lại là ở trong “Binh pháp Tôn Tử”. Người ta biết đến uy lực của nỏ như một loại vũ khí cá nhân sớm nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại là trong cuộc chiến tranh Tần – Việt.

Năm 218 TCN, Tần Thủy Hoàng sai đại tướng Đồ Thư dẫn 50 vạn quân chinh phục Bách Việt. Tới năm 214 TCN, Đồ Thư đã chinh phục được một vùng đất rộng lớn, lập ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng. Để tránh thế mạnh của quân Tần, người Việt rút vào rừng sâu, cùng nhau bầu thủ lĩnh mới để chống giặc.

Lúc đó Thục Phán An Dương Vương trở thành thủ lĩnh của Âu Việt đứng lên chống Tần. Người Việt kháng cự mạnh mẽ, phục binh, tập kích, dùng nỏ bắn chết rất nhiều quân Tần. Đồ Thư cũng tử trận trong đám loạn quân. Theo sách Hoài Nam Tử: “Thây phơi đầy nội máu chảy thành dòng, quân Tần tổn thất mất mấy chục vạn”. 

Như vậy, nỏ chính là thứ vũ khí ngăn cản sự bành trướng của nhà Tần xuống phía Nam, giữ được huyết thống và quốc thống của người Việt. Nó xứng đáng là một loại “thần khí” hộ quốc.

Sự lợi hại của nỏ

Ở châu Âu, vũ khí tương tự như nỏ dùng để công thành đã được sử dụng từ thời cổ Hy Lạp, La Mã. Trong các sử thi Hy Lạp từng nhắc tới nỏ nhưng mãi tới thời Trung cổ thì nỏ mới trở thành vũ khí cá nhân trong chiến trận. Nỏ có rất nhiều lợi thế như sức đâm xuyên lớn, một số loại nỏ cầm tay thời Phục Hưng có tầm bắn xa và chính xác đến 200 mét (tầm bắn tối đa của cung chỉ là 90 mét với cách bắn thẳng).

Tuy nhiên thao tác bắn nỏ khá chậm. Tốc độ trung bình ra tên chỉ là 2 mũi tên/1 phút. Trong khi đó, một cung thủ có thể bắn 10 – 12 mũi tên trong vòng 1 phút. Đó là con số so sánh thông thường, không tính tới nỏ liên châu và nỏ Gia Cát cải tiến ở Á Đông có thể bắn 10 mũi tên/15 giây.

Chiếc nỏ Gia Cát, 15 giây có thể bắn tới 10 mũi tên. (Ảnh dẫn theo kienthuc.net.vn)

Ở phương Tây, về sau nỏ dần được thay thế bằng súng. Còn ở Trung Quốc nỏ vẫn được dùng cho tới cuối thời Thanh. Trận chiến cuối cùng có nỏ tham chiến là cuộc chiến Trung – Nhật lần thứ nhất (1894 – 1895). Tới thời điểm này, súng đã phát triển tới mức nỏ không còn có thể được coi là đối thủ. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của Trung Quốc trước quân Nhật vốn được trang bị các loại súng ống tối tân.

Đây cũng chính là lời kết cho sự tồn tại của nỏ như là một loại vũ khí tầm xa đơn giản, hiệu quả trong lịch sử chiến tranh của nhân loại.

Đạo Nhất

Xem thêm: