An đứng lặng một hồi lâu, trong lòng thoáng chút hổ thẹn khi nhận ra rằng cô cũng đang “tàn nhẫn” đối xử với những đồ vật xung quanh mình…

Chủ Nhật, ngày 14/6/2015

Hôm nay mình cắt chiếc áo cũ ra để khâu thành cái túi xinh xinh cho em Ly đeo đi nhà trẻ. Sau một hồi hì hụi cắt cắt khâu khâu, cuối cùng cũng được một cái túi xinh đáo để. Còn mấy mẩu vải vụn, mình không nỡ vứt đi nên tạm thời đem đi lau bàn ghế. Đến khi cái ‘khăn’ đã đen xì vì bụi bẩn mình mới tiện tay ném nó “viu…” một nhát vào thùng rác.

Nhưng đúng vào khoảnh khắc ấy, tự dưng mình lại thấy tội lỗi vô cùng.

Cuộn vải vụn nằm đó, lặng yên trong thùng rác, giống như đang khóc nấc lên vì cái sự bạc bẽo của mình. Dường như nó đang nhìn thẳng vào mắt mình mà trách:

“Cô chủ à, sao cô lại đối xử với tôi như vậy? Khi còn trẻ đẹp tôi giúp cô ăn diện là thế, đến lúc tôi già nua xấu xí cô lại nhét tôi vào cái xó xỉnh trong thùng giấy, chịu mối chịu mọt, rồi phải làm bạn với cả lũ gián hôi hám nữa. Nhưng cô có tha cho tôi đâu, cô lôi tôi ra cắt cắt khâu khâu làm tôi đau điếng cả người. Mà tôi thì nào có phàn nàn một tiếng gì? Tôi vẫn phục vụ cô hết lòng! Đến ngay cả cái mẩu thân thể còn sót lại này, tôi không tiếc mình mà lau lau phủi phủi bàn ghế cho cô. Thế mà cuối cùng cô lại quăng tôi đi như quăng một thứ đồ vô dụng như thế đấy!”.

Mình đứng lặng nhìn nó một hồi, trong lòng thoáng chút hổ thẹn. Mới hôm qua thôi, mình còn thầm trách ông chủ xưởng đã lạnh lùng tàn nhẫn đuổi anh Tô ra khỏi cửa, mặc dù anh đã cáng đáng không biết bao nhiêu công to việc lớn trong cái nhà xưởng ấy. Thế mà giờ đây, mình cũng chẳng khác nào một “cô chủ nhỏ” đang tàn nhẫn đối xử với những đồ vật xung quanh mình.

Rồi mình nhìn lên cửa sổ, hẳn cái cánh cửa kẽo cà kẽo kẹt ấy cũng muốn nói rằng: “Tôi cũng hết lòng vì cô, thế mà mưa chỉ hơi hắt vào một tí là cô đã chê tôi cũ kỹ, chả được cái tích sự gì!”. Còn đôi dép trong tải thì phàn nàn: “Cô bảo là tôi đã mòn vẹt và rách đến mức không thể đi được nữa, phải đem bán đồng nát thôi. Ừ, thì tôi có dám oán thán gì đâu. Tôi chỉ xin cô nhẹ tay một tí, đặt tôi nhẹ nhàng vào trong tải là được rồi, chứ đừng có mà cái kiểu: thứ gì không dùng đến nữa thì cứ thẳng tay vứt ‘bụp, bụp’ đi như thế!”. Cái giẻ lau vắt trên cành bưởi cũng được thể kêu giời kêu đất lên: “Ôi ôi, tôi mới thực là oan uổng đây này. Ít ra thì tôi vẫn còn phục vụ cô ấy, thế mà cô ấy bỏ quên tôi ở đây cả tuần trời, nắng mưa cũng mặc, sương gió cũng mặc, để tôi cứ héo hon queo quắt ở một chỗ như thế này này”.

Lúc này thì đống quần áo trong thùng các-tông cũng đồng loạt nhao nhao lên: “Đấy nhé, chúng tôi nói có sai đâu. Chả phải riêng gì anh cửa, chị dép, với bác giẻ lau, mà chúng tôi đường đường chính chính là quần áo cho cô mặc hàng ngày, mà cô lại nhét chúng tôi cả thảy vào thùng đến mức nhàu nhĩ cả lên. Ít ra thì cô cũng nên gập chúng tôi lại cho ngăn nắp, chứ sao lại ăn ở luộm thuộm thế!”.

Chà chà, nhìn quanh khắp phòng thấy bất kể thứ gì cũng từng bị mình phụ bạc. Đồ vật đến với con người đâu phải để đòi hỏi điều gì, mà hoàn toàn là phục vụ đó thôi. Thế nên, chí ít thì mình cũng phải biết trân trọng một tí chứ! Cùng là chiếc túi xách, thay vì vứt quăng vứt quật, bạ đâu để đấy thì sao mình không treo nó lên một chỗ thật gọn gàng? Cùng là chiếc cốc, thay vì đặt xuống bàn ‘cạch’ một cái thì sao không nhẹ nhàng mà đặt xuống, có tốn chút thời giờ nào đâu?

Có vẻ như mình đã lan man quá nhiều rồi thì phải. Bây giờ thì… mình đi cất cái giẻ lau trên cành bưởi và gập lại chỗ quần áo trong thùng đây!

Hòa An