Phật gia có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, người hành thiện thì được trời cao tương trợ, kẻ hành ác thì quả báo đeo thân. Nếu hành ác mà không có báo, thì chẳng qua chỉ là duyên chưa đủ, thời chưa tới nên chưa báo mà thôi. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ban sớm hành thiện nhân, ban chiều nhận thiện quả.

Không tham đồ người khác

Vào một ngày tháng 3 năm Thuận Trị thứ 10 (năm 1653) tại huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, có một người nông phu tên gọi Hoàng Trung. Hôm ấy Hoàng Trung cùng với con trai mình là Hoàng Tiểu Tam chèo thuyền đến cửa Đông thành Chương Châu mua phân bón ruộng. Hai cha con Hoàng Trung đỗ thuyền ở bên bờ sông, sau bữa cơm bèn đến chọn phân để mua. Đột nhiên hai cha con phát hiện có tay nải của ai đó đánh rơi, vì đã đợi hồi lâu mà không thấy ai đến nhận nên hai cha con Hoàng Trung đành đem về thuyền mở ra xem, bên trong phát hiện tổng cộng có 60 lạng bạc.

Hoàng Trung nói với con trai mình: “Người có tiền có của sẽ không cất tiền ở tay nải kiểu này, mà chỉ có người nghèo khổ mới làm vậy. Số bạc này không nhỏ, cũng xem như sinh mệnh của họ, ta làm sao có thể lấy tiền bạc của kẻ khác? Chúng ta nên đợi người đánh rơi quay lại để trả cho họ”.

Con trai Hoàng Trung nghe cha nói, cảm thấy cha mình thật khờ khạo quá, số bạc trắng tốt thế này mà lại trả về cho khổ chủ. Trong lòng không vui nên Hoàng Tiểu Tam chèo thuyền về trước, còn lại mình Hoàng Trung ở lại đợi người đánh rơi đến tìm.

Vật về cố chủ

Hoàng Trung ngồi ở bến đò kiên nhẫn chờ đợi, một hồi lâu sau thấy một người hớt hơ hớt hải chạy qua chạy lại, mắt không ngừng ngó nghiêng khắp nơi, bộ dạng đau khổ, người như muốn phát điên. Sau một lúc không tìm được đồ đánh mất, người này khóc lớn thảm thiết. Hoàng Trung thấy vậy bèn gọi người này đến hỏi nguyên cớ làm sao? Người này nói:

“Sơn tặc vu khống cha tôi là đồng đảng, nay bị quan phủ bắt vào nhà lao Chương Châu. Hôm qua tôi đi thăm hỏi, nhờ người cầu cứu quan phủ. Quan trưởng đồng ý giúp nhưng phải có 120 lượng bạc. Hôm nay tôi về bán nhà cửa, chạy vạy khắp nơi mới được có một nửa”.

“Tôi nghĩ, đợi sau khi quan phủ thả cha tôi ra, hai cha con sẽ tiếp tục đi kiếm đủ số bạc đó cho quan phủ. Tôi đem ngân lượng giấu vào trong tay nải, hồi sáng vội vàng đi vào nhà vệ sinh nên cởi ra. Xong xuôi, lại thêm cái hấp tấp vội vàng, đầu óc bấn loạn nên tôi để thất lạc mất tay nải, toàn bộ số tiền đều mất hết rồi. Tôi chết cũng chẳng đáng tiếc nhưng giờ lấy gì cứu cha tôi, thôi thì tôi chết đi để tạ tội này”.

Người này nói xong lại khóc nức nở. Hoàng Trung mới hỏi tay nải màu gì, số bạc trong đó là bao nhiêu. Thấy câu trả lời hoàn toàn trùng khớp nên Hoàng Trung an ủi: “Ngân lượng không có mất, tất cả đều vẫn còn ở đây, tôi đợi cậu rất lâu rồi đó”.

Nhận được tay nải, người này mừng vui khôn tả, mở ra xem thấy số bạc đủ cả. Vì để cảm tạ, người này lấy ra 20 lượng bạc đem tặng cho Hoàng Trung, nhưng Hoàng Trung nói: “Nếu ta tham bạc thì lúc đầu lấy cả 60 lượng này, chẳng phải tốt hơn nhiều sao?”.

Ảnh minh họa: Youtube

Hành thiện nhân, được thiện quả

Sau khi vật về cố chủ, Hoàng Trung chèo thuyền trở về. Giữa đường hoang vắng, đột nhiên mưa to gió lớn nổi lên, Hoàng Trung liền cho thuyền tấp vào bờ neo đậu. Vừa đậu chưa được lâu thì đột nhiên một tiếng “ầm” lớn vang lên, cả một đoạn bờ ven sông đổ sập, Hoàng Trung nhìn thấy phía trong bờ lộ ra một cái bình sứ bỏ hoang, miệng còn bịt kín.

Hoàng Trung nghĩ bụng, chiếc bình này có thể mang về đựng gạo cũng tốt. Vì chiếc bình rất nặng, phải khó khăn lắm Hoàng Trung mới có thể đem nó lên thuyền. Sau khi mưa tạnh, Hoàng Trung tiếp tục chèo thuyền về nhà, mãi đến nửa đêm mới về tới nơi.

Con trai Hoàng Trung chèo thuyền về trước, đem chuyện cha nhặt được bạc nhưng không lấy kể cho mẫu thân nghe, hai mẹ con đều tức giận, cho rằng Hoàng Trung đúng là đồ ngốc. Vậy nên nửa đêm Hoàng Trung về nhà, gọi cửa mãi nhưng cả hai vẫn không ra mở. Hoàng Trung liền nói: “Tôi nhặt được chiếc bình sứ lớn, bên trong có rất nhiều bảo bối, nặng quá, hai người hãy mau chóng giúp tôi bê vào”.

Hai mẹ con trong nhà nghe thấy vậy hớn hở chạy ra mở cửa, quả nhiên thấy Hoàng Trung mang về một chiếc bình sứ lớn. Hai người cùng đem bình sứ vào trong nhà, mở nắp bình ra xem, quả nhiên bên trong toàn là bạc trắng, ước chừng có tới một ngàn lượng bạc.

Hoàng Trung thật không dám tin vào mắt mình, không ngờ chỉ nói đùa như vậy mà lại thành thật, quả là ngoài sức tưởng tượng. Mãi lúc sau Hoàng Trung mới định thần trở lại.

Gieo nhân nào gặp quả nấy, nếu trong lúc thấy vinh hoa mà nghĩ cho người khác cũng là như đắc được cho bản thân. (Ảnh: ichigojyutsu.com)

Quan phủ hỏi tội, phân rõ ngọn nguồn

Nhưng có một điều hoàn toàn không ngờ tới. Do nhà Hoàng Trung và hàng xóm chỉ cách nhau một vách lá, sự việc đêm hôm bị hàng xóm phát hiện. Khi trời vừa sáng, người hàng xóm liền đến báo quan phủ tội cố ý chiếm hữu bảo vật.

Quan phủ cho người đến nhà, áp tải Hoàng Trung đến quan phủ điều tra. Hoàng Trung đem toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối kể hết cho huyện lệnh Long Khê nghe. Huyện lệnh Long Khê nghe xong cảm thán mà nói: “Người hành thiện tất được thiện báo, số bạc này là ông trời ban tặng, tuyên dương lòng tốt cho người hành thiện, sao có thể nói người này có tội?”. Nói rồi thả Hoàng Trung ra về rồi sai người đánh lão hàng xóm một trận.

Vì thời đó có quy định: Phàm là nhặt được của rơi, trong vòng 5 ngày phải đem nộp cho quan phủ, còn nếu như là bảo vật thì phải chia cho toàn địa phương đó. Nhưng huyện lệnh Long Khê cho rằng thiện hữu thiện báo là Thiên lý, nên cho phép Hoàng Trung hưởng trọn số bạc ấy.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Minh Vũ biên dịch