Cuốn “Lục Tổ Đàn Kinh” nói rằng: Tất cả phúc điền đều không thể rời xa tấm lòng. Gieo hạt giống thiện lương trong cõi lòng thì sẽ có một ngày kết trái đơm hoa.

Tằng Tử từng nói rằng: “Con người mà hướng thiện, dẫu phúc chưa đến, nhưng hoạ đã rời xa”.

Người lương thiện sẽ không phải chịu thiệt thòi

Tại một ngôi trường ở vùng núi xa xôi, đồ ăn trong nhà ăn vô cùng chán ngán, không phải là củ cải, cải bắp, thì lại là bắp cải, củ cải. Một cô giáo trẻ trong trường có thân thể yếu ớt, nên cô thường đến mua trứng gà ở một thôn nhỏ vùng núi gần trường để tẩm bổ.

Người bán là một bà cụ tóc bạc hoa râm, khi cô hỏi giá bà cụ lại hỏi cô muốn trả giá bao nhiêu. Cô giáo bèn nói giá là 5 hào. Kỳ thực, cô giáo đã âm thầm nâng lên 5 xu so với giá trứng gà ở quê nhà cô là 4 hào 5 xu. Cô nghĩ như vậy cũng chẳng nhiều hơn bao nhiêu.

Cô giáo thấy bà cụ thật đáng thương, không con không cái, chỉ có thể kiếm sống nhờ mấy quả trứng này. Thế là cô trả mỗi quả thêm 5 xu. Cô giáo như một vị thí chủ vậy.

Điều kỳ lạ là bà cụ không ra giá, cũng không trả giá, mà đồng ý với giá cô đưa ra. Sau một thời gian cô giáo cảm thấy bà cụ thực quá đáng thương nên lại tự nâng giá lên 5 xu, một quả trứng 5 hào 5 xu. Lúc này bà lão mới chịu lên tiếng, nhất quyết không chịu nâng giá. Nhưng cô giáo vẫn kiên quyết đơn phương nâng giá, phải một lúc lâu sau, bà lão cũng đành phải chấp nhận.

Hôm đó, cô giáo vẫn mua trứng của bà lão, thì vừa hay gặp một người buôn trứng trả giá với bà lão: “Trứng 6 hào một quả tôi mua hết chỗ này”, nhưng bà lão không chịu. Người bán buôn nói rằng giá này là rất cao rồi, trong xóm núi này cũng đều bán như thế cả.

Bà lão nói không phải là vì giá cả, mà số trứng này là để bán cho cô giáo gầy gầy đó: “Người ta đi từ xa đến đây dạy con cháu chúng tôi, người lại gầy yếu như vậy, tôi chỉ mong cô ấy có da có thịt hơn lên. Trường tiểu học này vẫn còn mong đợi cô ấy, bọn trẻ cần cô ấy”. Cô giáo đột nhiên ngẩn người, trước nay cô cứ ngỡ rằng mình là người bố thí, hoá ra đó lại là bà lão tốt bụng.

Người lương thiện sẽ không phải chịu thiệt thòi
Bà lão nói không phải là vì giá cả, mà số trứng này là để bán cho cô giáo gầy gầy đó. (Ảnh: pixabay.com)

Những gì bạn làm cho người khác chính là những gì bạn làm cho chính mình. Cho nên, bạn muốn đạt được điều gì hãy giúp người khác đạt được điều ấy trước. Sinh mệnh giống như một tiếng vọng. Bạn trao thiện lương cho người khác, cuối cùng sẽ nhận lại thiện ý từ họ.

Bạn đối xử tốt với người khác, xét về lâu về dài cũng đều là tốt cho chính bản thân mình. Hãy giữ mãi sự lương thiện, đừng quan tâm đến được mất, cuộc đời sẽ toả hương, theo chân bạn như hình với bóng.

Trải đời mà không chai sạn, biết mùi đời mà vẫn giữ nét hồn nhiên

Trong “Thái Căn Đàm” có câu: “Thế lợi phân hoa, bất cận giả vi khiết, cận chi nhi bất nhiễm giả ưu khiết”, nghĩa là: Trong xã hội quyền thế, phồn hoa, người lánh đời được coi là thánh khiết, kẻ nhập thế mà không nhiễm thì vô cùng thánh khiết thay.

Chúng ta phải sinh tồn trong xã hội phồn hoa này, phải giao tiếp với nhiều người và vô vàn sự vật. Trong quá trình này, ta phải nắm vững chừng mực, đồng thời cũng phải giữ được chính mình, không phải biết đời loạn mà cứ thuận theo thế tục.

Đây không phải điều có thể dễ dàng đạt được, mà là kết quả của những trải nghiệm và tu dưỡng khi băng qua muôn sông nghìn núi.

Tô Thức, trong lúc cùng quẫn, thất ý đã viết ra những câu thơ này:

“Có ông lão ở sườn đông
Gió sương bệnh tật một thân một mình
Trẻ gặp khen mặt hồng tươi
Cười đâu có biết là người rượu say.”

Ông nói về sự già nua của mình trước, rồi mượn lời của đứa trẻ mà trào lộng bản thân. Sắc đỏ sau men rượu lại bị lầm tưởng thành sắc mặt hồng nhuận. Ông đã tự mình trào lộng sự bất đắc chí, thê lương của mình trong những năm cuối đời.

Một người chưa từng trải sự đời, sẽ dễ chìm đắm trong nghịch cảnh, cũng thường đãi người hà khắc. Một người tỏ tường nhân tình thế thái sẽ chẳng bị cuốn theo dòng, dẫu gặp cuộc sống nhọc nhằn, nội tâm họ vẫn luôn ấm áp.

Trải đời mà không chai sạn, biết mùi đời mà vẫn giữ nét hồn nhiên
Một người tỏ tường nhân tình thế thái sẽ chẳng bị cuốn theo dòng, dẫu gặp cuộc sống nhọc nhằn, nội tâm họ vẫn luôn ấm áp… (Ảnh: pinterest.com)

Trong cuốn “Linh hồn chỉ có thể độc hành”, Chu Quốc Bình viết: Điều gọi là sự trưởng thành của rất nhiều người, chẳng qua chỉ là đã quen với cảnh mài đi những góc nhọn, trở thành người thông hiểu thế tục mà thôi. Đó không phải là trưởng thành, mà là sớm suy tàn và đánh mất bản tính của mình.

Người thực sự trưởng thành sẽ hình thành nên những nét cá tính độc đáo. Họ thực sự phát hiện ra rằng mình đã có những thành quả bội thu về mặt tinh thần.

Khiến người khác dễ chịu là đỉnh cao của sự cuốn hút

“Thái Căn Đàm” có câu: “Trong xử thế, lùi một bước là cao thủ, lui chính là vốn để mà tiến; đãi người khoan dung một phần chính là phúc, làm lợi cho người chính là cái gốc làm lợi cho mình”.

Khi đối nhân xử thế, giữ tâm thế lui một bước trong vạn sự mới là người cao minh. Bởi lẽ lui một bước cũng đồng nghĩa với việc chừa lại một con đường lui cho chúng ta sau này. Đãi người đãi vật cần khoan dung mới là người có phúc. Bởi lẽ tạo điều kiện cho người khác chính là cái gốc thuận tiện cho mình về sau.

Socrates là nhà triết học Hy Lạp cổ tài hoa ngời ngời, trí huệ hơn người. Nhưng khi người khác khen ông kiến thức uyên thâm, ông lại khiêm tốn mà rằng: “Điều duy nhất mà ta biết chính là sự vô tri của bản thân”.

Mark Twain, một văn hào nổi tiếng, một lần nọ ông vào trong một thị trấn nhỏ. Trước khi đi đã có người nói với ông rằng muỗi nơi đó rất đáng sợ.

Sau này, khi ông đang đặt phòng tại khách sạn, một chú muỗi cứ lượn vòng vòng trước mặt Mark Twain. Thấy vậy, người nhân viên vô cùng ngại ngùng. Nhưng Mark Twain lại chẳng để tâm, ông nói: “Loài muỗi quý không biết là thông minh gấp bao nhiêu lần trong truyền thuyết. Nó còn biết xem trước cả số phòng của tôi để tiện đêm đến thăm nom, ăn một bữa no nê”. Câu nói ấy khiến cậu nhân viên phục vụ không nhịn được cười. Kết quả là đêm hôm ấy Mark Twain đã ngủ một giấc say sưa tới sáng. Hoá ra, buổi tối hôm đó tất cả nhân viên khách sạn đều ra tay đuổi muỗi để nhà văn lớn được chào đón này không bị chúng đốt.

Xung quanh bạn cũng có những người như vậy, có thể họ không xinh đẹp, có thể tài năng của họ không xuất chúng, nhưng sự lôi cuốn vô hình của họ khiến bạn sẵn sàng buông bỏ tâm phòng bị, muốn gần gũi với họ và tâm sự những bí mật trong lòng mình.

Khiến người khác dễ chịu là đỉnh cao của sự cuốn hút
Quả thực, khiến người khác dễ chịu là đỉnh cao của sự cuốn hút. (Ảnh: eacseminars.com)

Quân tử như ngọc, người khiến người khác dễ chịu cũng giống như một viên ngọc quý nhu thuận vậy

Ở với những người như vậy cũng giống như được lắng nghe một khúc nhạc êm dịu, như được thưởng thức một ly trà thơm nồng, như được ngắm một bông hoa lặng lẽ bung cánh giữa dòng thời gian đang trôi đi ngọt ngào như dòng suối mát.

Audrey Hepburn không chỉ được tôn vinh vì dung mạo xinh đẹp, bởi lẽ những người tuyệt sắc và có bằng cấp hơn cô nhan nhản khắp nơi. Nhưng cô ấy đã dùng cả cuộc đời mình để giải thích từ “vẻ đẹp tinh thần” ấy.

Muốn có một gương mặt xinh đẹp và vóc dáng mảnh mai thì phẫu thuật thẩm mỹ chỉ mới tạo được lớp áo choàng, chứ không phải tạo ra vị thầy tu.

Muốn có đôi môi xinh đẹp, xin hãy nói lời thân thiết. Muốn có đôi mắt đáng yêu, xin hãy nhìn vào điểm tốt của người khác. Muốn có thân hình mảnh dẻ, xin hãy chia sẻ đồ ăn với người đói khát. Muốn có mái tóc mỹ miều, hãy để lũ trẻ vuốt ve hàng ngày. Muốn có một tư thái trang nhã, khi đi đường xin hãy nhớ khách bộ hành không chỉ riêng mình bạn.

Đây chính là câu trả lời hay nhất cho “vẻ đẹp tinh thần” mà chúng ta thường nhắc tới.

Vốn liếng chân chính của một con người không phải là dung mạo đẹp, cũng không phải là kim tiền, lại càng không phải học vấn, mà là “vẻ đẹp tinh thần” tiềm ẩn luôn đi cùng năm tháng, chẳng hề tàn phai.

Theo Soundofhope
Hiểu Mai biên dịch