Lời thề, theo cách hiểu của chúng ta thì chính là thề thốt, là tuyên thệ, đại ý là dùng ngôn từ trang trọng để ước thúc hành vi của mình. Truy tìm nguồn gốc, sẽ thấy văn hóa “thề” trong lịch sử đã có từ rất xa xưa, cũng để lại rất nhiều điển cố.
Lời thề khởi nguồn từ việc cúng tế, có liên quan tới tín ngưỡng Thiên địa Thần linh. Vào thời cổ đại, chỉ trong những trường hợp vô cùng trang trọng như cúng tế, hay lễ xuất chinh, người ta mới lập lời thề. Việc lập lời thề là để biểu đạt quyết tâm tuân thủ vì đã được Thần linh chứng giám. Các bài văn cáo mệnh như “Thang thệ”, “Thái thệ”, “Tần thệ”… được lưu truyền tới ngày nay đều là lời thề trong tình cảnh vô cùng trang nghiêm, và dưới tình huống thật sự trang trọng. Và những lời thề này có một bối cảnh chung, đó là thảo phạt hôn quân vô đạo, đồng thời dạy người hướng thiện.
Ví dụ như “Thang thệ” là được phát thệ dưới bối cảnh Thành Thang nhà Thương thảo phạt hôn quân bạo ngược Hạ Kiệt. “Thái thệ” là Chu Vũ Vương tụ hội các lộ chư hầu ở Mạnh Tân, dưới thiên tượng trời diệt bạo quân Thương Trụ mà lập nên. “Tần thệ” là lời thệ ước thành văn dưới tiền đề là Tần Mục công răn dạy các quan viên phải khắc chế bản thân, yêu thương dân chúng mà lập nên.
Từ đây có thể thấy, văn hóa “tuyên thệ” có một đặc điểm, đó là ở vào trường hợp trang trọng, vì mục tiêu chính nghĩa mà quyết không nuốt lời. Vậy nên, người xưa đối đãi với thệ ước là vô cùng thận trọng, luôn ôm giữ một thái độ kính sợ và khiêm nhường. Chính bởi vậy, cổ nhân rất xem trọng nên không dám tùy tiện phát lời thề. Bởi lời thề vừa thốt ra miệng thì đều được trời đất quỷ thần chứng giám. Nếu như thái độ ngôn hành không phù hợp với lời thề ấy, nhất định sẽ rước lấy tai họa, lời thề thế nào tự mình nhận lấy thế nấy, quả báo e rằng sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Ở Mỹ và phương Tây, lời tuyên thệ cũng là vô cùng thần thánh trang nghiêm. Tại các quốc gia, từ Hiến pháp cho đến luật dự thảo quan trọng khác đều được xác định bằng văn bản rõ ràng. Trong sự kiện trọng đại thì cần phải tuyên thệ, ví dụ như Tổng thống Hoa Kỳ trong lúc nhậm chức cần phải tuyên thệ và lời thề đó được ghi vào Hiến pháp. Di dân các nước nếu muốn nhập quốc tịch cũng phải tuyên thệ dưới quốc kỳ như vậy. Tòa án cho đòi nhân chứng ra nói lời làm chứng thì cũng phải phát thệ trước mặt Thần linh.
Các bậc Giác Giả, Thánh nhân trong lịch sử cũng giảng rằng không nên tùy tiện phát lời thề độc. Ví như trong Phúc Âm Mát-thêu, Đức Chúa Jesus nói với các môn đồ: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ”.
Từ đoạn thoại này có thể thấy, Đức Jesus vốn không phủ định lời thề, mà là bởi vì sự tôn quý của trời, đất, Thần linh, đức vua, nên Ngài dạy bảo mọi người đừng tùy tiện phát lời thề, để tránh bị kẻ xấu ác lợi dụng làm điều xấu. Các bậc Thánh triết cả phương Đông lẫn phương Tây, đối với “lời thề” đều ôm giữ thái độ thận trọng và nghiêm túc như vậy.
Ngày nay, rất nhiều người không tin vào sự tồn tại của Thần Phật, càng xem “trên đầu ba thước có thần linh” như là điều mê tín. Ngoài việc mở miệng nói dối đã thành thói quen, họ cũng dễ dàng tùy tiện phát lời thề hoặc làm trái lời thề. Trước kia, gần quê làng tôi có một người đàn ông họ Hứa vì để xù nợ, tay cầm cây gậy sắt chỉ lên trời phát lời thề độc, nói nếu như mình thật sự thiếu nợ sẽ bị sét đánh. Không ngờ một phút sau ông liền bị sét đánh thật, may được kịp thời đưa đi bệnh viện cấp cứu nên mới thoát khỏi nguy hiểm đến tính mệnh.
Không ít người dân đồng ý với cách nói “Trời giáng thiên lôi” để cảnh báo rằng thiện ác có báo. Cũng có người cảnh giác nói rằng, lời thề là không thể tùy tiện phát ra được, nhất là những lời thề độc. Những người già thế hệ trước cũng thường nói rằng, con người ta nếu làm ra những chuyện thương thiên hại lý thì sẽ bị sét đánh. Không chỉ trong sách sử thời xưa và ghi chép qua các triều đại, mà thời cận đại cũng thường nghe câu chuyện có thật về sét đánh kẻ ác nhân, nhân quả báo ứng. Chỉ có điều mọi người đều cho là “ngẫu nhiên”, chỉ xem đó như những câu chuyện giai thoại làng quê.
Trong Thái Thượng Cảm Ứng Biên có viết: “Họa phúc của con người, vốn dĩ không có đường lối nhất định, tất cả đều là do tự mình chiêu mời cả! Báo ứng thiện ác, chính là như bóng ảnh đi theo thân thể vậy, người đi đến đâu, bóng ảnh cũng theo người đến đó, không bao giờ tách rời!”. Người xưa kính sợ Trời đất Thần linh, lời giảng: “Thiện có thiện báo, ác có ác báo, không phải không báo, chỉ là chưa đến lúc mà thôi” cũng đáng cho người ta khắc sâu trong lòng. Trên thế gian này thật sự có tồn tại nhân quả báo ứng hay không? Chúng ta hãy xem mấy ví dụ dưới đây.
Làm trái lời thề, hoàng hậu mù loà cả hai mắt
Tịnh Khang năm thứ 2, Tống Khâm Tông Triệu Hoàn cùng với các phi tần, quan viên, cả thảy trên vạn người bị quân Kim bắt giải về phương Bắc, sử sách gọi là “Biến cố Tĩnh Khang”. Tống Khâm Tông bị bắt làm tù binh, về sau đã đạt được nghị hòa với nước Kim, nhờ đó Vi Thái hậu (tức Hiển Nhân hoàng hậu) được thả trở về. Trước lúc chia tay, Khâm Tông nước mắt lã chã quỳ trước xe, cầu xin Thái hậu: “Về đến nơi xin nói lại với cửu đệ và tể tướng cho nhi thần được về. Dù có phải làm chân Thái Ất cung sứ cũng đã thoả mãn chứ không có ý gì khác”. Thái hậu nói: “Sau khi ta trở về, nếu không nghĩ cách đón rước bệ hạ hồi cố quốc, thì ông trời hãy để ta mù cả hai mắt”. Đây là lời hứa hẹn và lời thề của Vi Thái hậu.
Sau khi Vi Thái hậu trở về, Tống Cao Tông khi đó vốn không có ý đón rước Khâm Tông trở về. Thái hậu rất thất vọng, nhưng cũng không dám nói gì thêm. Không lâu sau, Thái hậu quả thật đã bị mù cả hai mắt, tìm kiếm danh y chữa trị khắp nơi, nhưng đều không trị khỏi. Về sau, một đạo sĩ tiến cung đã dùng châm vàng chữa cho Thái hậu, mắt trái của bà đã nhìn thấy trở lại được. Thái hậu vô cùng mừng rỡ, thỉnh xin đạo sĩ chữa khỏi mắt phải cho bà, đạo sĩ nói: “Thái hậu sau này hãy dùng một con mắt mà nhìn, còn một con mắt kia hãy để nó ứng nghiệm với lời thề trước kia vậy!”. Thái hậu vô cùng kinh hãi, hiểu rõ nguyên nhân trong đó, liền bái tạ vị đạo sĩ. Vị đạo sĩ bèn lặng lẽ rời đi.
Thì ra vị đạo sĩ này là một người tu luyện, có thể nhìn rõ quan hệ nhân quả từ tầng thâm sâu. Thái hậu tuy có lòng mà không có sức, nhưng bởi không tận tâm tận lực nghĩ cách cứu viện, cuối cùng vẫn ứng nghiệm lời thề lúc đầu.
Con người những tưởng rằng có thể ăn nói tùy tiện, thề thốt tùy ý, nhưng “lời nói thì thầm bên tai, Trời nghe như sấm dậy”, ông Trời có thể nghe thấy âm thanh trong lòng người. Ai đã có lời hứa hẹn, phát lời thề, thì báo ứng sẽ làm tròn trên thân người đó.
Sét đánh kẻ gian thần, trời xanh cảnh tỉnh người thế gian
Lý Lâm Phủ là đại gian thần của triều đại nhà Đường, bởi nịnh bợ Võ Huệ phi và con gái của Võ Tam Tư mà được thăng làm quan to. Ông ta khẩu Phật tâm xà, tàn hại kẻ tôi trung. Một vị tăng nhân có công năng túc mệnh thông nói: Lý Lâm Phủ rất gian ác, sau khi chết chuyển sinh sẽ nhiều lần bị sét đánh chết. Và quả thật, lời của vị tăng nhân đã ứng nghiệm rõ ràng:
Vào những năm Nguyên Hòa dưới thời vua Đường Hiến Tông, ở vùng Huệ Châu sét đánh chết một kĩ nữ, bên sườn của kĩ nữ này có ba chữ màu đỏ Lý Lâm Phủ.
Đến giữa những năm Thiệu Hưng thời Tống Cao Tông, con gái của một gia đình họ Thái vùng Hán Dương bị sét đánh chết, trên thân cũng có chữ màu đỏ, viết: “Lý Lâm Phủ tể tướng triều đại nhà Đường”.
Giữa những năm Hồng Vũ thời Minh Thái Tổ, ở huyện Ngô Sơn có một người tên Lục Doãn Thành giết mổ con gà của nhà mình, sau khi vặt lông gà phát hiện trên lưng con gà có ba chữ Lý Lâm Phủ.
Những câu chuyện có thật trên đây nói với thế nhân rằng: Lý Lâm Phủ làm gian thần một đời, sau khi chết nếm đủ mọi khổ hình dưới địa ngục, trong nhiều kiếp sống bị sét đánh chết, luân chuyển trong nẻo súc sanh biến thành gà, rồi lại tiếp tục chịu khổ báo. Sự việc này được viết lại bởi Tra Thận Hành – một thi nhân nổi tiếng triều Thanh, và được sưu tập trong một quyển sách có tên là “Nhân Quả Luân Hồi Thực Lục”.
Theo Kannewyork
Vũ Dương biên dịch