Một năm bắt đầu bằng mùa xuân, đất trời như bừng tỉnh sau những ngày đông hàn giá rét, vạn vật đổi thay. Những thân cây khẳng khiu trơ trụi như khúc gỗ khô héo kia bỗng cựa mình đâm chồi nảy lộc, dòng nhựa sống tưởng đã cạn khô lại tuôn trào đến đầu cành cây rồi đâm ra những chồi non mơn mởn, nảy ra những nụ hoa chúm chím. Để khi gió xuân ấm áp đến đánh thức, những nụ hoa này liền bừng tỉnh choàng thức dậy thành những bông hoa say đắm lòng người.
Triết lý người xưa là “Thiên – Địa – Nhân”, người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên. Triết lý Đạo gia “Thiên – Nhân hợp nhất”, coi con người là tiểu vũ trụ, đối ứng, liên thông với cả vũ trụ bao la bên ngoài. Vậy nên khi đất trời xuân thì thuận theo Đạo, thuận theo tự nhiên, con người cũng “xuân”. Tuy nhiên xã hội loài người rất phức tạp với vô vàn cảnh giới và tâm thái khác nhau ở các hoàn cảnh cảnh ngộ khác nhau, thế nên con người không phải ai cũng “xuân” như nhau cả.
Mùa xuân trong con mắt người trẻ tuổi
Đời người thì tuổi trẻ được ví với mùa xuân, được gọi là thanh xuân, tuổi xuân, được coi là quãng đời đẹp nhất của đời người, khi mà sức lực sung mãn, tinh thần hăng hái, đang muốn chinh phục thế giới, khám phá nhân sinh, vũ trụ, và cũng là cái tuổi tràn trề yêu thương và hy vọng.
Thôi Hộ, chàng thanh niên đang ở tuổi xuân, đầu xuân ra ngoài thành du ngoạn, cảnh sắc mê ly, đi mãi chẳng về, tìm đến nông trang xin nước uống, rung động bởi cảnh sắc con người: hoa đào đỏ thắm và người con gái cũng đang tuổi xuân thì, với đôi má đào và đôi mắt huyền lấp lánh như mùa xuân, khiến chàng nao nao thương nhớ. Cái tình và nỗi nhớ tương tư cứ như những cơn sóng, con sóng này vừa hết thì con sóng khác lại nổi lên. Bài thơ “Đề đô thành nam trang” của ông cho ta thấy cảnh giới mùa xuân trong mắt người tuổi xuân đang bị cái tình xuân xáo động:
Khứ niên kim nhật thử môn trung,
Nhân diện đào hoa tương ánh hồng.
Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
Đào hoa y cựu tiếu xuân phong.
Dịch thơ (Hoàng Giáp Tôn):
Ngày này năm ngoái tại cửa này
Người đẹp hoa đào ửng đỏ lây
Người đẹp biết về đâu chẳng thấy
Gió xuân đào cũ vẫn cười đây!
Mùa xuân là mùa của lứa đôi, nhưng chốn nhân gian trai nam nhi chí tại bốn phương thân bất do kỷ, xông pha nơi mũi tên hòn đạn tìm kiếm công danh, để lại người vợ đang tuổi xuân sắc chốn quê nhà vò võ đợi chờ. Với người cô phụ có chồng chinh chiến chốn sa trường thì mùa xuân lại là mùa đem lại nỗi nhớ thương buồn tủi. Ngọn gió xuân ấm áp kia có thể khiến trăm hoa vui thích mà nở bung ra đón chào mùa xuân tới, nhưng nó lại bất lực trước người cô phụ đang ưu sầu. Bài thơ “Tư phụ mi” của Bạch Cư Dị cho chúng ta thấy mùa xuân trong con mắt người cô phụ:
Xuân phong dao đãng tự đông lai,
Chiết tận anh đào trán tận mai.
Duy dư tư phụ sầu mi kết,
Vô hạn xuân phong xuy bất khai.
Dịch thơ:
Gió xuân ấm áp tự phương đông
Nở hết cả mai lẫn đào hồng.
Duy người thiếu phụ đôi mày nhíu,
Gió xuân thổi mãi sầu mênh mông.
Mùa xuân trong con mắt thi nhân
Trong con mắt Đỗ Phủ, mùa xuân xinh đẹp yên bình, hạnh phúc, cảnh vật sống động, nhiều màu sắc, trù phú đầy sức sống bất diệt trường tồn và trải rộng mênh mông khắp trời đất, được thể hiện trong bài “Tuyệt cú tứ thủ kỳ 3”:
Lưỡng cá hoàng ly minh thuý liễu,
Nhất hàng bạch lộ thướng thanh thiên.
Song hàm Tây Lĩnh thiên thu tuyết,
Môn bạc Đông Ngô vạn lý thuyền.
Dịch thơ (Ngô Tất Tố):
Hai cái oanh vàng kêu liễu biếc,
Một hàng cò trắng vút trời xanh.
Nghìn năm tuyết núi song in sắc,
Muôn dặm thuyền Ngô cửa rập rình.
Với Bạch Cư Dị lại là lời thảng thốt trước vẻ đẹp vụt biến đổi khi xuân về lúc mặt trời hé rạng, tô hồng thêm cho muôn hoa rực rỡ hơn ánh lửa, nhưng lại để dòng sông yên ả êm đềm xanh ngắt, để lại ấn tượng ghi dấu ấn suốt đời người, rất rõ nét trong bài thơ “Ức Giang Nam kỳ 1”:
Giang Nam hảo, phong cảnh cựu tằng am.
Nhật xuất giang hoa hồng thắng hoả,
Xuân lai giang thuỷ lục như lam,
Năng bất ức Giang Nam.
Dịch thơ (Nguyễn Hiến Lê):
Giang Nam đẹp, phong cảnh cũ từng ham.
Trời mọc, hoa sông hồng quá lửa.
Xuân về, dòng nước biếc như chàm,
Ai chẳng nhớ Giang Nam?
Mùa xuân trong con mắt người tu luyện
Người tu luyện là người trên con đường phản bổn quy chân, trở về với đại Đạo, họ sống thuận theo trời đất, theo tự nhiên, tránh xa cái ồn nào huyên náo nơi trần thế, buông bỏ cái hư ảo của danh lợi tình trong quần thể người phàm trần, tìm đến nơi yên tĩnh, u tịch, trong lành, thoáng đạt để thanh tu.
Trong con mắt của Phật hoàng Trần Nhân Tông, một thiền sư đắc đạo, thì họ đã hòa đồng với tự nhiên rồi. Đất trời thay đổi, họ cũng thay đổi thuận theo trời đất một cách tự nhiên, nên không có cái tâm phân biệt yêu thích cái này chán ghét cái kia. Với họ, vạn vật đều do Đạo sinh ra, đều đáng trân trọng, trân quý sinh mệnh, trân trọng tự nhiên, trân quý cái đẹp. Chúng ta cùng tìm hiểu cảnh giới của thiền sư qua bài thơ “Xuân hiểu” (Sáng xuân):
Thụy khởi khải song phi,
Bất tri xuân dĩ quy.
Nhất song bạch hồ điệp,
Phách phách sấn hoa phi.
Dịch thơ (Ngô Tất Tố):
Ngủ dậy ngỏ song mây,
Xuân về vẫn chửa hay.
Song song đôi bướm trắng,
Phấp phới sấn hoa bay.
Với thiền sư Vô Môn Tuệ Khai, một cao tăng đắc đạo đời Tống, thì khi cái tâm thanh tịnh, không còn vương vấn bụi trần, không còn lo nghĩ chuyện thế sự của chốn nhân gian, sống trong nhân gian nhưng không bị chuyện thế nhân vướng bận, thì lúc nào cũng thấy mỹ diệu, mùa nào cũng đẹp cũng đáng trân quý, được thể hiện trong bài thơ “Bình thường tâm thị Đạo” của ông như sau:
Xuân hữu bách hoa, thu hữu nguyệt
Hạ hữu lương phong, đông hữu tuyết
Nhược vô nhàn sự quái tâm đầu
Tiện thị nhân gian hảo thời tiết.
Dịch thơ (Thiền sư Nhất Hạnh):
Xuân có trăm hoa, thu có trăng
Hạ về gió mát, tuyết đông giăng
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
Xưa rất nhiều người tu Đạo, họ thường tu đơn độc, ẩn cư một mình trong núi sâu rừng già, hiếm khi có người gặp được họ. Họ sống hoàn toàn thuận theo tự nhiên, hòa với tự nhiên, rất du nhàn, thảnh thơi, như Tiên ông vô sự. Họ không có ý định, dự định, không có tính toán, chuẩn bị như người thường.
Với họ thời gian nào cũng như nhau, nơi chốn nào cũng như nhau, không có tâm phân biệt, coi vạn vật với mình như nhau, hòa hợp. Trang Tử có nói, ngao du với Thần Tiên khắp thái cực cũng không lấy làm vinh hạnh, sống cùng với bầy thú dưới đất cũng không lấy làm thấp hèn. Cái cảnh giới của người tu Đạo đắc Đạo đó rất hiếm khi người thường thấy được. Bài thơ “Đáp nhân” của Đạo sỹ vô danh, chỉ có cái hiệu Thái Thượng Ẩn Giả hé mở phần nào cảnh giới của Đạo nhân ẩn cư:
Ngẫu lai tùng thụ hạ,
Cao chẩm thạch đầu miên.
Sơn trung vô lịch nhật,
Hàn tận bất tri niên
Dịch thơ (Nguyễn Minh):
Tình cờ đến gốc cây thông
Gối đầu trên đá giấc nồng đến ngay
Trong non không có lịch ngày
Mùa đông vừa hết chẳng hay năm nào.
Cùng cảnh xuân tươi đẹp, nhưng mỗi con người lại có cảnh giới khác nhau, người yêu thích say mê, kẻ ưu sầu khổ não, người thì an nhiên tường hòa ngắm cảnh, người thì thoải mái dễ chịu với giấc nồng dưới tán cây. Một ngoại cảnh nhưng vạn tâm cảnh. Ngoại cảnh là cảnh vật của tự nhiên, của đất trời, chúng ta không thay đổi nó được, nhưng tâm cảnh là tâm trạng mỗi cá nhân, là có thể thay đổi được.
Không cần phải các cao tăng, cao Đạo, chúng ta hễ ai tịnh hóa được cái tâm mình, lắng lòng xuống, không bị ngoại vật sai khiến, không phải chạy theo công danh lợi lộc, không bị cái tình xúc động, thì chúng ta cũng đạt được cảnh giới tâm cảnh như họ, lúc đó thì:
Ví lòng thanh thản không lo nghĩ
Ấy buổi êm đềm chốn thế gian.
Triêu Lộ