Làm nên tên tuổi của những bậc vĩ nhân lưu danh hậu thế, hầu hết các câu chuyện lịch sử xưa nay đều nhắc đến mẹ. Đó là Mạnh mẫu vì con mà ba lần chuyển nhà, là Nhạc mẫu xăm chữ trên lưng con nhắc nhở về lòng trung trinh báo quốc… Nhưng trong lịch sử cũng có những người cha đóng vai trò quan trọng trong giáo dục gia đình. 

Họ không phải là nhân vật tên tuổi, nhưng lại là những nhà giáo dục thành công, người ươm mầm cho những bậc hiền nhân tài đức. Những ông bố này đã dùng chính đức hạnh của bản thân mình để làm gương, đồng thời giúp con cái lựa chọn chí hướng, bồi dưỡng nên những thế hệ tài năng xuất chúng.

Nhạc Hòa lấy đức đãi người, giáo dục Nhạc Phi thành anh hùng thiên cổ 

Nhắc đến thời niên thiếu của Nhạc Phi, người ta thường liên tưởng tới trận lụt trên sông Hoàng Hà, khiến cậu bé Nhạc Phi phải cùng mẹ lênh đênh trên biển nước. Lớn hơn một chút, Nhạc Phi lại phải chăn trâu, xách nước, phụ giúp mẹ việc nhà. Rồi đến ngày lên đường tòng quân, mẹ lại xăm lên lưng ông 4 chữ “Tinh trung báo quốc” như một điều khắc cốt ghi tâm, trọn đời trung nghĩa để đền ơn nước nhà…

Những câu chuyện trên được kể trong “Nhạc Phi diễn nghĩa” và các cuốn tiểu thuyết viết về Nhạc Phi. Miêu tả như vậy là để làm nổi bật sự vĩ đại của người mẹ anh hùng, đồng thời tạo nên màu sắc truyền kỳ vừa hư vừa thực. Nhưng khi nhìn lại lịch sử, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng, cha của Nhạc Phi cũng là người có ảnh hưởng rất lớn đối với nhân cách của ông sau này.

Anh hùng Nhạc Phi. (Ảnh: Wikipedia)

Trong cuốn Tống Sử – quyển 365 Nhạc Phi truyện, những ghi chép về cha của Nhạc Phi, tức Nhạc viên ngoại, được tóm lược trong vài dòng như sau:

“Nhà làm nông, cha tên là Hòa, rất giỏi tiết kiệm để cứu tế cho người đói. Có người cày ruộng xâm chiếm đất nhà ông, ông cũng cắt lại cho họ, ông cho mượn tiền mà không đòi trả lại… Cha giảng về đạo đức rằng: “Đến khi quốc gia cần thì dẫu phải xả thân cũng là nghĩa””.

Trong toàn bộ truyện ký chỉ có một đôi câu tường thuật chưa tới 50 chữ ghi chép về Nhạc viên ngoại (Nhạc Hòa), nhưng đoạn miêu tả ngắn ngủi ấy lại đủ cho chúng ta hiểu về nhân cách và quan điểm giáo dục của ông đối với Nhạc Phi.

Theo ghi chép, nhà họ Nhạc làm nghề nông, có tích lũy gia sản và cũng được coi là khá giả. Nhạc viên ngoại là người nhân nghĩa, thiện lương, bao dung, và rộng lượng. Vì để cứu đói cho dân chúng nghèo khổ mà ông sống rất dè sẻn, số lương thực tiết kiệm được sau lại dùng để ban phát cho dân nghèo.

Khi những người canh tác khác xâm chiếm đất đai của mình, ông cũng không để bụng mà cắt lại đất cho họ. Nếu có người cần tiền gấp ông cũng rộng lòng cho vay, hơn nữa ông chưa từng đòi nợ bao giờ. Chính vì vậy từ một gia đình khá giả, Nhạc gia dần dần trở thành hộ nghèo khó, nhưng tiếng thơm của nhà họ Nhạc thì đã vang xa khắp quê nhà. Vì sinh ra trong môi trường như thế, Nhạc Phi cũng hình thành cho mình một tính cách thiện lương ôn hoà.

Sau khi trưởng thành, Nhạc Phi không chỉ yêu thích võ công mà còn tinh thông sử sách, có thể gọi là văn võ song toàn. Điều này có phần đóng góp không nhỏ của cha ông là Nhạc Hòa. Vì biết Nhạc Phi hứng thú với sách vở, Nhạc viên ngoại đã tìm trường tư thục cho con theo học. Nhạc Phi thích học võ, ông lại tìm đến thầy Chu Đồng, một người cưỡi ngựa bắn cung thiện nghệ nổi tiếng để dạy Nhạc Phi.

Dưới thời vua Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận, nhà Tống chủ trương trọng văn khinh võ. Trong hoàn cảnh ấy Nhạc Hòa vẫn chủ động để con trai học võ, có thể nói là một quan niệm hiếm có trên đời.

Nhạc Phi học võ với thầy Chu Đồng (Tranh vẽ trên tường trong đền thờ Nhạc Phi ở Hàng Châu)

Không chỉ vậy, Nhạc viên ngoại còn dạy Nhạc Phi rất nhiều đạo lý làm người. Khi Chu Đồng qua đời, Nhạc Phi tưởng nhớ ân sư nên đã thủ tang cho thầy. Hành vi tôn sư trọng đạo, coi thầy như cha ấy của Nhạc Phi được cha ông vô cùng tán thưởng.

Khi thấy triều đình ngày càng suy thoái, Nhạc viên ngoại đã khích lệ con trai tận trung với nước, ông nói: “Một người có ích thì phải cống hiến cho nước nhà, dẫu phải bỏ xác ngoài sa trường thì cũng có ý nghĩa đối với quốc gia và đối với bản thân mình”. Những lời khích lệ và chỉ bảo này đã ảnh hưởng sâu sắc tới Nhạc Phi, thôi thúc ông một lòng tận trung báo quốc, trở thành vị tướng lừng danh thời nhà Tống, một bậc anh hùng thiên cổ trung trinh.

Đậu Yên Sơn thấy sai biết sửa, hành thiện tích đức giáo dục con cháu

Trong “Tam Tự Kinh” có hai câu thơ rằng:

“Đậu Yên Sơn, hữu nghĩa phương,
Giáo ngũ tử, danh câu dương”
(Đậu Yên Sơn, có đạo đức, dạy năm con, đều lưu danh)

Đậu Yên Sơn là nhân vật thường được nhắc đến trong những bài giảng đầu tiên của Nho học. Vậy ông là ai?

Đậu Yên Sơn tên thật là Đậu Vũ Quân, sống vào thời Chu sau thời Ngũ Đại thập quốc. Bởi nhà ông ở phủ Yên Sơn (U Châu) nên mới có tên gọi là Đậu Yên Sơn. Nhà họ Đậu lúc đó là một gia đình khá giả, có thể nói là danh giá. Yên Sơn sinh ra trong nhung lụa như thế, từ nhỏ đã không phải động tay làm việc, lại ngỗ ngược, thường tung hoành ngang dọc khắp quê nhà, bắt nạt người nghèo khổ.

Khi thành gia lập thất, Đậu Yên Sơn vẫn tỏ ra ngạo mạn, nhưng kỳ thực trong lòng ông lại canh cánh nỗi phiền muộn không yên. Bởi ông đã hơn 30 tuổi mà vẫn chưa có mụn con nào, nếu cứ tiếp tục như vậy e rằng sẽ không có người lo hương hỏa cho tiên tổ.

Một hôm trong giấc ngủ, Đậu Yên Sơn mơ thấy ông nội trách mắng rằng: “Đời trước cháu đã làm rất nhiều việc xấu, bây giờ cháu lại làm nhiều việc bất nghĩa như vậy, trời sẽ giáng tội xuống, không chỉ khiến gia tộc ta không có con trai nối dõi, mà thọ mệnh của cháu cũng sẽ không dài lâu được đâu. Nếu muốn trường thọ và kéo dài hương hỏa tổ tiên thì từ nay trở đi cháu phải thật tâm hối cải, sửa chữa những lỗi lầm trước kia mà hành thiện tích đức”.

Kể từ đó, Đậu Yên Sơn quyết định hối cải quy thiện, quyên tiền cứu dân nghèo khổ, xây cầu làm đường, làm rất nhiều việc thiện. Chỉ sau vài năm, vợ ông đã hạ sinh đứa con đầu lòng, sau đó cũng lần lượt sinh được 5 người con trai.

Bởi biết được tầm quan trọng của tích đức hành thiện, cho nên khi Đậu Yên Sơn giáo dục các con, ông không chỉ nhắc nhở chúng phải chăm chỉ học hành, mà còn coi trọng hơn việc giữ gìn đạo đức, nâng cao phẩm hạnh, và tu dưỡng nhân cách thiện lương. Nhờ đó, cả 5 người con trai của ông về sau đều ghi danh bảng vàng.

Nhờ tích đức hành thiện, Đậu Yên Sơn đã sinh được 5 người con trai. (Ảnh theo lexuedao.cn)

Trong tác phẩm Quyển 2 – Ngọc Hồ Thanh Thoại thời Tống có viết rằng: “Đậu Vũ Quân sinh được 5 người con trai là Nghi, Nghiễm, Khản, Xưng, Hy, lần lượt thi đỗ bảng vàng, Phùng Doanh Vượng đã tặng Vũ Quân một câu thơ rằng: “Linh Xuân một cây già, Đan Quế năm cành thơm””. Thời đó mọi người vinh danh là “Đậu thị ngũ long” (5 con rồng họ Đậu). Đây cũng là cội nguồn của câu thành ngữ “Ngũ tử đăng khoa”.

***

Dù là Nhạc Hòa hay Đậu Yên Sơn, họ đều lấy mình làm gương, đồng thời coi trọng giáo dục đạo đức và phẩm hạnh cho thế hệ sau này. Nhạc Hòa hành thiện không cầu báo đáp, khi Nhạc Phi vào tuổi trưởng thành, ông lại định hướng cho con trai rằng người có ích phải trung thành với đất nước.

Đậu Yên Sơn thấy sai biết sửa, hành thiện tích đức, đồng thời khi giáo dục con cái thì minh bạch đạo lý trước, học vấn theo sau. Trong môi trường như vậy, các con ông ai nấy cũng có thành tựu, trở thành danh nhân lưu truyền tới muôn đời.

Từ xưa tới nay, mong con thành rồng là kỳ vọng của rất nhiều ông bố bà mẹ. Nhưng không ít phụ huynh lại đẩy trách nhiệm giáo dục ấy cho các thầy cô trong nhà trường, họ quên rằng cần phải lấy mình làm gương, bồi dưỡng đạo đức cho con trẻ mới là cái gốc để làm người.

Gốc rễ phải chắc chắn thì cây mới có thể sinh trưởng và nảy lộc, đâm chồi. Và nếu nhìn lại lịch sử đông tây kim cổ, thì những bậc vĩ nhân lưu danh sử sách đều là những tấm gương nhân nghĩa, để lại tiếng thơm vì chữ “đức” chứ không phải chữ “tài”…

Nhã Văn biên dịch

Xem thêm: