Ai cũng muốn được làm người cao quý, được nể trọng. Nhưng phẩm chất của một người cao quý cụ thể gồm những điều gì là chuyện ít người thực sự thấu tỏ. 

Đời người thực chất là một quá trình liên tục tu sửa, hoàn thiện bản thân. Bạn của ngày hôm nay nhất định phải tốt hơn ngày hôm qua, của ngày mai ắt phải cao quý hơn hôm nay. Vậy đâu mới thực sự là những tiêu chuẩn cần phải đạt được của một phẩm cách cao quý? Bạn có thể xem qua những điểm dưới đây:

1. Biết nhận sai

Cổ nhân nói: “Ngẩng đầu giải thích không bằng cúi đầu nhận lỗi“. Nhưng phàm người ta rất ít khi muốn thừa nhận sự thiếu sót của bản thân, sai lầm của cá nhân mình. Người ta hoặc viện đủ mọi lý do để bào chữa, hoặc đổ lỗi cho người khác, quyết không bao giờ nhận phần trách nhiệm lớn về phía mình.

Đặc biệt là trong xã hội hiện đại, văn hóa nhận lỗi đã trở thành một thứ vô cùng xa xỉ. Hỏi có mấy ai dám đứng trước mặt người khác thừa nhận tất cả sai lầm của mình, nói rằng: “Tôi thành thực xin lỗi! Việc này tôi thực hiện sai rồi, đã gây hậu quả lớn rồi!“? Sở dĩ người ta không dám thừa nhận lỗi lầm là bởi họ coi đó là một sự sỉ nhục, nỗi hổ thẹn, là sự tự hạ thấp mình.

Kỳ thực, biết nhận sai chính là một loại cảnh giới tinh thần cao thượng. Khi thừa nhận thiếu sót của mình, trên thực tế bạn không hề mất đi thứ gì cả, dẫu là danh dự hay phẩm giá, phúc báo hay lợi ích. Trái lại, người biết cúi đầu nhận lỗi chính là loại người độ lượng, cao thượng nhất.

Bởi khi gặp chuyện không hay, họ luôn biết đối chiếu, soi lại vào chính mình, hướng nội tìm sai để giải quyết tận gốc vấn đề. Đó mới thực sự là cảnh giới tu dưỡng tinh thần quý giá nhất, là điểm thể hiện một người có cao quý hay không.

Người biết cúi đầu nhận lỗi chính là loại người độ lượng, cao thượng nhất. Ảnh facebook.com

2. Khoan nhu, dung nhẫn 

Răng thì cứng, lưỡi thì mềm. Thế nhưng đến cuối đời, răng sẽ rơi rụng hết, chỉ có lưỡi là vẫn khỏe mạnh mà thôi. Lẽ xuất xử ở đời cũng vậy, cứng quá thì gãy, lạt mềm lại thường buộc chặt. Nước rất mềm mại, khoan nhu nhưng sức mạnh thì vô địch thiên hạ. Đời người biết nhu hòa, giữ được tĩnh khí thì mới có thể thành công.

Nhẫn chịu là phẩm đức cao quý nhất của con người. Lùi một bước trời yên biển lặng, nhẫn một chút sóng gió êm xuôi. Đối diện với những xung đột tâm tính, mâu thuẫn và tranh đấu, nếu có thể giữ vững được chữ “Nhẫn” bạn đều có thể hóa giải được tất cả. Người cao quý lấy đức khoan dung và đức nhẫn làm trọng. Khi thủ vững được hai điều ấy trong tâm, chuyện thị phi gì trên đời cũng không động đến được tâm can của họ.

Đời người biết nhu hòa, giữ được tĩnh khí thì mới có thể thành công. Ảnh wikipedia.org

3. Biết buông bỏ

Người không biết buông bỏ thì giống như tự mình đeo lên người một cục đá lớn, đi mãi mà chẳng đến đích, mệt thân, nhọc sức, lại sinh ra oán hận không nguôi.

Cuộc sống lại giống như một chiếc vali. Khi cần dùng đến thì nhấc lên, khi không dùng đến thì hãy đặt nó xuống. Nhưng người ta vẫn là làm ngược lại, lúc cần buông xuống thì nhất quyết chẳng rời tay. Điều đó có khác nào việc bạn phải kéo một vali hành lý nặng nề đi suốt chặng đường dài không? Như thế vĩnh viễn bạn cũng không cách nào tìm được sự thanh thản.

Người biết buông bỏ tuyệt nhiên khác hẳn người chỉ muốn buông xuôi, phó mặc. Buông xuôi là một sự đầu hàng. Buông bỏ lại chính là một cảnh giới tu dưỡng. Buông xuôi thì dễ, buông bỏ mới thực khó khăn.

Xưa nay các bậc hiền thánh, những đấng đắc Đạo đều là biết buông bỏ, tùy duyên đúng lúc. Họ hiểu được đạo Trời, thấu được lòng người và sự biến hóa của cõi hồng trần nhân gian, do đó biết được lẽ tiến thoái, buông giữ, điều chỉnh được tâm bình khí hòa, nhờ vậy mà trở nên cao quý hơn.

Bậc quân tử đều là biết buông bỏ, tùy duyên đúng lúc. Họ hiểu được đạo Trời, thấu được lòng người. Ảnh pinterest.com

4. Thành tín

Cổ nhân nói: “Nhân vô tín bất lập” (người không giữ chữ tín thì chẳng thể lập thân). Dù ở bất cứ cảnh huống nào, nếu phải giữ lấy một phẩm cách quan trọng sau cùng, bạn hãy giữ chắc chữ Tín. Tín ở đây là tín tâm, tín nhiệm, uy tín. Sự tin tưởng không thể mua được bằng bạc vàng và sự thất tín cũng chẳng thể nào dùng tiền chuộc lại nổi. Người ta nói: “Một lần bất tín, vạn lần bất tin” chính là có ý nghĩa như thế.

Người giữ chữ tín thì đi không đổi tên, ngồi không đổi họ, nói năng kiềm chế, đã hứa là làm, đã làm là làm cho xong. Chữ tín cũng là một trong những phẩm chất phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân, nằm trong “Ngũ thường” (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín).

Tích xưa còn lưu lại một câu chuyện rất đẹp về chữ tín, xin được dẫn ra đây. Quý Trát là hoàng tử của nước Ngô thời Xuân Thu, vốn nổi tiếng hiếu thuận, hiền đức, từng từ chối ngai vàng, về quê cày ruộng để giữ gìn phẩm tiết. Năm 545 TCN, Quý Trát lĩnh mệnh đi sứ các nước Trung Nguyên để mở rộng giao thiệp. Ông từng qua nhiều nước như: Lỗ, Tề, Trịnh, Vệ, Tấn…

Ông có dừng chân ghé lại thăm nước Từ. Vua Từ rất thích thanh bảo kiếm của ông nhưng lại ngại ngùng không dám hỏi. Quý Trát biết ý nhưng vì bận bịu đi sứ nên chưa có dịp tặng lại thanh kiếm cho quân chủ nước Từ. Khi đi sứ từ nước Tấn trở về, qua nước Từ, Quý Trát định tặng gươm thì nhà vua đã băng hà. Ông bèn treo thanh kiếm lên trước mộ nhà vua, hoàn thành lời hứa trong tâm của mình. Người quân tử cao quý hơn người chính ở chỗ biết giữ lời hứa vậy.

Người quân tử cao quý hơn người chính ở chỗ biết giữ lời hứa vậy. Ảnh en.wikipedia.org

***

Đời người lấy tu sửa mình làm gốc, muốn được thanh cao thì phải chịu nỗi khổ cực trui rèn. Sắt muốn rèn nên bảo kiếm thì phải chịu nung trong lò lửa, nhúng trong nước lạnh. Người muốn dựng thành sự nghiệp, lưu lại tiếng thơm thì không thể không ngừng tu dưỡng. Như thế gọi là:

Khi sống chẳng cầu tài
Chết rồi quên danh lợi
Tu tâm giữ thiện hoài
Trở về nơi nguồn cội

Văn Nhược

Xem thêm: