“Sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay, trước mắt muốn quay về nhưng cũng không còn lối” — Hồng Lâu Mộng.

“Hồng Lâu Mộng”, hồi thứ hai có viết: Giả Vũ Thôn từng một lần đến ngoại ô thưởng thức cảnh đẹp thơ mộng, sông núi hữu tình. Bên cạnh những ngọn núi trùng điệp là nước non xanh biếc, phía xa xa trong rừng trúc có một ngôi miếu thờ mục nát đã lâu. Trước cửa miếu có dòng chữ phủ bụi mờ qua bao năm tháng: “Trí Thông Tự”, bên cạnh cửa là một đôi liễn ghi câu đối: 

“Sau lưng có đường lui nhưng không chịu buông tay
Trước mắt muốn quay về nhưng cũng không còn lối”.

Hai câu đối này làm Giả Vũ Thôn khắc sâu ấn tượng, bởi vì lời văn tuy ngắn gọn súc tích, nhưng ý nghĩa thì vô cùng sâu xa.

Thật vậy, Tào Tuyết Cần đã thông qua hai câu đối mà nói nên đạo lý làm người trong kiếp nhân sinh. Tên ngôi đền là “Trí Thông”, nếu không phải là người có trí huệ thông tuệ thì không thể viết nên hai câu đối như thế. 

“Sau lưng có đường lui”, ý muốn nói rằng cuộc sống hiện tại không cần phải quá lo lắng về cơm áo gạo tiền. Có người mặc dù đang sống trong hoàn cảnh ấm no sung sướng, nhưng vẫn không muốn thu tay lại mà càng tham vọng nhiều hơn, vung tay nắm chặt những thứ danh, lợi, tình mà không buông. Cuối cùng họ lại chuốc lấy những thứ không như mình mong muốn, dẫn đến đau khổ, thất vọng cả thân lẫn tâm. Đây là một sai lầm mà những người tham lam liên tục mắc phải. Nghiêm trọng nhất là nó đưa người ta bước vào vũng lầy “không còn lối”, chẳng thể xoay ngược trở về như lúc ban đầu.

(Ảnh minh họa: pixabay.com)

Trương Lương, Phạm Lãi nhờ biết buông tay đúng thời điểm bảo toàn tính mạng

Trong lịch sử có rất nhiều ví dụ về “không rút lui” và “rút lui”, nhưng nếu nhìn một cách tương đối thì “không rút lui” lại chiếm phần nhiều. Cho nên những bi kịch trong lịch sử là không ngừng lặp lại, không ngừng khiến người ta đau thương.

Hãy lấy hai ví dụ về “rút lui”. Người thứ nhất là Trương Lương thời nhà Hán. Trương Lương là một trong ba anh hùng kiệt xuất của Hán triều: Trương Lương – Tiêu Hà – Hàn Tín, họ đã thay Lưu Bang bình định thiên hạ, lập nên nhà Hán. Theo Tư Mã Thiên thì người này “tướng mạo đẹp như một mỹ nhân”, lại có thể “bàn mưu tính kế trong màn trướng, quyết định thắng lợi ngoài ngàn dặm” — (Trích “Sử Ký” – Lưu hầu thế gia).

Sau khi triều Hán lập nên, công lao của Trương Lương càng to lớn. Nhưng khi Lưu Bang luận công ban thưởng, Trương Lương lại vội vàng từ chối và từ bỏ địa vị đang nắm giữ. Ông nói:

“Gia đình tôi đời đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn mất, tôi chẳng tiếc số tiền vạn lạng vàng, đối phó với Tần quốc hùng mạnh để báo thù cho nước Hàn, làm cho thiên hạ đều rung động. Nay tôi lấy ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu. Kẻ áo vải được thế là tột bậc, đối với Lương thế là đủ rồi. Vậy xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du với Xích Tùng Tử mà thôi” — (Trích “Sử Ký” – Lưu hầu thế gia).

Trương Lương đã học cách buông bỏ, khiến thân tâm nhẹ nhàng. Ông muốn rời xa danh lợi, trở thành một người tu Đạo sống cuộc sống giản đơn. Quyết định này của ông khiến Lưu Bang không thể hiểu, dĩ nhiên thế nhân cũng không dễ lý giải. Trương Lương biết rằng truy cầu quyền lực là không có giới hạn, nhất là mọi quyền lực lại nằm trong tay quân vương, là người gần như có thể hô mưa gọi gió, thay đổi ý chỉ bất cứ lúc nào.

Sử sách viết Lưu Bang có tướng mạo “sống mũi cao như mặt rồng”, nhưng lại không thể che giấu bản tính ngang tàng, vô tình lãnh đạm. Gần vua như gần cọp, không biết được sẽ xảy ra sai lầm mà mất đi địa vị, hoặc có khi chỉ một chuyện vô duyên vô cớ mà dẫn tới tai ương, họa sát thân cũng chẳng thể đoán trước.

Hàn Tín là khai quốc công thần, nhưng sau đó thì sao? Bởi vì công lao quá lớn mà bị vu oan hãm hại, tru di tam tộc, thậm chí thân thể cũng thành thịt nát xương tan. Lưu Bang nghe tin ông chết thì phản ứng đầu tiên là “vừa vui mừng lại vừa thương xót”, chẳng phải làm cho hậu thế chúng ta càng đau xót thêm sao? Điều này đã trở thành bài học giáo huấn vô cùng sâu sắc giữa thần tử và quân vương. Thế nên Trương Lương là một người vô cùng thông minh, những năm cuối đời ông đã lựa chọn bước lùi một bước. 

Tranh vẽ Trương Lương trong một ngôi mộ thời Tây Hán

Một ví dụ khác là câu chuyện “rút lui” của Phạm Lãi. Phạm Lãi đã trợ giúp Câu Tiễn diệt nước Ngô. Khi đại sự thành công, điều đầu tiên ông nghĩ đến là làm sao thoái lui được toàn thân. Phạm Lãi cho rằng Việt Vương có tướng cổ cao, môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, có thể cùng chịu lúc hoạn nạn chứ không thể cùng vui khi an lạc. Vậy nên ông không ở lại làm quan mà bí mật trốn đi mai danh ẩn tích.

Có thuyết nói rằng ông cùng người đẹp Tây Thi lên thuyền đi vào Ngũ Hồ, cắt đứt mọi quan hệ với thế giới bên ngoài, sống cuộc đời phóng khoáng tự tại, khi ca hát, khi câu cá, khi đọc sách, mặc cho thời gian trôi. Nhưng câu chuyện này cũng chỉ do người đời tưởng tượng ra mà thôi. Thật ra Phạm Lãi hành động rất dứt khoát, ông rời khỏi nước Việt bằng đường biển, thậm chí đi đến đâu đổi danh tính đến đó, không để lộ hành tung của bản thân. Làm đến mức như thế là bởi vì ông quá hiểu tính tình của Việt Vương Câu Tiễn. Ông miêu tả Việt vương là người cao cổ, miệng chim, chỉ có chung hoạn nạn mà không thể chung vui. Nếu như không lựa chọn cách đoạn tuyệt rời đi, hậu quả như thế nào rất khó đoán trước được. Ông cùng gia quyến đến đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công và trở thành một thương gia giàu có lúc bấy giờ. 

Trong Kinh Thương, Phạm Lãi là “người giàu có luôn hành sự theo đức, hết sức chú trọng đạo đức và đạo nghĩa. Trong 19 năm, ông ba lần đạt được sự giàu có tột bậc nhưng cũng ba lần đem hết của cải bạc tiền phát cho người nghèo, bản thân ông không vì tiền tài mà lao tâm”.

Phạm Lãi là tướng tài duy nhất sống sót, bởi ông đã sớm nhận ra con người của Câu Tiễn. Ông được người đời sau khen là:

Người như ngọc chuốt, lòng tựa lửa hồng
Đức còn chảy mãi, nhân tỏ vĩnh hằng

Vậy nên người biết rút tay về đúng lúc sẽ có thể bảo vệ được mạng sống của chính mình. Đó chẳng qua chỉ là những câu chuyện nhỏ trong dòng chảy cuồn cuộn của lịch sử, nhưng lại chính là như một tấm gương sáng soi chiếu nghìn năm. Bởi vì “không rút tay về” mà dẫn đến thân bại danh liệt, có lẽ những chuyện ấy đã được sử sách xưa nay ghi chép lại quá nhiều. 

Con người hiện đại ngày nay, đa phần là chỉ muốn được mà chẳng muốn mất, chỉ muốn tiến lên mà chẳng muốn lui về. Để đến khi tuổi đời đã xế chiều, họ mới nhận ra rằng người trí huệ là người biết tìm cho mình một con đường lui thích hợp. Đó cũng là cách đối nhân xử thế vẹn toàn, cũng là đem lại điều tốt đẹp cho sinh mệnh của bản thân.

Tuệ Liên
Theo Secretchina

Bạn đang đọc bài viết: “Người biết rút lui đúng lúc mới là đại trí huệ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

videoinfo__video3.dkn.tv||e52317cb8__

Từ Khóa: