Vương Duy được biết đến với biệt danh Thi Phật. Ông là một nhà thơ nổi tiếng, nhà thư pháp, họa sĩ với nét họa tài hoa. Có cái tài xuất chúng cùng với tín tâm tròn đầy nơi đất Phật, ông là nhà thơ duy nhất phác họa được cảnh giới tư tưởng Phật gia trong họa, và thổi hồn thiện trong từng ý thơ.
Tác phẩm của ông được đánh giá là: “Xem thơ mà nhìn họa, xem họa mà nghe thanh”, nghĩa là đọc thơ mà như chiêm ngưỡng một bức họa, ngắm họa mà như nghe thanh nhạc.
Vương Duy (701 – 761), tự Ma Cật, người huyện Kỳ, Tấn Trung, Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, một họa sĩ, một nhà viết thư pháp và một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông còn được người đời gọi là Thi Phật. Cùng với Lý Bạch (Thi Tiên) và Đỗ Phủ (Thi Thánh) là ba người nổi tiếng về tài thơ ca thời Đường. Ngày nay còn giữ được khoảng 400 bài thơ của ông, với phong cách tinh tế, trang nhã. Vương Duy còn là một nhạc sĩ, một nhà thư pháp, đặc biệt là một họa sĩ nổi tiếng.
Ông cũng là người tinh thông về Phật học và theo trường phái Thiền tông. Ông cả đời “thích Đạo”, từ năm 15 tuổi làm thơ đã viết “Tự hữu sơn tuyền nhập, phi nhân thái họa lai” (Non nước tự nhiên đến, chẳng phải vẽ ra tranh), điều đó thể hiện rằng ngay từ thủa thiếu thời trong lòng ông đã có núi non sông nước, tâm hồn thơ tự do thoáng đạt. Đường Đại Tông khen ngợi ông là “Thiên hạ văn tông” (Ông tổ văn chương của thiên hạ). Đỗ Phủ cũng ca ngợi ông “Câu thơ tuyệt mỹ truyền khắp cõi”.
Cả cuộc đời được đắm mình trong Phật Pháp, hồn thơ mang cảnh giới siêu phàm
Ngay từ nhỏ ông đã được thấm nhuần tư tưởng nhà Phật, được lắng nghe lời mẹ dạy hướng Phật, tín Phật. Nên trong ông và em trai ông là một tín tâm tròn đầy gửi gắm nơi Phật tịnh.
Cùng nổi danh với em trai tên Tấn, tư chất hiếu mẹ cha, lấy thiện đãi người mà bình hòa với bằng hữu, hai anh em đều dốc chí thờ Phật. Thiện niệm dần dần đưa ông đi đến con đường tu Phật, thanh tâm quả dục, sống cuộc sống vừa làm quan vừa ở ẩn, mỗi ngày bãi triều về phủ, liền thắp hương tĩnh tọa, gạt bỏ vọng niệm, tụng niệm kinh Phật.
Với cảnh giới tâm siêu nhiên tu tâm hướng thiện, yên tĩnh xa xôi, ông đã cảm nhận được ý nghĩa chân thực của sinh mệnh và sự thần diệu của thế giới, lắng nghe được nốt nhạc đến từ thiên thượng. Ông đạt được rất nhiều thành tựu to lớn trong các lĩnh vực thơ thư họa nhạc nên được Tô Thức khen ngợi là “Vị Ma Cật chi thi, thi trung hữu họa; quan Ma Cật chi họa, họa trung hữu thi”. (Thưởng thức thơ Ma Cật, trong thơ có tranh. Ngắm nhìn tranh Ma Cật, trong tranh có thơ)
Ý vị hồn thơ của ông vượt khỏi tư duy thông thường nhờ cảnh giới tư tưởng thoát tục
Vương Duy để lại rất nhiều bài thơ lưu danh thiên cổ và nhiều bức tranh nổi tiếng truyền đời. Ông hòa nhập nghệ thuật thi họa thành một thể, đưa “thi cảnh” vào họa cảnh, làm cho ý tranh đầy đặn hơn, sâu lắng hơn, đưa “họa cảnh” hòa nhập “thi cảnh”, làm cho ý thơ hình tượng hơn, tinh tế và kỳ diệu hơn.
“Đại mạc cô yên trực
Trường hà lạc nhật viên”.
Dịch:
‘‘Sa mạc làn khói thẳng
Sông dài mặt trời tròn’’
Ý thơ khắc họa một cảnh tượng hùng vĩ, kì thú, tráng lệ. Khiến người nghe như đang ngắm một bức họa chứ không đơn giản là một câu thơ.
Là sự điềm tĩnh và vần điệu trôi chảy của:
“Minh nguyệt tùng gian chiếu
Thanh tuyền thạch thượng lưu”
Dịch:
‘‘Trăng sáng giữa rặng tùng
Suối trong trên đá chảy’’.
Trong thơ của ông thể hiện rõ nhất là chữ “cảnh”, nó được miêu tả rất chi tiết, nhưng lại rất tinh tế. Bởi vậy mà người đời ca ngợi thơ ông: “Ý thú u huyền, diệu tại văn tự chi ngoại” (Ý tứ thú vị, sâu lắng, huyền ảo, kỳ diệu ở ngoài con chữ).
Ông vui thú kết giao bằng hữu, giao lưu thi nghệ, khi ẩn cư giữa nơi sơn thủy để bồi đắp tâm thân, thì niềm vui tìm được những bằng hữu cùng chung chí hướng của ông khôn tả xiết.
Trong các bài thơ như “Sơn trung dữ Bùi tú tài thư” (Thư gửi Bùi tú tài trong núi), “Yến tử khám thiền sư” (Thiền sư ở khám Yến Tử) và “Du Ngộ Chân tự” (Dạo chơi chùa Ngộ Chân)… ông đã miêu tả lại những cảnh tượng khi ở cùng với bằng hữu: “Khi thì ngâm thơ xướng họa, vẽ tranh gảy đàn’’.
Lúc thì cùng chơi thuyền thưởng thức gió mát trăng thanh, khi thì leo lên đỉnh núi thấy các núi xung quanh nhỏ, thưởng thức mây mù trên những đỉnh núi kỳ lạ, nghe suối reo thánh thót.
Lúc thì chơi cờ với tiên nhân, trò chuyện cùng tiều phu, vui đùa cùng chim chóc. Mùa xuân thưởng ngoạn hoa rừng rực rỡ, mùa hạ uống nước suối trong ngọt như nước cam lồ, mùa thu nghe tiếng nhạn kêu tít trời cao, mùa đông ngắm nhìn khóm trúc trong tuyết trắng.
Có thể nói rằng thơ ông như vẽ lên một bức họa chốn bồng lai tiên cảnh, thoát tục mà thấm đẫm sự tiêu giao. Từ trong kết giao bằng hữu, ông luôn tìm người đồng hành kết đạo, trong tập ‘‘Quá Lý Tập trạch” Qua nhà Lý Tập.
“Dữ ngã đồng tâm nhân
Lạc đạo an bần giả”
Dịch:
‘‘Người đồng lòng với ta
An bần lạc đạo mà’’.
Hay trong Đào nguyên hành ông viết:
“Xuân lai biến thị đào hoa thủy
Bất biện tiên nguyên hà xứ tầm.”
Dịch:
‘‘Xuân đến khắp nơi đào hoa trôi,
Tìm tiên đào nguyên ở đâu rồi’’.
Tinh thần cầu đạo và tìm đạo trong ông chưa bao giờ ngừng thôi thúc. Chính vì thế, ý thơ trong ông luôn là sự khao khát mong mỏi kiếm tìm chân đạo, tìm những bằng hữu đồng đạo như ông. Với ông cuộc sống như vậy mới đúng là thi vị đáng có của một đời người.
Nghe thơ mà chiêm họa, là nét đặc sắc điêu nghệ tài hoa của nhà thơ Vương Duy.
Những người được thưởng thức tác phẩm thi họa của ông đều nhận định trong thơ có họa mà họa có âm thanh. Ý nói rằng đọc thơ ông là thấy luôn bức tranh đang hiện ra trước mắt. Đây chính là sự khéo léo trong việc miêu tả chân thực và sinh động trong từng vần thơ, khiến người đọc thơ mà như xem họa.
Trong tác phẩm nổi bật có tên Thanh khê, ông viết:
“Ngôn nhập hoàng hoa xuyên
Mai trục thanh khê thủy…
Ngã tâm tố dĩ nhàn,
Thanh xuyên đạm như thử”
Dịch:
‘‘Lời nói chui vào suối Hoàng hoa
Hòa theo dòng Thanh Khê cùng chảy…
Lòng ta vốn đã an nhàn sẵn,
Suối trong kia lại rất êm đềm’’.
Suối Thanh Khê dưới ngòi bút của thi nhân, vừa yên tĩnh, vừa sống động, vừa sâu lắng, vừa thanh tịnh, từ giai điệu không ngừng chảy của nó, hiện ra bức tranh có các cảnh trí thiên nhiên khác nhau, thể hiện ra đặc tính rõ nét và sức sống tràn trề của nó. Ngòi bút của ông một lần nữa lại thể hiện cái tài, thanh dật thoát tục, trong vắt thanh tịnh.
Một kì thú không thể nghĩ bàn đó là sự khéo léo gửi gắm tâm hồn chí hướng của mình vào núi rừng sông suối, không hòa vào thế tục. Thanh Khê ở đây chính là miêu tả nội tâm của nhà thơ, thanh tịnh, an nhiên giống như nước suối trong vắt, tâm cảnh và vật cảnh ở đây đã hòa nhập vào nhau.
Thơ ông có lúc như bức tranh thủy mặc sông chảy vô tận, như chảy ra ngoài trời đất, núi xa mờ ảo, như có như không, với cảnh quận, ấp nổi chìm đã lột tả cảnh mênh mông sông nước, biểu thị quang cảnh sóng lớn hùng tráng, mênh mông tới tận chân trời:
“Giang lưu thiên địa ngoại,
Sơn sắc hữu vô trung.
Quận ấp phù tiền phố,
Ba lan động viễn không”
Dịch:
‘‘Sông chảy ngoài trời đất
Sắc núi ẩn hiện mờ
Quận ấp trôi bến nước
sóng gợn động tầng không’’
(Trích Hán giang lâm phiếm)
Nhưng có lúc thơ ông lại như bức tranh màu đậm nét, sắc màu “hồng”, “lục”, sau cơn mưa, hoa đào càng tươi thắm hơn, rặng liễu xanh biếc bao trùm bởi màn sương khói mờ mờ như có như không, để mọi người nhìn thấy cảnh đẹp mùa xuân ở Võng Xuyên, thưởng thức hương hoa chim hót, cảm nhận hơi thở cuộc sống đậm đà thuần phác của người dân nông thôn vất vả cần cù.
“Đào hồng phục hàm túc vũ
Liễu lục cánh đái triêu yên.
Hoa lạc gia đồng vị tảo
Oanh đề sơn khách do miên”
Dịch:
‘‘Mưa cũ, đào tươi vẫn ngậm,
Khói xuân, liễu biếc còn đeo.
Hoa rụng trẻ nhà chưa quét,
Oanh ca khách núi ngủ khoèo’’.
(Trích Điền viên lạc).
Thơ Vương duy như ngắm họa thưởng thanh, trong tĩnh mà nghe được âm thanh vạn vật.
Cái Không trong thơ Vương Duy rất dễ bắt gặp như hình ảnh: “không sơn”, “không lâm”, “không thủy”… Nhưng cái không đó không có nghĩa là không gian chết, hay sự ảm đạm tiêu trầm, mà lại mang một sức sống ẩn chứa bởi những âm thanh của vạn vật trong thiên nhiên.
“Không sơn bất kiến nhân,
Đán văn nhân ngữ hưởng”
Dịch:
‘‘Núi trống vắng tanh người,
Chỉ nghe vọng nói cười’’.
(Trích Lộc trại)
Phương pháp đòn bẩy được Vương Duy sử dụng rất hài hòa. Miêu tả cái động để rõ nét về tĩnh giống như hang rỗng truyền âm, để lộ rõ hơn cái Vô.
“Thanh xuyên hứng du du
Không lâm đối yển kiển”
Dịch:
‘‘Suối trung vui nhởn nhơ
Rừng vắng nằm thảnh thơi’’
(Trích Hý tặng Trương ngũ đệ yên)
Ngụ ý rằng dù thế sự rối ren, dòng đời trôi nổi, nhưng có cái tâm thanh tĩnh, thì vẫn ung dung tự tại, ngao du trong chốn thanh tịnh mà khoái lạc thong dong.
“Không sơn tân vũ hậu,
Thiên khí vãn lai thu”
Dịch:
(Núi không sau trận mưa đào,
Khí trời hiu hắt về chiều ra thu)
(Trích Sơn cư thu minh)
Âm thanh của tiếng mưa vừa dứt đã gột rửa hết bụi trần trong núi, núi càng lúc càng trong trẻo tươi sáng, vứt bỏ ham muốn vật chất rối loạn, rửa sạch cõi lòng liền hiển hiện cảnh giới mênh mông trong trẻo và thanh khiết.
Cảnh giới thơ ông là vô vi, là tĩnh, đượm chất của tu tập thiền định
Trong cảnh giới tư tưởng của Vương Duy, ông nói rằng, “Không” không có nghĩa là không có gì, mà là cái không có sức sống, trong cái không mà ngộ được ý nghĩa nhân sinh, và khi tâm thật sự tĩnh, thì con người như trở về với sơn thủy tĩnh lặng tràn đầy sinh khí. Khi đã đạt được Không và Tĩnh, lập tức cảm ngộ triệt để Phật lí, cảm nhận được sức sống bất diệt của tạo hóa.
Điều này được bộc lộ rõ trong bài thơ: Điền viên sơn thủy. Vẻ đẹp tâm hồn của một thi nhân khi quan niệm về cái đẹp chính là cốt lõi của Không và Tĩnh, khi nhân sinh cảm ngộ, trong tâm tràn đầy ánh quang minh, bao dung vạn vật, dùng tâm cảnh này để quan sát cảnh vật, thì cảnh vật cũng thể hiện ra hư vô, tĩnh lặng, thanh tịnh mà thoát tục, thanh tao mà thi vị
Trong bài thơ “Tích vũ Võng Xuyên trang tác” (Sáng tác ở Võng Xuyên trang lúc mưa nhiều) tác giả viết:
“Mạc mạc thủy điền phi bạch lộ,
Âm âm hạ mộc chuyển hoàng ly.
Sơn trung tập tĩnh quan triêu cẩn,
Tùng hạ thanh trai chiết lộ quỳ”
Dịch thơ:
‘‘Ruộng nước mịt mù cò thẳng cánh,
Cây hè rợp bóng tiếng oanh ca.
Dưới tùng trai tĩnh sương quỳ ngắt,
Trong núi tập thiền ngắm sớm hoa’’.
Ông miêu tả về cõi tiên ở trốn trần tục, sự thanh tịnh trong dòng đời ô uế, tiên cảnh đó chỉ hiển hiện khi con người đạt được cảnh giới vô vi, tĩnh lặng trong việc thiền định và trai tịnh. Thanh tẩy tâm thân, lập tức thấy cò trắng bay, hoàng oanh hót, thi nhân ở sơn trang Võng Xuyên, ẩn cư tu luyện mà thấy đời là cõi tiên, đó là một sự vui thú lớn hơn thảy mọi sự đời.
Thơ Vương Duy ngoài vẻ đẹp thanh bình, còn có cả sự tinh tế phong nhã. Ý thơ luôn hàm chứa những triết lí nhân sinh cao cả. Cảnh giới tư tưởng của ông thoát tục siêu phàm, nên hồn thơ của ông phóng khoáng mà không chịu sự ràng buộc bởi những danh lợi tình thế nhân.
Người ta nói thơ của ông trong vắt thanh tịnh như gương, bởi tâm ông chẳng hề vẩn đục. Những điều mà trong thiền định và chú trọng tu dưỡng tâm thanh có được đã là chiếc chìa khóa giúp ông khai mở năng lực siêu phàm của tự thân. Vương Duy nói: “Trong lòng siêu thoát, không trở ngại, như băng trong suốt… cho nên hạ bút không có khí bụi trần”.
Nét vẽ trong hội họa của Vương Duy như bút tích của thần
Cảnh giới tư tưởng của ông là tĩnh, do vậy mà bút vẽ trong hội họa của là cái hồn của sự thanh tịnh thoát tục. Ông từng nói: “Phàm vẽ tranh sơn thủy, ý vượt trước nét bút”, “Trong đạo vẽ tranh, thủy mặc trên hết, mở đầu cái tính tự nhiên, thành tựu cái công của tạo hóa”.
Nét vẽ mộc mạc, thanh khiết nhưng mới lạ. Cùng với phong cách vẽ tả ý nên độ đậm nhạt trong sử dụng mực nước được ông khai thác triệt để. Chính vì thế ông được người đời khen tụng: “Thư họa của ông đến chỗ kỳ diệu, nét bút gợi suy nghĩ, như là tạo hóa”
Trong tranh thủy mặc của Vương Duy, ông thường vẽ non xanh nước biếc, tuy đơn giản mà lại mang đậm sự tươi tốt, đầy sức sống, giống như quan điểm: Núi không cần màu xanh mà tự biếc, gió không cần ngũ sắc mà tụ hợp. Với dụng ý vận dụng nét bút mà gửi gắm ý thay vì dùng màu mà mô tả.
Những bức họa tiêu biểu như: “Võng Sơn đồ” ,“Sơn Âm đồ”,“Giang sơn tuyết tế đồ” của Vương Duy được đánh giá là kiệt xuất thế gian. Những bức họa này đều nổi bật về cách họa thiên nhiên non nước sông hồ, có thủy có sơn, bức họa sống động với cảnh vật tươi vui, núi rừng trùng điệp. Tầm mắt của ông như bao trọn cả sơn thủy, giống như lời bộc bạch về tư tưởng cảnh giới mà ông có được nhờ minh tâm kiến tính.
Đẫn dắt người xem như bước chân vào chính trong cõi tiên thơ mộng huyền ảo. Cái mà ông truyền đạt tới người xem chính là những khung cảnh thanh tịnh mà ngỡ tưởng nó không tồn tại ở cõi thế gian. Thực chất chính là góc thanh tịnh mà tâm hồn ông dung chứa.
Xưa kia trong hội họa, trúc được coi là biểu tượng cho phẩm đức ngạo nghễ tuyết sương, qua đông hàn mà không tàn úa, khiêm nhường, chính trực và tiết tháo. Dưới nét vẽ của Vương Duy, thì cây trúc phong nhã sinh động, mang đủ hình dáng và thần thái.
Tô Đông Pha một lần thưởng bức bích họa tuyết trúc của ông mà thán: “Trước nhà hai khóm trúc, tiết tháo ngạo tuyết sương”.
Vương Duy là một đại thi họa mà kết hợp hài hòa giữa họa và thơ. Không chỉ là một bức toàn cảnh hay trọn vẹn ngụ ý mà mình gửi gắm với ý vận sâu xa, mà hơn hết ông khiến người xem như bứt phá khỏi câu nệ và sự hình tượng hữu hạn trong hội họa, vẽ là vẽ từ tâm, từ cảm hứng phóng túng bút vẽ, đột phá khung cảnh, mở mang tầm rộng lớn vô hạn. Người xem dễ dàng cảm nhận được ý tại ngôn ngoại.
Ông hạ bút như thần, “ý cảnh mỹ học, khí vận cao thanh”, đều trở thành âm điệu Thịnh Đường điển hình. Thảy mọi điều ông có được đều từ trong cảnh giới tu tập thiền định, giác ngộ Phật pháp mà ông đạt được “Tĩnh tắc sinh huệ”, thể nghiệm cảnh vật tinh tế, viết tả truyền thần, và đạt đến “Nhãn không kim vô nhiễm, tâm không an khả mê” (Nhãn không lòng chẳng nhiễm, tâm không chẳng thể mê)
Trong tu luyện mà nhìn thấu kiếp nhân sinh, rõ nhân quả và rồi ông tự bạch “Túc thế mậu từ khách, tiền thân ưng họa sư. Bất năng xả dư tập, ngẫu bị thế nhân tri” (Đời xưa là thi sỹ, kiếp trước là họa sư. Vẫn không bỏ nết cũ, nên bị người đời hay). Ông đã nhìn thấy được nhân quả tiền kiếp của mình, trong nhiều kiếp trước ông đều là văn nhân và kiếp trước gần nhất là họa sỹ, nên những thói quen kiếp trước vẫn chưa thay đổi, kiếp này ngẫu nhiên bị thế nhân phát hiện ra.
Ông cảm ngộ về thế sự nhân sinh bằng thái độ thản nhiên bình hòa, không màng đến hư danh trên thế gian, đi trên con đường phản bổn quy chân.
Có thể nói rằng Vương Duy xứng đáng với danh hiệu Thi Phật. Bởi trong ông không chỉ là tài năng bản ngã, mà hơn thảy là trí tuệ siêu phàm, cảnh giới thoát tục, những điều ông truyền đạt trong thi và họa đều là cảnh giới tư tưởng mà ông đắc được nhờ giác ngộ Phật pháp, tu luyện tâm thân.
Ý cảnh thi họa của ông không gì ngoài bộc lộ tự nhiên cảnh giới tâm hồn ông, cao thượng mà hòa ái, tự nhiên cảm động lòng người, từ những tác phẩm của ông người ta có thể nhìn thấy tâm thái thuần tịnh và tinh thần hướng đạo của ông, truy cầu cảnh giới thiên nhân hợp nhất, người vật hòa đồng, truy cầu điều tốt đẹp và tươi sáng.
Tham khảo Minhhue.net
Tịnh Tâm