Từ thời xa xưa, con người đã có tín ngưỡng đối với các bậc thần linh. Những tác phẩm nghệ thuật truyền thống đầu tiên xuất hiện trong thần điện của nhà thờ, thể hiện cảnh giới thiêng liêng tốt đẹp, tráng lệ. Văn nghệ Phục hưng của Ý cũng không ngoại lệ, trong đó Raphael là một đại diện xuất sắc.
Raffaello, thường gọi là Raphael, tên đầy đủ là Raffaello Sanzio da Urbino (1483 – 1520) là họa sĩ và kiến trúc sư nổi tiếng người Ý. Cùng với Michelangelo và Leonardo da Vinci, trở thành bộ ba bậc thầy vĩ đại của thời kỳ Phục Hưng.
Raphael là một họa sĩ rất tài năng, ông có một xưởng vẽ rất lớn và đã để lại một khối lượng lớn các tác phẩm có ảnh hưởng lớn đến nền hội họa đương thời sau này. Nhiều tác phẩm của ông được tìm thấy trong tòa thánh Vatican, nơi những bức bích họa Raphael Rooms ở ngay trung tâm, và cũng là các tác phẩm lớn nhất trong sự nghiệp của ông.
Vẻ đẹp tinh tế, sâu sắc mà thánh thiện trong những bức tranh của Raphael
Năm 1504, khi chỉ mới 21 tuổi, Raphael đã sáng tác nên tác phẩm nổi tiếng “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” dành cho nhà thờ San Francesco, Città di Castello, Ý; hiện đang được lưu giữ tại nhà trưng bày Pinacoteca di Brera nổi tiếng của nước Ý.
Bức tranh sơn dầu này là một minh chứng cho sự trưởng thành và tự tin của Raphael.
Từ kết cấu bức tranh, kỹ thuật vẽ tranh, bối cảnh phông nền, sự cân bằng các chi tiết đều cho thấy sự tài năng hội họa đang ngày một hoàn thiện và còn vượt qua cả Pietro Perugino, thầy của Raphael.
Đặc biệt trong bức tranh “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh”, bầu không khí ấm áp mà trang nghiêm, thần thánh khi Thánh Joseph trao nhẫn cho Đức mẹ Maria, khí chất đoan chính, nho nhã của các nhân vật cùng với những chi tiết nhỏ tinh tế khác khiến cho bức tranh trở thành một kiệt tác nổi bật hiếm thấy trong nền nghệ thuật truyền thống cổ điển.
Phía sau hôn lễ, một quảng trường rộng lớn lát đá cẩm thạch, trải dài tới các bậc thang, rồi đến một ngôi đền lớn. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy rằng ngôi đền này có 16 cạnh. Sự chi tiết của ngôi đền cho thấy rằng ở thời điểm này, chàng trai trẻ Raphael đã rất hứng thú với kiến trúc.
1504 có thể coi là một năm đặc biệt trong nền nghệ thuật Phục Hưng. Cùng thời điểm với bức “Hôn lễ của Đức mẹ đồng trinh” của Raphael, còn có bức tượng điêu khắc kinh điển “David” của Michelangelo và tác phẩm “La Joconde” của Léonard da Vinci.
Nền nghệ thuật chân chính được sinh ra để thể hiện sự kính trọng, thành kính, ca tụng của con người đối với các vị thần đã sáng tạo nên con người, chứ không phải là phương tiện để con người phóng túng đạo đức.
Hầu hết các bậc danh họa trong lịch sử cũng như các kiệt tác nghệ thuật nổi tiếng bậc nhất đều thể hiện sự kính ngưỡng sâu sắc sự vĩ đại và sự từ bi vô lượng của Thần, Phật đối với con người thế nhân.
Raphael còn nổi tiếng là đại diện xuất sắc với chủ đề “Thánh Mẫu tử”, một chủ đề rất hấp dẫn và đã tồn tại trong một thời gian dài. Bên cạnh số lượng lớn tác phẩm nghệ thuật có nguồn gốc từ nhà thờ để ca ngợi Chúa và làm nổi bật sự trường tồn và vĩ đại của Ngài, ông còn đặc biệt yêu thích sự thánh thiện, tình yêu và sự ngây thơ của chủ đề “Thánh Mẫu tử”. Vì vậy bản thân Raphael đã vẽ nhiều bức “Thánh Mẫu tử” trong cuộc đời mình.
Trong số đó, nổi tiếng nhất có thể kể đến những tác phẩm như “The Madonna del Granduca” (năm 1505), “La Belle Jardiniere” (năm 1507), “Tempi Madonna” (năm 1507), đặc biệt phải kể đến tác phẩm “Madonna Sistine” (năm 1514)
Những bức “Thánh Mẫu tử” được vẽ bởi Danh họa nổi tiếng thời Phục Hưng Raphael tràn đầy sự ung dung, vẻ xinh đẹp, trong sáng và rạng rỡ. Khi nói đến Thánh Mẫu, mọi người thường nghĩ ngay đến không phải là khuôn mặt nghiêm túc và cứng nhắc trong những bức tranh thời Trung cổ, mà là hình ảnh đẹp mỹ lệ và thánh thiện dưới cây cọ tài tình của Raphael.
Người đời sau đánh giá vẻ đẹp an nhiên, từ bi của Đức mẹ thể hiện những đặc điểm tự nhiên của người phụ nữ trên thế gian nhưng lại không có bất kỳ người phụ nữ nào vẻ đẹp giống như Đức mẹ. Điều đó cũng thể hiện tính thẩm mỹ, nghệ thuật của Raphael, ông dụng ý tạo ra một tác phẩm thể hiện nội hàm vẻ đẹp từ bi của Đức mẹ khi Ngài hạ thế xuống trần gian.
Bức tranh “Madonna Sistine” được vẽ bằng sơn dầu trên vải, có kích thước là 265cm x 196cm, được danh họa Raphael vẽ cho nhà thờ Thánh Sixto năm 1514.
Bức tranh bố cục theo hình tam giác cân với hình ảnh Đức mẹ duyên dáng ở giữa, các vị thánh ở hai bên cùng với hai tiểu thiên thần đáng yêu bên dưới bức tranh.
Ngắm bức tranh “Madonna Sistine”, có cảm giác như đang xem một câu chuyện được trình diễn trên sân khấu hiện đại 4D- 5D của thời công nghệ thế kỷ 21. Bức tranh như có chiều sâu, nhiều lớp, có cả cận cảnh, trung cảnh và hậu cảnh. Mỗi một lớp cảnh mở ra một câu chuyện thú vị với nhiều thông điệp về tri thức và đức tin của nhân loại.
Có thể nói bức tranh đã đạt tới sự hoàn mỹ về vẻ đẹp của Đức Mẹ, trở thành “khuôn vàng thước ngọc” hình ảnh Đức Mẹ kể từ đó cho đến tận thế kỷ 21 này vẫn không thay đổi. Chính vì thế “Madonna Sistine” trở thành một kiệt tác hội họa bất tử trong kho tàng nghệ thuật nhân loại.
Một số tác phẩm về Đức mẹ nổi bật của Raphael:
Tuyệt tác “các căn phòng Raphael”
Stanze di Raffaello, còn gọi là “các căn phòng Raphael” nằm trong quần thể kiến trúc Thánh Điện tọa lạc tại Vatican.
Các căn phòng Raphael lúc đầu được xây dựng dành cho Giáo hoàng Julius II làm chỗ ở. Khi đó, Giáo hoàng đã ủy thác cho Raphael, lúc bấy giờ vẫn còn là một họa sĩ trẻ chưa có tên tuổi, trang trí lại toàn bộ những căn phòng này. Mặc dù một số bức họa trong bốn căn phòng này không phải do Raphael vẽ ra, nhưng tất cả các tác phẩm tại đây đều thuộc về những bức họa quý giá nhất của nước Ý nói riêng, và của thế giới nói chung.
Một trong số đó, phải nhắc đến bức tranh “Trường học ở Athens”, được mệnh danh là bức bích họa đẹp nhất của Raphael, được sáng tác vào khoảng những năm 1509 và 1511.
Bức “Trường học ở Athens” đã truyền tải trọn vẹn tinh thần của hội họa thời kỳ Phục Hưng. Bên cạnh đó, nó còn là sự kết hợp đỉnh cao giữa nghệ thuật và toán học. Năm 1509, Luca Pacioli xuất bản cuốn sách “De Divina Proportione” (Tạm dịch: Tỷ lệ thần thánh) minh họa bằng nhiều bức tranh của Leonardo da Vinci.
Bức “Trường học ở Athens” của Raphael là sự áp dụng hoàn hảo cho những kỹ thuật được Luca Pacioli nhắc đến. Nó cho thấy rằng nền tảng nghệ thuật và toán học của thời kỳ Phục Hưng thực sự đã vượt xa tư duy thông thường của con người hiện đại.
Ông cũng sử dụng một kĩ thuật họa của Leonardo de Vinci, nghệ thuật tạo hình ảnh qua góc nhìn sáng, tối, khiến bức họa trường học ở Athens trở nên vô cùng nổi bật, làm nên sức sống mãnh liệt của bức tranh mà ông đã dành 3 năm tâm huyết tạo dựng lên.
Bên cạnh những kỹ thuật hội họa đẳng cấp, “Trường học ở Athens” là một bức họa mang tính triết lí rất sâu sắc.
Có nhà phê bình nghệ thuật cho rằng: “Trường học Athens không đơn giản chỉ là một ngôi trường theo nghĩa bình thường, mà ở đó là tập hợp những vĩ nhân của nhân loại, mỗi nhà hiền triết, nhà khoa học đều được Rafael nổi bật hóa vị trí của mình trong bức tranh, và vì thế có thể hiểu đây là ngôi trường đặt nền móng thiết lập hệ tư tưởng cho loài người”.
Những lời trăng trối cuối cùng của Raphael với tác phẩm “The Transfiguration”
Người nghệ sĩ chân chính là người đặt trọn vẹn tâm tư tình cảm, cả tâm hồn mình dưới từng ngòi bút, nét vẽ để có thể tạo ra một tác phẩm hay động lòng người.
Raphael cũng đem toàn bộ tâm hồn mình vào mỗi tác phẩm. Nhiều nhà phê bình cho rằng, có lẽ do những trải nghiệm cá nhân mà mỗi tác phẩm của ông đều mang những màu sắc rất sáng, trong và tươi sáng. Ông không bao giờ thể hiện sự mâu thuẫn giữa lý trí và tình cảm, giữa dục vọng thể xác và ước vọng tâm hồn.
Bức tranh “Thánh George giết rồng” dù có nội dung “bạo lực” nhưng tranh Raphael vẫn toát lên vẻ tĩnh lặng, tự nhiên và tươi sáng, qua cách ông chọn màu, hình ảnh cô thiếu nữ quý một bên chắp tay v.v.
Đây chính là nghệ thuật của Raphael. Ông quan sát mọi cung bậc cảm xúc của con người, mọi buồn vui của con người, nhưng ông không thể hiện điều đó trong tranh của mình, mà ông muốn chỉ cho con người con đường để thoát khỏi bể khổ.
“The Transfiguration”, tạm dịch là “Biến hình” là tuyệt tác cuối cùng của Raphael trước khi ông mất do con sốt cao năm 37 tuổi. Raphael vẽ “Biến hình” từ năm 1516 đến 1520, bởi sự uỷ thác của Đức Hồng y Giulio de Medici. Ông mất năm 1520, khi tác phẩm chưa kịp hoàn thành, và học trò của ông, họa sĩ Giulio Romano đã phải thay ông hoàn thành nốt tác phẩm này.
Trước khi mất, Raphael đã đặt bức tranh ngay cuối giường, để ông có thể luôn nhìn thấy nó.
Tác phẩm được chia thành hai phần rõ rệt: Phần trên diễn tả sự “biến hình” của Chúa, Người bay lên với bộ đồ trắng tinh tuyền dưới bầu trời trong xanh, trong ánh sáng nhu hòa mà rực rỡ. Bên cạnh là sự xuất hiện của Moses và Elijiah.
Phần dưới bức tranh là một màu tối tăm, thể hiện những tội lỗi trong thế giới con người rối ren, những người đang quỳ đều nhìn lên Chúa với ánh nhìn bất an, lo lắng.
Hai ánh sáng trái ngược nhau thể hiện sự màu nhiệm kỳ diệu của Chúa, chỉ có ngài mới có thể cứu con người hoàn toàn thoát khỏi bể khổ, con người phải có niềm tin, kính ngưỡng với Chúa.
“Raphael” trong tiếng Ý có nghĩa là “thiên thần”. Đúng như tên gọi, ông xuống với một sứ mệnh lớn lao, sứ mệnh nói cho con người thế gian về sự xuất hiện của Chúa, sự nhiệm màu, vĩ đại, từ bi của Người. Chỉ trong thời gian ngắn ngủi vài chục năm, ông đã để lại cho thế nhân hơn 250 kiệt tác, vừa mang ý nghĩa nghệ thuật vừa chứa đựng hàm ý, triết lý lớn lao.
Vẻ đẹp nghệ thuật của Raphael đã trở thành chuẩn mực cho nghệ thuật cổ điển của các thế hệ sau này.
Theo Epochtimes.com
Clip hay: