Trong văn hóa phương đông cổ xưa, trúc được ca ngợi là loài cây mang phẩm chất đạo đức cao, là biểu tượng cho sự khiêm tốn của người quân tử.  Có câu “Tuế hàn tam hữu”, ý chỉ tùng trúc mai, ba loài cây đều trong tiết sương giá mà vẫn xanh tươi. 

Cây trúc có phương thức sinh trưởng rất đặc biệt, khác với những loài cây khác, đầu tiên là những chồi non vươn lên khỏi mặt đất, đua ra từng đốt từng đốt mà vươn lên, khai cành phát lá, tượng trưng cho sự “hữu chí hữu tiết”. Cây trúc có bề ngoài bóng bẩy sạch sẽ, là một loài thực vật không dễ trèo, tượng trưng cho sự “không ưa nịnh nọt”. Toàn thể cây trúc tự như rất yếu vì thân rỗng mà lại bền bỉ với vỏ ngoài vững chắc, dù có gió to, mưa bão, tuyết rơi thì lúc nào cũng “lấy nhu thắng cương”. Vì thế mà, cố nhân xưa luôn luôn yêu thích vẻ đẹp kiêu hãnh và rắn rỏi của trúc.

Khả sử thực vô nhục, bất khả cư vô trúc.

Vô nhục lệnh nhân sấu, vô trúc lệnh nhân tục

(“Ư Tiềm tăng Lục Quân Hiên” – Tô Thức)

Dịch nghĩa:

Sống có thể không cần ăn thịt

Ở không thể thiếu bóng trúc

Không ăn thịt khiến cho người gầy guộc

Không trúc khiến cho người phàm tục đi

Cây trúc, có thể nói là một chủ đề không bao giờ cũ; chữ và tranh về trúc là một trong những hình thức thể hiện nghệ thuật độc đáo ở Trung Hoa. Vậy những danh họa gia nào đã được sinh ra trong nền văn hóa này? Những tác phẩm tiêu biểu đã thể hiện được đặc sắc gì?

“Mặc trúc phổ – huyền nhai trúc” – Ngô Trấn, nhà Nguyên (Ảnh: epochtimes)

Người đầu tiên mở đầu cho làn gió hội họa về trúc là Quan Vũ, Ngô Đạo Tử, Vương Duy, Đường Huyền Tông v.v… Một trong những bậc thầy họa trúc phải kể đến trong thời Đường đó là Tiêu Duyệt. Trong cung phủ Bắc Tống có cất giữ 5 bức họa của ông, nhưng đến nay đã thất truyền. Trong “Triều đại danh họa ký” của Trương Ngạn Viễn có thể hiện sự sùng bái tới Tiêu Duyệt như sau: “Công trúc, nhất sắc, hữu nhã thú”, có ý nghĩa là Tiêu Duyệt chuyên vẽ tranh về trúc, ông rất thích thú với chủ đề này.

Hung hữu thành trúc – lối vẽ của Văn Đồng, Tống triều

Vào thời nhà Tống, nổi bật nhất trong họa trúc phải kể đến là Văn Đồng (1018-1079). Văn Đồng, tự là Dữ Khả, từng làm quan tại Hồ Châu, Dương Châu và Tri Châu, người ta thường gọi ông là “Văn Hồ Châu”.

Thời kỳ ông làm quan lại Hồ Châu và Dương Châu, ông phát hiện được Vân Đương cốc ở phía Bắc thành Dương Châu, trong cốc trồng rất nhiều trúc, rừng trúc ở khắp mọi nơi, đây chính là địa điểm rất hấp dẫn đối với các văn nhân nhã sĩ. Văn Đồng cho xây dựng một ngôi đình trong cốc, sau khi bận chuyện chính sự, ông thường cùng giai nhân và bằng hữu tới ngao du, ngắm trúc. Vì có thời gian quan sát lâu dài và tỉ mỉ, dần dần, ông cất giữ cho mình được cả nghìn bức thiên sơn, trong đó không thể không có bóng dáng của trúc. Ông đặc biệt giỏi vẽ trúc, người đến học ông rất nhiều, ông được biết đến với danh xưng “Hồ Châu trúc phái”.

Văn nhân triều Tống bàn luận về tranh của ông và nói rằng, ông dùng phương pháp “hung trung hữu thành trúc” (Trong tâm và suy nghĩ đã có sẵn hình ảnh cây trúc.)

“Mặc trúc đồ” – Văn Đồng, Bắc Tống (Ảnh: epochtimes)

Tranh về trúc phần lớn được vẽ từ góc độ theo thói quen của từng người. Đa phần là từ dưới ngước lên trên, vì nó phù hợp với tầm nhìn. Những người đã quen với quan điểm thẩm mỹ như vậy, khi nhìn thấy bức tranh “Mặc trúc đồ” của Văn Đồng thời Bắc Tống chắc chắn sẽ không khỏi giật mình.

Trong bức họa, chỉ có một thân cây chính, từ trên cao hướng xuống, phần cành tỏa ra theo độ cong của thân chính. Từ phần cành mọc ra những chiếc lá, đây chính là tinh hoa của bức tranh, dưới cùng một ngòi bút, hạ xuống như thanh kiếm, nồng đậm nhạt trên phiến lá, cùng với những chi cành nhỏ nhắn, uốn lượng rất tự nhiên. Cây trúc trong bức tranh dường như còn sống, nó có sinh mệnh, tựa như đang “nhảy múa”. Văn Đồng bỏ ngoài những vấn đề về sự giống nhau với sự vật bên ngoài, chỉ lấy trực giác đi vẽ, “ý tại bút tiên”. Mỗi chi mỗi lá đều không thể thiếu, bọn họ là hóa thân của nhiều sinh mệnh tiểu thế giới của bức họa này, một thế giới tràn đầy sức sống, hài hòa và vô tận.

Bức họa này của Văn Đồng đã ảnh hưởng đến không ít những danh họa đời sau, sau này chúng ta có thể phát hiện ra một vài bức khá quen thuộc với góc nhìn giống đời trước. Tuy nhiên sức mạnh mà Văn Đồng tiết lộ ra, phảng phất từ trên xuống dưới, mang một nội hàm khí vận lớn, không phải là thứ mà người thường có thể sao chép.

Dĩ thư nhập họa – Kha Cửu Từ, thời Nguyên

Vào thời nhà Nguyên, xuất hiện rất nhiều danh họa vẽ trúc, như Triệu Tử Ngang, Quản Đạo Thăng, Khả Cửu Tư, Ngô Trấn, Nghê Toản. Cũng giống như tiền nhân, họ cũng có những nghiên cứu và cách phát triển những phương pháp vẽ trúc độc đáo. Một mặt, họ muốn thông qua trúc để thể hiện bản thân, biểu đạt tâm tình, một mặt cũng muốn làm cho những bức họa trúc càng ngày càng sinh động, tiên hoạt, phong phú và có khí lực của sinh mệnh.

“Thanh Bì các mặc trúc đồ” – Kha Cửu Tư, thời Nguyên (Ảnh: epochtimes)

Kha Cửu Tư (1290-1353?), hiệu là Đan Khâu Sinh, là một nhà giám định văn vật, một nhà sưu tầm cổ học, một họa sĩ, người Tiên Cư, Chiết Giang. Bức “Thanh Bì các mặc trúc đồ” là Kha Cửu Tư vì Nghê Toản mà vẽ.

Về mặt kỹ thuật, vẽ trúc có thể chia thành hai phần lớn, đầu tiên là phương pháp phác họa “họa trúc” cùng với phương pháp viết ý “tả trúc”. Kha Cửu Tư dùng cả hai phương pháp vào trong cùng một bức họa, kiêm viết kiêm vẽ. Ông đã sử dụng suân pháp để phác họa tảng đá (suân pháp: một lối vẽ của Trung Quốc, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt nam mặt bắc của núi, sau khi phác ra đường nét chung), tạo nên một tảng đá to lớn có sức nặng, mang một cảm giác lập thể. Bút pháp này cũng được sử dụng khi vẽ trúc, thân tre sáng bóng mà dùng mực nhạt, các đốt được vẽ theo những nét móc lên xuống, phần mực từ nông đến sâu, sau đó được nhuộm lại bằng nước. Kha Cửu Tư cũng học cách vẽ lá trúc từ Văn Đồng, nhìn rất hấp dẫn và đẹp mắt.

“Thanh Bì các mặc trúc đồ” – Kha Cửu Tư, thời Nguyên (Ảnh; epochtimes)

Những đường nét lá tre của ông vừa vững chắc vừa phiêu dật, đều đều từng phiến mà hữu thần, đầu nhọn ở cuối được kéo tương đối dài. Phiến lá cho sự phân chia đậm nhạt rõ rệt. Sau khi lấy mực tô lên chiếc lá, tùy ý là đưa thêm những chiếc lá nhạt, khiến tầng thứ được phơi bày rõ ràng, chẳng những nhìn thấy thần thái của một chùm lá, mà từ trước ra sau còn tạo nên một cảm giác về không gian. Sau khi hoàn thành phần lá, họa gia còn đưa thêm những nhánh  rất nhỏ điểm lên phần nhọn, xen ke cụm tre, khiến cho cả cụm tre càng lộ vẻ rậm rạp, um tùm, khí vận sinh động cũng như vậy mà vươn mình.

Khi ấy, văn nhân khởi xướng “dĩ thư nhập họa”, tức đưa thư pháp vào trong tranh để làm phong phú thêm hình ảnh. Kha Cửu Tư cũng vận dụng điểm này mà viết thư pháp làm bức tranh trở nên hài hòa và thống nhất hơn.

Ngoài việc yêu cầu về bút pháp, màu mực phong phú đa dạng, có ý vị ra, đồng thời để cho thư pháp đi vào tranh dưới dạng đề khoản hay thơ văn, hình thức này cũng tiến vào một cách rộng rãi. Lúc này, cần chú ý đến việc sắp xếp bố cục, kiểu chữ lớn nhỏ, độ dài của câu, số lượng từ, loại phông chữ cùng với sự kết hợp các kí tự v.v. tất cả đều cần một thao tác cẩn thận, thế mới tạo ra một bức “thư họa nhất thể”, khai sáng một bố cục mới.

Trong những bức họa về trúc của Trung Hoa đều ẩn chứa đậm đà văn hóa cùng với phẩm chất con người và triết học thời đại. Hình ảnh trúc lưu lại một văn hóa mỹ học, ảnh hưởng tới các thế hệ đời sau.

(Còn tiếp)

Theo epochtimes.com

Uyển Vân biên dịch