Người xưa thường nói, vợ chồng như tay trái với tay phải. Tay kia chảy máu tay này sẽ băng lại, tay kia mang nặng tay này sẽ phụ giúp. Cho nên nhất định hai bàn tay ấy là để nắm lấy nhau thật chặt chứ không phải để ghét bỏ mà chia xa.
Kinh Thoa Ký là vở kịch nổi tiếng thuộc thể loại Nam hí của Trung Hoa. Vở kịch là tình nghĩa vợ chồng son sắc thủy chung, là thông điệp về tình yêu chân chính vượt lên mọi cám dỗ của vinh hoa phú quý. Là một trong những tác phẩm kim cổ được đánh giá nằm trong ngũ đại truyền kì của văn học Trung Hoa.
Trong văn hóa truyền thống từ xa xưa, tình nghĩa phu thê và chuẩn mực trong tình yêu nam nữ luôn là những thước đo quý giá được trân trọng. Trong xã hội ngày nay, khi giá trị của hôn nhân không còn được coi trọng, khi ranh giới của hôn nhân và li hôn là mong manh, khi tình yêu được đo đếm bằng danh và lợi thì sự thuần khiết chân chính đã phôi phai theo năm tháng.
Hôm nay Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu tới bạn đọc cùng tìm hiểu về một trong ngũ đại truyền kì của Văn Học Trung Hoa, một vở hí kịch để cùng nhìn lại về giá trị thiêng liêng cao quý của tình yêu và nghĩa vợ chồng.
Khi tình yêu chẳng màng tới danh và lợi, quyền quý cao sang chẳng đủ làm mờ sự lí trí của con tim
Vở kịch Kim Thoa Ký gồm 48 màn, nội dung về chuyện giữa hai nhân vật chính: Vương Thập Bằng và Tiền Ngọc Liên.
Vương Thập Bằng là một thư sinh nho nhã, mất cha từ nhỏ, gia cảnh vô cùng nghèo khó. Vương cùng mẹ già sống nương tựa vào nhau. Thập Bằng nổi tiếng bởi sự thông minh hiếu học, là con người đàng hoàng chân chính. Tiền Ngọc Liên đem lòng yêu thương Vương Thập Bằng, đôi trai gái tình cảm như uyên ương.
Tiền lão gia cũng cảm mến con người và cốt cách của Thập Bằng, bèn gả con gái mình với người vợ trước là Tiền Ngọc Liên cho Vương. Ngọc Liên rất hạnh phúc mà thuận theo nguyện ý của cha. Họ được tổ chức kết bái phu thê.
Rồi Thập Bằng bái từ mẹ cùng vợ lên kinh dự thi. Chàng đỗ trạng nguyên. Thừa Tướng Vạn Kỳ thấy Thập Bằng tài mạo song toàn, nên vô cùng yêu mến Vương, liền ép gả con gái cho Thập Bằng. Nhưng chàng một mực chối từ vì đã có vợ ở quê nhà. Cự tuyệt quyền quý và có thể nói đây là cơ hội thăng tiến hiếm hoi trong đời. Nhưng Thập Bằng chẳng màng, phải giữ cho được cốt cách của một nho sinh quân tử. Chính vì thế mà chàng bị đày làm quan ở Triều Dương.
Ngày rời kinh lên đường đi nhậm chức, Thập Bằng biên thư về quê nhà thì bị Tôn Nhữ Quyền bóp méo, nói chàng là rể thừa tướng.
Tôn Nhữ Quyền giả mạo thư của Vương Thập Bằng, nói rằng Thập Bằng đã từ hôn với Ngọc Liên, mẹ kế của Ngọc Liên vốn khinh nghèo trọng phú, nên đã một mực ép nàng lấy một hào phú trong vùng là Tôn Nhữ Quyền. Bắt nàng cải giá nhưng nàng kiên quyết không chịu thề sống thề chết giữ chọn đạo phu thê, rồi nhảy xuống sông tự vẫn.
Có thể thấy rằng tình nghĩa phu thê của Thập Bằng và Ngọc Liên vô cùng cao quý.
Nếu nói đức hạnh của người phụ nữ chính là sự chung thủy và giữ mình trước cám dỗ vinh hoa, thì chuẩn mực đánh giá người đàn ông quân tử lại chính là sự coi nhẹ danh-lợi, thà chết chứ không chịu quỳ gối.
Khi danh lợi chẳng màng, coi trọng tình nghĩa ân sâu thì thử hỏi đấng nam nhi kia liệu có làm nô lệ, tay sai cho quyền lực? Phải chăng hiểu thấu điều này mà Thập Bằng từ chối cự tuyệt chiêu dụng của thừa tướng đương triều.
Và khi vợ chồng còn sống với nhau vì nghĩa
Người xưa có câu vợ chồng sống với nhau vì tình vì nghĩa, tình có thể hết những nghĩa thì mãi còn. Người coi trọng nghĩa phu thê thì luôn coi trọng giá trị của gia đình. Với họ gia đình thực sự là một điểm nghỉ chân trong quãng đường đầy gian truân khổ cực. Nhưng cũng không ít người coi đó như là nhà trọ qua đường.
Khi cuộc sống hiện đại người ta thoải mái tự do trong yêu đương, họ dễ dàng để đến được với nhau thì cũng dễ dàng biết bao khi nói lời li biệt. Giá trị đạo lý và nhân phẩm của con người dường như đã quá xa vời với những chuẩn mực đạo đức trong truyền thống vốn là tốt đẹp tự ngàn đời.
Quay lại với vở kịch Kim Thoa Ký, khi nàng Ngọc Liên gieo mình tuẫn tiết dưới sông, may nhờ có An phủ Phúc Kiến là Tiền Tái Hoà cứu sống, lại thấy Ngọc Liên cùng họ nên nhận nàng làm con nuôi. Tiền Tái Hòa sai người hỏi thăm được biết là Thập Bằng đến nhậm chức không lâu thì ốm chết. Ngọc Liên lầm lấy chồng đã chết, đau khổ tột cùng, năm tháng còn lại nàng để tang chồng.
Về phía Thập Bằng khi được làm quan muốn đón mẹ cùng vợ về cùng mình, thì nghe nói Ngọc Liên đã tự vẫn mà chết, chàng vô cùng đau khổ.
Năm năm sau, Vương Thập Bằng làm Thái thú tại Cát An, cũng tưởng Ngọc Liên đã chết nên làm lễ tế vợ ở trong Đạo quán, cùng lúc đó Ngọc Liên cũng vừa dâng hương trong Đạo quán đi ra, hai người gặp nhau sum vầy hạnh phúc.
Vở diễn kết thúc là cảnh đoàn viên tụ hợp. Có thể nói đây là kết cục có hậu. Có một điều có thể thấy đó là cuộc hôn nhân của Thập Bằng và Ngọc Liên là những năm tháng đợi chờ, là những hiểu nhầm và trải qua biết bao sóng gió thử thách thì mới đến được với nhau.
Tình yêu và nghĩa chồng vợ vượt lên trên mọi cám dỗ về địa vị, danh vọng cao sang. Gấm lụa, bạc tiền chẳng đủ sức mê hoặc được sự chân chính.
Từ đó mà thấy rằng, cuộc sống hôn nhân gia đình thì khó khăn thử thách là điều tất yếu. Nhưng người ta lại có thể lựa chọn cho mình cách hành xử và đối đãi với khó khăn ra sao.
Người xưa thường nói, vợ chồng như tay trái với tay phải. Tay kia chảy máu tay này sẽ băng lại, tay kia mang nặng tay này sẽ phụ giúp. Cho nên nhất định hai bàn tay ấy là để nắm lấy nhau thật chặt chứ không phải để ghét bỏ mà chia xa.
Bởi vì tay trái nắm tay phải mới tạo nên cuộc đời trọn vẹn, nắm bàn tay của nhau tới tận cuối đời, giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, bình đạm mới thật là yên vui. Đạo vợ chồng sâu sắc là như vậy.
Tịnh Tâm