Vẽ tranh sơn thủy là một trường phái nghệ thuật cổ điển của nghệ thuật Trung Hoa truyền thống, đặc biệt có những bước phát triển lớn dưới triều đại nhà Tống với sự xuất hiện của rất nhiều các bậc danh họa lớn. Trong đó phải kể đến Quách Hy, một bậc thầy nổi tiếng với những tuyệt tác miêu tả phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ.
Quách Hy sinh năm 1000, mất năm 1090, ông là họa sĩ nổi danh bậc nhất và là nhà phê bình nghệ thuật dưới thời Tống. Quách Hy tự Thuần Phu, quê ở Hà Dương nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Ngay từ khi còn nhỏ, Quách Hy thường xuyên dạo chơi bên ngoài. Gặp nhiều câu chuyện lạ, con người mới, được ngắm nhiều phong cảnh đã giúp cho Quách Hy ngay từ những năm tháng thiếu niên đã trau dồi được rất nhiều kinh nghiệm sống. Cùng với thiên phú nghệ thuật, ngay từ nhỏ, Quách Hy đã nổi tiếng bởi sự tài hoa, cùng vốn hiểu biết, học vấn sâu sắc của mình.
Dưới thời vua Tống Thần Tông (1067-1085), Quách Hy rất được vua tin dùng và trọng dụng. Những năm Tống Hi Ninh (1068-1077), Quách Hy trở thành thầy dạy trong họa viện cung đình, truyền dạy lại những kỹ năng hội họa. Bên cạnh đó, các tác phẩm của ông còn thường được vua Tống Thần Tông treo trong cung để thưởng thức.
Là một họa sĩ tài năng, Quách Hy để lại cho thế nhân rất nhiều các tuyệt tác, kỹ năng hội họa, cách cảm thụ nghệ thuật cũng như các phong cách hội họa. Nhưng với sở trường vẽ tranh phong cảnh, Quách Hy cùng với Kinh Hạo, Phạm Khoan và Quan Đồng được mệnh danh là “Tứ đại danh họa” của trường phái tranh sơn thủy phương Bắc. Thời Tống, nghệ thuật hội họa tranh sơn thủy có những bước phát triển lớn, trong đó nổi bật là hai trường phái hội họa, một là Giang Nam phái, hai là tranh sơn thủy phương Bắc.
Những bức tranh sơn thủy đầu tiên của Quách Hy đều được vẽ rất tinh tế với những nét vẽ tinh xảo, tỉ mỉ. Ông tìm hiểu các tranh của Lý Thành, một danh họa nổi tiếng thời Ngũ Đại Thập Quốc (907-979), tận lực học tập kỹ năng họa, cảm thụ từng bức vẽ của Lý Thành. Không thầy tự thông, kết hợp phong cách của Lý Thành với sở trường, sau cùng Quách Hy đã tự tạo nên một phong cách nghệ thuật cho riêng mình, mở ra một trường phái mới.
Quách Hy cho rằng nếu muốn mang cảnh một cách chân thực nhất vào tranh, người họa sĩ phải có những cảm thụ chân thực nhất, nên thường xuyên đi du lãm các “danh sơn đại xuyên”, vậy mới có thể vẽ nên “Núi ngày xuân thanh như một nụ cười, núi ngày hạ xanh biếc như những giọt nước mát, núi ngày thu tinh tế mà khoáng đạt còn núi ngày đông ảm đạm lạnh ngắt”.
Với ông, nghệ thuật là sự chân thật, chứ không là sự mơ hồ, Quách Hy không tán đồng những người họa sĩ mỗi khi sáng tác liền thoát ly khỏi thực tại, vẽ nên những thước tranh hư vô, mờ mịt. Người họa sĩ tranh sơn thủy phải gắn bản thân mình với thiên nhiên, cảm thụ từng hơi thở của đất trời, từng ngọn gió mơn mởn, nên có những trải nghiệm thực tại nhất vậy mới có thể đem đến những bức tranh tuyệt đẹp cho người cảm thụ nó. Cũng bởi thế, các bức tranh của ông luôn có những chủ đề rộng rãi, những phong cảnh thiên nhiên khác biệt.
Phần lớn các bức tranh của Quách Hy, từ nhành cây, đám mây đến ngọn núi đều mang những sắc thái rất riêng biệt. Đa số các nhánh cây đều được vẽ rủ xuống, nghiêng nghiêng mà mở rộng hai bên, lá cây mọc um tùm, nhìn xa tựa như những móng vuốt mạnh mẽ của chim ưng đang bay tà tà dưới chân núi, mang đến một vẻ đẹp tràn trề sức sống, mạnh mẽ của thiên nhiên.
Những ngọn núi cũng mang những hình dáng rất kỳ lạ. Quách Hy sử dụng thuần thục thủ pháp vẽ “thuân”, đặt nghiêng ngọn bút lông quệt mực khô nhạt để thể hiện vân đá và mặt sáng mặt tối của phong cảnh, kết hợp thủ pháp vẽ tròn, nhìn xa như những đám mây đang lơ lửng trôi, mang đến một khía cảnh êm dịu của vẻ đẹp thiên nhiên. Con người bé nhỏ như ẩn như hiện, lấp ló sau những cây tùng to lớn, mây khói lượn lờ xung quanh, mang đến cảm giác ấm áp, thôn dã của cuộc sống con người giữa núi rừng mênh mang.
Các tuyệt tác còn lại của Quách Hy hiện đang được lưu giữ trong các bảo tàng đều là những tài liệu trân quý dành cho các họa sĩ sau này. Mỗi một nét mực đặt xuống đều mang trong đó những cảm thụ sâu sắc của người vẽ, không chỉ là những kỹ thuật vẽ xuất sắc, mà còn là cách làm nghệ thuật chân chính mà người xưa muốn trao con người thời nay.
Một số tác phẩm tiêu biểu của ông hiện còn đang được lưu giữ như: “Buổi sớm ngày xuân”, “U cốc đồ”, “Quan sơn xuân tuyết đồ” hay “Khoa thạch bình viễn đồ”… đều mang những ý nghĩa riêng biệt.
“Buổi sớm ngày xuân” đem đến hơi thở mát lạnh còn vương sương sớm của những ngày xuân, quang cảnh cũng trở nên mướt mát hơn.
“Khoa thạch bình viễn đồ” miêu tả sắc trời ngày cuối thu, những cánh đồng nội nắng ráo, khoáng đạt ở phương Bắc.
Đây là một trong những tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của Quách Hy. “Khoa thạch bình viễn đồ” là bức tranh lớn được vẽ những năm cuối đời của ông, được đánh giá rất cao bởi bút pháp, cấu trúc bức tranh hay lý thuyết hội họa của ông.
Bên cạnh đó, ông còn có sở trường vẽ các bức tranh bích họa sơn thủy, dùng để treo không chỉ trong tẩm cung của vua, còn được ưa thích treo trong nội điện, điều đó đã thể hiện tài năng và phẩm cách của Quách Hy được vua Tống Thần Tông ưu ái thế nào.
Không chỉ là họa sĩ nổi danh, ông còn là một nghệ nhân điêu khắc, nặn tượng tài ba, có tay nghề xuất sắc. Chỉ đáng tiếc các tác phẩm của ông không thể lưu giữ đến ngày hôm nay nên ít người biết đến sở trường nghệ thuật này của ông.
Bạn đang đọc bài viết: “Thưởng thức tiên cảnh dân gian qua tuyệt tác thủy mặc của Quách Hy thời Bắc Tống” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn! |
Clip hay: