Tiết trời trở lên trong sáng thoáng đãng, tạm biệt những đợt mưa phùn nồm ẩm, tạm biệt cơn gió lạnh. Đó là không khí trời của Tiết Thanh Minh và cũng là lí giải cho ý nghĩa của dịp tết truyền thống này. Để miêu tả được sự nhộn nhịp, đông đúc cũng như cảnh trời của tiết Thanh Minh, bức họa được coi là báu vật của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc là sự tái hiện chân thực bức tranh sống động trong dịp tết này đó là Thanh minh thượng hà đồ.
Đây là một tác phẩm hội họa khổ rộng nổi tiếng của Trung Quốc do họa sĩ Trương Trạch Đoan vẽ thời nhà Tống. Bức họa mô tả cả sống của người dân Trung Quốc ở thế kỉ 12 thời Bắc Tống tại kinh đô Biện Kinh( tức Khai Phong ngày nay). Bức tranh lấy bối cảnh sinh hoạt thường nhật, trang phục và hoạt động của các ngành nghề vào tiết trời trong sáng quang đãng dịp tết thanh minh. Hình ảnh về kiến trúc, đường sá được mô tả kĩ lưỡng, mang theo sắc màu phong phú.
Thanh minh thượng hà đồ được vẽ trên tranh lụa thiết mầu dạng cuộn dài có kích thước 24,8×528,7 cm. Chọn hình thức thủ pháp tán điểm thấu thị trong kết cấu nên bức tranh là sự phân bổ hài hòa giữa cảnh và người, giữa sự vật với sự vật.
Nếu như Mona Lisa được coi là báu vật của hội họa Tây phương, thì Thanh minh thượng hà đồ được coi là Mona Lisa của phương Đông. Đây được coi là báu vật quốc bảo ở Trung Quốc có giá trị lớn về nghệ thuật cũng như lịch sử.
Thanh minh thượng hà đồ là một bức tranh phong cảnh với vẻ đẹp mê hồn
Bức họa được cho là miêu tả tấp nập đông vui trong ngày lễ xuân tết thanh minh.
Ở vùng ngoại ô của thành Biện Kinh, có con suối nhỏ ôm sát con đường lớn, nơi có những chú lạc đà đang di chuyển. Xa xa từ hướng Đông Bắc tới thành Biện Kinh là năm con lừa chở trên lưng rất nhiều hàng hóa đang tiến về thành. Hình ảnh người chăn ngựa đang lùa lũ súc vật.
Hình ảnh nông dân thu hoạch lúa mạch và đang làm việc bên mấy cái cối đá trên sân, rồi hình ảnh chăn nuôi của người dân nông thôn rất yên bình với đàn dê, con gà con vịt. Bức họa khắc họa chân thực cảnh sống vùng nông thôn với nét sinh hoạt bình dị thường nhật nhưng lại rất đẹp trong con mắt của tác giả.
Một khung trời yên bình của vùng quê với chăn nuôi và trồng trọt là chủ yếu. Khiến bức tranh trở lên sống động với đủ các hình ảnh con vật, người xem như lắng nghe được âm thanh của chúng ở vùng nông thôn bình yên thanh đạm.
Quán trà cạnh nông trại với sự đông đúc người qua lại, nhưng hình ảnh hai con bò nhàn nhã nhai cỏ mà chẳng có chút gì bận tâm tới sự ồn ào náo nhiệt của con người quanh chúng. Xa xa hình ảnh người nông phu đang chăm bón cho ruộng mạ xanh mơn mởn tốt tươi.
Phía nam là hình ảnh hai nhà tu hành như làm tăng thêm sự yên bình của bức tranh. Vẻ đẹp bình dị mà tĩnh lặng. Sự sống trong tranh là vận động, con người là hối hả nhưng không hề nhốn nhạo, loạn tạo.
Quán nước đối diện với một quán trọ bên đường với lời mời chào đón khách nghỉ chân. Bến nước tấp nập những tiểu thương bận rộn với việc buôn bán làm ăn. Những người thợ khuân vác hàng hóa với bước chân nhanh thoăn thoát đang hối hả bốc dỡ hàng.
Hình ảnh một tiên sinh coi bói đang toán quái từ chuyện làm ăn tới hôn nhân cho khách. Bến đò là những con thuyền đầy hàng hóa giao thương làm cho quang cảnh thêm sầm uất. Việc kinh doanh nơi đây như rất tất bật phát triển.
Bức tranh tái hiện lại góc nhỏ của xã hội thời nhà Tống. Giao thông đường thủy là then chốt. Con người đông đúc, tàu bè qua lại nườm nượp, mỗi một con người đều mải mê theo những việc riêng của mình, đâu đó là đoàn người sửa soạn đồ lễ mà đi tảo mộ ngày thanh minh.
Trên sông những con thuyền đông đúc tới mới xô chạm vào nhau mà tìm đường đi. Miêu tả chân thực sự tắc nghẽn giao thông là thực trạng ở thời Tống.
Họa sĩ miêu tả đến kiến trúc của chiếc cầu hình vòm, nó sở hữu kết cấu tinh xảo, đẹp mắt, nó giống như Phi Hồng nên được gọi là Hồng Kiều. Phía dưới cầu là hình ảnh chiếc thuyền lớn đang cố gắng hạ buồm thấp hơn để có thể qua được cầu. Trên cầu là hình ảnh những con người đang cố gắng chen chân để di chuyển trong đoàn người khiến họ mệt đổ mồ hôi.
Bức họa khắc họa rất nhiều những cảnh tượng chân thực với dàn nhân vật trong tranh có thể lên tới nghìn người, làm cho bức họa chuyển tải đúng được sự tấp nập đông vui của cuộc sống nơi đây.
Trong tranh có hình ảnh những lầu cao làm trung tâm, hai bên nhà cửa san sát nối tiếp nhau. Phố xá có phường trà, tửu quán, quán trọ, hàng thịt, miếu thờ. Rồi những cửa hàng tơ lụa, châu báu, đèn nhang hàng mã… tất cả được tái hiện hết trong bức họa. Người xem có thể thấy được phố xá ở đây với đầy đủ ngành nghề kinh doanh rất sầm uất.
Hình ảnh xuất hiện của quan lại, thân sĩ, tiểu thương hay nông phu và cả những người xin ăn tàn tật. Người già người trẻ, có chức tước tới dân nghèo đều được mô phỏng đầy đủ trong tranh. Đây chính là mặt chân thực nhất của cuộc sống phồn hoa nơi đây.
Có rất nhiều hình ảnh và cảnh vật được khắc họa trong tranh mà càng nhìn chi tiết người ta càng như sống lại vào xã hội thời đó. Bối cảnh lịch sử đời Tống được gói gọn hoàn toàn trong bức họa này. Đây là lí do mà người ta nói rằng bức tranh này là sự phản ánh chân thực mang theo những giá trị lịch sử to lớn.
Về mặt nghệ thuật thì Thanh minh thượng hà đồ không chỉ đơn giản là một bức tranh tả cảnh
Bức họa này không chỉ mang theo ý nghĩa đơn giản là miêu tả phong tục sinh hoạt và lối sống thường ngày của bách tính, hay mô tả kinh doanh buôn bán phồn hoa. Mà đây ẩn chứa những sự giấu diếm bao bọc bởi chính cái hào nhoáng bên ngoài là nỗi lo tiềm ẩn về một xã hội bất ổn định. Người ta có thể thấy được sự bất an trong chính những cảnh tượng chừng như sầm uất này.
Tác giả khéo léo trong từng nét vẽ để truyền tải những ẩn ý phía sau bức tranh mang theo hình ảnh cảnh vật tuyệt đẹp này.
Theo như ghi chép lịch sử thì vào thời nhà Tống những nơi làm sầm uất thường xảy ra những vụ hỏa hoạn lớn, mà những kiến trúc xây dựng đa số là dùng gỗ nên hỏa hoạn không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà còn là nỗi lo của triều đình. Nên người ta thường coi trọng việc phòng hỏa và cứu hỏa ở Biện Kinh.
Nhưng trong bức tranh ta lại thấy những vọng gác được xây dựng lên để canh chừng hỏa hoạn thì lại không có người. Đường phố là đông đúc nhưng lại không có bóng dáng một thị vệ. Không xuất hiện một hình nào về lính canh hay những vọng gác hay phòng thủ cho kinh thành. Tất cả những vọng gác đều được thay thế bằng những cửa hàng kinh doanh. Cho thấy sự lỏng lẻo và buông lơi của nhà vua Tống Huy Tông trong việc xây dựng và bảo vệ kinh thành của mình. Nó mang theo nguy cơ sụp đổ mất kinh khi có tấn công từ bên ngoài.
Trong tranh ta thấy nhiều thuyền buồm qua lại nó được bao bọc bằng sự hào nhoáng sầm uất, nhưng thực chất nó lại nói tới một sai lầm lớn của Tống Huy Tông khi đem lượng lớn thuyền dùng để vận chuyển lương thực khiến cho tư thương thâu tóm con đường vận chuyển lương thực duy nhất này và nắm giữ thị trường lương thực, độc quyền về vận chuyển đẩy giá lương thực cao lên khiến đời sống của người dân trở nên khốn khó.
Cuối bức họa, ta thấy có hình ảnh hai chiếc xe ngựa chạy nhanh như bay, nó đá tung tất cả mọi vật cản nó, người đi đường chưa kịp né tránh chính là cái mầm họa về cướp bóc và loạn đảng ác tặc hoành hành.
Từ Thanh minh thượng hà đồ người ta có thể thấy được thủ pháp nghệ thuật rất tinh tế thâm sâu của tác giả. Họa sĩ dùng bút họa mà kể chuyện.
Bức tranh mang theo màu sắc trang nhã. Kết cấu toàn cảnh, miêu tả chân thực về Biện Kinh. Tác giả dùng biện pháp tán điểm thấu thị mà tổ chức hình ảnh, nên hình ảnh trong tranh của ông là dài mà không rối, phồn mà không loạn. Nghiêm mật chặt chẽ liền mạch. Vẻ đẹp yên bình của cảnh vật vùng ngoại ô là điểm nhấn để mô tả về sự náo nhiệt của kinh thành rồi từ đó mà ẩn chứa những phản ánh tinh tế, thâm thúy của tác giả.
Có thể nói rằng, việc đánh giá Thanh minh thượng hà đồ như một Mona Lisa của nghệ thuật hội họa Đông phương quả nhiên là rất hợp lí. Không chỉ bởi giá trị thẩm mĩ của bức họa hay thủ pháp nghệ thuật mà còn ẩn chứa giá trị rất lớn cần được giải mã về lịch sử vương triều nhà Tống. Những ẩn ý thâm sâu của bức họa được truyền tải khéo léo như là dấu hỏi đang chờ được lí giải. Bức tranh sở hữu cho mình giá trị nghệ thuật cũng như giá trị lịch sử vô cùng to lớn. Xứng tầm là quốc bảo của Trung Quốc.
Tịnh Tâm