Năm 1973, có một thời gian ngắn, tôi sống trên đất Thậm Thình. Đêm đêm, nằm dưới chân núi Nghĩa, tôi cố lắng nghe trong tâm tưởng tiếng chày giã bánh giày giò của chàng Lang Liêu hiếu thảo, tiếng giã gạo dâng vua cha của những nàng công chúa. Trong tâm thế khát khao muốn tìm hiểu về nước Việt xưa, tôi đã rủ anh Phạm Chá, một người bạn của tôi, lên núi Nghĩa thăm viếng các vua Hùng.
Hai anh em hăm hở đi bộ trên con đường đất đỏ rẽ từ quốc lộ số 2 lịch sử ngoằn ngoèo như rắn lượn. Hai bên đường xanh đến non tơ những rừng bạch đàn trẻ. Tre ngút ngàn ken dày thành lũy che chắn những căn nhà gỗ lợp lá cọ dầu dãi nắng lửa mưa ngàn đất trung du. Thi thoảng, cả hai ngơ ngác trước những nụ cười như mơ của mấy cô gái hái chè ngang đồi cọ xòe ô xanh nắng, hay bối rối trước mấy câu hát ghẹo táo bạo đến bất ngờ của mấy cô gái khác đang nhặt cỏ lúa dưới những chân ruộng chằm. Có một cô thụt xuống bùn chằm, bùn lút đến ngang bụng. Các cô cười ré lên, xô nhau chạy lên bờ, cô này dắt tay, cô kia cầm mũ đòi chúng tôi xuống cứu. Làm thành một hàng người (anh Chá to khỏe đứng đầu, tôi đứng cuối) chúng tôi hò dô kéo cô gái lên. Thoát hiểm, cô lấy bùn ném bùm bụp vào các bạn bởi các cô nói ai đã cầm tay tôi, người ấy phải cố mà yêu. Tên cô là Dung. Nghe nói giờ cô đã có con đi bộ đội đóng ở Trường Sa. Tên cô gái khiến tôi và Phạm Chá giật thót mình khi cùng soi gương ở giếng Tiên Dung. Giếng dưới chân đền Hạ, nước trong vắt như tấm lòng người con gái đất Phong Châu. Thảo nào mắt cô Dung trên ruộng chằm trong vắt. Đường lên đền Thượng cũng là đường lên trời. Ngước mắt lên, trời mênh mông qua những tán lá chò, ngàn năm còn lấp loáng nước đằm mướt. Qua kẽ lá, tôi nhìn thấy những biểu tượng rồng, mắt cũng hướng lên trời trên mái đền ngói cổ rêu phong đen sạm… “Lên tới đó cũng còn xa nhỉ”, Phạm Chá thở dốc, áo ướt đẫm mồ hôi, mặt đỏ như uống rượu. Tôi ngồi bệt xuống đá, bảo: “Cả ngàn bậc cơ đấy”. “Phải rồi, bậc ngàn năm”, Phạm Chá cười…
Lên tới đền Thượng, chúng tôi ngồi nghỉ dưới gốc đa già. Tôi nghĩ là gốc đa vì bạn tôi chợt liên tưởng: “Con đường này giống như đường đến đình làng quê tớ quá. Có điều khác, quê tớ ở Nam Định, vùng chiêm trũng ấy, con đường làng và cả con đường đồng nữa, trâu bò đi nhiều mà thành những bậc thang… Hồi nhỏ, đi học, bọn tớ cứ phải nhảy cò qua những bậc thang ấy…”. Anh bật cười thành tiếng khi tôi nói con đường đi tới đền dẫn vào con đường lên đền Thượng chính là một con rồng, đầu rồng là trái núi Nghĩa, hồn sông núi linh thiêng…
Lúc cả hai phóng tầm mắt về bốn phía, Phạm Chá bỗng trầm giọng, vẻ xúc động bảo tôi: “Có lẽ cậu đúng! Tớ đã thấy…”. Xa mờ phía chân trời, bên kia là Ba Vì, bên này là Tam Đảo, sừng sững. Chín mươi chín ngọn đồi xung quanh vùng Phong Châu – chín mươi chín con voi đều châu đầu, vươn vòi về đất Tổ… Ba dòng sông, nhưng chỉ hai sắc – sắc đỏ kiêu hùng của sông Đà, sông Hồng và sắc xanh dịu như tình mẹ của sông Lô – dồn tụ nơi ngã ba Hạc (Việt Trì ) mênh mông nước quẩn, như quyến luyến đất cha trước lúc đổ về phía đồng bằng Bắc Bộ. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được non sông ta gấm vóc như lần ấy…
Đã hơn hai mươi năm xuôi Nam, ngược Bắc, tôi chưa có dịp quay lại Đền Hùng. Nhưng đi đâu, tôi cũng thấy dáng núi sông, dáng làng xóm, phố phường hao hao nét đất Tổ xưa. Làng xóm, phố phường luôn quần tụ quanh những trung tâm văn hóa, hành chính, và xóm làng nào, thành phố nào trên đất nước ta không gắn với những con sông? Nét Việt cổ xưa vẫn sống mãnh liệt, hiện diện đến bây giờ.
Cách đây một tuần, Phạm Chá tìm đến thăm tôi. Anh khoe đã về thăm lại được Đền Hùng. Anh bảo: “Cậu có về đất cũ cũng khó mà nhận ra. Việt Trì giờ như mơ. Lâm Thao, Phù Lỗ, ngã ba Then nhà cửa mọc lên san sát. Nhà của công nhân su-pe Lâm Thao và Nhà máy Giấy Bãi Bằng, cái nhà máy giấy to bậc nhất nước ta ấy”…
Thấy tôi có vẻ buồn, anh an ủi: “Hay là tớ và cậu sang Tao Đàn thăm Đền Hùng? Vì cậu vẫn bảo tớ ở đâu chẳng có Đền Hùng! Đền Hùng trong lòng người Việt, phải không?”.
Clip ý nghĩa: