Ít ai ngờ rằng đằng sau vẻ đẹp duyên dáng và tinh tế của nhà thờ Saint Stephen lại là một cấu trúc mạnh mẽ bằng kim loại. Đây là một trong số ít các nhà thờ trên thế giới được làm hoàn toàn bằng gang.

Nhà thờ St. Stephen là một nhà thờ cơ đốc Chính thống của người Bulgaria nhưng lại nằm ở quận Fatih của Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Hơn nữa nó lại rất hòa hợp với nhiều đền thờ của các tôn giáo khác cùng nằm trên dải Golden Horn. Sở dĩ có điều đặc biệt này là vì trong thế kỷ 19, những người thiểu số Bulgaria đã được đế chế Ottoman cho phép xây dựng một nhà thờ riêng cho họ, là thành quả của phong trào đòi quyền dân tộc.

Nhà thờ St. Stephen Istanbul. (Ảnh: Hurriyet Daily News)

Điều đặc biệt thứ hai là nhà thờ St. Stephen còn được gọi là nhà thờ Sắt, vì vì cấu trúc của nó được làm hoàn toàn bằng gang. Trước đó, nó chỉ là một nhà thờ được làm bằng gỗ có quy mô và kiến trúc khiêm tốn, nhưng đã bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn. Nhà thờ St. Stephen là một trong số ít những nhà thờ làm bằng gang đúc còn sót lại trên thế giới. Thứ duy nhất trong nhà thờ sắt lấy từ nhà thờ gỗ là chiếc bệ thờ bằng đá, vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Khu vực thờ tự bên trong nhà thờ. Ảnh: WikipediA

Vật liệu và thiết kế kiến trúc

Nhà thờ St. Stephen sở dĩ được làm hoàn toàn bằng gang là do nó ra đời trong thế kỷ 19, vào thời kỳ đầu của quá trình thử nghiệm các kiến ​​trúc công xưởng ở châu Âu. Cho đến ngày nay, các bức tường kim loại và các đốm rỉ sét nở ra từ các cổng vòm bên trong của nhà thờ trông giống như những bông hoa được cắt tỉa. Thời đó, các thanh gang đúc sẵn theo mẫu thiết kế đã được vận chuyển từ Vienna đến Thổ Nhĩ Kỳ theo sông Danube và qua Biển Đen, trên 100 chiếc xà lan, sau đó được lắp ráp tại chỗ, ở khoảng đất ngay gần mép nước. Mặc dù ngày nay chúng ta quen thuộc với việc làm nhà cửa và đồ nội thất theo kiểu lắp ráp, vào năm 1871, khi nhà thờ này được xây dựng, ý tưởng đó là cực kỳ mới lạ.

Phù điêu bên ngoài nhà thờ. Ảnh: WikipediA

Chuyện kể lại rằng một nhà thờ bằng gang giống hệt nhà thờ St. Stephen đã được đúc và dựng lên ở Vienna, nhưng đã bị phá hủy bởi bom trong chiến tranh. Vào khoảng từ giữa đến cuối thế kỷ 19, gang là vật liệu xây dựng rất phổ biến, bằng chứng là công trình tháp Eiffel nổi tiếng ở Paris của kỹ sư người Pháp Gustave Eiffel. Paris không có nhà thờ nào hoàn toàn làm bằng gang để so sánh với St. Stephen của Istanbul, nhưng cũng có một nhà thờ với bộ khung bằng gang là Église Saint Eugène & Sainte Cécile, và một nhà thờ khác có nhiều thành phần bằng gang, là nhà thờ lớn Église Augusin.

Ảnh: Istanbulite Mag

Thiết kế nhà thờ St. Stephen là sự kết hợp ảnh hưởng của hai trường phái kiến trúc Tân BaroqueTân Gothic. Ngoại thất nhà thờ mang vẻ đẹp duyên dáng và tinh tế, được trang trí rất phong phú, và xây dựng theo mẫu nhà thờ hình thánh giá có ba mái vòm. Bệ thờ bằng đá đối diện với ngọn tháp cao 40m, với 6 quả chuông đúc vươn lên trên cổng cột. Mái vòm nhà thờ gần đây đã được mạ vàng.

Nội thất bên trong nhà thờ St. Stephen Istanbul. Ảnh: 123rf

Quá trình xây dựng

Công trình này được xây dựng rất hiệu quả, cả về mặt thời gian và kỹ thuật. Có một câu chuyện phổ biến về việc này, đó là vị Quốc vương khi đó là Abdülaziz đã không muốn cho phép những người thiểu số Bulgaria theo Chính thống giáo xây dựng nhà thờ. Ông ta bèn cho phép xây dựng nhà thờ St. Stephen với quy định rằng công trình này phải được hoàn thành trong vòng một tháng, và những người Bulgaria bản địa đã làm được điều đó. Nhưng, cũng giống như rất nhiều câu chuyện tuyệt vời khác về thắng lợi của người Bulgaria trước thách thức của vua Thổ Nhĩ Kỳ, câu chuyện này chưa hẳn hoàn toàn đúng với sự thật.

Toàn cảnh nhà thờ St. Stephen trên dải Golden Horn. Ảnh: Aleteia

Câu chuyện thực về xây dựng nhà thờ St. Stephen bắt đầu với việc chính phủ Bulgaria tài trợ cho một cuộc thi thiết kế nhà thờ, người chiến thắng là kiến ​​trúc sư người Armenia Hovsep Aznavur. Chính phủ sau đó bắt đầu quá trình mời thầu đúc khuôn theo thiết kế của Aznavur, cuối cùng đã giao thầu cho Công ty Rudolph Philip Waagner. Công ty này đã thành công trong việc vận chuyển toàn bộ trọng lượng 500 tấn của nhà thờ (đã được tháo rời) đến địa điểm hiện tại ở quận Fatih, Istanbul. Mặc dù trên thực tế nhà thờ đã được lắp ráp nhanh chóng, ngay cả xét theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng nó vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu ban đầu của nhà vua Thổ Nhĩ Kỳ về thời hạn hoàn thành.

Các bức tranh tường trong nhà thờ mô tả cuộc đời của chúa Jesus. Ảnh: WikipediA

Gần đây, nhà thờ St. Stephen đã trải qua một quá trình trùng tu, phục chế kéo dài 7 năm và mở cửa trở lại vào tháng 1 năm 2018. Hiện tại nó có nội thất cực kỳ đẹp mắt, với những tấm màn sắt mạ vàng, ban công và các cột sáng lấp lánh, dưới ánh sáng mờ mờ xuyên qua những ô cửa sổ kính màu.

Biểu tượng thần thánh của nhà thờ, với hai thiên thần hộ vệ. Ảnh: WikipediA

Nhà thờ St. Stephen hiện vẫn đang hoạt động để phục vụ một cộng đồng cơ đốc giáo chính thống nhỏ bé ở Istanbul.

Tổng hợp theo các nguồn: GPSMYCITY, Atlas Obscura, lonely planet, Turkey Travel Planner và WikipediA.

Bạn đang đọc bài viết: “Saint Stephen – Nhà thờ độc đáo và duyên dáng trên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ” tại chuyên mục Nghệ thuật của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: [email protected]. Xin chân thành cảm ơn!

Clip hay:

videoinfo__video3.dkn.tv||2947a11d8__