Người xa xứ hít từng hương Tết xa, mà nhớ cồn cào nơi chôn nhau cắt rốn, nơi nơi tuổi thơ được đếm bằng những trò chơi, những chuỗi cười, những mùa hè nắng đỏ, và mùa Tết đến Xuân về.

Đôi khi cảm giác nhớ nhà giống như một kẻ chủ nợ dễ thương, cứ tới hẹn là đến gõ cửa nhắc cho người đi xa biết xuân đã về. Thế là cồn cào nhớ. Chợ hoa Hàng Lược “hoa chen người đi”, làng đào Nhật Tân mưa bùn dính áo, chợ Hôm chợ Đồng Xuân hương nấm hương tôm, cờ phướn của bà phấp phới, những buổi rửa lá dong và đãi đậu xanh bên giếng ngón tay lạnh đỏ au, nồi bánh chưng to như cái bồn tắm đứng, tiếng củi khô bà nội phơi cả mấy tháng hanh nổ lép bép tung than bụi đỏ au, hộp mứt mẹ mua thấp thỏm đợi chờ, nồi nước mùi đêm 30 Tết. 

Tết của ngày xưa nhan nhác buồn, có khi lam lũ nhưng thơm tho và tràn ngập sắc màu bình yên.

Có năm hồi đang đi học ở châu Âu, đang ngồi giữa một phòng toàn máy tính, bỗng nó thấy ngào ngạt mùi bánh chưng, mắt tràn nước mắt. Con bé sực nhớ ra hôm đó là mồng 1 Tết, vậy mà nó chưa gọi điện hay viết thư về nhà. Năm nay, ở châu Phi, nó được nhắc bằng mùi lá mùi già thơm ngào ngạt một sáng đi làm. Không hề là ảo tưởng. Giống như xuân ở ngay trong cơ thể nó trong từng hơi thở từng tiếng cười. Mỗi lần như vậy nó lại ngẩn ra, hít hít vài hơi, ngó xung quanh để tìm nguồn gốc của cái mùi hương nồng nồng trong mũi nó.

Bỗng thấy ngào ngạt mùi bánh Chưng. (Ảnh: Culumbuk.com)

Được ăn Tết ở Hà Nội giống như một giấc mơ (mà nó đã quên mất rằng đôi khi cũng là ác mộng) trở thành hiện thực. Cảm giác đợi đến ngày xong việc về nhà thắc thỏm hệt như khi xưa mong đến giờ bố mẹ mở hộp Mứt Tết đêm 30, sung sướng như vị ngọt của mứt cà rốt, cay cay mứt gừng, thơm thơm mứt dừa, bùi bùi mứt lạc. Trong tiếng sóng đêm từ biển Triều Tiên dào dạt, tiếng pháo bông nổ đì đọp trên bờ cát, gió đêm lạnh buốt hai gò má, nó chợt thấm thía cảm giác cô đơn của kẻ xa nhà.

Chợ hoa Hàng Lược inh ỏi còi xe, lác đác vài hàng hoa đào, hoa hải đường, hoa lan, hoa mai vàng. Hàng hoa thì ít, hàng Tàu thì nhiều. Người mua thì ít, người dạo ngắm thì hơn. Nó kiếm tìm những nụ cười, những đôi mắt sáng trong, những cành hoa violet vừa khiêm tốn vừa kiêu hãnh. Nó thấy những cánh hoa đào héo buồn thưa thớt, những cái lưng còng và gương mặt ngơ ngác, những lời hỏi giá vu vơ, những dáng điệu uể oải, những ánh mắt đầy thất vọng. Nó chỉ kịp lướt qua chợ như một làn gió hối hả cho kịp giờ hẹn, mắt tìm một ánh mắt quen.

Đêm Giao Thừa không pháo, không sâm-banh, không bố mẹ mừng tuổi, không các con cười đùa. Nó như đang ở một thế giới khác ngay trong chính thế giới mà nó nhung nhớ. Hai cô cháu không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi xem Tivi. Hương vị Tết người ta cố nhào nặn từ trước sao mà lạ lẫm. Vũ công mặc áo dài lụa nhảy disco, ca sỹ khoác áo như tuồng chèo hát nhạc hiện đại, ông Tơ bà Nguyệt nhìn như người nước ngoài, chị Vân Dung duyên thế mà lại thành như nàng Thu Cúc.

Sáng Mồng Một đền Văn Miếu và Quốc Tử Giám nườm nượp người du xuân. Những thầy đồ áo đỏ áo xanh, những nàng áo dài mặc kèm với váy cộc, những đứa trẻ đội khăn vấn tóc, mình thấy choáng ngợp với quá nhiều sắc màu. Con bé cao ngồng giơ điện thoại thẽ thọt “bác chụp giúp nhà cháu cái ảnh”. Mình cười cười “gọi bác là không chụp đâu nhé” rồi vui vẻ bấm máy. Nhìn dòng người chen nhau đi vào đi ra, mình quay bước, giữ lại chiếc vé vào cửa 30 nghìn.

Những thầy đồ áo đỏ áo xanh, những nàng áo dài mặc kèm với váy cộc, những đứa trẻ đội khăn vấn tóc, mình thấy choáng ngợp với quá nhiều sắc màu. (Ảnh: YouTube)

Tết ở nhà ngoại bao giờ cũng đông vui. Tiếng ngoại sai bảo thảng thốt, tiếng cười trêu của các cậu, tiếng xào nấu trong bếp xôn xao. Ngoại bảo: “con ngủ đây đêm nay với bà”… “Nhưng bà ơi, tối nay con có hẹn cafe với bạn, con về muộn sợ bà mất giấc”.

Ngoại hiền hiền buồn buồn gật đầu. Ngoại yêu nó ngoại giữ lại thế thôi, chứ nó biết tính ngoại có người chung giường là ngoại không ngủ được. Ngoại đã hơn 90 tuổi nhưng không lúc nào ngồi yên. “Cái chổi quét nhà không để chịt vào góc thế kia mà phải treo lên cái đinh sau cánh cửa”, “đứa nào đi ra không đóng cửa ngõ cho bà nhỡ trộm nó vào xách mất cái gì thì sao”, “thằng Vinh đi đâu sao giờ này chưa thấy vào với mẹ”.

Ngày Tết, bà để ý gấp đôi, chỉ đạo từng li từng tí mọi thứ trong nhà. Nó ngồi bóp tay cho cụ, rủ rỉ “cái tính hay lo và thích chỉ đạo của con là tại cụ đấy nhé”. Cụ cười khà khà, đánh yêu nó cái độp vào vai. Nó bị đánh mà lòng vui ấm áp.

Phố Tết năm nay buồn buồn. Hàng quán im lìm, xác pháo bông xanh đỏ vô hồn không mùi vị. Thích nhất là sáng sớm phố xá vắng tanh không tiếng còi xe, nó giương ống zoom ngắm nhìn những “người của muôn năm cũ”. Ngại nhất là di chuyển vì không có phương tiện. Đẹp nhất là thời tiết. Xấu nhất là thời trang. Vui nhất là ngồi bên bè bạn. Hạnh phúc nhất là không nghĩ suy. Những cảm nhận về Tết thân quen tan biến đi đâu, bỗng nó thấy mình không chỉ hít hà Tết bằng mũi mà bằng cả năm giác quan còn lại. Thấy nhớ bố mẹ, nhớ gia đình, nhớ cả Tết của ngày xưa.

Ăn xong bữa trưa, nó lên máy bay, mang theo cả hương Tết của Hà Nội trong lòng.

Nguyễn Thuỳ Trang
Cán bộ Liên Hợp Quốc ở Kenya 

Thông tin về tác giả: Chị Nguyễn Thuỳ Trang hiện tại là cán bộ Liên Hợp Quốc chuyên nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm môi trường, bình đẳng giới và phát triển đô thị. Chị sống và làm việc ở Kenya đã được 6 năm. Những dòng tản mạn trên được chị viết trong một dịp về ăn Tết ở Hà Nội sau nhiều năm xa quê hương.